Trong những năm gần đây, AI (trí tuệ nhân tạo) đang trở thành một chủ đề rất phổ biến và quen thuộc với chúng ta. Thay vì xuất hiện trong các bộ phim khoa học viễn tưởng, AI đã từng bước hòa nhịp và len lỏi vào mọi ngóc ngách của cuộc sống. AI có mặt trên tất cả các điện thoại thông minh, từ phần mềm nhận dạng khuôn mặt đến các ứng dụng phổ biến như Google Maps. AI hiện diện trong các mạng xã hội mà chúng ta sử dụng hàng ngày: Facebook, Instagram, Twitter,… Và bất cứ khi nào người dùng nói chuyện với trợ lý ảo Alexa của Amazon, Siri của Apple hay Assistant của Google, đó chính là một sự tương tác với AI.
Không chỉ được ứng dụng sâu rộng trong nhiều lĩnh vực như y tế, vận tải, giáo dục, tài chính – ngân hàng, AI (trí tuệ nhân tạo) và sức mạnh của nó đang tạo nên một cuộc cách mạng trong tất cả hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Và tất nhiên tuyển dụng là lĩnh vực không nằm ngoài “cuộc chơi”.
Vậy AI (trí tuệ nhân tạo) là gì và nó đang tác động đến hoạt động tuyển dụng hiện nay như thế nào, tương lai của tuyển dụng với ứng dụng của AI sẽ đi về đâu, câu trả lời sẽ có trong bài viết sau.
Trí tuệ nhân tạo là gì?
Theo khái niệm được đưa ra trong cuốn Artificial Intelligence: A Modern Approach của Stuart J. Russell và Peter Norvig được Wikipedia trích dẫn: Trong khoa học máy tính, trí tuệ nhân tạo hay AI (tiếng Anh: Artificial Intelligence), đôi khi được gọi là trí thông minh nhân tạo, là trí thông minh được thể hiện bằng máy móc, trái ngược với trí thông minh tự nhiên của con người.
Thông thường, thuật ngữ “trí tuệ nhân tạo” thường được sử dụng để mô tả các máy móc (hoặc máy tính) có khả năng bắt chước các chức năng “nhận thức” mà con người thường phải liên kết với tâm trí, như “học tập” và “giải quyết vấn đề”. Đến thời điểm hiện tại, bất kỳ ai trong chúng ta cũng có thể cảm nhận và trực tiếp trải nghiệm những thành tựu của AI trong sinh hoạt hàng ngày bởi những ứng dụng sâu rộng của nó.
Xu hướng ứng dụng AI trong lĩnh vực tuyển dụng
Trí tuệ nhân tạo đang làm thay đổi cuộc sống thường ngày, bùng nổ trong tất cả hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và tất nhiên tuyển dụng là lĩnh vực không nằm ngoài cuộc chơi.
Theo Ideal, AI trong tuyển dụng là việc ứng dụng AI (trí tuệ nhân tạo) vào quá trình tìm kiếm tài năng, nơi Machine Learning (học máy) có thể học cách chọn lọc ứng viên lý tưởng của bạn, cũng như tự động hóa các công việc thủ công trong quy trình tuyển dụng.
Trên thế giới
Công nghệ, cụ thể hơn là AI (trí tuệ nhân tạo) đang tạo nên một cuộc cách mạng chưa từng thấy trong tuyển dụng trên phạm vi toàn thế giới, thậm chí còn có những ảnh hưởng sâu sắc đến toàn bộ không gian nhân sự.
Khảo sát của tập đoàn chuyên về tuyển dụng Mercer cho thấy có 55% quản lý nhân sự ở Mỹ sử dụng phần mềm tuyển dụng có AI. 35% các chuyên viên tuyển dụng cho rằng AI là xu hướng hàng đầu ảnh hưởng đến cách họ tuyển dụng.
Các doanh nghiệp sẽ biết chính xác khi nào ứng viên sẵn sàng cho một vị trí mới để chủ động tiếp cận, hồ sơ tìm việc sẽ được quét bằng các thuật toán để sàng lọc tự động, và các ứng viên sẽ được phỏng vấn tự động qua video với các chatbot. Đó là phỏng đoán của các chuyên gia cung cấp giải pháp AI chiến lược trên thế giới.
