Ngày 25/04/2025 vừa qua, sự kiện hybrid TopCV Insights #28: Tương lai nhân lực ngành Tài chính – Ngân hàng đồng tổ chức bởi TopCV Việt Nam (TopCV) và Hiệp hội Kế toán Công chứng Anh quốc ACCA đã diễn ra thành công, thu hút sự tham gia của hơn 130 anh/chị (Online & Offline) là các nhà quản lý nhân sự và chuyên viên trong lĩnh vực Tài chính – Ngân hàng.

Trước ảnh hưởng của làn sóng AI và sức nóng từ Cuộc chiến thuế quan (Tariff War) trên toàn thế giới, ngành Tài chính – Ngân hàng đang bước vào giai đoạn chuyển mình mạnh mẽ từ tái cấu trúc hệ thống, tối ưu nguồn lực sẵn có, đến định nghĩa lại vai trò của con người trong kỷ nguyên của dữ liệu.
Sự kiện TopCV Insights #28 được tổ chức với mục tiêu tạo không gian thảo luận về các chủ đề nóng hiện nay trên thị trường, trở thành diễn đàn kết nối giữa các nhà quản lý nhân sự và chuyên gia trong mảng Tài chính – Ngân hàng, qua đó tìm kiếm lời giải cho bài toán chuyển đổi nguồn nhân lực để đổi mới và thích ứng.
Để tạo nên thành công của chương trình, Ban Tổ Chức TopCV Insights xin được gửi lời cảm ơn chân thành tới 3 vị diễn giả:
- Bà Phạm Hoàng Ngọc Linh: Thành viên điều hành, Trưởng Bộ phận Tư vấn Nguồn nhân lực và Thay đổi – KPMG Việt Nam.
- Ông Vũ Việt Dũng: Trưởng đại diện – VNHR Miền Bắc, Chủ tịch – Key Person Academy
- Bà Nguyễn Hồng Nhung: Thành viên Ban điều hành – Ngân hàng LPBank

Sự kiện TopCV Insights #28: Tương lai nhân lực ngành Tài chính – Ngân hàng: Hình ảnh 3 diễn giả xuất hiện tại sự kiện
Dưới đây là một số phần nội dung đáng chú ý được TopCV Insights tổng hợp và tóm tắt lại sau sự kiện:
1. Cuộc chiến thuế quan đang làm thay đổi cục diện tình hình phát triển kinh tế toàn thế giới
Trong phần chia sẻ từ phía KPMG, bức tranh kinh tế toàn cầu được cập nhật với nhiều biến động đáng chú ý. Dưới ảnh hưởng của Trump 2.0 và sự thay đổi về chính sách thuế quan, báo cáo mới nhất vào cuối 04/2025 của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm, khác hẳn so với báo cáo tăng trưởng tích cực hồi đầu tháng 01/2025.

Hình ảnh: Biểu đồ Dự báo tình hình tăng trưởng kinh tế thế giới (IMF)
Sự thay đổi này áp lực lên toàn bộ hệ thống tài chính và các nhà đầu tư trên toàn thế giới. Cộng thêm vấn đề già hóa dân số và sự xâm nhập của Generative AI, cắt giảm nhân sự là một trong các phương án nhằm giảm tải áp lực cho hoạt động sản xuất – kinh doanh.
2. Không phải “lỗi” của AI, doanh nghiệp nào cũng cần tái cấu trúc
Từ quan điểm của 3 vị diễn giả, không chỉ do ảnh hưởng của AI hay công nghệ, trên thực tế, bất kỳ tổ chức nào cũng đều phải vận hành, và yêu cầu chuyển đổi và tái cấu trúc luôn diễn ra ở các thời điểm quan trọng.
Tái cấu trúc không đơn thuần là phản ứng trước khủng hoảng, mà còn là chiến lược chủ động để thích nghi với xu thế mới và duy trì lợi thế cạnh tranh. Trong bối cảnh 2025, khi mà công nghệ, địa chính trị và nhu cầu thị trường thay đổi nhanh chóng, việc các tổ chức “đứng yên” chính là một rủi ro lớn. Mỗi tổ chức cần chủ động nâng cao khả năng Quản trị sự thay đổi (Change Management) như một năng lực lõi, thay vì “ứng phó” khi buộc phải đối mặt với thay đổi.
Hệ thống ngân hàng, với vai trò là huyết mạch của nền kinh tế sẽ đóng vai trò tiên phong trong việc thích ứng, thử nghiệm và triển khai các chiến lược tái cấu trúc nhằm duy trì hiệu quả và dẫn dắt nền kinh tế trước các biến động của thị trường. Không chỉ dừng lại ở việc tái cấu trúc nội bộ, các ngân hàng còn cần định hình mới cách thức phục vụ khách hàng và xây dựng lại hệ thống đo lường hiệu quả hoạt động. Từ phía nội bộ, nhân sự trong bối cảnh mới cần có khả năng học hỏi linh hoạt, tư duy dữ liệu, và kỹ năng tương tác với công nghệ như một phần tất yếu và thành thạo ứng dụng vào phục vụ khách hàng.
3. Tận dụng AI làm đòn bẩy chiến lược giúp tối ưu nguồn lực
Khác với thông điệp “xã hội hóa” AI mang tính đại trà, với quy mô doanh nghiệp, cần chỉ rõ cho người lao động biết ứng dụng AI vào đâu trong quy trình, AI nằm ở khâu nào ở từng phòng ban, từng nhiệm vụ cụ thể.
Dưới đây là bộ kỹ năng ứng dụng AI quan trọng của một nhân sự trong ngành Tài chính – Ngân hàng, được KPMG chia thành 2 nhóm chính:
- AI Business Skills: Tập trung vào tư duy chiến lược, quản trị thay đổi, quản lý dữ liệu, và thiết kế trải nghiệm người dùng.
- AI Technical Skills: Là nhóm kỹ năng chuyên sâu, phục vụ trực tiếp cho việc triển khai và tối ưu hệ thống AI trong ngân hàng

