“Hiện nay, thế giới có 2 tỷ người bị mắc các chứng bệnh về sức khỏe tinh thần. Dự kiến đến năm 2030, nền kinh tế toàn cầu mất đi 16 nghìn tỷ USD chỉ vì những chứng bệnh liên quan đến sức khỏe tinh thần. Mỗi năm nước Mỹ chi tiêu 300 tỷ USD chỉ để khắc phục những sự cố do căng thẳng tại nơi làm việc, ở châu Âu con số này còn lên đến 650 tỷ USD.” – Theo số liệu khảo sát trong chương trình ‘Leader Talk 04: Workplace mental wellbeing’, CEO Coach For Life Quách Hiền.
Những con số đáng báo động kể trên cho thấy sức khỏe tinh thần là một vấn đề mang tính toàn cầu cần được quan tâm, chú ý. Đặc biệt, khi bàn về việc chăm sóc sức khỏe tinh thần trong môi trường làm việc, yếu tố này thực sự đã và đang trở thành nhiệm vụ cấp bách đối với các nhà quản trị và lãnh đạo doanh nghiệp.
1. Thực trạng sức khỏe tinh thần của nhân viên trong doanh nghiệp
Thách thức của quản trị nhân sự không chỉ đơn thuần là khái niệm duy trì tính ổn định của đội ngũ nhân lực. Bộ phận nhà quản lý cần đảm bảo được nhân viên có đang thực sự ổn và trong trạng thái tốt nhất để cống hiến cho công việc.
Rất nhiều những nghiên cứu, khảo sát đã chỉ ra các con số cụ thể liên quan đến vấn đề sức khỏe tinh thần của người lao động tại nơi làm việc. Điển hình như Harvard Business Review vào năm 2022 đã thống kê: “68% nhân viên thuộc thế hệ Millennials và 80% nhân sự là Gen Z đã quyết định nghỉ việc vì những vấn đề liên quan đến sức khỏe tinh thần.”
Thời gian cũng chưa hẳn quá lâu khi chúng ta nhắc về trào lưu nghỉ việc quy mô lớn hay còn gọi là “làn sóng đại từ chức” (the Great Resignation) diễn ra từ năm 2021. “Dư âm” của làn sóng đại nghỉ việc vẫn còn ảnh hưởng khá mạnh mẽ, khi con số thống kê người lao động đã nghỉ việc chỉ riêng trong tháng 12/2022 lên tới 4,1 triệu người, nâng tổng số người nghỉ việc trong năm 2022 lên đến hơn 50 triệu người.
Thêm vào đó, khi trào lưu nghỉ việc hàng loạt có dấu hiệu giảm xuống thì xu hướng “nghỉ việc thầm lặng” (quiet quitting) lại diễn ra vào nửa cuối 2022 khiến nhiều doanh nghiệp lao đao. Viện Gallup chuyên tư vấn và phân tích ở Mỹ đã tính toán mức độ gắn bó của nhân sự tại khu vực Đông Nam Á chỉ chiếm 24%.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến mức độ gắn bó không cao ở người lao động là bởi yếu tố tinh thần của họ không được doanh nghiệp đề cao, xem trọng. Những dồn nén trong công việc, vội vã chạy theo những chỉ tiêu khiến họ “trượt dài” trong áp lực và rơi vào tình trạng kiệt sức. Như một lời cảnh tỉnh, tại Việt Nam hiện nay có gần 33% doanh nghiệp không đưa ra bất kỳ hỗ trợ nào về tình trạng burnout – kiệt sức ở người lao động, dù các vấn đề sức khỏe tinh thần đang có chiều hướng ngày càng gia tăng trong môi trường làm việc. (Theo International SOS Vietnam)
Câu hỏi được đặt ra trong bối cảnh hiện tại phải chăng là: Doanh nghiệp đã thực sự hiểu rõ mức độ ảnh hưởng của sức khỏe tinh thần của nhân viên đối với sự phát triển của doanh nghiệp để từ đó thay đổi góc nhìn và có phương pháp nâng cao sức khỏe cho người lao động?
2. Hiểu về mối quan hệ giữa sức khỏe tinh thần của nhân viên và sự phát triển của doanh nghiệp
Trong quá trình nghiên cứu và tổng hợp cuốn Ebook “Nhân viên hạnh phúc, doanh nghiệp hạnh phúc”, các chuyên gia đến từ Coach For Life (CFL) nhận ra rằng trong khi con người có vẻ đang làm “tốt” nếu nhìn vào con số tăng trưởng GDP hàng năm thì nhìn vào các yếu tố khác, phần đông người lao động trên thế giới phải vật lộn với mưu sinh trong khi ngày càng già đi và sức khoẻ cũng giảm sút mà không cảm thấy hạnh phúc.
