“Ai mở lời nói ’em muốn đi’ thì tiễn đi ngay. Đặc biệt là, khi thấy bạn nào chọn sai nghề, làm chưa đúng việc, đi làm mà khổ sở thì nói luôn là bạn nên nghỉ và nên theo đuổi việc gì, ngành gì cho phù hợp để thăng tiến sau này”.
Chị Nguyễn Phi Vân là thành viên sáng lập và phát triển Công ty World Franchise Associates khu vực Đông Nam Á, đồng thời cũng là Chủ tịch Công ty Retail & Franchise Asia – công ty đại diện cho hơn 1000 thương hiệu quốc tế tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Chị còn là cố vấn về nhượng quyền thương hiệu cho Chính phủ Malaysia.
Ngoài ra, chị Nguyễn Phi Vân còn là tác giả của 1 cuốn sách về nhượng quyền nổi tiếng, 1 cuốn mô tả toàn cảnh về bức tranh nền kinh tế thế giới. Hơn 20 năm bước vào thị trường quốc tế, Vân giờ đây không chỉ đạt được thành công trên thương trường mà còn trở thành người truyền lửa cho thế hệ kế tiếp tự tin bước ra thế giới.
Ngày Quốc tế Phụ nữ 8.3 đang tới, hãy cùng lắng nghe nữ doanh nhân Nguyễn Phi Vân chia sẻ quan điểm của bản thân về việc quản trị nhân sự trong bài viết dưới đây.
Dân công sở vẫn truyền tai nhau rằng: “Một nhân viên từ bỏ công việc thường không phải do bản chất của công việc hay môi trường làm việc mà là do người sếp của mình”.
Câu nói có thể đúng phần nào đó, tuy nhiên chưa thật chuẩn xác, mà điều này vô tình tạo nên một áp lực vô hình đặt nặng lên đôi vai của những người giữ vị trí quản lý hay lãnh đạo. Để từ đó, mỗi khi có nhân viên nào đó vào nói chuyện muốn nghỉ việc, nhiều quản lý không cần tìm hiểu nguyên nhân là gì mà chỉ một mực níu giữ.
Đâu mới là cách một người sếp nên làm khi nhân viên khi nhân viên của mình chia sẻ câu chuyện “nghỉ việc”. Trên trang cá nhân của mình, chuyên gia nhượng quyền Nguyễn Phi Vân đã có dịp chia sẻ câu chuyện hay về cách thức quản trị nhân sự mà yếu tố cốt lõi đó chính là “không giữ người”. Cụ thể, chị chia sẻ:
“Quản trị nhân sự là không giữ nhân sự!
Ý kiến cá nhân là vậy đó. Cả đời (tôi) đi làm thuê, làm chủ, chưa bao giờ giữ nhân sự. Luôn cố gắng tạo ra một không gian nhiều cơ hội học hỏi, vui, chân thành, mang lại giá trị xã hội, rồi ai bị hút vô đó thì làm chung. Ai mở lời nói em muốn đi thì tiễn đi ngay. Đặc biệt là, khi thấy bạn nào chọn sai nghề, làm chưa đúng việc, đi làm mà khổ sở thì nói luôn là bạn nên nghỉ và nên theo đuổi việc gì, ngành gì cho phù hợp để thăng tiến sau này.
Với tôi, mỗi con người có duyên gặp gỡ trong đời là một cá thể có tiềm năng khác nhau, và nhiệm vụ của tôi là nếu nhìn thấy điều gì tốt nhất cho họ thì sẽ nói thật. Tôi không giữ người. Tôi chọn phát triển con người, dù điều đó có nghĩa là họ không nên làm việc với tôi.
Một người sếp có tâm là người nhìn ra khả năng, tiềm năng, hướng phát triển của nhân viên và đưa ra lời khuyên cần thiết cho hành trình phát triển của cá nhân đó. Công ty chỉ là một chiếc xe trong một giai đoạn nào đó của cuộc sống.
Khi người ta chưa phù hợp, không thích, chưa đủ khả năng, hoặc dư khả năng để lái chiếc xe đó, giữ là gây đau khổ cho cả đôi bên. Quan hệ giữa con người với nhau là quan hệ cả đời. Và đường đời sẽ giao nhau theo nhiều ngả khác nhau. Hợp tan rồi lại hợp.
Mỗi công việc, công ty, tổ chức ta dừng chân ghé qua trên hành trình cuộc sống giống như một ga tàu. Ở đó, ta dừng lại để học, để thử sức, để hoàn thành một mục tiêu đặt ra trong đời. Làm hết mình, trao hết tâm, học hết những gì có thể, rồi bước tiếp. Bước tiếp, không có nghĩa là đốt cháy chiếc cầu ở phía sau.
Bước tiếp, là tiếp tục phát triển bản thân, là cho phép mình thử sức và học hỏi ở môi trường mới, là lớn lên để làm được nhiều điều tốt đẹp hơn, hoặc lùi lại để đắp nền móng còn chưa vững chắc.
Chọn xe nào, chọn ga nào, chọn lùi lại, tiến lên hay dừng chân, tất cả đều kết nối với mục tiêu cuộc đời của cá nhân, với cách bạn định vị mình là ai, sẽ làm được gì và cần gì để thực hiện được điều đó trong cuộc đời này. Đi hay ở, vì vậy chưa bao giờ là bài toán khó. Khó, là dành thời gian để hiểu ra nơi cần đến trong cuộc sống”.
Bài chia sẻ vừa được đăng tải của chị Nguyễn Phi Vân đã nhanh chóng nhận được sự chú ý của đông đảo người dùng mạng. Rất nhiều bình luận bày tỏ quan điểm về vấn đề trên:
“Nói ra thì sợ cười chê, em đã từng rơi vào hoàn cảnh như Cô vừa kể. Cảm ơn Cô đã chia sẻ, em sẽ ghi nhớ bài học!”.
“Một nhà lãnh đạo giỏi thì chỉ ra cái đích để nhân viên vươn tới. Một nhà quản lý giỏi sẽ biết cách làm nhân viên phát huy hết sức mạnh trong khả năng của họ. Em hoàn toàn đồng ý với chị”.
“Trước đây khi chưa vững chưa tin vào mình, em khá bối rối nếu nhân sự nghỉ hay làm mình làm mẩy… Giờ thì tốt rồi, ga tiếp theo đang chờ bạn, anh chỉ đồng hành được tới đây”.
Suy cho cùng, một người lãnh đạo tốt nên là người tạo mọi điều kiện cũng như khoảng trống để nhân viên có thể phát triển hết mức trong khả năng, kể cả việc rời đi tìm những bến đỗ mới. Cuộc đời là những lần hội ngộ, tan hợp rồi lại tái ngộ. Ai cũng có những con đường riêng phải đi, có những mục tiêu riêng để hoàn thành, việc được đồng hành cùng nhau trên một chặng đường nào đó của cuộc đời là duyên, có thể xem như may mắn được gặp nhau. Thật vô nghĩa khi cố níu giữ một người mà họ đã quyết tâm ra đi…