7 điều người làm tuyển dụng buộc phải biết để thăng tiến trong nghề

Những điều được đúc kết dưới đây, người làm tuyển dụng chuyên nghiệp phải thật nhớ để phát triển tốt trong nghề và tạo ra nhiều giá trị hơn từ chính công việc của mình.

Nhiều người hay nghĩ: “Làm tuyển dụng có gì khó, ai cũng có thể làm được tuyển dụng”, “chỉ cần đăng tin lên các website đăng tin tuyển dụng xong về ngồi chờ ứng viên nộp hồ sơ, ít ngày sau thì tha hồ chọn lựa, xong thì gọi điện thoại hẹn phỏng vấn và offer”…Nhưng kỳ thực, tuyển dụng cũng là một nghề làm dâu trăm họ, khó đủ bề. Đọc bài Nỗi lòng của người làm nhân sự: “Nếm đủ đắng, cay, ngọt, bùi…” để hiểu và cảm nhận được hết những khó khăn trong công việc này.

Tuyển dụng mà tìm được ứng viên tốt giống như trúng số. Tìm sai người, thì có lỗi với lãnh đạo phòng ban. Mà tìm được người tốt mà sắp xếp vị trí không phù hợp thì có lỗi với ứng viên. Nếu tìm được người giỏi thật sự nhưng quỹ lương không đáp ứng lại đau lòng.

Người tuyển dụng có tâm và tầm phải rèn luyện rất nhiều chứ không đơn giản như chuyện người ta thường nói. Thế nên, để công việc tuyển dụng thật sự có ý nghĩa và tạo ra nhiều giá trị hơn, có những điều này người làm tuyển dụng buộc phải biết.

#1. Người làm tuyển dụng là đại diện doanh nghiệp trong mắt ứng viên

Công ty tốt mà có người tuyển dụng thiếu chuyên nghiệp thì chắc chắn chịu ảnh hưởng. Thậm chí có thể dẫn đến thất bại về thương hiệu và làm sụp đổ các giá trị của tổ chức. Hãy nhớ, chính người làm tuyển dụng là đại sứ hình ảnh của doanh nghiệp, là bộ mặt của doanh nghiệp giúp thu hút được nhân tài về cho công ty.

#2. Người làm tuyển dụng phải là “chiến binh sales + marketing” thực thụ

Người làm tuyển dụng cũng là người “bán hàng”, chỉ có điều, mặt hàng họ mua bán là con người. Tìm ra được ứng viên thì phải bán được công việc với họ, thậm chí là cạnh tranh với nhiều đối thủ khác nếu sản phẩm đó “hot” quá.

Nhưng hãy nhớ, bán gì thì bán, không bán vị trí với bức tranh màu hồng, thêu hoa dệt gấm cho ứng viên, mà bán cả bó hoa hồng có gai, bức tranh đầy đủ gam màu sáng tối cho họ biết và cân nhắc. Tuyệt đối không lừa dối ứng viên để được việc của mình.

Thêm nữa, để tạo cho mình sự ứng biến và tư vấn phù hợp, kể cả cân đối ngân sách và trình độ ứng viên mình chọn, bạn cần biết tiêu chuẩn ứng viên của mình, công việc và thị trường chung thế nào. Có như vậy, hiệu quả tuyển dụng mới cao.

#3. Không nhất thiết phải tìm người xuất sắc mà là tìm người PHÙ HỢP

Thẳng thắn mà nói, một số ứng viên hiện nay chỉ cần phù hợp ngân sách, đáp ứng trình độ cần thiết, biết cách hành xử là đủ sức với HR Manager. Tuy nhiên, làm tuyển dụng là bạn TUYỂN người khác DỤNG nên bên cạnh chuyên môn vững vàng, thì sự phù hợp rất quan trọng. Tuyển được ứng viên phù hợp ngân sách, đáp ứng trình độ cần thiết, biết cách hành xử và hoà hợp với môi trường làm việc, đã là thành công to lớn của người tuyển dụng rồi.

#4. Sẵn sàng đối mặt với tình huống bỏ cuộc giữa chừng của ứng viên

Ứng viên trẻ “bùng” phỏng vấn, không nhận việc… là rất phổ biến. Bình tĩnh và chấp nhận điều đó, vì sẽ có hàng tá tình huống tương tự xảy ra. Tuy nhiên, đừng vì thế mà có thái độ bi quan và thành kiến với việc tuyển dụng, vì không phải tất cả ứng viên đều tệ. Hãy thể hiện bản lĩnh và sự chuyên nghiệp của mình. Đừng đăng đàn than vãn, thay vào đó tiếp tục đãi cát tìm vàng, vàng lẩn khuất đâu đó dưới lớp “cát thị trường lao động” đồ sộ.

