Không có website tuyển dụng, không phản hồi ứng viên sau khi nhận hồ sơ ứng tuyển, thay đổi lịch phỏng vấn liên tục … là những sai lầm tưởng như “vô thưởng vô phạt” của các doanh nghiệp vừa và nhỏ khiến cho ứng viên không đến phỏng vấn, từ chối lời mời phỏng vấn, thậm chí là không apply lấy một lần.
Nếu không muốn tiếp tục đánh mất ứng viên như vậy, bạn cần tránh 6 sai lầm phổ biến dưới đây.
#1. Không có website tuyển dụng hoặc website tuyển dụng thiếu chuyên nghiệp
Theo thống kê, 73% số ứng viên luôn tìm kiếm và tham khảo các thông tin của một nhà tuyển dụng qua cả google, fanpage lẫn website tuyển dụng của công ty.
Đây chính là nơi doanh nghiệp tạo ấn tượng đầu tiên với ứng viên của mình. Họ sẽ lặng lẽ quan sát những hình ảnh công ty, văn hoá làm việc, các lợi ích nhận được khi làm việc tại đây. Họ cũng không quên để ý cách mà nhà tuyển dụng nói về sứ mệnh, tầm nhìn.
Từ đó, đưa ra so sánh doanh nghiệp bạn với các nhà tuyển dụng khác và cho ngay ra xếp hạng trong đầu. Thật đáng tiếc nếu bạn không có Website tuyển dụng giới thiệu về công ty của mình, và đáng tiếc hơn khi trên Website tuyển dụng của bạn, các thông tin hời hợt và kém thu hút. Vừa mất tín nhiệm, vừa mất xếp hạng trong mắt ứng viên.
Một số tips dành cho bạn:
- Thiết kế, xây dựng website tuyển dụng ấn tượng
- Soạn mẫu mô tả công việc chính xác, rõ ràng và dễ hiểu
- Kể câu chuyện công ty của bạn thật lôi cuốn từ văn hoá, sứ mệnh đến tầm nhìn cũng như lợi ích,…
- Bổ sung thật nhiều hình ảnh đẹp của công ty để tạo ấn tượng chuyên nghiệp.
#2. Không phản hồi ứng viên sau khi họ ứng tuyển
Trong quá trình tư vấn và nói chuyện với các HR trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ, chúng tôi nhận được câu trả lời rất giống nhau: Họ không có thời gian để phản hồi từng ứng viên.
Do đó, họ sẽ ưu tiên phản hồi những ứng viên lọt qua vòng duyệt hồ sơ, ứng viên tiềm năng, còn lại … để đó. Thậm chí, những bạn ứng viên lọt vào phỏng vấn chờ đợi mỏi mòn lại nhận được một email hẹn lịch phỏng vấn sát ngày. Phỏng vấn xong cũng không nhận được thư hồi âm từ phía doanh nghiệp.
Kết quả của việc không phản hồi hoặc phản hồi chậm các ứng viên của bạn sẽ làm uy tín của nhà tuyển dụng giảm sút nghiêm trọng. Thậm chí các bạn ứng viên sẽ tỏ thái độ không bằng lòng trên các phương tiện Social như Facebook, Instagram,… Điều này thực sự là một “quả bom hẹn giờ” cho thương hiệu tuyển dụng của bạn.
Không chỉ thế, việc phản hồi chậm trễ có thể sẽ khiến bạn đánh mất ứng viên yêu thích của mình vào tay các nhà tuyển dụng đối thủ.
Vậy nên nếu như bạn không muốn xây dựng một hình ảnh thiếu chuyên nghiệp và mất đi những ứng viên ưu tú của mình, đừng bao giờ chậm trễ và hãy luôn phản hồi tất cả mọi ứng viên quan tâm đến công ty của bạn. Hãy coi mỗi ứng viên như một khách hàng – đừng thử thách sự kiên nhẫn và độ bình tĩnh của họ.
Một số tips dành cho bạn:
- Luôn luôn hồi đáp mọi ứng viên khi họ gửi hồ sơ, đến phỏng vấn qua mọi kênh truyền thông của doanh nghiệp: Comment trên website tuyển dụng, trên fanpage, trên các post sharing trên Facebook, trên LinkedIn doanh nghiệp,…
- Sử dụng công cụ để tự động hóa việc phản hồi.
