Câu hỏi đặt ra cho các HR: Nên tuyển dụng ứng viên “thạo việc” hay “biết việc”? Kinh nghiệm có nên là điều kiện tiên quyết khi tuyển bất kỳ vị trí nào?
Câu chuyện tuyển dụng luôn là câu chuyện gây “nhức đầu” đối với những người làm nhân sự, nhất là vị trí lãnh đạo. Thực trạng thị trường tuyển dụng hiện nay, rất nhiều công ty than phiền thiếu nhân viên, tuyển dụng hàng tháng trời cũng không tìm được; trong khi đó, số người thất nghiệp lại không có xu hướng giảm. Vậy nguyên nhân do đâu?
Câu chuyện dưới đây của TS. Giáp Văn Dương, một người có kinh nghiệm về tuyển dụng, sẽ hé lộ một trong số những lý do tại sao tuyển dụng ngày nay lại khó đến vậy:
“Gần đây, tôi liên tục phỏng vấn tuyển dụng nhân sự.
Tiêu chí của tôi rất đơn giản: Trung thực và thạo việc. Trong đó, trung thực là tiêu chí được ưu tiên số một. Còn thạo việc chỉ là ưu tiên thứ hai. Nhưng sau gần hai tháng, tôi vẫn chưa tuyển được người đáp ứng hai yêu cầu này.
Ứng viên không thiếu, nhưng thiếu sự chuyên nghiệp & nghiêm túc
Trung thực thì chỉ có thể hỏi và cảm nhận phần nào. Còn thạo việc thì cũng phải vào việc mới biết. Ứng viên hoàn toàn có thể qua mắt người phỏng vấn nếu là người trung thực và có chút chuyên môn. Cái nào biết thì bảo là biết. Cái nào không biết thì bảo là không biết. Nói năng mạch lạc rõ ràng. Thế là qua vòng phỏng vấn.
Vậy mà gần hai chục hồ sơ gửi đến vẫn chưa chọn được ai. Người thì quá cẩu thả, gửi hồ sơ mà tiêu đề email cũng không có. Người có viết tiêu đề thì lại cộc lốc không có nội dung, cứ như là đi rải tờ rơi vậy. Rồi email có lỗi chính tả, viết tắt nhí nhố theo ngôn ngữ chát chít. Những hồ sơ như thế, tất nhiên là không qua khỏi vòng xét loại ban đầu, vì không cho thấy sự nghiêm túc và không sạch các lỗi cơ bản.
Bạn bè làm doanh nghiệp gặp nhau có chia sẻ điều gì đau đầu, thì trước sau gì cũng xoay về nhân sự. Định làm cái gì mới, điều lo ngại nhất không phải là vốn, mà lại là người. Không có người có đủ khả năng để triển khai. Mà người có đủ khả năng đó, cũng không có gì cao xa hơn hai chữ “trung thực và thạo việc”.
Hạ thấp tiêu chí tuyển dụng ứng viên “thạo việc” xuống “biết việc” nhưng vẫn không tuyển được người
Than thở với bạn về chuyện tuyển người không được, bạn bình luận ngay: Tiêu chí như vậy là quá cao. Phải hạ tiêu chí xuống nếu không sẽ không bao giờ tuyển được người. Thạo việc thì quá sức của các đại học, chỉ cần “biết việc” là được.
Tôi thấy cũng có lý, nên hạ thấp tiêu chuẩn xuống biết việc. Trong thâm tâm tôi nghĩ, ngay cả khi không biết việc, chỉ cần là người trung thực và ham học thì đã có thể nhận.
Vậy mà gần hai tháng vẫn chưa tuyển được người. Lý do là tôi tiến hành một bài kiểm tra tưởng chừng rất đơn giản, nhưng hóa ra lại thành ra thách thức với tất cả ứng viên: Hãy viết một bài luận dài 700-800 chữ về một chủ đề mà bạn quan tâm.
Mong đợi của tôi cũng khá đơn giản: Viết đúng chính tả, đúng ngữ pháp, ý tứ mạch lạc rõ ràng. Vậy mà biết bao người đến rồi lại đi, không ai vượt qua được cửa ải này.
