Employer Brand (thương hiệu tuyển dụng) và Employer Branding (xây dựng thương hiệu tuyển dụng) đã và đang là xu hướng toàn cầu. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu hơn về những thuật ngữ này cũng như nhanh chóng triển khai chiến lược xây dựng thương hiệu tuyển dụng trong doanh nghiệp của mình qua 5 bước cụ thể.
Employer Brand và Employer Branding là gì?
Employer Brand (thương hiệu tuyển dụng) được hiểu là uy tín thương hiệu của công ty dưới tư cách là nhà tuyển dụng thay vì uy tín của một doanh nghiệp trên thị trường.
Employer Branding (xây dựng thương hiệu tuyển dụng) là tất cả những hoạt động doanh nghiệp đang làm (dù vô tình hay có chủ đích) nhằm quảng bá hình ảnh đặc trưng của mình đến người tìm việc và các ứng viên tiềm năng.
Điều quan trọng ở đây là phân biệt giữa “vô tình” và “có chủ đích” vì trong khi các công ty có thể quảng bá về nơi làm việc của họ một cách chiến lược, thương hiệu tuyển dụng của họ cũng có thể bị ảnh hưởng bởi những thứ không nằm trong tầm kiểm soát. Thương hiệu tuyển dụng của công ty có thể được hình thành thông qua trải nghiệm thực tế của ứng viên và nhân viên.
Ví dụ khi ứng viên có trải nghiệm không tốt vào ngày phỏng vấn tuyển dụng, họ sẽ có nhận xét tiêu cực về công ty. Và khả năng cao là họ sẽ lan truyền trải nghiệm tồi tệ đó đến người khác. Một ví dụ khác là khi nhân viên trong công ty được nhận phúc lợi xứng đáng, trải nghiệm môi trường chuyên nghiệp… chắc chắn họ sẽ hài lòng với công việc và sẵn sàng chia sẻ trải nghiệm tích cực đó đến gia đình, bạn bè. Từ đó, củng cố hình ảnh tốt đẹp hơn về thương hiệu tuyển dụng của doanh nghiệp.
Theo tạp chí Harvard Business Review, từ giai đoạn 2004 đến 2008, đề tài xây dựng thương hiệu tuyển dụng trở nên được quan tâm đặc biệt khi các tập đoàn lớn như Unilever, Shell hay P&G đã áp dụng các chương trình xây dựng thương hiệu của họ với tư cách là nhà tuyển dụng trên thị trường tuyển dụng giống như họ đã làm để xây dựng thương hiệu công ty trên thị trường tiêu dùng truyền thống. Thực tế này bắt nguồn từ thị trường tuyển dụng ngày càng chịu sự cạnh tranh rất khốc liệt để các công ty có thể thu hút được những nhân sự tốt nhất, và cao hơn là những nhân tài về làm việc cho họ. Đến thời điểm hiện tại, Employer Brand và Employer Branding vẫn là chủ đề được rất nhiều doanh nghiệp quan tâm.
→ Tham khảo bài viết Thương hiệu tuyển dụng: Xu thế mới để thu hút nhân tài
Thương hiệu tuyển dụng và thương hiệu công ty giống và khác nhau thế nào?
Vẫn thường có những nhầm lẫn giữa thương hiệu tuyển dụng (Employer Brand) và thương hiệu công ty (Company Brand). Tuy nhiên, bên cạnh những điểm tương đồng, hai khái niệm này có những khác biệt mà người làm công tác tuyển dụng – nhân sự cần nắm rõ:
- Thương hiệu tuyển dụng (Employer Brand) đề cập đến ấn tượng của ứng viên, người tìm việc về doanh nghiệp dưới tư cách nhà tuyển dụng. Ví dụ: Quy trình tuyển dụng như thế nào? Tốc độ phản hồi kết quả phỏng vấn nhanh hay chậm? Trải nghiệm ứng tuyển có tích cực không?…
- Thương hiệu công ty (Company Brand) đề cập đến ấn tượng nói chung của mọi người, có thể là khách hàng, đối tác, người tiêu dùng… về doanh nghiệp.
