Chân dung ứng viên hậu COVID-19

Trong một thế giới đầy biến động, khó lường khiến các doanh nghiệp phải “săn lùng” những người lao động hay ứng viên chất lượng cao và có khả năng thích nghi tốt với sự thay đổi, người lao động cũng cần chuẩn bị cho mình bộ kỹ năng phù hợp để không phải thấp thỏm lo sợ mất việc khi khủng hoảng xảy ra.

Dịch COVID-19 diễn ra từ đầu năm nay, bắt đầu trở nên nặng nề ở Việt Nam từ đầu tháng 3 – cuối tháng 4/2020 khiến các doanh nghiệp đối mặt với rất nhiều khó khăn, doanh số bị sụt giảm nghiêm trọng, nhiều công ty còn đứng trước nguy cơ phá sản. Nhu cầu tuyển dụng cũng vì vậy mà giảm mạnh. 

Bên cạnh đó, nhà sáng lập TopCV Trần Trung Hiếu cho biết, nhiều doanh nghiệp có xu hướng ưu tiên những lao động chất lượng khi vừa muốn giảm thiểu chi phí, vừa muốn duy trì hoạt động dẫn đến tình trạng nhiều người có thể bị mất việc làm hoặc khó tìm các công việc mới.

Giờ đây, nhân sự không còn là một vấn đề “đau đầu” của doanh nghiệp mà là hoạt động bắt buộc phải có hàng ngày. Nếp sinh hoạt cũ đã bắt đầu quay về kể từ ngày hết lệnh giãn cách xã hội, song các chủ doanh nghiệp đã có góc nhìn và tư duy hoàn toàn mới trong câu chuyện tìm kiếm, tiếp cận và tuyển dụng nhân sự.

Trong thời gian qua, việc đào thải và bổ sung nhân sự chất lượng đã trở thành một hoạt động bình thường, ngày càng được thích nghi hơn. Họ nhận ra rằng việc đào thải nhân sự không hẳn là thảm hoạ mà là cơ hội cho các nhân sự tốt hơn.

++ Tải free Báo cáo xu hướng tuyển dụng nhân sự hậu COVID-19

Làm việc chủ động, không đến văn phòng được nhận định sẽ trở thành xu thế tất yếu. Ông Hà Anh Tuấn – CEO Vinalink cho biết, Facebook và Google cho phép toàn bộ nhân viên làm việc từ xa đến hết năm 2020, kể cả khi dịch có hết vào tháng 6 năm nay. 

Các “ông lớn” này đang áp dụng hình thức thích nghi mới, giao việc theo hiệu suất và nghĩ đến việc tìm kiếm những người luôn thích nghi với hình thức làm việc từ xa, quan tâm đến hiệu suất công việc, sa thải dần những người khó thích nghi.

CEO Vinalink cho rằng, sau dịch Covid-19, tỷ lệ nhân sự bị sa thải tại các doanh nghiệp sẽ khá lớn. Không bất cứ ai, kể cả những người từng rất ưu tú cũng có thể bị sa thải. Sau đợt này, người lao động nhận ra rằng, không có điều gì chắc chắn. Do đó, việc thay đổi tư duy và bắt đầu tìm kiếm tài chính từ các nguồn khác nhau là điều quan trọng.

“Người Việt hay suy nghĩ “tôi có thu nhập bao nhiêu trong tháng này” mà không nghĩ “tôi có thu nhập bao nhiêu trong năm sau”. Phải có tích luỹ, phải rèn luyện mình là ông chủ của chính mình. Hãy có một tâm thế khởi nghiệp ở nơi bạn đang ngồi, dù có đang ở nhà làm thuê”, ông Hà nói.

Đồng thời, ứng viên phải tự thay đổi mình để trở thành những người có khả năng làm việc từ xa, là những người chủ động và thích ứng nhanh, để được săn đón và trọng vọng trong tương lai thay vì thấp thỏm về một ngày bất kỳ bị cho thôi việc.

>> Xem thêm: Sôi động thị trường tuyển dụng sau COVID-19: Sales từng là lực lượng bị cắt giảm mạnh nhất thì bây giờ được “săn” nhiều nhất!

Người lao động cũng nên có quan hệ tốt với một hoặc nhiều công ty tuyển dụng là những người mang lại cơ hội việc làm tốt khi có biến cố, hãy là người được “săn” thay vì chỉ là một lao động phổ thông vật vã lo mất việc và tìm việc.

Dù ở cấp bậc, vị trí nào, người lao động cũng nên cập nhật thông tin hàng ngày để hình thành khả năng nhạy bén về thị trường, đoán trước tương lai để biết ngành nào có thể trở thành xu hướng. Cuối cùng, phải học hỏi, biết cách sử dụng các giải pháp về công nghệ để thích ứng nhanh, tránh bỡ ngỡ với những công việc mới.

