Cách tuyển dụng trên LinkedIn hiệu quả dành cho HR

Bất kỳ người làm nhân sự nào cũng biết đến LinkedIn nhưng không phải ai cũng biết cách khai thác để gia tăng hiệu quả tuyển dụng cho doanh nghiệp. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ đưa ra một số tips tuyển dụng trên LinkedIn hiệu quả, giúp HR nhanh chóng tìm được ứng viên phù hợp và tạo dựng được nguồn hồ sơ chất lượng trong những tháng tiếp theo.

LinkedIn đang nhanh chóng trở thành trang mạng xã hội việc làm và kinh doanh số một, đặc biệt ở Mỹ. Tại Việt Nam, LinkedIn được xem là công cụ tuyển dụng mạnh mẽ và đáng gờm. Theo thống kê, hiện nay trang này đang cung cấp hơn 19 triệu hồ sơ cá nhân, bao gồm 145.000 hồ sơ giám đốc điều hành, và cứ mỗi phút có 25 thành viên mới tham gia. Do đó, nếu doanh nghiệp bỏ qua nó sẽ mất đi vô vàn lợi thế trên thị trường lao động đang cạnh tranh vô cùng khốc liệt.

Hiện nay, LinkedIn đang cung cấp song song hai hình thức tuyển dụng: MIỄN PHÍTRẢ PHÍ. Tùy thuộc vào nhu cầu & ngân sách của doanh nghiệp, HR có thể cân nhắc lựa chọn một trong hai để bắt đầu dấn thân vào “chiến trường” tuyển dụng trên LinkedIn.

Tuyển dụng miễn phí trên LinkedIn

Dù doanh nghiệp có ngân sách tuyển dụng hay không cũng nên sử dụng hình thức miễn phí này. Hãy tham khảo những bước sau để biến kế hoạch tuyển dụng miễn phí trên LinkedIn của bạn trở nên hiệu quả:

#1. Xây dựng trang LinkedIn cho công ty của bạn

Trước khi bắt đầu tìm kiếm và kết nối với ứng viên, doanh nghiệp cần có một trang tài khoản đáng tin cậy trên LinkedIn.

Company-Pages-LinkedIn

Mặt tiền phần giới thiệu Trang Công ty của LinkedIn

Để gia tăng độ tin cậy của trang, HR cần điền đầy đủ thông tin về doanh nghiệp. Hãy cố gắng viết phần mô tả công ty sao cho thật hấp dẫn. Đừng quá sa đà trình bày chúng quá dài dòng, thay vào đó, bạn chỉ cần nêu một cách ngắn gọn và xúc tích 3 yếu tố chính sau: văn hóa, tầm nhìn và phúc lợi cho nhân viên.

Đọc thêm: Thu phục nhân tài bằng sứ mệnh doanh nghiệp

#2. Thường xuyên chia sẻ những nội dung hữu ích

Giống như fanpage trên facebook, khi đã tạo xong trang doanh nghiệp, HR cần “chăm sóc” nó một cách kỹ lưỡng để quảng bá văn hoá doanh nghiệp, xây dựng thương hiệu nhà tuyển dụng.

Một số nội dung mà HR có thể cập nhật chia sẻ hàng tháng:

  • Giới thiệu những sản phẩm hay dịch vụ mới ra mắt của công ty bạn
  • Những thành tựu đáng nhớ, có thể bao gồm những thành tựu trong và ngoài công ty
  • Tin ngắn về tình hình kinh doanh của công ty bạn
  • Sự kiện nổi bật mà công ty bạn đứng ra tổ chức hay trực tiếp tham gia.

#3. Đăng tin tuyển dụng lên trang tài khoản công ty

Khi trang công ty của bạn trên LinkedIn đã có một lượng lớn người theo dõi thông qua các hoạt động chia sẻ nội dung, xây dựng hình ảnh trước đây, HR có thể tận dụng để đăng tin tuyển dụng để tuyển người tài.

Chỉ cần đăng tải thông tin việc làm dưới dạng một bài đăng thông thường trên trang, chúng sẽ trực tiếp hiện lên newsfeed của những người theo dõi. Theo con đường đó, những ứng viên tiềm năng hoàn toàn có thể tương tác và ứng tuyển khi đọc được những mẩu tin này.

#4. Tìm kiếm ứng viên theo từ khóa

Nếu Google có thể tìm tất cả mọi thứ bằng từ khoá thì trên LinkedIn, HR hoàn toàn có thể liên hệ với những ứng viên tiềm năng thông qua chức năng tìm kiếm tương tự.

