Recap Hội thảo quản trị nhân sự: Thu hút và giữ chân nhân tài bằng văn hóa

Ngày 23/6/2022, hội thảo quản trị nhân sự Thu hút và giữ chân nhân tài bằng văn hóa do TopCV phối hợp với  Hiệp hội Quản trị Nhân sự Hoa Kỳ (SHRM)Học viện Quản lý PACE tổ chức đã diễn ra thành công tốt đẹp tại Tòa nhà PACE – số 341 Nguyễn Trãi, Phường Nguyễn Cư Trinh, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh.

Sự kiện dành cho những người làm nhân sự đang trăn trở trong câu chuyện thu hút và giữ chân nhân tài

Thu hút và giữ chân nhân tài luôn là vấn đề muôn thuở của các doanh nghiệp, đặc biệt khi đại dịch Covid-19 đã tác động mạnh mẽ đến thị trường tuyển dụng. Để có thể hồi phục sau đại dịch, giữ chân nhân sự và nhân tài trong doanh nghiệp là hoạt động cấp thiết không thể thiếu. Thấu hiểu điều đó, TopCV phối hợp với Hiệp Hội Quản Trị Nhân Sự Hoa Kỳ (SHRM) và Học viện Quản lý PACE tổ chức hội thảo THU HÚT VÀ GIỮ CHÂN NHÂN TÀI BẰNG VĂN HÓA nhằm giúp người làm nhân sự tìm ra lời giải cho bài toán thu hút và giữ chân nhân tài.

Với chủ đề hấp dẫn, khai thác đúng nỗi trăn trở của cộng đồng doanh nghiệp tại thời điểm hiện tại, sự kiện đã thu hút hơn 100 người tham dự là các anh chị đang hoạt động trong lĩnh vực nhân sự từ nhiều doanh nghiệp khác nhau. 

Dưới sự dẫn dắt của ông Vũ Đức Trí Thể – Giám đốc Giải pháp Học viện Quản lý PACE, người tham dự đã cùng nhau thảo luận về các nội dung xoay quanh chủ đề Văn hóa Doanh nghiệp, những thay đổi nổi bật của thị trường tuyển dụng trong năm qua cũng như những xu hướng quản trị nhân sự mới.

Recap hội thảo quản trị nhân sự: Thu hút và giữ chân nhân tài bằng văn hóa
Hội thảo Quản trị Nhân sự: Thu hút và giữ chân nhân tài bằng văn hóa với sự đồng hành của ông Vũ Đức Trí Thể – Giám đốc Giải pháp Học viện Quản lý PACE

Điểm qua về bối cảnh thị trường lao động

Mở đầu buổi hội thảo, ông Thể cung cấp cho người tham dự một bức tranh toàn cảnh về các thay đổi của thị trường tuyển dụng & tình hình lao động tại thời điểm hiện tại với 4 bối cảnh chính.

1. Tác động của Covid-19 đến tình hình lao động

Theo báo cáo Tác động của dịch Covid-19 đến tình hình lao động, việc làm quý I năm 2022 do Tổng cục Thống kê công bố, trong quý I/2022 cả nước vẫn còn hơn 16,9 triệu người từ 15 tuổi trở lên chịu tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra rằng trong Quý I/2022, lực lượng lao động đang dần phục hồi tích cực và thị trường đang dần có những khởi sắc đáng ghi nhận.

2. Làn sóng nghỉ việc ồ ạt (The Great Resignation)

Mặc dù đại dịch Covid-19 từng khiến nhiều người rơi vào cảnh thất nghiệp và mệt mỏi đi tìm vị trí mới thế nhưng, hậu đại dịch, làn sóng tự nguyện nghỉ việc (Great Resignation) đã bùng nổ khắp toàn cầu. Anphabe ghi nhận, nguồn nhân lực Việt Nam hiện có 17% thuộc nhóm “siêu nhảy việc” (nhóm nhân viên có xu hướng chuyển việc nhanh gấp 2 lần so với trung bình những nhân sự cùng nhóm tuổi). Tỷ lệ số người gắn bó lâu dài với công ty đang ở mức thấp nhất từ trước đến giờ, chỉ còn 46%.

3. Làm việc linh hoạt (Hybrid Working)

Hybrid Working là mô hình làm việc kết hợp, trong đó nhân viên có một số thời gian làm việc ở văn phòng và một số thời gian làm việc tại nhà qua hình thực trực tuyến. Từ cuối năm 2021, khi xã hội dần chuyển sang trạng thái bình thường mới hậu Covid-19, Hybrid Working được nhắc đến nhiều hơn như một xu thế toàn cầu. Tại Việt Nam, khảo sát của Anphabe cho thấy, có tới 56% số người được hỏi yêu thích hình thức làm việc kết hợp. Chỉ có 40% muốn quay lại làm việc toàn thời gian tại công sở. Thậm chí, có 4% người đi làm sẵn sàng nghỉ việc, chọn các công việc tự do thay thế để được làm việc linh hoạt tại nơi họ thích. 