- Đừng phớt lờ những tín hiệu không tích cực của ứng viên.
- Nỗ lực cá nhân hóa từng giao tiếp với ứng viên: Thay vì một email send-all thì ứng viên sẽ trân trọng hơn rất nhiều nếu nhận được email được viết riêng cho họ.
#3. Thay đổi lịch phỏng vấn liên tục
Chúc mừng! Bạn đã có ứng viên để tham gia phỏng vấn. Nhưng khó khăn bây giờ mới bắt đầu. Dù cố gắng đến đâu bạn không thể chạy theo lịch làm việc của các trưởng phòng, quản lý hay giám đốc.
Rất có thể các trưởng phòng của chúng ta đang bù đầu với các cuộc họp, giao ban, thậm chí còn họ còn không biết email thông báo phỏng vấn của bạn trôi dạt nơi đâu giữa vô vàn các email đổ về mỗi ngày. Thậm chí mà sau khi gửi tin xác nhận lịch với ứng viên xong xuôi, các trưởng phòng lại có lịch bận, trước giờ phỏng vấn một tiếng mới báo cho bạn.
Việc thay đổi ngày giờ phỏng vấn liên tục như thế đã làm giảm sút hình ảnh đẹp của công ty trong mắt ứng viên. Họ cảm thấy bị thiếu tôn trọng và chắc chắn sẽ cân nhắc việc ứng tuyển vào một công ty không có khả năng tổ chức như vậy.
Đừng nghĩ rằng ứng viên sẽ sẵn sàng và chấp nhận bất kì lịch phỏng vấn nào bạn sắp xếp. Họ có quyền lựa chọn những nhà tuyển dụng biết trân trọng thời gian và thiện chí của họ. Không chỉ vậy, bạn sẽ khó có thể thanh minh về việc đánh mất ứng viên với sếp của mình và các trường phòng.
Một số tips dành cho bạn:
- Ngay khi lùi hoặc hoãn lịch phỏng vấn đột xuất, hãy email và gọi điện để xin lỗi các ứng viên của mình ngay lập tức. Thậm chí, hãy gửi cho ứng viên của bạn một vài tài liệu để nghiên cứu trước khi phỏng vấn để họ thấy được sự quan tâm của bạn.
- Sử dụng một công cụ ghi chú và nhắc nhở lịch phỏng vấn cho mọi người như Google Calendar. Nếu phải lùi lịch hẹn gấp, hãy gọi điện và gửi mail kèm theo lời xin lỗi chân thành.
#4. Tìm kiếm ứng viên hoàn hảo
Có thể nói đây là top những sai lầm lớn nhất, đứng hàng đầu của nhà tuyển dụng. Vì muốn tìm những người hoàn hảo và cố gắng loại bỏ rủi ro trong tuyển dụng, nhiều doanh nghiệp mất từ ba đến sáu tháng để tìm người phù hợp cho một vị trí nào đó.
Nhưng sự thật là, dù có phỏng vấn kỹ đến đâu thì bạn cũng chỉ có được một số thông tin cơ bản và chỉ thật sự biết được ứng viên có thật sự hợp với công việc không sau khi người ấy làm việc được vài tháng. Hơn nữa, mức độ phù hợp lớn nhất của 1 ứng viên và công việc từng được ghi nhận vào khoảng 70%, cho nên có thể nói việc tìm kiếm yếu tố hoàn hảo là phí công sức.
Một số tips dành cho bạn:
- Tuỳ vào những cấp độ của vị trí tuyển để đưa ra tiêu chí cho từng ứng viên. Ví dụ, tuyển những vị trí then thốt thì nên dành nhiều thời gian để phỏng vấn kỹ, còn đối với những vị trí ở cấp thấp nhất thì sử dụng ít thời gian hơn.
- Mở rộng độ tuổi tuyển dụng, hạ thấp tiêu chuẩn bằng cấp cũng như giản lược các yêu cầu công việc để chiêu mộ những ứng viên tiềm năng. Biết đâu được, một thế mạnh nào đó của họ sẽ giúp cho công ty gặt hái được những thành công lớn.
- Nếu tìm được ứng viên hội đủ 70% điều kiện đặt ra thì xem ra đã có thể ra quyết định được.
