10 câu nói truyền cảm hứng mà lãnh đạo thời 4.0 nên nói với nhân viên của mình

10 câu nói dưới đây sẽ cực kỳ hữu dụng cho các nhà lãnh đạo trong việc truyền cảm hứng, động lực và lan toả niềm hạnh phúc cho nhân viên ngay tại nơi làm việc của bạn. Đặc biệt, nó sẽ giúp doanh nghiệp giữ chân không ít anh tài trong mùa nhảy việc.

Sẽ thật tuyệt vời nếu trong tổ chức của bạn có những người quản lý, lãnh đạo không những giỏi dẫn dắt mà còn biết truyền cảm hứng cho đội ngũ nhân viên. Và sự thật đã chứng minh rằng khi có cảm hứng, nhân viên sẽ tự động nâng cao hiệu suất làm việc của mình hơn hẳn nhóm nhân viên không mặn mà với công việc mà mình đang làm.

1. “Cảm ơn!”

Trên thực tế, những lời cảm ơn của lãnh đạo sẽ làm cho nhân viên cảm thấy cuộc sống, công việc có ý nghĩa hơn. Gạt bỏ ra khỏi đầu suy nghĩ “Tôi không cần cảm ơn nhân viên vì tôi đã trả lương cho họ rồi” nếu bạn không muốn doanh thu tụt dốc không phanh trong tháng tới hay phải trả lời những chất vấn của chủ đầu tư khi công ty không đạt KPIs.

Cách tốt nhất để nói lời cám ơn là trực tiếp mặt đối mặt chứ không phải qua email, Zalo, bình luận trên Facebook hoặc trên một mẩu giấy ghi chú.

Khi nói “cám ơn”, bạn phải đặt trái tim mình vào nó và nhìn thẳng vào mắt người được cám ơn, như thể không phải bạn đang đơn thuần là thốt ra hai từ cơ bản nhất mà là đang bày tỏ một lòng biết ơn chân thành. Việc nói lời cảm ơn sẽ chẳng làm bạn mất bao nhiêu công sức nhưng nó sẽ thúc đẩy nhân viên tích cực đóng góp hơn nữa. Đừng ngần ngại nói lời cảm ơn sau khi các cộng sự của mình giành được hợp đồng tiền tỷ, tổ chức một hội thảo, thậm chí là giúp đỡ mình một việc rất đơn giản.

2. “Xin lỗi!”

“Một lời xin lỗi thể hiện rằng sếp là người khiêm tốn và sẵn sàng chấp nhận sai lầm của mình với nhân viên”, Jose Costa, Tổng giám đốc (CEO) của For Eyes, một nhà bán lẻ mắt kính với hơn 150 cửa hàng trên khắp nước Mỹ, chia sẻ quan điểm.

Chúng ta thừa nhận rằng không ai là người lãnh đạo hoàn hảo cả. Thánh nhân còn phạm sai lầm nữa là nhưng hơn ai hết, chúng ta phải biết cách tự xử lý khi mắc lỗi: thừa nhận và xin lỗi vì điều đó. Sau đó cố gắng để sửa chữa hoặc làm giảm thiểu hậu quả. Một nhà lãnh đạo tốt sẽ nhanh chóng thừa nhận những sai lầm của chính mình, ngay cả khi lỗi lầm đó khiến họ đôi phần xấu hổ.

Đôi khi chúng ta còn phải nhận lỗi thay cho lãnh đạo khác, thậm chí với nhân viên phòng ban khác trước những sai lầm đến từ cộng sự của mình. Cố gắng che đậy những sai lầm chỉ dẫn đến những sai lầm lớn hơn. Nói “Tôi xin lỗi” là cách tốt nhất để bắt đầu sửa lỗi của bạn và cố gắng cải thiện tình hình.

3. “Mục tiêu của chúng ta là…”

Thay vì nói về “mục tiêu công việc là…”, hãy dùng “mục tiêu của chúng ta là …” để cá nhân hoá mục tiêu. Việc này có 2 tác dụng, thứ nhất nó sẽ giúp rút ngắn khoảng cách giữa lãnh đạo, nhân viên. Thứ 2, cá nhân hoá sẽ đem lại tính nhân văn, gắn lết mọi người lại với nhau.

Một tập thể hoạt động mà không có mục đích rõ ràng là một tập thể không đoàn kết và không có bất kỳ cách gắn kết nào giữa các nhân viên, vì mọi người chẳng biết mình làm vì mục tiêu gì. Vì vậy, là lãnh đạo, bạn có nhiệm vụ nhắc nhớ các nhân viên của mình về mục tiêu chung mà mọi người cần phối hợp để đạt được.

4. “Bạn nghĩ thế nào về…?”

Phần lớn các lãnh đạo doanh nghiệp hiện nay thường “đơn phương độc mã” ra chiến trường (đi pitching để gọi vốn, đi đấu thầu công trình, đi đàm phán hợp đồng…). Tuy nhiên, một nhà lãnh đạo tốt sẽ luôn mong muốn nhận được sự giúp đỡ và muốn nghe những ý kiến từ các thành viên trong nhóm của mình.

