Để “mức lương thoả thuận” khi tuyển dụng – Nên hay không?

Mức lương thoả thuận” hoặc “Mức lương phụ thuộc” vào kinh nghiệm là những cụm từ không xa lạ với những người làm công tác tuyển dụng. Tuy nhiên, không ít HR và ứng viên đều than phiền: “Công ty như thế nào mới để lương không rõ ràng”, “gặp JD để như vậy tự động bỏ qua”… Vấn đề này trở thành đề tài tranh luận sôi nổi trên các diễn đàn nhân sự.

Trên thực tế, việc để mức lương thỏa thuận trong tin tuyển dụng gây không ít khó khăn và bối rối cho người tìm việc. Với tâm lý đi tìm việc, Ứng viên lo ngại rằng quỹ lương dành cho vị trí này thấp hơn mong đợi của mình, dẫn đến mất thời gian ứng tuyển/phỏng vấn. Nếu công ty có barem lương cao hơn thì họ lại cảm thấy thiệt thòi nếu họ không giỏi thương lượng.

Vậy tại sao các công ty không để rõ mức lương để cả hai có thể sàng lọc nhau ngay từ đầu? Dưới đây là những lý do được các HR phân tích khi không để “dải” mức lương cụ thể.

Lý do doanh nghiệp để mức lương thoả thuận khi tuyển dụng

1. Doanh nghiệp không có chuyên viên C&B, hoặc đang tuyển vị trí mới

Rất nhiều công ty hiện nay không có bộ phận nhân sự, mọi công việc về lương thưởng đều do kế toán hoặc bộ phận khác đảm nhiệm. Với khối lượng công việc cần xử lý trong ngày, họ sẽ không có khả năng nghiên cứu, xây dựng từng mức lương cho từng vị trí trên thị trường. Trường hợp khác là do sự tăng trưởng của doanh nghiệp kéo theo sự xuất hiện của nhiều vị trí mới.

Việc để mức lương thoả thuận là để biết được mức mong đợi từ người tìm việc, từ đó xem xét mức thực tế có thể chi trả để tiến hành thương lượng với ứng viên.

2. Để mức lương thoả thuận khi tuyển dụng các vị trí cấp cao

Với tính chất đặc thù (về khả năng, trình độ, kinh nghiệm, mong muốn…) của các vị trí cấp cao, rất khó để doanh nghiệp đưa ra một dải lương cụ thể. Nếu đưa ra thấp sẽ bỏ lỡ nhân tài, nếu đưa ra cao quá sẽ khó có thể tuyển dụng. Trong khi đó, số lượng ứng viên trên thị trường có thể đáp ứng các yêu cầu từ doanh nghiệp cũng không nhiều. Trong trường hợp này, cả ứng viên và nhà tuyển dụng đều cần thời gian tìm hiểu lẫn nhau để có thể thỏa thuận được mức lương phù hợp nhất.

3. Để tìm người bị hấp dẫn bởi công việc, chứ không phải vì tiền

Một số HR nhận định rằng việc ứng viên vẫn nộp hồ sơ ứng tuyển khi công ty không công bổ mức lương cụ thể chứng tỏ họ là người thực sự đam mê công việc, đi làm không chỉ vì mức lương.

Thực tế, bất kỳ công ty nào cũng muốn có những nhân viên hào hứng với công việc, chứ không chỉ làm vì lương. Việc giữ bí mật về mức lương là một cách nhà tuyển dụng kiểm tra sự quan tâm của các ứng viên đối với vị trí đăng tuyển. Nói cách khác, họ đang tránh những người nộp đơn xin việc chỉ vì lương thưởng.

5. Tránh các thắc mắc về lương từ nhân viên hiện tại

Mặc dù mỗi nhân viên đều có các kỹ năng, kinh nghiệm khác biệt khiến họ trở nên có giá trị hơn và được trả mức lương xứng đáng hơn. Nhưng nếu nhân viên hiện tại biết được rằng mức lương của họ thấp hơn người mới, sẽ không tránh khỏi sự thất vọng, thắc mắc và dẫn đến sự thiếu gắn kết trong tập thể, thậm chí là đi đến quyết định nghỉ việc. Đây là điều không nhà tuyển dụng nào mong muốn và để ngăn chặn thì cách tốt nhất là giữ bí mật về mức lương.

6. Ứng viên đa dạng hơn từ mức lương thoả thuận

Thường các công ty không ghi rõ ràng mức lương vì họ sẵn sàng trả nhiều hơn cho ứng viên thực sự đặc biệt. Đa số phạm vi tiền lương được dành cho những người có khả năng trung bình nhưng các tổ chức sẽ linh hoạt hơn nếu ứng viên đạt được sự phù hợp hoàn hảo. Do đó, không tiết lộ mức lương có thể giúp nhà tuyển dụng tìm được ứng viên giỏi nhất trong tất cả các ứng viên giỏi.

7. Tránh sự cạnh tranh trong cùng ngành

Không có doanh nghiệp nào muốn mất ứng viên tiềm năng vào tay đối thủ cả. Nếu đưa thông tin lương thưởng rõ ràng, đối thủ có thể sử dụng thông tin tiền lương để “giành” các ứng viên tuyệt vời bằng cách cung cấp cho họ mức lương, chế độ cao hơn.

8. Tạo nguồn ứng viên cho kế hoạch tuyển dụng sắp tới

Cũng có những trường hợp HR ghi mức lương thỏa thuận để mong muốn nhận được lượng CV tối đa. Có thể HR sẽ không liên hệ tất cả các CV nhận được mà sẽ đưa những CV hiện không phù hợp vào danh sách dự phòng trong tương lai. Ví dụ họ đưa các CV hiện còn ít kinh nghiệm vào danh sách dự phòng cho vị trí yêu cầu thấp hơn trong tương lai.

9. Sếp (ông chủ) không rõ ràng sẽ để mức lương thoả thuận

Thường người làm công tác tuyển dụng sẽ làm theo yêu cầu từ cấp trên. Nếu lãnh đạo không muốn rõ ràng trong lương thưởng thì việc ghi mức lương thoả thuận là điều dễ hiểu.

Vậy thì làm sao để hài lòng cả hai bên trong vấn đề này

Về phía ứng viên:

  • Ghi khoảng lương mong đợi trong CV/ hồ sơ khi ứng tuyển, nhà tuyển dụng sẽ quyết định chọn bạn phỏng vấn nếu mức lương mong đợi phù hợp với công ty. Hoặc thậm chí trong một số trường hợp, nhà tuyển dụng sẵn sàng chi vượt ngân sách lương nếu bạn là ứng viên xuất sắc. Nhà tuyển dụng cũng rất thích những ứng viên ghi khoảng lương mong đợi trong CV/ hồ sơ.
  • Bạn nên đánh giá đúng năng lực bản thân và khảo sát mức lương thị trường để đưa ra được mức lương mong đợi phù hợp.

Về phía nhà tuyển dụng:

  • Nên tìm hiểu mức lương trên thị trường hiện tại trong khu vực tuyển dụng để đưa ra mức lương phù hợp cho người lao động. Có thể lên TopCV để nghiên cứu.
  • Nếu mức lương mong đợi của ứng viên quá xa khả năng chi trả của công ty, nhà tuyển dụng nên ngừng hy vọng rằng môi trường làm việc hay phúc lợi sẽ kéo ứng viên lại, để tránh mất thời gian của ứng viên.

Theo TopHR