Văn hoá doanh nghiệp là gì? Lợi thế của việc xây dựng văn hoá doanh nghiệp tốt?

Theo “Báo cáo thị trường tuyển dụng 2022 & Nhu cầu tuyển dụng 2023” từ TopCV Việt Nam, một trong những ưu tiên hàng đầu của người lao động hiện nay khi tìm kiếm một công việc mới chính là những nơi có môi trường văn hoá phù hợp. Để thành công thu hút và giữ chân nhân tài, doanh nghiệp cần thực sự hiểu và chú trọng cải thiện chất lượng văn hoá doanh nghiệp.

Văn hoá doanh nghiệp là gì? Lợi thế của việc xây dựng văn hoá doanh nghiệp tốt?

Hiểu về văn hoá doanh nghiệp

Khi nhập từ khoá “Văn hoá doanh nghiệp” trên thanh tìm kiếm, rất nhiều phiên bản khác nhau về định nghĩa cho cụm từ này xuất hiện. Đúc kết lại, “Văn hoá doanh nghiệp là tập hợp những giá trị và chuẩn mực về niềm tin, hành vi, cách nhận thức và phương pháp tư duy được mọi người trong công ty cùng công nhận, suy nghĩ và hành động như một thói quen.”

“Con người luôn là bài toán quan trọng nhất và cũng thách thức nhất với bất kỳ doanh nghiệp nào. Nhưng đây là bài toán đáng để giải, đủ thử thách và ý nghĩa”, Nhà sáng lập kiêm Tổng giám đốc điều hành TopCV Việt Nam, anh Trần Trung Hiếu chia sẻ.

Văn hoá được xây dựng bởi con người, cho con người và vì con người. Khi con người chia sẻ chung một nền văn hoá, chúng ta sẽ có xu hướng gắn bó lâu dài. Đối với các doanh nghiệp, thu hút người tài là một bài toán khó, nhưng để giữ được họ đồng hành cùng tổ chức còn là bài toán nan giải hơn. Chính vì vậy, doanh nghiệp tiếp lợi thế cho chính mình bằng cách tạo ra sự gắn bó về mặt cảm xúc, sự đồng điệu về mặt tâm hồn giữa đội ngũ nhân viên với tổ chức – thông qua việc xây dựng nền văn hoá phù hợp.

Những lợi thế bất ngờ cho doanh nghiệp khi chú trọng xây dựng văn hoá

Xây dựng thương hiệu nhà tuyển dụng hiệu quả

Có văn hoá doanh nghiệp tốt đồng nghĩa với việc sở hữu một công cụ truyền thông hiệu quả. Ở một môi trường có văn hoá doanh nghiệp tốt, nơi nhân viên hài lòng và yêu mến đời sống công việc của mình, mỗi người họ sẽ trở thành một đại sứ thương hiệu của doanh nghiệp. Việc xây dựng thương hiệu nhà tuyển dụng sẽ đạt hiệu quả vô cùng cao.  

Nâng cao hiệu suất và chất lượng công việc

Chất lượng đời sống công sở và hiệu suất làm việc của một nhân viên luôn có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Chất lượng đời sống có thể được hiểu là sức khoẻ tinh thần và thể chất, cũng như sự hài lòng của nhân viên đối với doanh nghiệp. Khi đời sống tinh thần và thể chất của nhân viên tại doanh nghiệp được chăm lo tốt, họ sẽ cảm thấy phấn chấn và muốn được đi làm mỗi ngày, hứng thú làm việc tăng cao. Bởi vậy, những hành động hỗ trợ từ phía công ty vô cùng quan trọng, như cơ chế làm việc thời gian linh hoạt, môi trường thảo luận cởi mở, hoạt động nội bộ… 

Thúc đẩy sự cống hiến và gắn bó của nhân viên

Các khoản lương thưởng có thể là mục đích của việc đi làm, nhưng thứ luôn tạo động lực cho người đi làm chính là cảm hứng. Có thể thấy, doanh nghiệp nào đầu tư nhiều vào chế độ đãi ngộ và quan tâm nhiều đến nhân viên thì tỉ lệ gắn bó của nhân sự cũng cao hơn các tổ chức khác. Không chỉ vậy, giá trị mà doanh nghiệp mang lại còn giúp nhân viên thấu hiểu cho nhà lãnh đạo của mình trong hầu hết các quyết định.

Thu hút nhân tài và tạo lợi thế cạnh tranh

Tuyển dụng và chiêu mộ ứng viên chất lượng luôn là mong muốn của phần lớn doanh nghiệp. Việc xây dựng một văn hóa doanh nghiệp mang đậm cá tính riêng của thương hiệu giúp tạo dấu ấn trong lĩnh vực.

Yếu tố này sẽ giúp tổ chức chiêu mộ, thu hút cũng như tạo ra vị thế cạnh tranh trên thị trường tuyển dụng nhân sự. Đây là tiền đề để công ty xây dựng đội ngũ nhân sự hùng hậu và khẳng định vị thế tốt hơn!

Bắt đầu cải thiện văn hoá doanh nghiệp từ đâu?

Người lãnh đạo

Người lãnh đạo là người trực tiếp điều hành doanh nghiệp, đưa ra các quyết định ảnh hưởng đến toàn bộ doanh nghiệp và đội ngũ nhân viên. Quan điểm, tính cách và hành động của người lãnh đạo sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến văn hoá của doanh nghiệp.

Đội ngũ nhân viên

Một doanh nghiệp không thể hoạt động nếu thiếu đội ngũ cán bộ nhân viên. Một môi trường văn hoá công sở lành mạnh là nơi nhân viên tương tác, gắn bó, có sự kết nối với nhau. Những hoạt động nội bộ như teambuilding, liên hoan hàng tháng… sẽ là những không gian hoàn hảo để thúc đẩy tinh thần gắn kết của mọi người.

Môi trường làm việc

Có thể chứng minh được rằng môi trường làm việc là nhân tố ảnh hưởng tới văn hóa doanh nghiệp. Một không gian ồn ào, lộn xộn sẽ ảnh hưởng đến quá trình làm việc bởi những yếu tố đó tác động tiêu cực đến sự tập trung, khiến bạn không thoải mái, từ đó năng suất lao động cũng sụt giảm.

Ngoài ra, một môi trường làm việc tích cực như: đồng nghiệp thân thiện, sếp tâm lý, giờ giấc linh hoạt, ít nội quy gò bó,… sẽ là điểm cộng cho doanh nghiệp.