Những hồ sơ (CV) ứng tuyển bạn nên phớt lờ để tiết kiệm thời gian

Sau khi đăng tin tuyển dụng trên các trang việc làm, bạn sẽ nhận được hàng trăm hồ sơ ứng tuyển. Để chọn lựa ứng viên tiềm năng, có lẽ bạn phải bỏ ra rất nhiều thời gian để sàng lọc. Một vài tips dưới đây sẽ giúp bạn nhanh chóng loại bỏ những hồ sơ không phù hợp.

Chuyển nhiều công ty trong một thời gian ngắn

Chuyển từ công ty này sang công ty khác trong một thời gian ngắn là dấu hiệu dễ thấy của một CV không đạt chuẩn. Cần tìm hiểu rõ: Tại sao ứng viên này nghỉ việc? Ứng viên này có phải là người giữ chữ tín không? Những công việc này là toàn thời gian hay bán thời gian?

Nếu là sinh viên thì họ có thể chọn nhiều công việc ngắn hạn để kiếm thêm thu nhập. Một số bạn muốn gia tăng kinh nghiệm trong quá trình học tập và xin việc. Nhưng điều này không nên có trong hồ sơ của người đã có kinh nghiệm và bằng cấp. Nhảy việc nhanh và nhiều trong thời gian ngắn hạn thể hiện sự thiếu kiên nhẫn và thiếu luôn lòng trung thành. Hãy chú ý điểm này trong hồ sơ của ứng viên.

“Tôi luôn có những cân nhắc và suy xét rõ ràng đối với những trường hợp này” – Một chuyên viên nhân sự chia sẻ. “Ứng viên nhảy nhiều việc trong thời gian ngắn sẽ không có gì chắc chắn rằng anh ta sẽ không làm thế trong thời gian tới”

Hồ sơ được đánh bóng quá nhiều

Việc nêu bật các thành tích trong công việc là điều dễ hiểu của ứng viên. Mục đích cũng muốn “show off” bản thân, gây ấn tượng cho nhà tuyển dụng khi chọn lọc hồ sơ. Tuy nhiên, cần lưu ý những hồ sơ được “đánh bóng” bằng quá nhiều từ “chiến lược”.

Thường, một người chỉ luôn nói về “chiến lược” mà không trích dẫn các giải pháp, kết quả đạt được thì chắc chắn đó không phải nhân viên biết biến ý tưởng thành hiện thực. Người “làm ít nói nhiều” sẽ không mang lại hiệu quả trong công việc cho doanh nghiệp. Việc “đánh bóng” không chỉ thể hiện sự thiếu năng lực của ứng viên mà còn báo hiệu nguy cơ về một nhân viên không thật thà trong tổ chức của bạn.

Mặc định mình là “chuyên gia”

Thường nhà tuyển dụng dành 6s để lướt qua hồ sơ ứng tuyển. Nếu những câu từ trong đó mang hàm ý họ là một “chuyên gia” thì có lẽ bạn nên bỏ qua hồ sơ này và chuyển sang bạn khác. Một chuyên gia sẽ không phải đi tìm việc mà việc sẽ tìm đến họ. Đó là một điều chắc chắn.

Hồ sơ xin việc không nêu bật thành quả, chỉ coi trọng hình thức

Một CV có hình thức trình bày ấn tượng, chức vụ đảm nhiệm trước đó rất “hoành tráng” nhưng nội dung không hề đề cập đến thành tích, thất bại hay kinh nghiệm của họ thì bạn cũng không cần phải bận tâm đến nó nữa.

Phần lớn doanh nghiệp tìm người về để thực thi kế hoạch chứ hiếm khi tìm người về “chỉ tay năm ngón”. Do đó, hãy dành thời gian của mình cho ứng tiên tiềm năng khác.

CV có lỗi chính tả hoặc lỗi hành văn

Không có lý do nào có thể châm chước cho một CV sai chính tả hoặc lỗi hành văn của người có bằng cấp, có chuyên môn và kinh nghiệm. Điều này chỉ được lý giải bằng sự cẩu thả và hấp tấp của ứng viên.

CV như nhật ký hằng ngày của ứng viên

Có thể hiểu chủ nhân của những CV này không có tư duy logic và cách nhìn nhận chính xác khi liệt kê tràn lan những gì họ đã làm trong vòng 10 năm qua. Họ không suy luận được rằng các nhà quản lý không có nhiều thời gian để đọc “CV – Nhật ký hàng ngày” của họ.

Với những tips nhỏ trên đây, hi vọng sẽ giúp các nhà tuyển dụng nhanh chóng loại bỏ những CV chưa đạt chuẩn và tự tin lựa chọn ứng viên có tố chất tốt về chuyên môn và nhân cách mà không mất quá nhiều thời gian.