Một số công ty lớn trên thế giới đã ứng dụng trí tuệ nhân tạo để nâng cao hiệu quả tuyển dụng
Unilever
Một ví dụ điển hình về việc ứng dụng AI trong tuyển dụng là trường hợp của Unilever – một trong những công ty đa quốc gia hàng đầu thế giới chuyên về các sản phẩm chăm sóc cá nhân, chăm sóc gia đình và thực phẩm. Với 1,8 triệu đơn ứng tuyển việc làm cần được xử lý hàng năm, quản lý nhân sự của Unilever, Leena Nair chia sẻ rằng khoảng 70.000 giờ phỏng vấn và xử lý CV đã được cắt giảm nhờ quá trình sàng lọc ứng dụng AI.
L’Oreal
Một ví dụ khác về việc sử dụng AI để rút ngắn thời gian, công sức và tăng hiệu quả tuyển dụng là tập đoàn quốc tế L’Oreal. L’Oreal là một trong những tập đoàn về sản phẩm làm đẹp lớn nhất thế giới. Theo báo cáo của PwC, L’Oreal có hơn 80.000 nhân viên trên toàn cầu và hàng năm cần tuyển thêm 15.000 nhân viên mới. Họ thu hút hơn 5 triệu lượt ghé thăm website để tìm kiếm cơ hội việc làm. Do đó, chi phí và thời gian để chọn lọc nhân sự từ tất cả các hồ sơ gửi về là rất lớn.
Các nhà tuyển dụng tại L’Oreal cho biết họ đã tiết kiệm được 200 tiếng làm việc khi ứng dụng AI trong quy trình tuyển dụng cho một chương trình thực tập sinh với 12.000 hồ sơ ứng tuyển cho khoảng 80 vị trí còn trống.
Tại Việt Nam
Đối với lĩnh vực tuyển dụng tại Việt Nam, AI mới chỉ bắt đầu được những công ty HR Tech như TopCV ứng dụng trong thời gian gần đây, chủ yếu tập trung vào giai đoạn đầu của quá trình tuyển dụng. Nhưng thực tế thì tiềm năng của AI trong tuyển dụng vẫn chưa được khai thác hết. Mặc dù vậy, từ những gì đã được thử nghiệm, ứng dụng và xu hướng phát triển trong tương lai, AI đã, đang và sẽ tiếp tục cho thấy những hiệu quả tích cực trong tuyển dụng.
Các ứng dụng của AI trong lĩnh vực tuyển dụng
Theo Ideal, bất kỳ lĩnh vực tuyển dụng nào có đầu vào (input) và đầu ra (output) khác nhau như sàng lọc, tạo nguồn ứng viên và đánh giá – phần lớn sẽ trở nên tự động với sự tham gia của AI.
Ở mức độ cơ bản, AI sẽ giúp tự động hoá công việc nhập liệu, từ đó tiết kiệm thời gian và nâng cao sự thấu hiểu ứng viên. Với sự phát triển của khả năng xử lý ngôn ngữ tự nhiên (natural language processing – NLP), AI có thể đọc hiểu các thông tin trong hồ sơ ứng viên, từ đó tự động nhập liệu các trường thông tin cơ bản vào hệ thống như: họ tên, số điện thoại, email, nơi ở,…
Ở mức độ cao hơn, khi có hồ sơ gửi về, AI sẽ tự động lựa chọn và gợi ý những ứng viên tiềm năng và phù hợp nhất với nhu cầu của doanh nghiệp. Thậm chí, AI cũng có thể dự đoán về xu hướng hành vi của ứng viên, xác định tỷ lệ họ đi phỏng vấn hay tỷ lệ nhận việc.
Trên thực tế, ngành phát triển công cụ hỗ trợ tuyển dụng có yếu tố AI hiện có giá trị ước tính hơn 500 triệu USD, với nhiều sản phẩm đã đưa vào ứng dụng: các chương trình nhận diện khuôn mặt, đánh giá biểu cảm ứng viên trong phỏng vấn video hay các nền tảng sàng lọc hồ sơ để lựa chọn những ứng viên phù hợp với mô tả công việc.
