Còn được gọi là kỹ năng phục vụ lao động, các kỹ năng mềm có thể giúp xác định liệu ứng viên có phù hợp với công ty của bạn hay không. Giám đốc Điều hành của Starbucks Howard Schultz từng nói: “Tuyển dụng là một nghệ thuật, không phải là một bộ môn khoa học. Và sơ yếu lý lịch của ứng viên không thể cho bạn biết liệu ai đó có phù hợp với văn hóa của công ty hay không.” Nhận định sắc sảo này khái quát tầm quan trọng trong việc đánh giá ứng viên đặc biệt là với các kỹ năng mềm của họ. Những thứ không chỉ nằm trên giấy.
Kỹ năng mềm là gì?
Kỹ năng mềm, còn được gọi là “employability skills” trong tiếng Anh, là một phần kỹ năng vô cùng quan trọng khi đi xin việc. “Employability Skills” còn có thể được hiểu là những kỹ năng mà nhà tuyển dụng mong muốn được nhìn thấy ở ứng viên của mình bên ngoài những hiểu biết cơ bản về chuyên ngành. Họ cho rằng Employability Skills sẽ giúp nhân viên của mình thể hiện bản thân trong công việc một cách xuất sắc nhất. Do đó trong thời đại ngày nay, mỗi ứng viên buộc phải được trang bị những kỹ năng này .
Ở Việt Nam, Employability Skills còn có những tên gọi khác như là “kỹ năng làm việc” hay “kỹ năng mềm”.
Đối với bất kỳ tuyển dụng mới để phù hợp với văn hóa doanh nghiệp của bạn và đảm bảo làm việc có năng suất, kỹ năng mềm là điều kiện tiên quyết. Mặc dù sơ yếu lý lịch có vẻ ấn tượng, tuy nhiên, việc đánh giá ứng viên dựa trên các kỹ năng mềm đóng vai trò chính trong việc thúc đẩy hiệu quả trong quy trình tuyển dụng của công ty.
Làm thế nào để bạn đánh giá một cái gì đó rất vô hình như kỹ năng mềm? Tham khảo 9 yếu tố sau để tạo câu hỏi đánh giá các kỹ năng mềm cho ứng viên.
>> Xem thêm: Gợi ý 48 câu hỏi đánh giá kỹ năng mềm của ứng viên
Cách đánh giá kỹ năng mềm của ứng viên
Sự chuyên nghiệp
Ấn tượng đầu tiên về một ứng viên nói lên rất nhiều điều về bản thân họ. Chẳng hạn, một ứng viên với vẻ ngoài nhếch nhác, cùng lời nói thiếu cẩn trọng có thể là cách chứng tỏ họ không đủ nghiêm túc với công việc ứng tuyển. Hơn nữa nếu được tuyển chọn, họ có thể khiến các nhân viên và khách hàng khác khó chịu với hành vi của họ.
Ngôn ngữ cơ thể
Ngôn ngữ cơ thể có thể phản ánh rất nhiều về một con người, thậm chí, “phản bội” là từng lời nói của một người. Quan sát ngôn ngữ cơ thể sẽ cho phép bạn tìm hiểu một chút về kỹ năng giao tiếp cá nhân của người tìm việc. Ngoài ra, nó có thể giúp bạn xem xét liệu người được phỏng vấn có nói dối hoặc trả lời trung thực một câu hỏi hay không. Những ứng viên trong trạng thái bồn chồn thường thể hiện rất khác về bản thân họ và không chắc họ có thể đáp ứng các tiêu chuẩn của nhà tuyển dụng hay không. Họ nghi ngờ khả năng của chính mình và có thể sẽ trở nên kém hơn những ứng viên khác.
Kỹ năng giải quyết vấn đề
Bất kể bản chất doanh nghiệp của bạn là gì, kỹ năng giải quyết vô cùng cần thiết với mỗi nhân viên. Các ứng viên nếu không biết cách khắc phục sự cố không thể mang tới cho khách hàng dịch vụ tốt nhất cũng như không thể giải quyết các vấn đề mà đối tác kinh doanh gặp phải. Những nhân viên này cũng sẽ không biết cách hỗ trợ đồng nghiệp trong trường hợp có sự cố nội bộ xảy ra. Bạn có thể hỏi một vài công hỏi để biết cách ứng viên giải quyết vấn đề. Những câu trả lời có thể không phải kỹ lưỡng nhất trong khuôn khổ thời gian giới hạn của một buổi phỏng vấn nhưng cũng phần nào giúp nhà tuyển dụng đánh giá kỹ năng quan trọng này.
Nhận thức về các vấn đề lớn
Ứng viên không cần phải là một cuốn bách khoa toàn thư. Tuy nhiên, điều quan trọng là họ nắm được những vấn đề lớn có ảnh hưởng tới thế giới, quốc gia và nền kinh tế của địa phương. Kiến thức về những vấn đề này cho thấy người tìm việc rất tỉnh táo và có phản ứng nhanh. Nó cũng cho thấy khả năng thích ứng với các tình huống bất lợi của ứng viên, vì các ứng viên như vậy thường sẽ có khả năng đáp ứng hiệu quả.
Các vấn đề và ý kiến có thể phản ánh các đặc điểm như tính tích cực, sự hoài nghi và suy nghĩ tiêu cực của ứng viên. Phải thừa nhận rằng những suy nghĩ này có thể thay đổi tùy theo vấn đề. Một ứng viên có thể tích cực về một vấn đề nào đó hoặc tiêu cực về một cái khác. Tuy nhiên, nhận thức như vậy cũng sẽ giúp bạn đánh giá các đặc điểm tổng thể vì điều gì cũng có nhiều mặt để xem xét.