Dấu hiệu nào cho thấy nhân viên đang kém hạnh phúc tại doanh nghiệp?
Một số biểu hiện và triệu chứng cơ bản giúp người sử dụng lao động nhận biết được nhân viên của mình đang rơi vào trạng thái căng thẳng và gặp vấn đề trong công việc, tinh thần có thể kể tới như:
- Luôn cảm thấy mệt mỏi, tiêu cực, giảm hứng thú với công việc
- Khả năng tập trung kém, luôn cảm thấy tách biệt với tổ chức
- Hiệu suất công việc giảm, không muốn thăng tiến, phát triển sự nghiệp
- Dễ nóng nảy, tranh luận khi có vấn đề
- Thường xuyên vắng mặt
- Gặp mâu thuẫn, mối quan hệ không tốt với các thành viên khác
- Bất đồng, thiếu sự hợp tác và thường xuyên có định kiến với đồng nghiệp, các nhiệm vụ được giao
Sức khỏe tinh thần bị ảnh hưởng có lẽ không chỉ là câu chuyện của riêng nhân viên, mà đôi khi cũng là tình trạng có thể gặp thấy ở cả người nhà lãnh đạo. Khi tất cả những yếu tố không thuận lợi đến từ hậu quả của đại dịch, lạm phát đã khiến mọi thứ đảo lộn, từ bối cảnh kinh tế đến thị trường nhân tài trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam. Vậy nên, để một doanh nghiệp “chèo lái” vững hơn trên thị trường có nhiều biến động, bên cạnh những thay đổi trọng yếu về mặt tổ chức, người giữ vai trò đứng đầu doanh nghiệp cần chú trọng đến yếu tố “gốc rễ”, không gì khác chính là con người!
Về bản chất, sức khỏe tinh thần của cá nhân trong doanh nghiệp được đảm bảo, họ mới có thể phát huy được hết nội lực, song hành cùng sự tăng trưởng của doanh nghiệp và cùng nhau tạo nên một tổ chức phát triển bền chặt. Và để xây dựng tốt yếu tố con người, hãy bắt đầu từ việc sẵn sàng tìm hiểu, lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng của người lao động. Hãy bồi bổ cho họ lợi thế về tinh thần, bao gồm cả sức khỏe thể chất với mục tiêu “tăng hạnh phúc – tăng năng suất” để nỗ lực hướng tới phát triển nguồn nhân lực bền vững.
3. Quan tâm và chăm sóc sức khỏe tinh thần cho nhân viên đúng cách
Kể từ sau đại dịch, các doanh nghiệp trên toàn cầu đã chứng kiến sự thay đổi mạnh mẽ và khác biệt về xu hướng, thói quen và hành vi mới của người lao động. Các cụm từ “sống chậm”, “tỉnh thức”, “trở về”, “yêu thương chính mình” xuất hiện và được trao đổi mạnh mẽ hơn.Người tham gia vào thị trường lao động sẽ có xu hướng lựa chọn những doanh nghiệp mang tới cho họ những trải nghiệm tinh thần tốt. Vậy nên, việc không kém phần quan trọng mà các nhà lãnh đạo cũng cần phải để tâm là quản trị tinh thần cho nhân sự và chính đội ngũ dẫn dắt doanh nghiệp.
Trong thời đại “PAID” với 4 thành tố: Pressure – áp lực; Always on – kết nối 24/7, Information overloaded – bội thực thông tin và Distracted – phân tâm, cân bằng phải chăng chính là chìa khóa và mỗi người lãnh đạo đều cần học cách thấu hiểu nhiều hơn về nhân viên của mình.
Quá trình chăm sóc sức khỏe tinh thần cho người lao động có thể bắt đầu từ những bước đơn giản, bất kỳ doanh nghiệp nào cũng có thể từng bước triển khai hiệu quả.
Xây dựng văn hóa làm việc tích cực
Ngoài khung thời gian làm việc, nhà lãnh đạo hoàn toàn có thể xây dựng văn hóa làm việc tích cực dựa trên việc thiết lập các hoạt động chia sẻ, hỗ trợ giữa lãnh đạo và nhân viên hoặc giữa tập thể nhân viên trong công ty. Những buổi trò chuyện về tinh thần, chia sẻ về khó khăn đang gặp phải giúp kết nối, gỡ rối những vấn đề nhanh hơn và đảm bảo tính cởi mở, minh bạch trong tổ chức.
