Nên làm gì khi ứng viên không đến phỏng vấn?

Dành cả thanh xuân ngồi lọc hàng nghìn CV mới tìm được một bạn ứng viên như ý, để rồi đến ngày hẹn phỏng vấn, ứng viên bỗng dưng biến mất như chưa từng tồn tại. Không hề báo trước, không nghe máy, không trả lời email. Cảm giác bị bỏ rơi thật thê thảm.

Rốt cuộc, điều gì đã khiến cho ứng viên không tới phỏng vấn dù đã hẹn? Phải làm sao để giảm tỷ lệ nghỉ phỏng vấn?

Ứng viên và những lời hứa đầu môi

Dưới đây là 3 trong hàng trăm trường hợp TopHR có dịp được nghe kể về cách mà ứng viên cho nhà tuyển dụng leo cây:

“Công ty anh vừa có đợt tuyển Nhân viên kinh doanh nhưng hẹn phỏng vấn tới ba đợt mà vẫn chưa thể tuyển được người theo ý muốn. Có đợt gọi điện hẹn 6 ứng viên thì chỉ duy nhất 1 ứng viên tới tham gia phỏng vấn, 5 ứng viên còn lại không tới nhưng cũng không gọi điện thông báo. Theo anh, nếu ứng viên không nhiệt tình với công việc nên trả lời ngay từ đầu hay nên gọi điện báo lại với người phỏng vấn.” – Anh Long (chuyên viên tuyển dụng tại HN)

“Gọi điện hẹn ứng viên tham gia phỏng vấn, bạn ấy thể hiện rằng mình rất quan tâm đến công việc và bảo rằng sẽ đến đúng giờ. Mình gửi email để xác nhận lại ngày giờ và địa điểm thì bạn ấy vẫn khẳng định chắc chắn sẽ đến. Vậy mà đúng ngày giờ đã hẹn, chẳng thấy bóng dáng ứng viên đâu. Mình gọi điện thoại thì không thấy người trả lời, thử kiểm tra email cũng không thấy phản hồi gì. Vậy là hôm ấy, không chỉ phải chờ đợi một cách vô ích, mình còn bị cấp trên phàn nàn vì làm việc không hiệu quả…” – Chị Linh (HM tại Tp.HCM).

“Thực sự thất vọng với mấy bạn sinh viên. Mất công giới thiệu việc cho. Hẹn lịch phỏng vấn cho. Không mất chi phí gì nhưng cuối cùng không đến với lý do em ngủ quên. Mình lại là người ngại với người ta. Làm việc với người Nhật như vậy thì tốt nhất các bạn cứ ở Việt Nam thôi. Tuyển giúp thôi nhưng cũng hiểu được nỗi khổ của người tuyển dụng. Thất vọng!” – Chị Mai (HR tại Hà Nội)

Đối với ứng viên, đến hay không đến phỏng vấn sẽ không ảnh hưởng gì nhưng về phía doanh nghiệp việc này sẽ làm ảnh hưởng không nhỏ tới kế hoạch tuyển dụng cũng như lãng phí không it thời gian, tiền bạc của công ty. Vậy làm sao để giảm tỷ lệ ‘bùng” phỏng vấn này?

Trước khi chữa bệnh, chúng ta cùng nhau bắt bệnh trước.

Vì sao ứng viên không đến phỏng vấn

#1. Do bận việc đột xuất

Thường khi có việc đột xuất, ứng viên thường sẽ chủ động gọi điện thông báo trước cho nhà tuyển dụng. Tuy nhiên trong một số ít trường hợp vì bận rộn quá nên ứng viên chỉ kịp nhớ ra khi bạn gọi điện hỏi hoặc gửi tin nhắn/email. Nếu ứng viên này thật sự tiềm năng và công ty lại đang cần gấp, bạn có thể linh hoạt dời lịch phỏng vấn sang một buổi khác.

Để hạn chế tình trạng này xảy ra, nhà tuyển dụng nên chủ động nhắc nhở ứng viên trước phỏng vấn 3 và 1 ngày. Sử dụng phần mềm quản lý tuyển dụng là một trong những cách giúp bạn chủ động hơn trong việc này.

#2. Đã nhận lời làm việc ở nơi khác

Đối với các ứng viên xuất sắc, khi đang “bật chế độ tìm việc” thường hiếm khi họ có duy nhất một lựa chọn. Bạn sẽ phải cạnh tranh với rất nhiều công ty khác đang lăm le cướp người, thậm chí là “nẫng tay trên” với một offer cao hơn, môi trường tốt hơn.

