Tìm kiếm và tuyển dụng ứng viên tài năng, đặc biệt là các nhân tài công nghệ trong lĩnh vực IT là một trong những thách thức tuyển dụng lớn nhất hiện nay. Không chỉ các chuyên gia nhân sự tại Việt Nam mà các doanh nghiệp trên toàn thế giới cũng đang phải “vật lộn” với bài toán này. Theo khảo sát của Indeed, gần 9/10 người được hỏi (86%) cho biết họ cảm thấy khó khăn khi tìm kiếm và tuyển dụng các vị trí trong ngành IT, với hớn ⅓ (36%) nói rằng họ cảm thấy rất khó khăn.
Vậy đâu là giải pháp để thiết lập chiến lược “săn” ứng viên IT tài năng, tạo đà bứt phá trong kỷ nguyên số? Hãy tìm hiểu trong bài viết sau.
Tại sao lương cao, đãi ngộ tốt mà vẫn khó tuyển nhân tài IT?
Theo báo cáo Thị trường IT 2020 của TopDev, mức lương trung bình mà đa phần các công ty sẵn sàng trả cho các Developer có kinh nghiệm là $1329/ tháng (hơn 30 triệu VNĐ). Một số các công ty công nghệ sẵn lòng trả mức lương cao hơn so với thị trường và cam kết tăng tới 20% lương cho các ứng viên có 2 năm kinh nghiệm, đi kèm với đó là các phúc lợi ưu đãi khác. Thậm chí với các lập trình viên có nhiều năm kinh nghiệm ở các vị trí như Machine Learning/ AI Engineer, Data Scientist và DevOps Specialist có thể nhận mức lương xấp xỉ $2000 mỗi tháng tùy theo năng lực.
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp chào mời mức lương cao, thậm chí là khá “khủng” vẫn không tìm được IT ưng ý. Vậy tại sao lại có tình trạng trên?
Sự chênh lệch giữa “cung” và “cầu”
Từ trước đến nay, nhu cầu tuyển dụng ngành IT chưa bao giờ hết “nóng” Theo các số liệu về thị trường CNTT, nhu cầu tuyển dụng trong ngành IT năm 2019 tăng gấp 2,5 lần so với năm 2018, dự báo năm 2020 sẽ tiếp tục tăng với số lượng nhân sự tuyển dụng cao gấp 1,6 lần năm 2019. Năm 2020, Việt Nam cần hơn 400.000 nhân lực và dự kiến năm 2021 là 500.000.
Đấy là về phía “cầu”, còn về “cung”: hiện tại mỗi năm các cơ sở đào tạo ra khoảng 50.000 nhân sự cho ngành IT, tuy nhiên chỉ 30% trong số đó đáp ứng kỳ vọng của doanh nghiệp. Sinh viên ra trường chưa đạt yêu cầu làm việc chuyên môn, không có kỹ năng thực hành, hơn nữa các kỹ năng mềm (giao tiếp, teamwork, quản lý thời gian,…) còn yếu. Với sự mất cân bằng giữa cán cân “cung” và “cầu” có chất lượng, cuộc chiến thu hút, giữ chân nhân tài IT giữa các công ty ngành càng gay gắt hơn.
Tuy nhiên, bên cạnh nguyên nhân khách quan do thị trường nguồn nhân lực, có những lý do đến từ chính doanh nghiệp và nhà tuyển dụng khiến hành trình đi “săn” ứng viên IT tài năng trở nên khó khăn hơn.
Quá tập trung vào yếu tố lương thưởng mà quên đề cập đến môi trường và văn hóa công ty
Hầu hết các công ty công nghệ hiện nay luôn có xu hướng cạnh tranh nhau về mặt lương thưởng để “lôi kéo” các ứng viên về “đầu quân”. Tuy nhiên, đối với lập trình viên, lương và đãi ngộ chưa phải là yếu tố hàng đầu ảnh hưởng tới quyết định đầu quân vào một công ty. Và trong tuyển dụng IT, cạnh tranh về giá là con đường dẫn tới bế tắc.