Ông Hiếu cho biết, khi đăng tin tuyển dụng lên TopCV trong mùa dịch vừa qua, vị trí thu hút nhất là cộng tác viên. Nếu như trước mùa dịch, cộng tác viên là những người không cần kinh nghiệm chuyên môn như sinh viên, lao động phổ thông… thì có tới trên 50% những người ứng tuyển vị trí này trong mùa dịch đã có kinh nghiệm.

|Mọi người bắt đầu sợ, công việc không có gì ổn định và họ tìm cách gia tăng thu nhập, các doanh nghiệp tuyển cộng tác viên nhiều hơn, nhiều vị trí cộng tác viên cần đến chuyên môn”, ông Hiếu nói.

Nhà sáng lập TopCV cũng chia sẻ, một tin tuyển dụng doanh nghiệp đăng tải nếu nhận được 30-50 hồ sơ vào những ngày bình thường đã “mừng rớt nước mắt” thì trong mùa dịch, có thể thu về hàng trăm hồ sơ ứng tuyển vị trí cộng tác viên chỉ chưa đầy một tuần. 

Nhu cầu thị trường quá lớn, chỉ cần một chất xúc tác, nếu doanh nghiệp điều chỉnh, dám đặt niềm tin vào những người làm việc từ xa, người lao động sẽ có nhiều cơ hội.

“Số liệu thống kê gần nhất cho thấy, các công việc chuyên môn rất dễ mất việc và rất khó tìm việc trong thời điểm hiện tại. Giải pháp lúc này đối với người lao động là đa dạng hoá cách thức tiếp cận nhà tuyển dụng, thêm các bộ kỹ năng, đặc biệt là các kỹ năng liên quan đến yếu tố công nghệ và có khả năng thích ứng”, ông Hiếu nhận định.

>> Xem thêm: Nhân sự mùa COVID-19: Ngành CNTT và sản xuất có nhu cầu tuyển dụng cao nhất, Du lịch tạm ngưng tuyển, thậm chí cắt giảm nhân sự để dồn lực giải quyết khó khăn

Gần đây, TopCV có nhận được hồ sơ xin việc từ những người rất giỏi trong ngành du lịch với kinh nghiệm 5-10 năm. 

Dù muốn hỗ trợ những người này nhưng ông Hiếu phải thừa nhận không thể hỗ trợ hết bởi các doanh nghiệp du lịch đang không có nhu cầu tuyển dụng. Thực tế này buộc các ứng viên phải chuyển đổi, chẳng hạn như thay vì làm tiếp thị mảng du lịch thì chuyển sang mảng công nghệ. 

Tuy nhiên, cần chấp nhận bắt đầu lại với mức thu nhập thấp hơn. Bên cạnh đó, cần xem xét việc chuyển đổi mang tính ngắn hạn hay dài hạn vì có thể mảng mới sẽ trở thành xu hướng trong tương lai. Với những người có tư duy tốt, có khả năng thích ứng, học hỏi nhanh thì việc thăng tiến cũng sẽ nhanh.

Theo ông Đỗ Hữu Hưng – CEO Accesstrade, người lao động được doanh nghiệp xem như một tài sản, mà bản chất tài sản được định giá bởi giá trị, tài sản tốt lúc nào cũng nhiều việc. Ông Hưng lưu ý, đầu tiên, tài sản của một người lao động chỉ được phát hiện và thể hiện tại công việc người lao động đang làm, nếu làm tốt giá trị sẽ tăng lên.

Do vậy, trước khi tìm các công việc mới, người lao động cần phải làm tốt nhất công việc hiện tại, tìm cách tăng giá trị cho công việc đang được trả lương, tập trung cải thiện bản thân để nâng cao hiệu suất cho công việc hiện tại, như vậy mới có được nhiều cơ hội về sau.

Có cùng quan điểm, nhà sáng lập Trường doanh nhân HBR Nguyễn Tiến Dũng rất coi trọng văn hoá tư duy cầu tiến ở người lao động, người có tinh thần luôn học hỏi không bao giờ mất việc. Trong bộ khung năng lực của quản lý, lãnh đạo cấp cao và nhân sự giỏi do bậc thầy về quản trị nhân sự Dave Ulrich đưa ra, tư duy cầu tiến là một yếu tố quan trọng.

“Nếu không có năng lực học tập suốt đời thì chắc chắn bị sa thải. Bạn được trả tiền bằng giá trị chứ không phải thời gian nên cần tập trung vào giá trị bản thân”, ông Dũng nói.

Bên cạnh đó, những ứng viên có năng lực giỏi cũng nên học hỏi để tìm cách tiếp thị bản thân, xây dựng thương hiệu cá nhân. Một ứng viên có thương hiệu thường mang giá trị lớn hơn rất nhiều và nhờ đó được trả lương cao hơn so với những người có cùng năng lực.