- Xây dựng công việc tuyển dụng một cách có hệ thống và có phương pháp lưu trữ đầy đủ các dữ liệu về tuyển dụng như Hồ sơ ứng viên, lịch sử ứng tuyển của ứng viên, kết quả đánh giá,…để tiết kiệm chi phí, nguồn lực cho đợt tuyển dụng sau.
Đọc thêm: 4 chiến lược tuyển dụng theo từng giai đoạn phát triển doanh nghiệp
#5. Không kiểm soát số lượng ứng viên phỏng vấn
Nhiều đơn vị tuyển dụng khi gọi ứng viên đến phỏng vấn thường gọi luôn “hàng loạt”. Điều này làm ứng viên phải chờ đợi rất lâu và mệt mỏi. Nó có thể gây ảnh hưởng đến hình ảnh công ty của bạn, vì sự thiếu chuyên nghiệp. Do đó bạn phải phân chia lịch phỏng vấn rõ ràng, phân chia theo từng nhóm nhỏ như vậy thì sẽ giúp bạn tiết kiệm thời gian và tạo sự chuyên nghiệp trong tác phong phỏng vấn.
Một số tips dành cho bạn
- Tuỳ từng vị trí ngành nghề, lựa chọn kênh đăng tuyển phù hợp. Nếu như Linkedin phù hợp để tuyển các nhân sự cấp cao thì TopCV lại là nơi tìm kiếm nhân sự trẻ dưới 5 năm chất lượng…
- Sau khi có lượng CV đổ về, hãy sàng lọc kỹ theo những tiêu chí, yêu cầu công việc để lựa chọn những ứng viên thật sự tiềm năng, phù hợp với văn hoá công ty. Sau đó mới tiến hành gọi hay gửi email mời phỏng vấn.
- Khi hẹn lịch phỏng vấn, đa số địa điểm phỏng vấn là tại công ty nên tuỳ không gian để sắp xếp số cuộc phỏng vấn trong ngày. Tránh tối đa việc ứng viên đến phỏng vấn mà phải chờ đợi quá lâu.
#6. Tuyển dụng gấp gáp
Chúng ta – những người thuộc bộ phận tuyển dụng thường hay đối mặt với những yêu cầu tuyển người với thời gian eo hẹp từ ban giám đốc, các trưởng phòng khác.
Việc phải sàng lọc hàng trăm hồ sơ, làm việc với các công ty tuyển dụng và trải qua nhiều cuộc phỏng vấn để chọn được 1-2 ứng viên tiềm năng là những nguyên nhân dẫn đến việc đốt cháy giai đoạn. Không lọc đơn, bỏ qua vòng phỏng vấn, chuẩn bị hồ sơ câu hỏi sơ sài và gấp rút ra quyết định sẽ dẫn đến những hậu quả khó lường. Tuyển dụng không thể làm qua loa đại khái mà cần phải có một khoản thời gian nhất định cho mỗi khâu.
Một số tips dành cho bạn:
- Phòng nhân sự thường xuyên theo sát, khích lệ tinh thần làm việc của các nhân sự khác trong công ty để hạn chế tối đa tỷ lệ nghỉ việc, nhất là trong thời điểm khó tuyển dụng như tháng 11, 12.
- Khi có yêu cầu tuyển dụng, bạn cần làm việc thật rõ ràng với ban giám đốc về thời gian tuyển, chất lượng ứng viên và ngân sách.
- Chủ động tạo nguồn ứng viên dự phòng trong trường hợp cần tuyển gấp hay nhân viên part-time.
- Sử dụng tool (công cụ) quản lý CV để kiểm soát lượng CV đổ về cũng như kết quả tuyển dụng.
Đọc thêm: Bí quyết sàng lọc hồ sơ nhanh và hiệu quả cho nhà tuyển dụng
Tuyển dụng được ví như bạn đang chơi một ván bài. Đôi khi bạn đang cầm trên tay những con bài tốt mà không nhận ra hoặc không tận dụng được để giành thế thắng. Vậy nên các bước đi trong một ván bài rất quan trọng, nó quyết định kết quả của cả ván bài. Tránh được 6 sai lầm được đề cập trên đây là 1 bước đi khôn ngoan để giảm thiểu rủi ro cho kết quả cuối cùng này.