Tuy định nghĩa khác nhau nhưng Employer Brand và Company Brand vẫn tác động lẫn nhau. Một thương hiệu công ty mạnh sẽ là nền tảng quan trọng đầu tiên để xây dựng một thương hiệu tuyển dụng mạnh. Ai cũng muốn làm việc cho một công ty có tên tuổi trên thị trường. Việc điền tên những công ty như Google, Apply, Unilever hay P&G vào hồ sơ cá nhân chẳng khác gì một “tem đảm bảo chất lượng” cho bất cứ nhân sự nào.
Tuy nhiên, một thương hiệu công ty mạnh mới chỉ là nền tảng chứ chưa phải quyết định tất cả đến khả năng thành công của một thương hiệu tuyển dụng hấp dẫn (về lâu dài). Đối tượng của thương hiệu tuyển dụng là ứng viên – những người đang tìm việc và nhân viên – những người hiện tại đang làm việc tại doanh nghiệp. Họ rất khác với khách hàng mua sản phẩm/sử dụng dịch vụ của công ty. Ngoài uy tín và thương hiệu công ty, họ còn nhiều mong muốn và nhu cầu khác nhau.
Mặc dù vậy, việc xây dựng thương hiệu công ty và thương hiệu tuyển dụng cũng có những điểm tương đồng và nguyên tắc áp dụng. Dù đối tượng là khách hàng hay ứng viên, doanh nghiệp cũng cần phải thấu hiểu insight, rồi mới đến định vị, truyền thông và sau đó là đánh giá, đo lường.
Tại sao doanh nghiệp cần xây dựng thương hiệu tuyển dụng?
Truyền thông thương hiệu tuyển dụng – một phần bắt buộc trong chiến lược nhân sự của các tổ chức
Theo báo cáo Thị trường tuyển dụng 2021 & Xu hướng tuyển dụng 2022 của TopCV, truyền thông thương hiệu tuyển dụng đã trở nên phổ biến và là một phần bắt buộc trong chiến lược nhân sự của các tổ chức để thu hút và giữ chân nhân tài.
- Khi được hỏi về mức độ cần thiết của hoạt động truyền thông thương hiệu tuyển dụng, đã có 66,4% doanh nghiệp trả lời là cần thiết và 28,6% trả lời là rất cần thiết.
- Nhìn chung, các doanh nghiệp có quy mô nhân sự càng lớn càng đánh giá cao sự cần thiết của hoạt động truyền thông thương hiệu. Đặc biệt, với các doanh nghiệp quy mô trên 500 nhân sự, có đến gần 1/2 nhà tuyển dụng đánh giá hoạt động truyền thông thương hiệu tuyển dụng là rất cần thiết và chỉ 2,4% nhà tuyển dụng đánh giá là không cần thiết với doanh nghiệp. Tuy nhiên, với các doanh nghiệp quy mô dưới 24 nhân sự, hoạt động truyền thông thương hiệu tuyển dụng chưa thực sự được chú trọng với 10,5% nhà tuyển dụng đánh giá là không cần thiết.
- Giáo dục/Đào tạo, Bất động sản và Bán lẻ – Hàng tiêu dùng – FMCG là 3 lĩnh vực có tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá sự cần thiết của hoạt động truyền thông thương hiệu tuyển dụng ở mức cao nhất. Bên cạnh đó, hoạt động truyền thông thương hiệu tuyển dụng cũng được các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực IT – Phần mềm và Marketing/Truyền thông/Quảng cáo chú trọng khi số lượng nhà tuyển dụng đánh giá ở mức rất cần thiết chiếm tỷ lệ cao (trên 30%).
Thu hút ứng viên, nâng cao hiệu quả tuyển dụng
Tầm quan trọng của Employer Branding được thể hiện qua khả năng cải thiện 3 chỉ số tuyển dụng quan trọng nhất: thời gian thuê (time to hire), chi phí mỗi lần thuê (cost per hire) và chất lượng thuê (quality of hire).