4. Khoảng cách thế hệ (Generation gap)

Generation Gap: Khoảng cách thế hệ có nghĩa là những khoảng cách ngăn cách niềm tin, suy nghĩ, tư tưởng, lối sống và cách ứng xử giữa thế hệ này với thế hệ khác. Theo ông Thể, xung đột thế hệ đang trở nên phổ biến tại công sở. Trong khi thế hệ X quen với cấu trúc và lịch trình làm việc truyền thống, thế hệ Y và Z lại quen với việc làm linh hoạt, tự do, theo lịch trình riêng. Điều này có thể tác động tiêu cực đến năng suất và sự gắn kết trong công việc. Từ đó, ông Thể cho rằng người làm nhân sự không thể xem nhẹ tác động của yếu tố công nghệ và tâm lý trong quản trị đa thế hệ.

Bản chất của việc THU HÚT và GIỮ CHÂN nhân tài

Trước bối cảnh việc thu hút & giữ chân nhân tài ngày càng trở nên khó khăn do tác động từ bối cảnh thị trường, ông Thể đặt ra 2 câu hỏi gợi mở cho người tham dự, đó là:

(1) Người tài được THU HÚT bởi điều gì?

(2) Những yếu tố nào có tác động đến việc GIỮ CHÂN nhân tài?

Với câu hỏi đầu tiên, có nhiều yếu tố doanh nghiệp có thể sử dụng để thu hút người tài: người lãnh đạo/sếp trực tiếp, môi trường làm việc, cơ hội thăng tiến, văn hóa doanh nghiệp, thương hiệu của nhà tuyển dụng…

Trong đó, ông Thể nhấn mạnh: Thương hiệu nhà tuyển dụng chính là lời hứa của doanh nghiệp về giá trị mang lại cho nhân viên, trả lời cho câu hỏi tại sao doanh nghiệp là nơi xứng đáng để ứng viên tham gia vào. Vì thế, việc định rõ thương hiệu tuyển dụng sẽ giúp doanh nghiệp thu hút đúng ứng viên phù hợp.

Với câu hỏi thứ hai, ông Thể chia sẻ Trải nghiệm của nhân viên (và nhiều yếu tố khác) sẽ tạo ra Sự gắn kết của nhân viên và từ đó phát triển thành Sự gắn bó của nhân viên (và nhiều yếu tố khác). Theo nghiên cứu trong chương trình Quản trị Nhân sự Quốc tế SHRM đã nêu lên rằng, sự gắn kết của nhân sự được thể hiện trực tiếp vào kết quả làm việc của họ:

  • Nhân viên luôn cảm thấy kết nối với sứ mệnh và mục tiêu của tổ chức
  • Tự tạo động lực để cống hiến cho tổ chức
  • Chủ động, sáng tạo và tích cực hơn trong công việc
  • Cải thiện năng suất làm việc và kéo dài thâm niên làm việc

Tại sao nói VĂN HÓA DOANH NGHIỆP là yếu tố cốt lõi để thu hút và giữ chân nhân tài?

Tiếp nối hội thảo, với câu hỏi Tại sao nói Văn hóa Doanh nghiệp là yếu tố cốt lõi để thu hút và giữ chân nhân tài, ông Thể đưa ra 3 dẫn chứng về Văn hóa Doanh nghiệp và sự gắn kết/gắn bó của người lao động thông qua các kết quả báo cáo, khảo sát uy tín:

(1) 35% người được hỏi khẳng định rằng họ sẽ bỏ qua cơ hội làm việc lý tưởng nếu văn hóa tổ chức không thực sự phù hợp. (Robert Half)

(2) Các công ty có Văn hóa Doanh nghiệp mạnh giúp tăng khả năng gắn bó của nhân viên đến 72%, ảnh hưởng trực tiếp tới trải nghiệm của nhân viên với môi trường làm việc. (Denison University)

(3) 82% trong số hơn 7.000 CEO và lãnh đạo nhân sự từ 130 quốc cho rằng: “Văn hóa Doanh nghiệp được coi là một lợi thế cạnh tranh tiềm năng, điểm mạnh để thu hút nhân tài và phát triển bền vững”. Nhưng trên thực tế thì chỉ có 28% doanh nghiệp được khảo sát thật sự hiểu và áp dụng Văn hóa Doanh nghiệp vào vận hành thực tiễn. (Deloitte)

