7 cách khuyến khích nhân viên phát huy tối đa năng lực

Một doanh nghiệp thành công là khi biết khai thác & phát huy tối đa năng lực nhân viên vào sự phát triển của tổ chức. Một nhà quản lý xuất sắc là khi biết tạo điều kiện cho nhân viên của mình thể hiện toàn bộ khả năng của mình. Tuy nhiên không phải doanh nghiệp nào, nhà quản lý nào cũng có thể tìm ra đáp án.

Thực tế cho thấy, mỗi nhân viên bình thường chỉ làm việc với 50% khả năng của mình. Nguyên nhân có thể là do công việc nhàm chán, thiếu nhiệt huyết với công việc, không có áp lực, không có động lực…Là nhà quản lý, bạn cần khai thác và phát huy tối đa 50% tiềm năng còn lại của nhân viên. Dưới đây là 7 cách giúp nhà lãnh đạo có thể phát huy tối đa năng lực nhân viên trong doanh nghiệp mình.

1. Đảm bảo và duy trì môi trường làm việc tốt cho nhân viên

Theo báo cáo thường niên của TopCV cho thấy yếu tố mà mỗi nhân sự cần nhất ở một doanh nghiệp là môi trường làm việc. Rất nhiều ý kiến của nhân viên cho rằng môi trường làm việc còn quan trọng hơn đối với nhân viên so với lương thưởng. Vì vậy hãy xây dựng một môi trường làm việc tuyệt vời dành cho nhân viên của bạn để họ có thể thoải mái tinh thần làm việc nhất có thể.

FPT là một trong những doanh nghiệp chú trọng phát triển cơ sở vật chất, xây dựng môi trường làm việc hiện đại, thân thiện. Trong đó có những khu văn phòng được xây dựng theo mô hình campus như F-Ville, F-Town, FPT Complex… nhằm tạo môi trường làm việc sáng tạo giúp nhân viên có thể phát huy tốt nhất khả năng của mình.

2. Phát huy tinh thần tập thể

Công ty cũng như là ngôi nhà thứ hai của mỗi nhân sự, là nơi để mỗi thành viên được cống hiến sức lao động, hỗ trợ nhau trong sự nghiệp. Nếu nhân viên cảm thấy không hạnh phúc khi là một phần của doanh nghiệp, cũng chẳng có gì quá ngạc nhiên khi kết quả làm việc của họ không cao. Điều này kéo theo sự sụt giảm năng suất tổng thể, khiến cho doanh nghiệp khó có thể theo kịp với sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường. Vì vậy một phương án khả thi giúp nâng cao năng lực nhân viên, cải thiện hiệu quả làm việc của doanh nghiệp đó chính là phát huy tinh thần làm việc của nhân viên.

Nhà lãnh đạo hãy tổ chức các hoạt động tập thể nhằm gắn kết tinh thần tập thể của nhân sự. Những hoạt động này sẽ là “mồi” giúp các thành viên thêm hiểu nhau hơn và yêu thích nơi làm việc của họ hơn nữa.

3. Thường xuyên chia sẻ tầm nhìn của tổ chức với thành viên

Đối với mỗi thành viên trong công ty, việc nhận thức và hiểu được tầm nhìn công ty là động lực để cố gắng trong việc. Khi các thành viên biết được mục tiêu trong tương lai của công ty thì họ mới có thể tìm ra đường để cùng đi cùng công ty trên con đường đó. Qua đây các thành viên cũng nhận biết được mục tiêu của mình có thực sự phù hợp với công ty hay không.Hãy chắc chắn rằng toàn bộ nhân sự trong doanh nghiệp có thể nắm được định hướng và tầm nhìn của công ty.

CEO Viettel Nguyễn Mạnh Hùng – Tổng Giám đốc Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel, người nổi tiếng với những quyết định táo bạo được giới truyền thông ví như “linh hồn” hay “kiến trúc sư trưởng” cho những dự án kinh doanh của Viettel. Bí quyết thành công trong quản lý của ông là truyền lại cho những người thuộc thế hệ sau yêu Viettel như lớp người đầu tiên yêu Viettel, để toàn bộ nhân sự tại Viettel cùng cố gắng vì một mục tiêu lớn lao chung.

4. Khen ngợi & khen thưởng khi nhân viên làm việc tốt và có sự cố gắng

Hãy nhớ khen ngợi nhân viên ngay lúc đầu, khi mà họ bắt đầu hiểu và thực hiện được gần đúng công việc. Đừng chờ đến khi nhân viên làm thật đúng rồi mới khen. Những việc làm gần đúng sẽ tạo nên một việc làm thật đúng. Ngoài ra, đừng bao giờ khiển trách hoặc phạt nhân viên khi họ đang tìm tòi, học hỏi cách làm tốt công việc. 