Theo khảo sát của LinkedIn, 75% ứng viên sẽ tìm hiểu về danh tiếng và thương hiệu tuyển dụng của công ty trước khi ứng tuyển. Và nếu họ không thích những gì họ thấy, 69% ứng viên sẽ không nộp đơn, ngay cả khi họ thất nghiệp. Điều này lý giải tại sao cũng theo khảo sát này, 83% nhà tuyển dụng nói rằng thương hiệu tuyển dụng đóng một vai trò quan trọng trong khả năng tuyển dụng nhân tài của họ.
Xây dựng thương hiệu tuyển dụng giúp ghi dấu những thông tin nổi bật về doanh nghiệp vào tâm trí ứng viên tiềm năng. Với nền tảng đó, khi doanh nghiệp cần tuyển dụng, đa phần ứng viên đã có những thông tin nhất định về doanh nghiệp nên việc tiếp cận và thuyết phục ứng viên đưa ra quyết định sẽ dễ dàng hơn. Quá trình tuyển dụng cũng sẽ nhanh chóng, tiết kiệm hơn khi thương hiệu của doanh nghiệp đã quen thuộc với các ứng viên.
Cũng theo LinkedIn, các công ty với thương hiệu tuyển dụng mạnh tìm thấy các ứng viên chất lượng nhiều hơn 50%, tuyển dụng nhanh hơn từ 1 đến 2 lần và giảm 50% chi phí cho mỗi lần tuyển dụng.
Giữ chân nhân sự
Mọi người đều có xu hướng muốn thể hiện bản thân ở những môi trường nổi tiếng, được biết đến rộng rãi. Một thương hiệu tuyển dụng tốt giống như một món trang sức hàng hiệu mà công ty dành cho nhân sự. Đây luôn là một yếu tố quan trọng giúp duy trì sự ổn định trong quy mô nhân sự. Khi thương hiệu tuyển dụng đủ mạnh, mỗi nhân viên cũng sẽ là một đại sứ truyền thông thương hiệu tuyển dụng của công ty ra bên ngoài.
Theo Linkedin:
- 83% nhân viên sẽ rời bỏ công ty hiện tại của họ nếu nhận được lời mời làm việc từ một công ty có danh tiếng tốt hơn.
- Nhân sự tại các công ty sở hữu thương hiệu tuyển dụng mạnh có tỷ lệ nghỉ việc sau 6 tháng làm việc đầu tiên ít hơn 40% so với các công ty khác.
Và khi bạn giữ chân người tài càng lâu, doanh nghiệp sẽ càng tiết kiệm được nhiều chi phí vào quá trình tuyển dụng và đào tạo.
Một trong những thách thức lớn nhất trong quá trình tuyển dụng nhân tài là thuyết phục được ứng viên cảm thấy hứng thú với cơ hội làm việc tại doanh nghiệp của bạn. Những ứng viên tài năng luôn có trong tay nhiều lựa chọn, thậm chí họ có thể nhận được nhiều lời mời làm việc trực tiếp không qua phỏng vấn. Khi đó, việc tạo chỗ đứng khác biệt trên thị trường tuyển dụng là đặc biệt quan trọng.
Việc đầu tư đúng đắn vào thương hiệu tuyển dụng sẽ giúp doanh nghiệp hạn chế chi phí tuyển dụng và đào tạo, đồng thời tăng tỷ lệ giữa chân nhân viên và thu hút nhân tài. Điều này đặc biệt cần thiết hơn ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs), nơi mà khả năng cạnh tranh về lương còn hạn chế. Do vậy, doanh nghiệp càng nhỏ càng nên đầu tư cho Employer Branding.
Người chịu trách nhiệm xây dựng thương hiệu tuyển dụng trong doanh nghiệp là ai?
Thông thường, nhân sự (HR) là đội đầu tiên chúng ta nghĩ đến khi nói về thương hiệu tuyển dụng. Và thật vậy, HR là đội chịu trách nhiệm chính trong việc xây dựng thương hiệu tuyển dụng. Tuy nhiên, thương hiệu tuyển dụng không phải là thứ ta có thể lựa chọn để thể hiện ra cho ứng viên hay người tìm việc. Thương hiệu tuyển dụng là những gì bạn đang thực sự có. Và thương hiệu tuyển dụng của doanh nghiệp được định hình không chỉ bởi HR mà còn từ rất nhiều cá nhân khác trong tổ chức:
- Người sáng lập hoặc chủ doanh nghiệp, giám đốc điều hành và tất cả các nhân sự điều hành cấp C: Đây là những người có tầm nhìn chiến lược cho công ty và đặt ra các giá trị doanh nghiệp mà họ muốn củng cố.