Bằng cách kết hợp những từ khoá về chức vụ, công ty hiện thời, kỹ năng, kinh nghiệm…Bạn sẽ tìm ra và kết nối được với những ứng viên phù hợp nhất. Một số thủ thuật dưới đây sẽ giúp bạn tiết kiệm đáng kể thời gian, gia tăng độ chính xác và chủ động hơn trong việc tìm kiếm:

Tìm kiếm cụm từ chính xác với dấu ngoặc kép “…”.

Ví dụ: “HR manager” sẽ mang lại những kết quả liên quan hơn so với từ khóa HR manager.

Sử dụng công thức định danh từ khoá

Hiện LinkedIn đang hỗ trợ 5 lệnh định dạng như sau:

  • Firstname – Tìm kiếm người dùng dựa theo tên
  • Lastname – Tìm kiếm người dùng dựa theo họ
  • Title – Tìm kiếm người dùng dựa theo vị trí công việc hiện tại
  • Company – Tìm kiếm người dùng dựa theo công ty đang làm việc
  • School – Tìm kiếm người dùng dựa theo trường đã theo học

Ví dụ: Bạn cần tìm một người tên Quân Nguyễn với chức danh Account Manager tại công ty X? Hãy sử dụng lệnh [firstname:quan lastname:nguyen company:x].

Tìm kiếm kết hợp nhiều từ khoá với lệnh AND

Ví dụ, để tìm kiếm ứng viên có cả 3 từ khóa Facebook Ads, AdWords và SEO trong profile, bạn chỉ cần nhập lệnh [facebook ads AND adwords AND seo].

Tìm kiếm theo các từ khoá tương đương với lệnh OR

Ví dụ, nếu bạn cần tìm một người có kinh nghiệm về HR hoặc HR Admin đều được, bạn có thể dùng lệnh [hr OR hr admin]. Lệnh OR sẽ giúp bạn tìm được nhiều kết quả hơn bình thường.

Loại bỏ kết quả không liên quan với lệnh NOT

Ví dụ, để tìm một người làm Marketing nhưng không phải Trade Marketing, bạn có thể dùng lệnh [marketing NOT trade]

Tìm kiếm nâng cao nhiều lệnh với dấu ngoặc đơn ( )

Ví dụ, để tìm một người có từ khóa Brand Manager nhưng không phải Assistant to Brand Manager tại Unilever hoặc Procter & Gamble, hãy sử dụng lệnh [(brand manager NOT assistant) AND (unilever OR procter & gamble)].

Khi đã tìm được ứng viên mong muốn, hãy kiểm tra xem tài khoản của họ có kết nối chung nào với công ty của bạn không. Nếu có, hãy nhờ kết nối chung đó giới thiệu bạn và bắt đầu tiếp cận với ứng viên đó ngay lập tức.

#5. Đăng tin tuyển dụng trong các nhóm trên LinkedIn

Trên LinkedIn, bạn có thể tham gia các nhóm và theo dõi những người có ảnh hưởng có liên quan đến ngành của bạn. Bằng cách này, bạn tăng khả năng hiển thị của công ty trên nền tảng. Hãy nhớ mục tiêu của bạn là:

  • Đóng góp những thông tin, bài chia sẻ hữu ích cho các nhóm
  • Đăng tin tuyển dụng trong các nhóm phù hợp.
  • Nếu người dùng LinkedIn phản ứng tích cực với bài đăng của bạn, bạn luôn có thể mời họ đến với bạn, theo dõi trang công ty của bạn.
tuyen-dung-tren-group-linkedin-tophr

Tìm kiếm ứng viên tiềm năng trên các Group của LinkedIn

Để thao tác này đạt hiệu quả, bạn cần nghiên cứu và tìm kiếm những nhóm ngành nghề liên quan đến vị trí công ty đang tuyển và đăng tải tin tuyển dụng vào đó. Đồng thời, xây dựng cho mình một Profile LinkedIn thật đẹp, thật đầy đủ thông tin để được duyệt vào nhóm nhanh nhất.

Tuyển dụng trả phí trên LinkedIn

Nếu doanh nghiệp “chơi lớn”, sẵn sàng chi trả cho LinkedIn hàng tháng thì hình thức này sẽ phát huy tối đa hiệu quả khi cần tuyển những vị trí cấp cao, tuyển dụng số lượng nhiều.

