Một doanh nghiệp không có sứ mệnh rõ ràng như con thuyền ra khơi không có la bàn vậy. Mông lung. Mờ mịt. Người tài giỏi có về họ cũng sẽ sớm ra đi.
Khi xây dựng doanh nghiệp, bất kỳ chủ doanh nghiệp nào cũng muốn mời được nhân sự tài năng về làm việc cho mình. Tuy nhiên, nhân tài như lá mùa thu, tìm thấy đã khó, tuyển về càng khó hơn. Dưới đây là câu chuyện có thật của một vị giám đốc nọ kể về lần mời nhân tài về làm việc.
Câu chuyện được chia sẻ trên các diễn đàn quản trị nhân sự, và nhận được nhiều ý kiến phản hồi. Thiết nghĩ, là chủ doanh nghiệp hay người làm nhân sự cũng nên đọc câu chuyện này để rút kinh nghiệm.
Bài học nhớ đời khi mời nhân tài về làm việc
Một giám đốc nọ sau khi trúng thầu dự án cho công trình tại Hà Nội, đã thuê một đội công nhân gồm 200 người về làm việc. Hơn cả kỳ vọng, đội công nhân dưới sự quản lý của anh A đã làm việc cực kỳ chuyên nghiệp, nghiêm túc và hiệu quả.
Với sự nhạy bén của mình, vị giám đốc đó biết chắc anh A là người mà công ty mình còn thiếu, nếu có được anh ấy, công ty sẽ như “hổ mọc thêm cánh”, chẳng mấy chốc mà “xưng bá một phương”.
Tìm thấy người tài thì không ai bỏ lỡ. Vị giám đốc cố tình bắt chuyện với anh A mỗi lần xuống công trường, hỏi thăm về công việc, gia đình như một người bạn. Dần dần, hai người trở nên thân nhau hơn, chia sẻ với nhau rất nhiều thứ.
Cho đến một ngày, trực giác của vị giám đốc mách bảo rằng, thời điểm để “chốt hạ” đã đến. Vị giám đốc hẹn anh A đi cà phê trò chuyện. Sau một hồi lâu rôm rả thì vị giám đốc đặt ly cà phê xuống bàn, hạ thấp giọng, đưa ra lời đề nghị nghiêm túc:
“Anh A, anh về làm với em đi!”
Cả hai đều “khựng” lại mất một giây, không khí xung quanh dường như bị ai đó cô đặc lại, ép lên người mạnh tới mức có thể cảm nhận được từng nhịp đập của tim, từng nhịp căng ra của mạch máu não và từng hơi thở đang cọ vào thành lồng ngực.
Vị giám đốc vừa hy vọng, vừa phấn khích nhưng cũng vừa lo lắng – ba thứ cảm xúc trộn vào nhau trong cùng một khoảnh khắc!
Anh A đang vui vẻ thì bỗng dưng khuôn mặt trở nên nghiêm túc khác thường, quay sang thì chạm vào ánh mắt đầy nhiệt tình, hồ hởi và có chút căng thẳng của vị giám đốc. Anh trầm tĩnh nói:
“Sứ mệnh của em là gì, sứ mệnh của công ty em là gì?”
Đang từ hồ hởi thì vị giám đốc bắt đầu trở nên bối rối và tự hỏi chính mình: “Ơ, sứ mệnh của công ty mình là gì nhỉ?”
Giữa lúc bối rối, còn chưa tìm ra được câu trả lời thì vị giám bị “dội” một gáo nước lạnh từ “ứng viên” của mình:
“Thế thì tại sao anh phải đi theo em?”
Vị giám đốc thầm nghĩ: Tại sao anh A lại không hỏi về lương thưởng, cổ phần mà lại đi hỏi cái sứ mệnh viễn vông kia. Rồi anh A giảng giải một hồi lâu, chứng minh cho vị giám đốc kia thấy, nếu muốn có người tài về làm cho mình thì doanh nghiệp cần phải có sứ mệnh rõ ràng.
Sau buổi gặp gỡ đó, vị giám đốc nghiệm ra rằng: Người tài họ muốn đồng hành lâu dài cùng doanh nghiệp, thực hiện một sứ mệnh nào đó chứ không đơn thuần là lương thưởng, chức vụ hay cổ phần.
Sau khi về đến nhà, vị giám đốc trên đã đăng tải câu chuyện này của mình trên các diễn đàn quản trị nhân sự, và nhận được rất nhiều ý kiến đồng tình. Một doanh nghiệp không có sứ mệnh rõ ràng như con thuyền ra khơi không có la bàn vậy. Mông lung. Mờ mịt. Người tài giỏi có về họ cũng sẽ sớm ra đi.
Nhân bàn về sứ mệnh đối với hiệu quả tuyển dụng, các chuyên gia nhân sự đã có những chia sẻ về vai trò của nó.
Vai trò quan trọng của sứ mệnh đối với sự trường tồn của doanh nghiệp
- Tác động lên mọi quyết định và trở thành tác nhân chính trong các việc quan trọng như phân bổ nguồn lực, tuyển dụng nhân viên, lập kế hoạch hoạt động và đánh giá sự thành công…
- Là kim chỉ nam hướng mọi người đến hiệu quả cao trong công việc, góp phần nâng cao hiệu suất của doanh nghiệp.
- Đẩy mạnh sự hình thành các ý tưởng đổi mới quan trọng nhằm phát triển doanh nghiệp bền vững lâu dài.
- Tập hợp lực lượng để giúp doanh nghiệp vượt qua các trở lực.
- Giúp tạo sự ổn định cho doanh nghiệp trên thương trường khi xuất hiện những khó khăn, kể cả trong trường hợp doanh nghiệp chưa xác định được hướng đi rõ ràng.
- Làm cho thương hiệu gắn bó hơn với các hoạt động thực tế.
- Tạo một lợi thế cạnh tranh trong việc thu hút nhân tài.
- Tạo động lực cho các nhân viên làm việc hết mình, mang lại sức sống mới trong doanh nghiệp.
- Góp phần làm phong phú cuộc sống của mỗi người vì trong suy nghĩ của mọi người, công việc không chỉ đơn thuần là công việc, mà là điều có ý nghĩa để đeo đuổi lâu dài.
Thông thường, trước khi xây dựng được một nền văn hóa doanh nghiệp có bài bản và đẳng cấp, các nhà quản trị phải đầu tư tâm trí cho việc phác họa và định hình rõ sứ mệnh cơ bản của doanh nghiệp. Ở đó, họ nêu nguyên nhân doanh nghiệp ra đời và tồn tại, cách mà doanh nghiệp hướng tới các mục đích của mình, sự khác biệt so với các đối thủ cạnh tranh trong việc đạt được các mục tiêu đã đề ra, những lợi ích mà doanh nghiệp sẽ đem lại cho cuộc sống của đội ngũ nhân viên, những điều doanh nghiệp muốn các nhân viên dồn mọi nỗ lực để thực hiện thành công…
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia xây dựng nhãn hiệu nội bộ cho biết hơn 50% nhân viên không tin tưởng vào tuyên bố sứ mệnh của doanh nghiệp và không được trang bị đầy đủ kỹ năng, kiến thức để hiện thực hóa sứ mệnh ấy.