- Quản lý trực tiếp của các phòng ban: Họ đóng vai trò chính trong việc lãnh đạo, đánh giá và đào tạo kỹ năng, nghiệp vụ cũng như con người của các thành viên trong đội nhóm của mình.
- Đội HR: Thiết lập quan hệ giữa các nhân sự trong công ty và xây dựng những chính sách nhân sự phù hợp
- Đội marketing, truyền thông: Đưa những hình ảnh, câu chuyện, con người,… của doanh nghiệp ra bên ngoài (thông qua phương tiện truyền thông xã hội, sự kiên, v.v.)
Tuy nhiên, nếu từng bộ phận hoạt động hoặc lên ý tưởng riêng lẻ sẽ không thể xây dựng thương hiệu tuyển dụng cho doanh nghiệp. Để xây dựng một thương hiệu tuyển dụng mạnh, tất cả cần phối hợp làm việc cùng nhau.
Chiến lược xây dựng thương hiệu tuyển dụng trong 5 bước
Trong bối cảnh cuộc chiến nhân tài đang diễn ra gay gắt như hiện nay, một chiến lược xây dựng thương hiệu tuyển dụng được hoạch định tốt sẽ mang lại lợi thế cạnh tranh không nhỏ cho doanh nghiệp so với các đối thủ trên thị trường. Để thu hút và giữ chân những nhân viên tài năng nhất, điều quan trọng là doanh nghiệp phải bắt đầu tìm hiểu và thực thi các chiến lược thương hiệu thương hiệu cần thiết.
Tuy nhiên, việc lập kế hoạch, phát triển và thực hiện chiến lược xây dựng thương hiệu tuyển dụng không phải là một nhiệm vụ dễ dàng. Trong bài viết này, chúng tôi đưa ra 5 bước để triển khai chiến lược xây dựng thương hiệu tuyển dụng một cách tổng quan và dễ thực hiện cho bất kỳ doanh nghiệp thuộc bất kỳ ngành nghề nào.
Bước 1: Xác định mục tiêu cho chiến lược Employer Branding
Hãy nghĩ xem bạn và doanh nghiệp của mình muốn đạt được điều gì với chiến lược Employer Branding. Một số mục tiêu phổ biến khi xây dựng thương hiệu tuyển dụng bao gồm:
- Nhận thêm nhiều đơn ứng tuyển hơn
- Có thêm nhiều ứng viên chất lượng hơn
- Tăng mức độ tương tác trực tuyến
- Tăng mức độ tương tác ứng viên
- Nâng cao nhận thức về thương hiệu tuyển dụng của doanh nghiệp
- Tạo niềm tin với các ứng viên hiện tại
- Nhận được nhiều lượt truy cập website tuyển dụng của công ty hơn
- Tăng tỷ lệ giới thiệu công việc
- Tăng tỷ lệ chấp nhận đề nghị làm việc
Bước 2: Xác định chân dung ứng viên lý tưởng của bạn
Xây dựng chân dung ứng viên lý tưởng là một bước cực kỳ quan trọng. Nếu không biết ứng viên lý tưởng của mình là ai, bạn sẽ không thể gửi đúng thông điệp đến những ứng viên mà bạn muốn thu hút.
Dưới đây là một bảng tổng hợp các tiêu chí bạn có thể tham khảo để xác định chân dung ứng viên lý tưởng của mình:
Bước 3: Xác định EVP (Employee Value Proposition)
Bạn có biết tại sao nhân viên hiện tại lại chọn doanh nghiệp của bạn? Tại sao đến thời điểm hiện tại họ vẫn ở lại? Điều gì họ thích nhất ở doanh nghiệp của bạn với tư cách nhà tuyển dụng? Đây là những câu hỏi bạn cần trả lời để thiết lập một chiến lược Employer Branding thành công. Câu trả lời cho những câu hỏi này là cơ sở để bạn thiết lập định vị giá trị nhân sự của doanh nghiệp (EVP – Employee Value Propositions).
