Nhà tuyển dụng luôn mong muốn các ứng viên phải chuẩn bị thật kỹ lưỡng trước khi đến buổi phỏng vấn. Tuy nhiên, mọi sự việc đều nên được xem xét trên nhiều phương diện, không phải là “một đường chiều”. Chính các công ty cũng cần biết cách tổ chức hiệu quả các quy trình phỏng vấn, nâng cao chất lượng phỏng vấn với ứng viên.
Ông Kevin Grice từng làm tuyển dụng cho Google trong 6 năm. Và cũng như nhiều doanh nghiệp khác, ông cùng những đồng nghiệp của mình luôn mong muốn tìm được những ứng viên tài năng nhất cho công ty của mình. Ông Kevin tin rằng, tất cả mọi người, dù đã có thật nhiều kinh nghiệm hay mới là “tân binh” thì đều sở hữu những điểm tốt như nhau. Và để thu hút được nhiều ứng viên tài năng, thì khâu phỏng vấn đóng vai trò vô cùng quan trọng.
Đó là điều mà bất kỳ công ty nào cũng có thể hiểu được. Tuy nhiên,một số công ty vẫn còn tỏ ra khá hời hợt trong việc xây dựng một quy trình phỏng vấn bài bản và hợp lý nhất. Có thể họ cho rằng, sẽ có một điều thần kỳ nào đó xảy ra nhân tài tự nhiên xuất hiện, tự tìm đến và làm việc cho họ.
Tuy nhiên, cũng giống như các ứng viên phải tìm hiểu và chuẩn bị kỹ càng nếu muốn có một công việc mơ ước, các công ty cũng cần chắc chắn rằng quy trình tuyển dụng đảm bảo hiệu quả và chất lượng. Sau đây chính là những bí quyết ông Kevin tích luỹ được trong suốt hơn 10 năm làm tuyển dụng của mình.
Tìm hiểu về ứng viên mà bạn sắp phỏng vấn
Nhà tuyển dụng luôn kỳ vọng ứng viên chuẩn bị thật tốt cho buổi phỏng vấn, tuy nhiên, chính đội ngũ tuyển dụng của công ty cũng nên áp dụng điều này vào buổi phỏng vấn. Suy cho cùng, một buổi phỏng vấn không chỉ là việc bạn quyết định tuyển dụng ai, nó còn là cơ hội để các ứng viên đánh giá và xem xét liệu có nên làm việc tại công ty của bạn hay không. Với tỉ lệ thất nghiệp thấp kỷ lục trong 10 năm nay, sự cạnh tranh để giành lấy ứng viên giữa các doanh nghiệp ngày càng khốc liệt.
Tất nhiên trước khi bạn gặp gỡ một ứng viên nào đó, bạn nên có một sự hiểu biết, thẩm định về người này. Chẳng hạn bạn có thể xem profile của họ trên mạng xã hội. Tuy nhiên hãy thử đào sâu hơn một chút. Bạn mong muốn tuyển một kỹ sư? Hãy tham khảo ngay những sản phẩm hay đóng góp của họ ở trên nguồn mạng mở. Bạn đang tìm kiếm ứng viên có khả năng thuyết trình tốt? Hãy lướt mạng và xem một số video họ phát biểu về một vấn đề chuyên môn nào đó. Điều này có thể khiến tiêu tốn khá nhiều thời gian nhưng sẽ giúp bạn có cảm nhận và hiểu biết hơn đôi chút về ứng viên trước cả khi họ bước chân vào vòng phỏng vấn.
Nhận thức và hạn chế những định kiến cá nhân
Một cái tên trên CV, một địa chỉ, trường đại học đã theo học: Tất cả những thông tin này nghe có vẻ nhỏ nhặt nhưng có thể là khởi nguồn cho những định kiến cá nhân vô thức từ bạn đấy. Tuy chúng không lộ rõ ra ngoài, nhưng những định kiến cá nhân này có sức ảnh hưởng vô hình tới cả một quá trình tuyển dụng.
Chẳng hạn như ở châu Âu, nơi các ứng viên thường đính kèm một bức ảnh cá nhân vào hồ sơ xin việc, các nhà nghiên cứu tìm ra rằng nhà tuyển dụng thường sẽ không có xu hướng tuyển dụng những ứng viên đeo khăn đội đầu, mặc dù khả năng chuyên môn của họ không khác gì so với những ứng viên khác.