Hình ảnh: Kỹ năng ứng dụng AI cần thiết của nhân sự ngành Ngân hàng (KPMG)
Để đào tạo nguồn lực và triển khai thành công bộ kỹ năng trên, yêu cầu doanh nghiệp không chỉ dừng lại ở việc truyền thông định hướng chung chung, mà cần xây dựng một kế hoạch triển khai và đào tạo có lộ trình rõ ràng. Trong đó, đội ngũ lãnh đạo đóng vai trò nòng cốt, hiểu công nghệ ở mức kỹ thuật và tiên phong trong việc ứng dụng AI vào vận hành, qua đó tạo niềm tin và thúc đẩy sự chuyển đổi đồng bộ trong toàn tổ chức.
Trong phiên chia sẻ của bà Nguyễn Hồng Nhung (LPBank), bà cũng nhấn mạnh rằng kỹ năng ứng dụng công nghệ, đặc biệt là AI – Là một trong 7 yếu tố cốt lõi giúp nâng cao hiệu quả quản trị vận hành và tạo nền tảng cho một tổ chức ngân hàng hiện đại, thích ứng linh hoạt với biến động thị trường. Tham khảo chi tiết về 7 yếu tố trong slide dưới đây:

Hình ảnh: 7 yếu tố giúp nhà quản trị vận hành tổ chức xuất sắc (LPBank)
4. 8 năng lực kết nối quan trọng
Theo khảo sát từ KPMG Global CEO Outlook, 79% CEO cho rằng họ đang đóng vai trò then chốt trong việc kết nối tổ chức theo cách mà các thế hệ lãnh đạo trước chưa từng làm được. Chuyển đổi số ngày nay không chỉ là nâng cấp công nghệ mà là tái thiết toàn bộ cách doanh nghiệp vận hành và tạo giá trị thông qua khả năng kết nối.
8 năng lực kết nối (Connected Capabilities) được xác định là yếu tố cốt lõi giúp doanh nghiệp có xác suất nâng cao gấp đôi hiệu suất:
- Chiến lược dựa trên dữ liệu (Insight-driven strategies & actions)
- Sản phẩm & dịch vụ sáng tạo (Innovative products & services)
- Thiết kế trải nghiệm người dùng (Experience-centricity by design)
- Tương tác và thương mại liền mạch (Seamless interactions & commerce)
- Chuỗi cung ứng linh hoạt (Responsive operations & supply chain)
- Lực lượng lao động đồng bộ & được trao quyền (Aligned and empowered workforce)
- Kiến trúc công nghệ số (Digitally-enabled tech architecture)
- Hệ sinh thái đối tác tích hợp (Integrated partner & alliance ecosystem)

Hình ảnh: 8 năng lực kết nối quan trọng tại doanh nghiệp (KPMG)
5. Chủ động đổi mới & thích ứng:
Theo nghiên cứu từ ông Vũ Việt Dũng (Key Person Academy), trong những năm tới, các ngân hàng Việt Nam sẽ cần tuyển thêm khoảng 13.000 – 25.000 nhân sự mỗi năm để đáp ứng tốc độ phát triển của thị trường, đặc biệt ở các vị trí kinh doanh và chuyên viên khách hàng ưu tiên với yêu cầu khả năng cá nhân hóa và tư duy dịch vụ hiện đại.
Ở góc độ toàn cầu, theo chia sẻ của bà Phạm Hoàng Ngọc Linh (KPMG) trích từ Báo cáo Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), có đến 39% kỹ năng quan trọng trong tương lai hiện vẫn chưa được xác định rõ. Điều này mở ra nhiều cơ hội cho thế hệ lao động trẻ linh hoạt, đa nhiệm và sẵn sàng thích ứng với nhiều vai trò.
————
Qua sự kiện TopCV Insights #28, chúng tôi hy vọng Quý Anh/Chị đều đã tích lũy được thêm nhiều kiến thức và góc nhìn kinh nghiệm về thị trường ngành Tài chính – Ngân hàng trong bối cảnh mới, để từ đó có thể chủ động xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực và sẵn sàng thích ứng trước những biến động của thị trường.
Trong tương lai, TopCV sẽ cùng các đối tác tổ chức thêm nhiều sự kiện nhằm mang lại cho cộng đồng người làm nhân sự thêm nhiều kiến thức, kinh nghiệm giá trị, từ đó đồng hành cùng doanh nghiệp thu hút và giữ chân nhân tài hiệu quả, hướng đến phát triển bền vững.
Doanh nghiệp quan tâm có thể theo dõi thông tin các sự kiện được cập nhật từ các kênh truyền thông (Fanpage, LinkedIn, Blog) của TopCV hoặc tạo tài khoản nhà tuyển dụng để được thông báo sớm nhất về các sự kiện tiếp theo.
Hẹn gặp lại Anh/Chị tại các sự kiện sắp tới của TopCV!