EVP là lợi thế cạnh tranh của thương hiệu tuyển dụng, giúp doanh nghiệp trở nên nổi bật và khác biệt để có thể thu hút ứng viên tiềm năng cũng như giúp nhân viên hiện tại gắn kết lâu dài với công ty. EVP của doanh nghiệp cần vừa đảm bảo sự khác biệt, vừa hấp dẫn tới ứng viên, thuyết phục được rằng doanh nghiệp của bạn là một môi trường làm việc tuyệt vời. Khi xác định được EVP cũng có nghĩa là bạn đã xác định rõ ràng thông điệp để truyền thông thương hiệu tuyển dụng của mình.
Dưới đây là 5 yếu tố chính của một EVP hoàn chỉnh:
Bước 4: Xác định các kênh để truyền thông thương hiệu tuyển dụng của bạn
Theo Talentlyft, có khoảng 10 “điểm chạm” với ứng viên trước khi doanh nghiệp chính thức tuyển dụng họ. Những điểm chạm này tạo nên hành trình ứng viên (Candidate Journey) và nhiều điểm trong số này sẽ là kênh thích hợp để bạn quảng bá Employer Brand của doanh nghiệp.
Theo báo cáo Thị trường tuyển dụng 2021 & Xu hướng tuyển dụng 2022 của TopCV, có gần 90% doanh nghiệp truyền thông thương hiệu qua Mạng xã hội (Facebook, LinkedIn…); 43,8% doanh nghiệp truyền thông thương hiệu tuyển dụng thông qua Các website tuyển dụng như TopCV với các hình thức đặt banner, sử dụng chuyên trang tuyển dụng…
Bước 5: Đo lường hiệu quả của chiến lược Employer Branding
Truyền thông thương hiệu tuyển dụng sẽ trở nên vô định nếu doanh nghiệp không có một phương tiện đo lường đối với công việc kinh doanh (hay đo lường ROI). Dựa trên các mục tiêu mà bạn đã thiết lập ở bước đầu tiên, bạn nên đo lường mức độ thành công của chiến lược Xây dựng thương hiệu tuyển dụng của mình.
Để đánh giá được khách quan, các nhà tuyển dụng cần tạo những số liệu có thể đo lường được cho từng chiến dịch, ví dụ như số lượt xem, số lượt ứng tuyển, thời gian tuyển dụng… Đồng thời doanh nghiệp cũng cần tham chiếu số liệu của cùng lĩnh vực để đánh giá khách quan hơn và điều chỉnh kịp thời.
Top Branding – Giải pháp truyền thông thương hiệu hiệu quả dành cho doanh nghiệp từ TopCV
Top Branding là gói dịch vụ của TopCV được thiết kế dành riêng cho các doanh nghiệp với mong muốn gia tăng mức độ nhận diện, nâng cao mức độ uy tín của thương hiệu đối với người dùng của TopCV. Với số lượng hơn 5 triệu hồ sơ ứng viên và có xu hướng tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian tới, Top Branding sẽ là lựa chọn lý tưởng để doanh nghiệp truyền thông thương hiệu tuyển dụng, tiếp cận đến một lượng lớn người tìm việc:
- Xây dựng chuyên trang tuyển dụng dành riêng cho doanh nghiệp.
- Nâng cao hình ảnh thương hiệu tuyển dụng uy tín, tăng hiệu quả hoạt động tuyển dụng.
- Hiển thị tên công ty và tin đăng tuyển tại các vị trí nổi bật, thu hút sự chú ý của ứng viên.
Lời kết
Xây dựng thương hiệu tuyển dụng (Employer Branding) đã là một phần bắt buộc trong chiến lược nhân sự của các tổ chức để thu hút và giữ chân nhân tài. Đã đến lúc các công ty, doanh nghiệp nên nghiêm túc lên kế hoạch bài bản để xây dựng một thương hiệu tuyển dụng riêng cho mình. Hy vọng qua bài viết trên, bạn sẽ sớm triển khai thành công chiến lược Employer Branding cho doanh nghiệp mình.
Tổng hợp