Tiếp tục đào sâu vào vấn đề, ông Thể cũng chỉ ra nguyên nhân chính khiến rất nhiều doanh nghiệp muốn xây dựng văn hóa, nhưng lại không nhiều doanh nghiệp làm điều đó thành công. Đó là:

  • Thiếu nhận thức sâu sắc và đồng bộ về văn hóa và nhìn nhận rõ về tầm quan trọng của văn hóa đối với sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.
  • Thiếu tầm nhìn văn hóa rõ ràng.
  • Thiếu phương pháp luận để xây dựng văn hóa.
  • Thiếu giải pháp đủ thuyết phục để hiện thực hóa phương pháp.
  • Thiếu cam kết và nỗ lực trong quá trình xây dựng văn hóa

Từ đó với câu chuyện văn hóa, vai trò của HR không chỉ là người tham mưu, người khởi xướng, người “chủ xị”, người nêu gương và là người đôn đốc.

Những mấu chốt quan trọng để kiến tạo văn hóa thành công

Theo ông Thể, Văn hóa Doanh nghiệp được cấu thành từ Văn hóa Nền tảng và Văn hóa Bản sắc.

Cấu trúc văn hóa
Cấu trúc văn hóa – Nguồn: Học viện Quản lý PACE

Văn hóa Nền tảng

Được xây dựng trên những nguyên lý trường tồn (Timeless Principles) và những giá trị phổ quát (Universal Values) về tính hiệu quả, Văn hóa Nền tảng (Human Way) là một yếu tố vô cùng quan trọng và không thể thiếu cho bất kỳ tổ chức nào muốn xây dựng cho mình một Văn hóa Bản sắc độc đáo, hay một chiến lược thăng hoa.

“Nếu chiến lược được ví như Hạt thì văn hóa sẽ được xem là Đất. Nếu ‘Đất’ không tốt thì dù có cố gắng cách mấy, ‘Hạt’ cũng không thể nảy mầm và lớn mạnh được”. Ðể chiến lược thăng hoa, thì trước hết phải có văn hóa phù hợp với chiến lược đó. Và trước khi là một tổ chức có Văn hóa Bản sắc độc đáo thì trước nhất, phải là một tổ chức có giá trị bền vững, nếu không sẽ trở nên dị biệt. Cũng như trước khi trở thành một con người có cá tính, thì phải là một con người tử tế.

Văn hóa Bản sắc

Dựa trên Văn hóa Nền tảng, Văn hóa Bản sắc (Corporate Way) được xây dựng, bao gồm:

  • Tầm nhìn & Sứ mệnh (Vision & Mission)
  • Giá trị cốt lõi & Quy tắc hành xử (Core Values & Codes of Conduct)

Phân tích case study: Văn hóa Doanh nghiệp tại Netflix

Nhằm giúp người tham dự có cái nhìn thực tế và gần gũi hơn về Văn hóa Doanh nghiệp, ông Thể đưa ra Case study về Văn hóa Doanh nghiệp của Netflix.

Với mong muốn mang đến những nội dung giải trí cho thế giới, Netflix đã tạo ra một Văn hóa Doanh nghiệp khác biệt, hướng đến sự Tự do và Trách nhiệm (Freedom & Responsibility). Để tìm kiếm sự xuất sắc, Netflix mong muốn giảm thiểu sự nghiêm ngặt và giảm các quy tắc để nhường chỗ cho sự tự do đi kèm trách nhiệm, sáng tạo đi kèm kỷ luật bằng cách:

  • Khuyến khích nhân viên đưa ra quyết định
  • Chia sẻ thông tin một cách cởi mở, rộng rãi và chủ động
  • Trao đổi thẳng thắn và trực tiếp
  • Giữ lại những nhân viên có hiệu suất làm việc cao
  • Tránh các luật lệ, quy tắc cứng nhắc.

Tạm kết

Với thời lượng hơn 2 tiếng đồng hồ, hội thảo quản trị nhân sự Thu hút và giữ chân nhân tài bằng văn hóa đã đem đến nhiều thông tin, chia sẻ hữu ích cho người tham dự về những thay đổi nổi bật của thị trường tuyển dụng trong năm qua và những xu hướng quản trị nhân sự mới. Trong tương lai, TopCV sẽ tiếp tục tổ chức thêm nhiều sự kiện nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực quản trị nhân sự.

Doanh nghiệp quan tâm có thể theo dõi thông tin các sự kiện được cập nhật TẠI ĐÂY hoặc tạo tài khoản nhà tuyển dụng để được thông báo sớm nhất về các sự kiện tiếp theo.

Cảm ơn Hiệp Hội Quản Trị Nhân Sự Hoa Kỳ (SHRM) và Học viện Quản lý PACE  đã đồng hành cùng TopCV trong hội thảo lần này.