Thành viên của những câu lạc bộ hay tổ chức xã hội
Là thành viên của các câu lạc bộ hay tổ chức xã hội, rõ ràng các ứng viên sẽ có kỹ năng nhất định về khả năng hợp tác và ứng biến xã hội. Những ứng viên như vậy thường trở thành những người có kỹ năng làm việc nhóm tuyệt vời. Thêm vào đó, việc nằm trong những câu lạc bộ hay một tổ chức xã hội nào đó cho thấy ứng viên đã dành thời gian cho các hoạt động mang tính xây dựng như thể thao, sở thích hay thậm chí là chính trị.
Kiểm tra tâm lý
Ngày càng có nhiều nhà tuyển dụng trên thế giới sử dụng những bài kiểm tra tâm lý để đánh giá hành vi của ứng viên cũng như năng lực tinh thần phù hợp với công việc. Những bài kiểm tra này cho phép nhà tuyển dụng đánh giá khả năng nhận thức được yêu cầu của ứng viên cho công việc đang tuyển. Ngoài ra, những bài kiểm tra tâm lý giúp doanh nghiệp đánh giá kỹ năng phân tích cũng như truyền đạt của ứng viên. Những bài kiểm tra này đặc biệt hữu ích trong việc tìm ra những đặc điểm bị bỏ quên trong quá trình phỏng vấn.
Tuy nhiên, vẫn có những cuộc tranh luận trên toàn thế giới về tính hiệu quả của các bài kiểm tra đánh giá kỹ năng mềm, khả năng tiềm ẩn cũng như các đặc điểm tiêu cực của một cá nhân nào đó. Một số nhà tâm lý học và chuyên gia nhân sự bảo đảm độ chính xác của những bài kiểm tra, trong khi đó, nhiều người cho rằng kết quả bài kiểm tra không thuyết phục có thể gây khó khăn trên con đường sự nghiệp của một ứng viên giỏi. Vì vậy nếu nhà tuyển dụng lựa chọn sử dụng chúng, hãy thận trọng.
Kiến thức về doanh nghiệp
Việc hỏi các ứng viên một số kiến thức về doanh nghiệp của bạn cũng như các nhà tuyển dụng trước đây (nếu có) là một cách hiệu quả khác để đánh giá các kỹ năng mềm của họ. Câu trả lời cho thấy sự quan tâm trong nghề nghiệp và lĩnh vực ứng viên làm việc. Những câu hỏi về kiến thức doanh nghiệp cũng sẽ cho biết liệu một ứng viên có chuẩn bị tốt và nghiêm túc với công việc đang ứng tuyển hay cũng chỉ là một trong những lựa chọn việc làm khác. Đôi khi, câu trả lời có thể tiết lộ một số khía cạnh về sự thích nghi với môi trường làm việc mới hoặc khả năng hợp tác tập thể – những yếu tố đảm bảo sự thành công không chỉ của ứng viên mà còn cho tổ chức doanh nghiệp của bạn.
Khả năng chịu căng thẳng
Khả năng làm việc dưới áp lực cao rất quan trọng đối với nhiều vị trí, đặc biệt là khi tuyển dụng những vị trí cấp cao. Một trong những cách tốt nhất để đánh giá kỹ năng này là yêu cầu ứng viên cho bạn biết về một giai đoạn căng thẳng trong công việc và cách họ ứng phó với nó. Bạn cũng có thể đánh giá hành vi của họ ngay trong buổi phỏng vấn. Trả lời lờ mờ hoặc bạn cảm thấy sự thất vọng của họ trong câu trả lời chứng tỏ họ đã có một khoảng thời gian làm việc khó khăn dưới áp lực.
Kỹ năng làm việc nhóm đa dạng
Các công ty cũng giống như bộ máy nhà nước nói chung đã trở nên ngày càng đa dạng trong những năm gần đây. Bất kỳ doanh nghiệp nào cũng có rất nhiều nhân viên thuộc nhiều tầng lớp, trình độ học vấn, tôn giáo, tín ngưỡng, kỹ năng… cùng hợp tác làm việc cùng nhau. Vì vậy, nếu một nhân viên gặp khó khăn khi làm việc với bất kỳ ai, điều này sẽ khiến những nhân viên này khó thành công và năng suất làm việc không cao. Nhà tuyển dụng có thể hỏi ứng viên cách họ cộng tác với những người có quan điểm khác với bản thân. Nếu câu trả lời của họ cho thấy họ đã tiếp thu chậm những ý tưởng của người khác hoặc từ chối lắng nghe thì có lẽ họ sẽ không có kỹ năng làm việc nhóm.
Môi trường làm việc hiện đại đòi hỏi tất cả các nhân viên phải sở hữu kỹ năng mềm thật tốt. Kỹ năng mềm có thể khó có được hơn so với bằng cấp và kinh nghiệm chuyên môn. Nếu không có kỹ năng mềm, bất kỳ kỹ năng cứng nào cũng trở nên ít giá trị. Vì vậy, khi sàng lọc ứng viên, bạn không nên chỉ khám phá cách ứng viên nhận biết một chương trình hay nền tảng công nghệ nào đó, mà phải biết cách họ tương tác với những người khác. Đây là một đặc điểm vô cùng quan trọng.