Tuyển dụng “lấp chỗ trống”, không quan tâm xây dựng thương hiệu tuyển dụng
Một thực trạng đáng lo ngại trong lĩnh vực tuyển dụng ngành IT là tuyển dụng “lấp chỗ trống”, chỉ đến khi thiếu người mới lo đi tìm người. Việc đăng tin tuyển dụng ồ ạt với mức lương rất cao trên các kênh tuyển dụng, rồi lại đột ngột im ắng nguội lạnh khi đã tuyển được người dường như đã không còn được ứng viên đánh giá cao.
10 Giải pháp thiết lập chiến lược tuyển dụng IT hiệu quả
#1 Hiểu rõ vị trí mà bạn đang tuyển dụng
Để thiết lập được chiến lược tuyển dụng IT hiệu quả, bản thân nhà tuyển dụng phải hiểu rõ về nhu cầu tuyển dụng của công ty và vị trí doanh nghiệp tìm kiếm:
- Vị trí công việc nào đang còn thiếu?
- Số lượng nhân sự cần tuyển dụng là bao nhiêu?
- Mục đích, nội dung công việc đó như thế nào?
- Trách nhiệm và ảnh hưởng của vị trí đó trong tổ chức?
- Các kỹ năng và kinh nghiệm cần thiết để đảm nhiệm vị trí này?
Càng liệt kê được chi tiết các yêu cầu, thông tin của vị trí, nhà tuyển dụng càng dễ dàng xây dựng các tiêu chuẩn sàng lọc để tìm kiếm nhân tài.
#2 Thấu hiểu insight ứng viên IT tài năng
Để thành công trong việc tìm kiếm, thu hút và tuyển dụng nhân tài công nghệ, bạn phải thực sự hiểu rõ đối tượng ứng viên mà doanh nghiệp đang hướng đến.
Theo Khảo sát Toàn cầu của Stack Overflow’, một số con số sau đây sẽ giúp nhà tuyển dụng có thêm góc nhìn về các nhân tài IT đang ẩn giấu:
- Hơn 90% nhân sự trong ngành IT là nam giới
- Khoảng ¾ nhân sự ngành IT đang ở độ tuổi dưới 35
- Gần 90% lập trình viên cho biết, họ có xu hướng tự học thêm những ngôn ngữ lập trình mới mà không qua đào tạo bài bản.
- 57% nhân sự IT được khảo sát có ít hơn 5 năm kinh nghiệm lập trình chuyên nghiệp
- “Nhảy việc” dường như đã là thói quen của ngành nghề này – hơn một nửa số người được hỏi thừa nhân họ nghỉ việc chỉ sau 2 năm gắn bó với một vị trí.
Khảo sát của Stack Overflow cũng cung cấp một số insight chi tiết về ứng viên ngành IT: Khi đánh giá một cơ hội làm việc mới, các nhân tài công nghệ sẽ quan tâm đến lương thưởng và các chế độ, quyền lợi đầu tiên, sau đó là các công nghệ mà họ sẽ làm việc cùng.
#3 Truyền tải thông điệp tuyển dụng bằng ngôn ngữ công nghệ
Nếu bạn thực sự muốn thấu hiểu các nhân tài công nghệ và xây dựng mối quan hệ với họ, bạn phải học cách để “nói” ngôn ngữ của họ.
Việc nắm bắt những kiến thức cơ bản về ngôn ngữ công nghệ sẽ giúp bạn có thể thể trao đổi với ứng viên một cách chính xác và rõ ràng hơn về công việc hiện tại của họ hay định hướng làm việc trong tương lai. Đừng lo lắng, bạn không cần phải là một chuyên gia công nghệ để viết tin tuyển dụng dưới dạng mã code, đơn giản bạn chỉ cần có những kiến thức cơ bản về ngôn ngữ lập trình và đảm bảo nó có tính thông dụng trong ngành IT mà thôi.
Nếu bạn không rành về ngôn ngữ công nghệ, TopHR có thể giúp bạn!