Làm sếp không có nghĩa là sẽ biết tất cả. Vì vậy, hãy chủ động thu thập thông tin từ tất cả các nguồn và thu thập các ý tưởng sáng tạo để đưa ra các giải pháp tuyệt vời. Mỗi nhân viên sẽ là một “chuyên gia” trong những mảng công việc họ làm. Hãy cho họ biết bạn đánh giá cao chuyên môn và thông tin chi tiết của họ bằng lắng nghe những ý kiến của nhân viên.

5. “Chúng ta đã làm được/đạt được!”

Hãy nói đúng hơn là công nhận sự nỗ lực của tất cả mọi người bất cứ khi nào bạn dẫn dắt đội của mình vượt qua tháng chạy đua KPIs, vượt qua một cột mốc, thậm chí là khó khăn nào đó, hãy dừng lại và thừa nhận điều đó. Thừa nhận bằng lời nói về những gì đã được thực hiện hay công nhận sự nỗ lực của tất cả mọi người. Những thành tựu đạt được cùng nhau là lý do để nhân viên của bạn tiếp tục nỗ lực phấn đấu.

6. “Chúng ta nên tập trung vào …”

Mục tiêu là thứ đã được lên kế hoạch dài hạn trước đó, tuy nhiên trong quá trình thực hiện sẽ có nhiều mục tiêu nhỏ khác cần được hoàn thành. Điều quan trọng là bạn phải trao đổi, chốt lại cụ thể với các cộng sự. Đừng mong đợi nhân viên đọc được suy nghĩ của bạn, hoàn thành những công việc chỉ được vạch sẵn trong đầu bạn. Hãy làm rõ những công việc nào là quan trọng nhất và cần được ưu tiên hoàn thành.

7. “Hãy thật thẳng thắn nói về …”

Xung đột giữa hai nhân viên ưu tú của bạn, khách hàng gắp vấn đề khi sử dụng sản phẩm, của doanh nghiệp, thậm chí, công ty bí mất thị phần sau những vụ ‘chơi đểu’ của đối thủ…Rất nhiều khó khăn bạn phải đứng ra giải quyết. Một ngày làm việc bạn phải xử lý rất nhiều thông tin đến từ các phòng ban, khi gặp chuyện sẽ bị cạn kiệt ý tưởng là điều hoàn toàn dễ hiểu.

Trong tất cả những tình huống đó, một nhà lãnh đạo giỏi sẽ biết cách họp mọi người lại, và sử dụng câu thần chú “Hãy thẳng thắn nói về…”. Bằng cách này, bạn sẽ kéo toàn đội của bạn vào một cuộc thảo luận mở, hoặc ngồi xuống để nói về một vấn đề. Các thành viên trong nhóm có thể chỉ ra các sai sót và các điều bất ổn, và cũng có thể trình bày các ý tưởng và giải pháp. Nhiều cái đầu, nhiều góc nhìn sẽ đem cho bạn đủ thông tin để đưa ra quyết định sáng suốt.

8. “Đây là thử thách của chúng ta”

Câu thần chú tiếp theo “Đây là thử thách của chúng ta” khi công ty hay phòng ban đang đối mặt với một vấn đề tiềm ẩn, một trở ngại, một dự án lớn, hoặc những thứ tương tự. Làm rõ thách thức, gọi tên, xác định nó, cùng thảo luận và nhìn nhận nó từ mọi góc độ. Né tránh chỉ làm vấn đề thêm trầm trọng. Đừng sợ bởi bạn sẽ không phải đối đầu một mình. Sau lưng bạn luôn là đồng đội – những người luôn sẵn sàng chiến đấu. Vị vậy, tất cả những gì bạn cần làm là xác định trở ngại của bạn là gì và cách “bày binh bố trận” thế nào để giải quyết nó.

9. “Hãy cùng nhìn lại”

Mỗi ngày làm việc là một ngày để học. Cùng nhìn lại những gì mình đã làm sẽ cho bạn những kinh nghiệm để giải quyết các vấn đề tương lai. Hãy xem xét toàn bộ quá trình làm việc và tích cóp, thu thập những kinh nghiệm hữu ích để thành công hơn.

10. “Bạn làm rất tốt !”

Hãy nhớ lại lần cuối bạn khen nhân viên của mình là từ bao giờ? Đã có nhiều nghiên cứu, báo cáo phân tích của các chuyên gia về điều kiện cần và đủ để một nhân viên gắn bó lâu dài với tổ chức. Tuy nhiên, điều kiện cuối cùng lại thường bị bỏ qua trong quá trình làm việc: Sự ghi nhận, tưởng thưởng, động viên, khen ngợi nhân viên.

Đây là điều không khó mà tôi cho rằng bất cứ một người lãnh đạo, quản lý nào cũng có thể làm được, để có thể giữ chân được nhân viên của mình. Đây cũng là vũ khí cạnh tranh lợi hại của các công ty mới thành lập, có quy mô nhỏ, mức độ phát triển thấp so với các “ông lớn” trên thị trường. Ngược lại, công ty có thể sẽ phải thường xuyên chứng kiến cảnh nhân viên dứt áo ra đi, tìm nơi làm việc mới mà bản thân được ghi nhận và tôn trọng hơn. Vậy nên, đừng hà tiện những lời tán dương.