Nguồn nhân lực được xem là yếu tố cốt lõi dẫn đến sự thành công của tổ chức. Một doanh nghiệp sở hữu đội ngũ nhân viên sáng tạo, chất lượng mới có thể mang đến hiệu quả kinh doanh và tạo ra sự phát triển bền vững. Vì vậy, việc tập trung xây dựng, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực là mục tiêu hàng đầu cần được các nhà quản lý chú trọng.
Để hiểu hơn về khái niệm, lợi ích và các phương pháp phát triển nguồn nhân lực, các nhà lãnh đạo và nhà quản lý có thể tham khảo những chia sẻ sau từ TopCV Việt Nam.
1. Khái niệm nguồn nhân lực và những tiêu chí đánh giá chất lượng nguồn nhân lực
Theo khái niệm từ Liên Hợp Quốc, nguồn nhân lực là nguồn cung cấp sức lao động, trong đó có yếu tố sức khỏe, kiến thức, năng lực, kinh nghiệm và tính sáng tạo cho một tổ chức. Nguồn nhân lực – nhân viên là những nhân tố tham gia trực tiếp và gián tiếp vào quá trình tạo ra giá trị cho doanh nghiệp.
Những tiêu chí giúp nhà quản lý đánh giá chất lượng nguồn nhân lực:
- Hiệu quả công việc (KPI hoặc OKR)
- Đánh giá theo cấp độ trong mỗi đội, nhóm, theo chức danh làm việc (cấp trên đánh giá cấp dưới)
- Đánh giá nội bộ từ bộ phận nhân sự, bộ phận quản lý phúc lợi và lương thưởng (C&B)
- Đánh giá mức độ hài lòng của nhân viên qua hoạt động tổ chức khảo sát về chính sách đãi ngộ, môi trường, văn hóa công ty, cơ hội phát triển, khả năng thăng tiến trong công việc,…
- Phản hồi khách quan: Từ phía khách hàng, đối tác,…
- Tỷ lệ nhân viên nghỉ việc, lý do nghỉ việc
Từ những tiêu chí trên, nhà quản lý có thể dựa vào đó để đánh giá mức độ hiệu quả của phương án phát triển nguồn nhân lực hiện tại. Nếu phương án đưa ra đã thực sự phù hợp, mang đến kết quả tốt, nhà quản lý có thể xây dựng thêm các chính sách hấp dẫn hơn giúp giữ chân người lao động. Nếu phương án đưa ra và áp dụng chưa thực sự phù hợp, bộ phận quản lý doanh nghiệp cần kịp thời điều chỉnh, bổ sung chính sách mới giúp phát triển nguồn nhân lực một cách hiệu quả.
2. Vai trò của nguồn nhân lực? Lợi ích khi doanh nghiệp phát triển tốt nguồn nhân lực
Jack Welch đã từng khẳng định: “Trước khi bạn trở thành người lãnh đạo, thành công chính là việc phát triển bản thân. Khi bạn đã trở thành một nhà lãnh đạo, thành công chính là việc phát triển những người khác”. Như vậy, đối với các nhà quản lý, việc phát triển nguồn nhân lực được coi là nhiệm vụ tối quan trọng trong quá trình điều hành, quản trị.
2 khía cạnh thể hiện rõ nhất tầm quan trọng của nguồn nhân lực đối với sự phát triển bền vững của doanh nghiệp có thể kể tới cụ thể như sau:
2.1. Tạo ra lợi nhuận bền vững cho doanh nghiệp
Mỗi thành viên trong doanh nghiệp đều là một “mắt xích”, “bánh răng” tham gia trực tiếp vào toàn bộ hoạt động của doanh nghiệp như sản xuất, cung cấp, phục vụ. Nhờ có nguồn nhân lực, mọi quy trình được vận hành trơn tru, thu về giá trị vật chất (lợi nhuận). Không dừng lại ở đó, nhân viên cũng đóng góp trực tiếp vào quá trình xây dựng thương hiệu, văn hóa của doanh nghiệp.
2.2. Tạo vị thế cạnh tranh trên thương trường
Lợi nhuận cao không phải là tất cả yếu tố để tạo nên một doanh nghiệp tồn tại bền vững. Để tăng trưởng vững vàng, các tổ chức cần thường xuyên thúc đẩy đội ngũ, xây dựng các chương trình đào tạo, nâng cao năng lực, cập nhật xu hướng và tri thức cho nhân viên. Việc ngăn sự phát triển của một cá nhân không chỉ khiến họ trở nên tụt hậu mà còn khiến doanh nghiệp theo thời gian dần tụt lại phía sau. Ngược lại, tổ chức đầu tư vào phát triển nhân viên, liên tục củng cố, cập nhật kiến thức mới và đáp ứng về sức khỏe thể chất, tinh thần người lao động sẽ tạo ra bước đà mạnh mẽ thúc đẩy doanh nghiệp không ngừng tiến về phía trước.
Đặc biệt, với bối cảnh năm 2023, thị trường kinh doanh gặp nhiều biến số, doanh nghiệp chịu tác động dưới áp lực kinh tế toàn cầu, nguồn lực giỏi khan hiếm cùng những hạn chế trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Vững tâm trước bài toán giữ chân nhân tài, phát triển nguồn nhân lực sẽ là một phương pháp tiết giảm chi phí, tạo nên lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp hoàn thành tốt các kế hoạch mục tiêu trong năm.