Các nhà nghiên cứu Canada cũng đã phát hiện ra rằng, những ứng viên có danh xưng nghe giống tiếng Trung Quốc, Ấn Độ hoặc Pakistan, sẽ ít có xu hướng được nhà tuyển dụng mời đến buổi phỏng vấn, thấp hơn 28% so với những người có tên gọi giống tiếng Anh.
Bạn sẽ không thể nào xóa bỏ những định kiến trong đầu được, tuy nhiên, bạn nên ý thức được chúng khi đưa ra kết luận ứng viên có phù hợp với vị trí đang tuyển hay không.
Đừng tìm những bản sao của chính bạn
Chúng ta có xu hướng tuyển dụng những người gợi nhớ tới chính bản thân mình.
Điều này không chỉ gây ra nhiều bất công trong quy trình tuyển dụng mà còn mang tới không ít rủi ro cho công ty. Nếu bạn tuyển những bản sao của bản thân, công ty sẽ thiếu trầm trọng sự đa dạng. Thực sự quan trọng bởi nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, những công ty đề cao sự đa dạng sẽ có nhiều thành tựu, đạt lợi nhuận cao trên mức trung bình, khả năng sáng tạo lớn và khiến cho việc tuyển dụng trở nên dễ dàng hơn.
Chúng ta thường muốn tuyển dụng những người chúng ta cảm thấy thoải mái khi làm việc cùng. Vì thế, việc bạn có cảm tình với người đó là điều quan trọng. Tuy nhiên, hãy chắc chắn rằng bạn vẫn công bằng với các ứng viên khác; không gây bất lợi cho họ chỉ vì họ không có chung nền văn hóa, giáo dục hay sự nghiệp tương tự bạn.
Tập trung trong buổi phỏng vấn
Những cuộc phỏng vấn là một quá trình gây hao tâm tổn sức. Hãy thử tưởng tượng những nhà tuyển dụng vừa gõ bàn phím máy tính, vừa kiểm tra điện thoại hoặc đánh mắt lơ đãng đi đâu đó, điều này thật không ổn.
Ai cũng bận rộn, tuy nhiên bạn nên nhớ bạn đang ở trong phòng phỏng vấn với ứng viên, và hãy chắc chắn là bạn đang hiện hữu ở đó.
Thể hiện sự kiên định
các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng cách giúp quá trình tuyển dụng trở nên công bằng và ít thiên vị hơn là sử dụng ơhuowng pháp phỏng vấn theo cấu trúc. Điều đó có nghĩa là, áp dụng tính đồng nhất vào các câu hỏi đưa ra cho ứng viên, câu hỏi cần theo đúng trình tự mà bạn đặt.
Tất nhiên bạn sẽ không muốn buổi phỏng vấn của bạn trở nên tự động và máy móc. Thay vào đó, hãy nhóm các câu hỏi vào một nhóm và gợi ý cho nhóm tuyển dụng những gói câu hỏi giống nhau cho các thí sinh khác nhau ứng tuyển một vị trí cụ thể nào đó. Điều này không chỉ tạo cơ hội công bằng cho các thí sinh cùng toả sáng, mà còn dễ dàng cho bạn trong việc so sánh các ứng veien với nhau.
Tránh suy nghĩ “bầy đàn”
Bạn vừa mới hoàn thành một buổi phỏng vấn với một ứng cử viên vô cùng ưng ý. Bạn chắc mẩm rằng đồng nghiệp của mình – người sẽ thực hiện buổi phỏng vấn thứ hai, cũng có cùng suy nghĩ giống y như bạn. Và bạn đang rất mong chờ để nói về ứng viên đó với người đồng nghiệp này.
Kiểu phản xạ này là vô cùng hợp lý. Suy cho cùng có một câu nói rằng: Hai cái đầu hợp lại sẽ tốt hơn một, nhiều nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng: Luôn có sự không ngoan từ đám đông. Tuy nhiên nếu bạn thảo luận những suy nghĩ của bạn trước khi người khác có thời gian xử lý thông tin của họ, thì lối tư duy theo đội nhóm này sẽ diễn ra, và định kiến cá nhân của bạn (dù tích cực hay tiêu cực) cũng sẽ ảnh hưởng tới người khác. Hãy dành thời gian để lĩnh hội đủ những thứ đã diễn ra, viết xuống những dòng nhận xét của mình và sau đó, ngồi xuống chia sẻ những suy nghĩ của bạn cho đồng nghiệp.