Bên cạnh đó, bạn có thể tạo ra những cơ hội cho các nhân viên ưu tú cơ hội phát triển nghề nghiệp (nhận được thêm nhiều chức vụ và trách nhiệm hơn) hoặc mở rộng nghề nghiệp (hướng đến các chức trách khác nhau).

Đọc thêm: Câu chuyện thỏ & cà rốt: Khen thưởng nhân viên là việc phải làm nhưng không tuỳ tiện

5. Giao thêm nhiệm vụ và trao quyền hợp lý cho thành viên

Một nhà quản lý giỏi là người có thể phân đều việc cho các thành viên trong doanh nghiệp. Việc nhà quản lý cố ôm quá nhiều việc dần sẽ khiến cho họ bị quá tải và căng thẳng trong công việc, thậm chí công việc không hoàn thành đúng kỳ hạn hoặc kết quả không được như ý muốn. Do đó không còn cách nào tốt hơn là hãy hướng dẫn cách làm và giao việc phù hợp cho các thành viên trong công ty. 

Kèm theo đó nhân viên của bạn không thể phát triển nếu họ chỉ làm một việc. Vậy nên hãy lên lộ trình trong công việc và giao thêm nhiệm vụ mới hơn cùng yêu cầu cao hơn. Nhà quản lý cũng nên chú ý rằng nhiệm vụ phải phù hợp với năng lực của từng nhóm, thành viên.

Đọc thêm: Trao quyền cho nhân viên: Nên hay không

6. Tìm ra cách quản lý riêng với từng phòng ban

Mỗi phòng ban trong công ty sẽ có những đặc trưng làm việc riêng, người quản lý cần hiểu cách làm việc để điều chỉnh cho phù hợp với từng phòng. Thậm chí trong mỗi phòng thì mỗi cá nhân đều có những đặc điểm riêng. Chẳng hạn như có người hướng ngoại, có người lại hướng nội…

Vì vậy không thể chỉ áp dụng một cách quản lý dành cho tất cả các phòng ban và cá nhân trong công ty được. Lãnh đạo hãy chú ý quan sát, thu thập thông tin để đưa ra phương pháp quản lý hợp lý nhất. Việc này sẽ giúp mọi thành viên cảm thấy thoải mái và tự tin hơn để phát huy năng lực trong công việc.

Ví dụ: Đối với phòng Marketing có thể sáng tạo không gian làm việc hơn, cho phép đội ngũ Marketing giúp bạn xác định các khu vực của sự khác biệt. Nếu ý tưởng của họ phù hợp với các định hướng – tầm nhìn của bạn, bạn có thể cân nhắc theo sự dẫn dắt của họ.

Với phòng Kinh doanh thì nhà quản lý theo một số tiêu chí như: 

  • Gọi đủ số khách hàng tiềm năng thì sẽ có một số % nhất định chịu gặp
  • Gặp đủ và đeo bám đủ sẽ có một số % khách hàng chịu mua
  • Chăm sóc đủ thì sẽ có 1 số % khách hàng quay lại, vv   

7. Tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh trong công ty 

Hãy tạo ra những phần thưởng để mọi thành viên hướng tới và cố gắng đạt được. Vì không chỉ là hoàn thành công việc được giao, họ còn có thể đạt được những thành tích, phần thưởng trong quá trình làm việc. Tuy nhiên hãy đảm bảo rằng việc khen thưởng phải công bằng với tất cả các thành viên, các phòng ban.

Ví dụ: Tạo ra những cuộc thi về thành tích giữa các phòng ban, thành viên trong phòng với những phần thưởng giá trị như chuyến du lịch trong nước, quà tặng bằng hiện vật, vinh danh trước toàn thể công ty…

Sở hữu được một nguồn nhân lực dồi dào và sẵn sàng hoàn thành tốt từng công việc được giao luôn là điều kỳ vọng của chủ doanh nghiệp. Nhưng trong mọi tổ chức, thuộc mọi lĩnh vực vẫn tồn tại không ít những cá nhân lao động với chất lượng thấp hơn năng lực thật sự của bản thân họ. Hi vọng với 7 cách trên đây, các nhà lãnh đạo có thể tìm ra chiến lược tối đa hoá năng lực nhân viên của mình.