Đọc thêm: Nên làm gì khi ứng viên không đến phỏng vấn?

#5. Người làm tuyển dụng cần “đọc hiểu” ứng viên qua CV

Một bản CV không nói lên tất cả về khả năng hay kinh nghiệm, sự phù hợp của ứng viên nên đừng vội bỏ qua nếu bạn có thời gian cho họ (tất nhiên trừ những CV quá sơ sài, ẩu tả). Đôi khi một mẫu CV đơn giản, không ấn tượng nhưng qua một vài câu hỏi ngắn qua điện thoại, bạn lại phát hiện họ là ứng viên tiềm năng.

Lưu ý: Một bản CV hoàn chỉnh, đẹp đẽ thì càng nên cẩn trọng vì nó có thể khiến bạn rơi vào trạng thái mù quáng, thiên vị ngầm vì có cảm tính nên không đủ tỉnh táo để kiểm chứng với ứng viên trong vòng phỏng vấn.

Đọc thêm: Bí quyết sàng lọc hồ sơ nhanh chóng và hiệu quả dành cho nhà tuyển dụng

#6. Phỏng vấn ứng viên mới là có thêm bài học mới

Là người tuyển dụng, bạn có quyền hỏi. Tuy nhiên lời khuyên là đừng sa đà vào hỏi chuyên môn nếu bạn không có kiến thức nền tảng. Thay vào đó, hãy hỏi ứng viên về cách ứng xử, về quan điểm, về cách làm việc, các thành tựu. 

Bản thân người tuyển dụng, gặp gỡ ứng viên cũng là cơ hội để học hỏi, không phải là một buổi hạch sách, đấu trí hay chứng tỏ ai hơn thua. Hãy mở rộng kiến thức thông qua tìm hiểu trước về vị trí công việc đó, về công ty ứng viên đã từng làm để có bức tranh chung.

Đọc thêm: Mẫu câu hỏi và cách đánh giá ứng viên trong vòng phỏng vấn cuối cùng

Lưu ý:

  • Trong lúc phỏng vấn, hãy cố tìm hiểu lý do ứng viên rời bỏ công cũ và đến với công ty bạn vì lý do gì. Vì nhiều khả năng sau này lý do họ rời bỏ bạn cũng sẽ có khả năng rơi vào đó.
  • Lương của ứng viên cũng là điều bạn nên hỏi để biết được nhu cầu về tài chính của họ, từ đó đưa ra offer phù hợp nhất.
  • Nếu cần làm bài test hay quy trình phỏng vấn kéo dài, bạn nên trao đổi với ứng viên truớc để tránh “đứt gánh giữa đường”. Một số ứng viên sẽ không thích test, một số không thích đi lại nhiều lần. Thời đại bây giờ không còn là xin việc. Mà là chọn việc và chọn đối tác vậy nên đừng làm mất thời gian của nhau. Phỏng vấn online cũng là một lựa chọn tiện lợi.

#7. Đăng tin tuyển dụng chuyên nghiệp

Đăng tin tuyển dụng thì phải đăng. Chiêu trò nội dung vui cũng đuợc nhưng đừng sáng tạo quá thành hại. Kiểu như một số tiêu đề: “Truy tìm tội phạm…bắt đuợc nhốt thử việc” “Bán ứng viên” “Nằm dài chờ đợi”… Tiêu chuẩn vẫn là tiêu chuẩn. Đừng đánh đồng sáng tạo với việc hạ thấp cách giao tiếp. Ứng viên tốt ít khi dễ dãi và xuề xòa, người tuyển dụng tốt cũng như vậy.

Đọc thêm: Tổng hợp những website nhiều người xem nhất hiện nay

Tạm kết

Làm tuyển dụng hay bất cứ nghề nào cũng vậy, phải làm sao để doanh nghiệp, ứng viên nhắc đến mình với sự tôn trọng nhất định và xem mình là đối tác. Bạn không thể kiểm soát cách người ta nghĩ hay nói về mình được, nhưng chất lượng làm việc và sự chân thành của bạn sẽ làm người ta nhớ đến và cảm thấy tiếc khi không còn được hợp tác với bạn nữa. Đó chính là giá trị của bạn…

Theo TopHRchia sẻ của anh Trần Phước Tuấn – HRM Auchan Việt Nam