→ Tham khảo Trọn bộ 100 mẫu tin đăng tuyển dụng các ngành nghề – Tổng hợp những tin đăng tuyển hiệu quả nhất thu hút 200+ lượt ứng tuyển do TopCV tổng hợp và biên soạn
#4 Thu hút nhân tài IT với những chế độ đãi ngộ hấp dẫn
Bên cạnh lương thưởng là yếu tố không thể bỏ qua để thu hút các ứng viên IT tài năng, doanh nghiệp có thể đưa ra các đãi ngộ đặc biệt để “câu” nhân tài:
Hãy tham khảo những yếu tố hàng đầu khiến ứng viên IT hài lòng hơn ở công việc theo Báo cáo Thị trường IT 2020 của TopDev:
- Được đào tạo bài bản & phát triển kỹ năng chuyên sâu
- Lộ trình phát triển sự nghiệp rõ ràng
- Mức lương, thưởng, đãi ngộ xứng đáng
- Dự án và công nghệ thử thách, thú vị
Bên cạnh đó, đừng quên trang bị cho các ứng viên các sản phẩm công nghệ như một đãi ngộ đặc biệt. Điều này được các “ông trùm” về công nghệ như Samsung, Apple, LG,… áp dụng.
#5 Đưa ra thử thách với ứng viên của bạn
Các ứng viên IT hàng đầu rất thích được thử thách bản thân mình. Đối với họ, các bài test chính là cách để thể hiện kiến thức và kỹ năng của mình. Hãy giao cho ứng viên một đề bài mà bản thân họ cũng không chắc là có thể xử lý được hay không, khi đó họ sẽ bị thu hút và ngay lập tức “nhảy vào” để thử sức mình.
Các công ty như Quora và Stripe đã ứng dụng rất tốt bí quyết này. Trên website của mình, công ty liên tục đưa ra những thách thức khơi gợi sự tò mò và mong muốn chinh phục của ứng viên IT. Khi các tài năng công nghệ giải quyết được bài toán này, họ phải gửi đáp án của mình qua email. Đó là cách duy nhất để biết rằng đáp án của họ có đúng hay không? Và qua đó, bộ phận tuyển dụng của công ty có thể dễ dàng “săn” được những ứng viên IT tài năng nhất.
Đây cũng là một ví dụ rất hay về chiến thuật xây dựng Talent Pool cho kế hoạch nhân sự dài hạn của công ty.
#6 Làm cho thử thách trở nên thú vị
Tuy nhiên, không phải thử thách nào cũng khiến các ứng viên IT hào hứng. Thử thách không thôi là chưa đủ, thử thách phải thú vị mới khiến họ phải “nhảy vào” ngay lập tức.
Vậy doanh nghiệp làm thế nào để khiến những thử thách, bài đánh giá năng lực ứng viên trở nên thú vị?
Gợi ý đầu tiên là thêm một chút bí ẩn và yếu tố bất ngờ trong thử thách. Hãy tham khảo cách Masswerk đã làm, họ tạo ra một trang lỗi 404 có chủ ý, ẩn giấu một thử thách cho các lập trình viên. Điều này không chỉ tạo ra sự thích thú cho các nhân tài công nghệ mà bản thân nó cũng là một bài test năng lực phân loại ứng viên IT rất hiệu quả, vì không phải ai cũng đủ năng lực để nhận ra thử thách đó.
Một cách khác để đưa ra thử thách thú vị cho tài năng công nghệ là thông qua chính sản phẩm của doanh nghiệp. Ví dụ như Uber đã “săn” ứng viên IT tài năng thông qua một thử thách xuất hiện trong chính ứng dụng của Uber với tên gọi “Code on the Road” đưa ra cho người dùng dịch vụ trong quá trình họ đi xe.
#7 Chú trọng đầu tư vào công nghệ
Nhân sự IT ngày nay luôn mong muốn được trải nghiệm làm việc với những công nghệ tiên tiến mà họ thấy hứng thú. Công nghệ mà một công ty IT sử dụng nói lên nhiều điều về chính công ty đó.
Đừng biến công ty bạn thành một nơi lỗi thời, không đáng để phát triển sự nghiệp. Hãy luôn dành thời gian, ngân sách để cải tiến những công nghệ bạn đang có như công cụ, ngôn ngữ, nền tảng và các thiết bị công nghệ. Đây sẽ chiếc chìa khóa quan trọng để thu hút ứng các ứng viên IT hàng đầu.