Giải pháp cho vấn đề này là rút ngắn thời gian tuyển dụng và đầu tư cho một thương hiệu tuyển dụng lâu dài. Nếu phát hiện một ứng viên tiềm năng, hãy nhanh chóng sắp xếp phỏng vấn họ càng sớm càng tốt chứ đừng chờ đợi hết thời hạn nộp hồ sơ bởi trong khoảng thời gian đó có khi họ đã kịp qua bên khác nhận việc rồi.

#3. Chưa sẵn sàng về tâm lý và kiến thức

Ứng viên kiểu này, thường gặp nhất là ở những sinh viên mới ra trường. Do chưa có nhiều kinh nghiệm tham gia phỏng vấn, thiếu tự tin nên có khi tới địa điểm phỏng vấn lại quay đầu xe về. Một số bạn khác do “rải” hồ sơ không có kiểm soát nên không biết mình đã gửi ở công ty nào? Lý do gì gửi vào đây? Một số nữa lại nghĩ rằng nhiều người được gọi phỏng vấn, không có mình cũng không sao.

Từ lúc gửi hồ sơ tới khi được gọi phỏng vấn là cả một quãng thời gian và rất có thể nhiều thay đổi, điều đó nhà tuyển dụng có thể thông cảm cho ứng viên. Một cú điện thoại ngắn thông báo lúc này sẽ cứu vãn được hình ảnh của họ, tuy nhiên ít bạn hiểu điều đó để rồi lọt vào “black list” của nhà tuyển dụng khi nào không hay.

Một vài lời khuyên dành cho nhà tuyển dụng:

  • Ghi rõ về yêu cầu công việc để ứng viên hình dung chính xác về vị trí
  • Ghi rõ những lưu ý và yêu cầu chuẩn bị trước buổi phỏng vấn
  • Gọi điện xác nhận trước buổi phỏng vấn chính thức để tránh việc bị “leo cây”
  • Phỏng vấn qua Internet (Skype, facebook,…) nếu có thể.

Lúc này, bạn đã nắm rõ những lý do khiến ứng viên không tới phỏng vấn. Việc tiếp theo là lên facebook “bốc phốt” hay âm thầm chịu đựng và tiếp tục hành trình tuyển người?

Nên làm gì khi ứng viên không đến phỏng vấn?

Phản ứng đầu tiên mà bạn không nên làm là gọi điện nói chuyện hay inbox cho ứng viên bằng những từ ngữ tiêu cực, càng không nên lên “bốc phốt” ai đó hay mặc kệ ứng viên theo kiểu không liên quan đến nhau chỉ vì người đó không xứng đáng nhận được sự quan tâm của mình. Bạn đâu biết được liệu có chuyện gì xảy ra đột ngột với họ mà không thể thông báo thì sao?

Giải pháp tốt nhất cho nhà tuyển dụng trong lúc này là viết một email gửi tới ứng viên với nội dung: “Như đã thống nhất về lịch phỏng vấn cho vị trí vào lúc …. , chúng tôi đã chờ nhưng rất tiếc lại không thấy bạn tới tham gia. Chúng tôi buộc phải mặc định rằng bạn không hứng thú với công việc này nữa và chính thức rút đơn ứng tuyển của mình. Nếu có bất kì lý do gì cụ thể khiến bạn không thể buổi phỏng vấn này, chúng tôi rất mong được biết. Xin cảm ơn!”

Dù người được nhận có phản hồi hay không thì hành động này sẽ giúp ích cho thương hiệu tuyển dụng của doanh nghiệp bạn rất nhiều. Hãy cho họ biết bạn sẵn sàng lắng nghe họ, thông cảm cho họ bằng sự chân thành nhất, họ sẽ cũng thấy được sự chuyên nghiệp từ phía doanh nghiệp bạn.

Ứng viên không đến phỏng vấn và bài học chiến lược cho nhà tuyển dụng

Có rất nhiều lý do để một ứng viên biến mất không dấu vết khỏi buổi phỏng vấn, và một nhà tuyển dụng thì có thể nỗ lực đối phó với tình trạng này bằng nhiều chiến thuật. Mở rộng kênh đăng tuyển trên các website tuyển dụng như TopCV cũng là một cách để không phụ thuộc vào một nguồn ứng viên.

Tuy nhiên, về lâu dài, việc ứng viên không đến phỏng vấn là chỉ là một bài toán đại diện cho một vấn đề mang tầm chiến lược trong công việc tuyển dụng, đó là câu chuyện về Xây dựng thương hiệu tuyển dụng. Với một thương hiệu tuyển dụng chuyên nghiệp, bạn sẽ có được lợi thế cạnh tranh với các nhà tuyển dụng khác và “ghi điểm” trong lòng ứng viên. Khi mà doanh nghiệp của bạn “có giá” hơn thì việc từ bỏ một buổi phỏng vấn cũng sẽ khó khăn hơn.