3. Các hoạt động, phương pháp phát triển nguồn nhân lực hiệu quả
Hiểu được khái niệm, vai trò của phát triển nguồn nhân lực, nhà quản lý có thể tham khảo một số phương pháp để tăng cường và phát triển nguồn lực hiệu quả như sau:
3.1. Tổ chức đào tạo và phát triển kỹ năng cho nhân viên
Đào tạo và phát triển kỹ năng nguồn nhân lực là quá trình giúp cho nhân viên của một tổ chức phát triển kỹ năng cá nhân, nâng cao năng lực cũng như đào tạo những kỹ năng mới để phù hợp với yêu cầu công việc. Điều này là rất quan trọng trong quá trình phát triển nguồn nhân lực của tổ chức, giúp tăng năng suất lao động, giảm chi phí đào tạo mới và cải thiện chất lượng sản phẩm/dịch vụ.
Một số hình thức đào tạo và phát triển kỹ năng cho nhân viên:
- Tổ chức đào tạo tập trung theo phương pháp truyền thống
- Tổ chức đào tạo tập trung theo các khóa học trực tuyến
- Tổ chức chia sẻ 1-1 giữa nhà quản lý – nhân viên nội bộ
- Tổ chức đào tạo theo từng cấp, đẩy mạnh đào tạo cấp quản lý
3.2. Xây dựng môi trường, văn hóa làm việc tích cực
Xây dựng môi trường làm việc tích cực là một trong những hoạt động doanh nghiệp nên thực hiện để phát triển nguồn nhân lực. Một môi trường làm việc tích cực không chỉ giúp nhân viên cảm thấy có động lực và sẵn sàng học hỏi những kỹ năng mới, mà còn giúp tăng cường sự hợp tác và tinh thần đồng đội giữa các thành viên trong tổ chức.
Một số hình thức xây dựng môi trường làm việc tích cực:
- Tạo môi trường, không gian làm việc thoải mái
- Tạo không khí làm việc cởi mở, dễ dàng trao đổi, đóng góp ý kiến
- Đưa phản hồi, đánh giá tích cực, ghi nhận thành tích của cá nhân, đội nhóm
- Hỗ trợ các chương trình cân bằng giữa công việc và cuộc sống tinh thần cho nhân viên
3.3. Thiết lập mục tiêu rõ ràng, đưa ra tiêu chí và đánh giá hiệu quả công việc chính xác
Nhà quản lý cần cung cấp cho nhân viên những mục tiêu làm việc cụ thể và dựa vào đó để đánh giá hiệu suất và đo lường kết quả. Việc đánh giá hiệu quả công việc rất quan trọng trong quá trình doanh nghiệp thực hiện quản lý và phát triển nguồn nhân lực của tổ chức. Đánh giá hiệu quả công việc cũng giúp cho các nhân viên có thể biết được mình đang làm tốt đến đâu, từ đó có thể cải thiện năng lực của mình để phù hợp với yêu cầu công việc. Việc này không chỉ giúp cho tổ chức có thể tối đa hoá hiệu quả của nguồn nhân lực mà còn giúp các nhân viên có thể phát triển bản thân để đạt được sự nghiệp tốt nhất.
Quy trình đánh giá hiệu quả công việc của nhân viên:
- Xác định tiêu chí đánh giá
- Đặt mục tiêu
- Theo dõi tiến trình làm việc và đánh giá
- Đưa ra phản hồi mang tính chất xây dựng
- Tạo điều kiện cho nhân viên phát triển
3.4. Cung cấp phúc lợi và chính sách hấp dẫn cho người lao động
Bằng cách đảm bảo các phúc lợi hấp dẫn, chính sách hỗ trợ cho nhân viên, doanh nghiệp có thể thu hút và giữ chân những ứng viên, nhân viên có chuyên môn cao và năng lực vượt trội. Khi nhân viên cảm thấy hài lòng với chính sách phúc lợi của công ty, họ sẽ được tiếp thêm động lực gắn bó và tạo ra kết quả công việc tốt hơn, từ đó góp phần vào sự phát triển bền vững của tổ chức.
Một số chương trình phúc lợi, chính sách cho người lao động mà nhà quản lý có thể áp dụng:
- Chính sách giờ làm việc linh hoạt
- Chương trình đào tạo, phát triển năng lực, kỹ năng nghề nghiệp
- Đảm bảo các chính sách phúc lợi về bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn lao động, bổ sung chế độ nghỉ phép, du lịch công ty, chương trình chăm sóc sức khỏe
- Tăng gắn kết cùng các hoạt động xây dựng môi trường làm việc thân thiện
Hy vọng, những chia sẻ trên sẽ giúp các nhà quản lý có thể hiểu hơn và đầu tư vào các hoạt động giúp phát triển nguồn lực trong chính tổ chức. Kết nối sâu hơn với nhân viên sẽ là “vốn quý” để doanh nghiệp ngày càng lớn mạnh trong bất kỳ bối cảnh nào!