#8 “Săn” ứng viên IT tài năng từ các sự kiện lớn về công nghệ
Theo báo cáo Thị trường IT Việt Nam năm 2020 của TopDev, có đến 62,9% nhân sự IT tại Việt Nam thuộc nhóm Passive Candidates. Do đó, nhà tuyển dụng sẽ khó có thể tìm kiếm những ứng viên IT tài năng nhất nếu chỉ đăng tin tuyển dụng trên các website việc làm hay trang tuyển dụng của doanh nghiệp.
Vậy, doanh nghiệp có thể “săn” nhân tài công nghệ ở đâu? Hãy tham khảo một số gợi ý sau:
- Các website cộng đồng công nghệ như GitHub, Stack Overflow
- Các diễn đàn công nghệ như Diễn đàn Tinh Tế (tinhte.vn/forums/), Vozforum.com, Techrum.vn, Diễn đàn tin học (ddth.com), Vforum.vn
- Các sự kiện cộng đồng công nghệ: các sự kiện của Google Developer Group Ha Noi (Hà Nội), Scrum Breakfast (TP. Hồ Chí Minh), xDay – Đại học FUNix (Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh),…
- Mạng xã hội: Facebook, LinkdeIn,….
Các sự kiện lớn về công nghệ là một trong những cách hiệu quả nhất để thu hút ứng viên trong lĩnh vực IT. Đây là nơi gặp gỡ, giao lưu và học hỏi giữa các tài năng về công nghệ. Điều này không chỉ giúp nhà tuyển dụng tìm kiếm, khoanh vùng và tiếp cận các nhân tố tiềm năng và còn tạo cầu nối, thiết lập các mối quan hệ, giúp những nhà quản lý nhân sự trực tiếp giới thiệu và chia sẻ về con người, văn hóa, định hướng của doanh nghiệp mình.
Các sự kiện cộng đồng công nghệ: các sự kiện của Google Developer Group Ha Noi (Hà Nội), Scrum Breakfast (TP. Hồ Chí Minh), xDay – Đại học FUNix (Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh),…
#9 Triển khai chương trình nhân viên giới thiệu ứng viên
Chí lớn thường gặp nhau, người tài trọng người tài. Các doanh nghiệp có thể tìm thấy những ứng viên tuyệt vời thông qua chính đề xuất từ những nhân viên xuất sắc của mình. Xây dựng và triển khai chương trình nhân viên giới thiệu ứng viên là một gợi ý lý tưởng, tuy nhiên hãy luôn đảm bảo sự rõ ràng, minh bạch trong cơ chế.
Bên cạnh đó, nhân viên của bạn không giới thiệu ai đó chỉ để nhận tiền thưởng đâu. Họ giới thiệu người khác bởi vì họ tin tưởng vào năng lực của ứng viên đó, và tin tưởng vào công ty mà họ đang làm việc. Vì vậy, muốn chương trình nhân viên giới thiệu ứng viên đem lại hiệu quả như mong muốn, trước tiên doanh nghiệp của bạn phải trở thành một nơi tuyệt vời để làm việc.
#10 Tìm kiếm nhân tài IT không thể bỏ qua các nền tảng tuyển dụng số
Công nghệ đã và đang là một công cụ đắc lực, một “vũ khí” với sức mạnh không thể phủ nhận trong hoạt động tuyển dụng ở nhiều doanh nghiệp, đặc biệt trong bài toán tìm kiếm và tạo nguồn ứng viên. Doanh nghiệp muốn chiêu mộ nhân tài IT không thể bỏ qua yếu tố công nghệ khi xây dựng chiến lược tuyển dụng: nền tảng tuyển dụng số, các giải pháp tuyển dụng ứng dụng công nghệ.
Tiên phong ứng dụng Trí tuệ Nhân tạo (AI) và Học máy (Machine Learning) trong giải quyết bài toán tuyển dụng, TopCV là nền tảng kết nối hiệu quả doanh nghiệp và người tìm việc, được Google cố vấn chuyên sâu về công nghệ.