Thực trạng ứng viên hiện nay …
Có bạn ứng viên nhanh nhẹn, hỏi đáp trôi chảy, nói chung là tương đối tốt, dù chuyên môn không hợp nhưng tôi vẫn sẵn sàng nhận để đào tạo thêm. Nhưng đến bài viết văn này thì suy nghĩ rất lung rồi xin rút vì khó quá. Tôi sửng sốt, đây thực chất chỉ là bài tập làm văn của học sinh lớp 5, có gì mà sợ. Nhưng bạn vẫn xin rút, vì… ngại.
Tôi thực sự buồn rầu vì chuyện này. Vì sao học hết 12 năm phổ thông, rồi 4 năm đại học, rồi cũng đã ra trường đi làm, mà lại không thể viết được một bài văn 700-800 chữ, tức cỡ một trang giấy. Nhà trường đã dạy gì, và dạy như thế nào, để tạo ra kết quả như thế này?
Hỏi sang các doanh nghiệp bạn, thì thấy y chang. Nên chuyện tuyển người trở thành chuyện rất đau đầu với doanh nghiệp. Điều này dẫn đến tình trạng thất nghiệp cứ thất nghiệp, hàng trăm nghìn cử nhân không việc làm, mà khát người vẫn cứ khát người.
Cuối cùng cũng tìm được một ứng viên phù hợp, tuy nhiên…
Vì thế, tôi đặc biệt lưu ý đến một bạn sinh viên mới ra trường có hồ sơ khá đẹp. Tốt nghiệp loại giỏi một trường có tiếng. Email gửi đến cũng không đến nỗi nào. Với hồ sơ như thế, chỉ cần thể hiện là người trung thực thì đã có thể nhận được.
Nhưng kết quả thì vô cùng thất vọng. Vẫn là không qua được cửa ải bài văn 700-800 chữ.
Đọc bài viết của bạn, tôi thấy ngờ ngợ, lên mạng tra Google thì ôi thôi xong. Bài của người ta, bạn lấy về làm bài thi của mình. Bạn đã không chỉ là không trung thực, mà còn mắc lỗi đạo văn.
Tôi vừa buồn vừa tiếc, hỏi vì sao em làm như vậy, thì em nói xưa nay vẫn làm như vậy. Ở trường, các bài tiểu luận, em đều lên mạng cóp về, sửa chữa qua loa rồi nộp là xong. Bạn bè cũng làm thế. Thầy cô đều chấp nhận. Mọi thứ đều ổn. Các em vẫn ra trường với bằng giỏi.
Khi tôi nói, như vậy là mắc lỗi đạo văn, có thể bị kiện, thì em ớ người ra. Đối với em, chuyện xào xáo một bài viết cũ, sửa chữa vài chữ để thành bài của mình, là chuyện thường ngày, không có gì phải băn khoăn, không có gì phải nghĩ ngợi.
Lỗi do ai?
Tôi biết đây cũng không hẳn là lỗi của em. Cả trường như thế. Cổng trường đại học nơi em học, người ta bày bán công khai các luận văn và bài tập lớn. Có cả dịch vụ viết thuê. Chỉ cần thay tên, sửa chữa vài chi tiết, là có ngay một luận văn và in ngay tại chỗ. Khóa này thì xào xáo của khóa trước. Khóa trước thì xào xáo của khóa trước nữa. Cứ thế mà nối đuôi nhau ra trường.
Tôi chẳng biết nói gì khác, ngoài một câu rất lấy làm đáng tiếc, rằng nếu em trượt, thì không phải vì chuyên môn, mà vì em không trung thực. Em lấy đó làm kinh nghiệm để phỏng vấn lần sau.
Trong thâm tâm, tôi biết bạn ứng viên này chỉ làm như một thói quen. Rất có thể, thầy cô của em cũng làm như thế, dưới nhiều hình thức khác nhau mà không biết. Chuyện dùng văn mẫu, chuyện lên mạng lấy giáo án điện tử của người khác về làm giáo án của mình cũng là như vậy.