Thường xuyên triển khai các buổi nâng cao nhận thức về vấn đề sức khỏe tinh thần
Khác với các vấn đề sức khỏe thể chất, người gặp vấn đề tinh thần thường có xu hướng giấu đi những suy nghĩ hay khó khăn của bản thân. Họ thu mình lại và sợ những chỉ trích từ dư luận, đặc biệt càng khó để bày tỏ những vấn đề cá nhân tại nơi làm việc. Những buổi chia sẻ kiến thức về tâm lý hoặc chữa lành sẽ có vai trò như một “liều thuốc” xoa dịu tinh thần cho nhân viên. Ngoài ra, cung cấp thêm kiến thức và nâng cao nhận thức về dấu hiệu tâm lý cho tất cả các thành viên trong đội ngũ.
Củng cố sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống cá nhân của nhân viên
Nhu cầu được tận hưởng cuộc sống riêng tư, không bị vướng bận bởi những cuộc họp hay công việc ngoài giờ làm là một điều hầu như nhân viên nào cũng mong muốn được đáp ứng. Doanh nghiệp hãy đảm bảo tách biệt rõ khung giờ làm việc với thời gian cá nhân để nhân viên cảm thấy thoải mái và hài lòng hơn.
Gia tăng chính sách đãi ngộ người lao động bằng việc tăng ngày nghỉ, giờ nghỉ
Khi nhân viên an tâm làm tốt nhiệm vụ của mình tại doanh nghiệp, thì việc thưởng cho họ thêm 1 đến 2 ngày nghỉ trong năm có lẽ là điều không quá khó. Công ty có thể khuyến khích nhân viên tận dụng ngày nghỉ phép để nghỉ ngơi lấy lại tinh thần và phân bổ công việc hợp lý để các nhân viên khác không rơi vào tình trạng quá tải khi đồng nghiệp vắng mặt.
Đề cao sự ghi nhận trong tổ chức
Cảm giác được ghi nhận sẽ tạo ra sự biết ơn và mong muốn gắn bó ở người lao động. Việc vinh danh những cống hiến, nỗ lực và ý kiến đóng góp của nhân viên được xem là nền tảng của sức khỏe tinh thần. Doanh nghiệp có thể triển khai các hoạt động tri ân nhân viên vào các dịp đặc biệt như sinh nhật, thâm niên, khi nhân viên đạt thành tích trong công việc,…
Khuyến khích thói quen lành mạnh
Môi trường làm việc lý tưởng cũng có thể trở thành “ngôi nhà thứ 2” khi cho phép nhân viên được trau dồi, thoải mái phát triển những thói quen tích cực. Những hoạt động lành mạnh như tập thể dục hàng ngày, tổ chức các cuộc thi thể thao cho nhân viên hay những buổi thực hành chánh niệm, các bữa ăn hay buổi giao lưu âm nhạc “chữa lành” sẽ giúp cải thiện sức khỏe toàn diện cho nhân viên, dù là thể chất hay tinh thần.
Ứng dụng công nghệ cải thiện sức khỏe tinh thần tại nơi làm việc
Ngoài việc chủ động triển khai nhiều hoạt động thúc đẩy tinh thần, doanh nghiệp cũng có thể gián tiếp ứng dụng công nghệ để giải tỏa những căng thẳng, lo âu cho nhân viên tại nơi làm việc. Rất nhiều các công cụ có khả năng hỗ trợ doanh nghiệp quản lý hiệu quả, đặc biệt là hữu ích đối với sức khỏe của người lao động.
Lời kết
Cân bằng giữa nhu cầu sức khỏe tinh thần và nhu cầu của nơi làm việc không phải là một bài toán khó nếu nhà lãnh đạo kịp thời nhận thức và từng bước cải thiện, hỗ trợ nhân viên. Bằng cách tập trung nâng cao yếu tố tinh thần cho mỗi cá nhân trong tổ chức, sự hài lòng trong công việc và hiệu suất làm việc của họ sẽ được tối ưu. Qua đó, doanh nghiệp có thể xây dựng thành công thương hiệu tuyển dụng nhằm thu hút ứng viên mới tiềm năng và giữ chân người tài.