Điểm khác biệt giá trị giữa tài khoản trả phí và miễn phí trên LinkedIn là InMail hay nói đúng hơn là phạm vi contact với các ứng viên tiềm năng. Nếu dùng LinkedIn miễn phí, bạn sẽ phải nhờ cậy đến những kết nối chung nếu muốn liên lạc với ứng viên nằm ngoài mạng lưới connection. Đổi lại, khi dùng LinkedIn trả phí, bạn có thể tương tác trực tiếp với họ thông qua InMail.

Có 2 hình thức tài khoản trả phí trên LinkedIn: Premium và Recruiter.

Lợi ích khi tuyển dụng trên LinkedIn Premium

Với 47.99$ (gói phí thấp nhất, có 15 InMails trong tài khoản) đến 74.99$ (gói phí cao nhất, có 30 InMails trong tài khoản), bạn sẽ nhận được những lợi ích sau:

  • Cung cấp cho bạn 15 tin nhắn InMail miễn phí để liên hệ với những ứng viên nằm ngoài mạng lưới công ty của bạn.
  • Chia sẻ và đưa việc làm tiếp cận tới hơn 500 triệu ứng viên trong mạng lưới LinkedIn
  • Nhận những thông tin insight về ngành nghề, việc làm nhanh và chính xác nhất
  • Gửi email và hiển thị quảng cáo cho những ứng viên có kỹ năng và vị trí địa lý phù hợp với thông tin tuyển dụng của bạn (thông qua tính năng “Jobs you may be interested in”).
  • Có khả năng tạo lập và quản lý danh sách 50 ứng viên phù hợp nhất với công việc bạn đang tuyển.
  • Nâng cao khả năng kết nối và tìm kiếm ứng viên
  • Tham gia các khóa học về kĩ năng và quản trị trên LinkedIn Learning
  • Xem được ai đã vào theo dõi trang hồ sơ của bạn

Tuyển dụng bằng tài khoản LinkedIn Recruiter

Tài khoản LinkedIn Recruiter cho phép bạn sử dụng tất cả những tác vụ của gói Premium, kèm theo đó là khả năng lưu trữ kết quả tìm kiếm ứng viên, quảng cáo tin tuyển dụng và tăng đáng kể số InMails có sẵn trong tài khoản.

Có hai gói tài khoản con trong LinkedIn Recruiter: Lite và Corporate.

Bảng giá đăng kí tài khoản LinkedIn Recruiter

Bạn có thể cân nhắc đăng kí một trong hai tài khoản này dựa trên những so sánh cơ bản dưới đây:

LinkedIn Recruiter Lite

Tài khoản này cung cấp cho bạn khả năng hiển thị và kết nối với các ứng viên bị động vô cùng hiệu quả. Cụ thể, LinkedIn Recruiter Lite cho phép bạn:

  • Xem hồ sơ ứng viên bên ngoài mạng lưới liên kết (tối đa tài khoản thành viên cấp 3)
  • Liên lạc với ứng viên thông qua 30 tin nhắn InMail mỗi tháng
  • Trao đổi và liên lạc với ứng viên kịp thời bằng tính năng nhắc nhở trong mục quản lý Projects
  • Xem danh sách tất cả những người đã xem hồ sơ của bạn trong 90 ngày qua

LinkedIn Recruiter Corporate

Đây là phiên bản nâng cấp của LinkedIn Recruiter Lite. Đi cùng với chi phí đăng kí đắt đỏ hơn, LinkedIn Recruiter sở hữu nhiều tính năng ưu việt hơn hẳn người đồng nghiệp:

  • Bạn có thể xem hồ sơ tài khoản của tất cả cá nhân, ở tất cả các cấp độ trên LinkedIn
  • Trao đổi và cộng tác với nhiều người dùng trên cùng một tài khoản
  • Có khả năng gửi tối đa 150 InMails/tháng và kèm theo hình thức gửi InMails hàng loạt (tối đa 25 InMails cùng một lúc)
  • Lưu trữ lịch sử tìm kiếm của bạn, cũng như cho phép bạn tìm kiếm những trường thông tin chi tiết hơn (ví dụ: tìm kiếm ngành học của ứng viên hay năm kinh nghiệm làm việc tại vị trí hiện tại)

Tạm kết

Hầu hết các doanh nghiệp đều dùng LinkedIn để tìm kiếm ứng viên, nhất là ứng viên cấp cao. Vậy nên, nếu không muốn thua thiệt trên thị trường nhân sự đang vô cùng cạnh tranh, HR cần nhanh chóng tạo một hồ sơ trên LinkedIn và làm theo những bước hướng dẫn phía trên. Chúc bạn thành công!

Tổng hợp theo TopHR/LinkedIn Help