Nhà tuyển dụng nhiều khi không cần gì những năng lực cao siêu. Nhiều vị trí ứng viên chỉ cần trung thực, cộng trừ nhân chia thông thạo, nói năng mạch lạc rõ ràng, biết sử dụng internet, tự viết được một bài văn 700-800 chữ đúng chính tả và đúng ngữ pháp, tức yêu cầu không quá trình độ bậc Tiểu học, là đã có thể tuyển dụng được.
Vậy mà tìm được một người như thế bây giờ hóa ra cũng không phải dễ. Đó là thất bại của giáo dục, và cũng là nỗi khổ của nhà tuyển dụng.”
Nên tuyển dụng ứng viên “thạo việc” hay “biết việc”
Thật sự để quyết định xem ta nên tuyển dụng ứng viên “thạo việc” hay “biết việc” là điều rất khó. Vì mỗi doanh nghiệp lại có hoàn cảnh khác nhau, văn hoá doanh nghiệp khác nhau và nguồn lực khác nhau. Thế nên, câu trả lời cho câu hỏi này chính là tùy thuộc vào mục đích và vị trí mà bạn muốn tuyển dụng.
Ứng viên thạo việc thường phù hợp khi bạn tuyển dụng những vị trí cấp cao, quan trọng trong doanh nghiệp, như là giám đốc, phó giám đốc, C-level,… Một điều mà bạn cần chú ý khi làm việc với những ứng viên này là thể hiện sự coi trọng đối với kiến thức và kinh nghiệm của họ. Nó sẽ đem lại một nguồn lợi lớn cho doanh nghiệp.
Còn ứng viên biết việc hay chưa có hoặc ít kinh nghiệm thì phù hợp với những vị trí thực tập sinh và nhân viên ở những cấp thấp. Những vị trí ấy sẽ tạo cho họ cơ hội được học hỏi nhiều hơn và trau dồi thêm kinh nghiệm, đến khi có đủ rồi, họ có thể làm việc ở những vị trí cấp cao hơn.
Lời khuyên khi làm việc với những ứng viên ít kinh nghiệm này là hãy đầu tư vào đào tạo và giúp họ thích ứng với doanh nghiệp. Vì như đã đề cập ở trên, họ là những người có thái độ và khả năng làm việc tốt, chỉ là chưa có kiến thức và kỹ năng cần thiết để làm việc hiệu quả mà thôi. Đầu tư vào đào tạo là cách tốt nhất để giúp họ phát triển tiềm năng sẵn có và nhanh chóng đem lại nguồn lợi cho doanh nghiệp.
Khi đào tạo nhân viên “thạo việc” hay “biết việc”, bạn cần chú ý những điều sau:
- Nên giới thiệu tổng quan về doanh nghiệp bạn đầu tiên
- Nên đưa ứng viên đi chào hỏi hoặc giới thiệu họ khi các nhân viên khác tập hợp đông đủ.
- Có lộ trình đào tạo, làm việc và thông báo với ứng viên rõ ràng
- Quan tâm đến suy nghĩ của họ. Cuối mỗi ngày làm việc trong thời gian nghỉ việc, hãy hỏi han họ xem hôm nay làm việc thế nào, có gì khó khăn không.
Đọc thêm: 9 điều HR cần làm cho nhân viên mới trong tuần đầu tiên
Tạm kết
Dù thạo việc hay không, mọi nhân viên mới đều cần được cấp trên hướng dẫn khi mới bắt đầu nhận việc. Điều quan trọng là bạn phải nhận ra được đâu là ứng viên mình đang cần và đào tạo họ đúng cách. Đó là yếu tố then chốt để nâng cao chất lượng nhân sự của doanh nghiệp.
Đọc thêm: Loại bỏ thành kiến để tuyển dụng hiệu quả hơn
Tổng hợp
Bên cạnh các bài blog chất lượng, insider.tophr.vn còn đem tới nhiều chương trình ưu đãi, phục vụ thiết thực cho công việc hàng ngày của những người làm tuyển dụng – nhân sự và quản lý doanh nghiệp.