3.1. Tự động thiết lập quảng cáo tuyển dụng
Một trong những ứng dụng đơn giản nhất nhưng lại mang đến nhiều giá trị của AI trong tuyển dụng là khả năng cải thiện các quảng cáo tuyển dụng được nhắm mục tiêu (targeted ads).
Hiểu một cách đơn giản: thay vì phân phối một cách ngẫu nhiên, với AI, các quảng cáo tuyển dụng của bạn giờ đây sẽ được nhìn thấy bởi đúng người vào đúng thời điểm bằng cách sử dụng lịch sử hoạt động trực tuyến của họ.
Các ứng viên đang tìm kiếm các vị trí tương tự có thể thấy quảng cáo cho một vị trí của công ty bạn ngay tại thời điểm họ bắt đầu nghĩ đến việc tìm kiếm một cơ hội mới. Các quảng cáo tuyển dụng sẽ được lập trình sẵn, tự động xuất bản mà không cần đến sự can thiệp của con người.
Ví dụ: Nếu bạn muốn tuyển nhân viên bán hàng, một ứng viên đã xem qua các vị trí tuyển dụng tương tự trên các website online có thể thấy quảng cáo tuyển dụng của công ty bạn ngay sau đó.
Một ứng dụng tuyệt vời nữa của AI là tối ưu từ khóa trong quảng cáo tuyển dụng. AI cực kỳ hiệu quả trong quá trình khai thác dữ liệu để tìm ra từ khóa nào là lựa chọn tốt nhất có thể xuất hiện trong tin tuyển dụng và điều chỉnh cách diễn đạt để tối ưu hóa mức độ tương tác. Ứng dụng này giúp chuyển đổi các nội dung tin tuyển dụng khô khan trở nên hấp dẫn và lôi cuốn ứng viên.
3.2. Tìm nguồn ứng viên với khả năng phân tích dữ liệu lớn
Tạo nguồn ứng viên là bước quan trọng đầu tiên của quy trình tuyển dụng. Đây cũng là một nhiệm vụ nhiều thách thức, khiến nhà tuyển dụng lo nghĩ và tốn nhiều thời gian xử lý nhất trong hành trình tuyển chọn tân binh. Hầu hết nhà tuyển dụng cho biết phần khó nhất trong công việc của họ là xác định đúng ứng viên từ nhóm ứng viên lớn. Và khi quy mô công ty, khối lượng tuyển dụng có xu hướng tăng lên mà không có sự tăng trưởng tương ứng trong các nhóm tuyển dụng, điều này trở thành một vấn đề đáng lo ngại.
Sự phát triển của AI với khả năng phân tích dữ liệu lớn cho phép nhà tuyển dụng tự động hóa quy trình tìm nguồn ứng viên và mở rộng phạm vi tiếp cận cùng một lúc.
Các công cụ hỗ trợ AI trong tuyển dụng có thể liên tục theo dõi cơ sở dữ liệu ứng viên khổng lồ và xác định các tín hiệu dự đoán khi thấy họ sẵn sàng cho một cơ hội mới. Điều này làm tăng quy mô nguồn ứng viên tiềm năng sẵn có cho một vị trí nhất định và cải thiện đáng kể tỷ lệ phản hồi của các ứng viên đó.
Bên cạnh đó, với AI, nhà tuyển dụng có thể khai thác nguồn nhân tài rộng lớn hơn để tìm nguồn ứng viên, bao gồm các nền tảng công nghệ tuyển dụng, mạng xã hội, cơ sở dữ liệu ứng viên.
Ví dụ: Scout AI là một tính năng của TopCV được ví như “một trinh sát viên” tận tâm mang về những hồ sơ chất lượng nhất, phù hợp nhất cho chiến dịch tuyển dụng của doanh nghiệp. Với việc ứng dụng sâu AI, Scout AI sẽ tiến hành phân tích hồ sơ công ty, lịch sử tuyển dụng, quá trình đánh giá ứng viên để xác định trên hệ thống database tiêu chí tuyển dụng. Sau đó, Scout AI tự động “săn” và chọn ra những CV phù hợp nhất.
3.3. Sàng lọc hồ sơ ứng tuyển thông minh
Có thể thấy rằng, việc sàng lọc hồ sơ ứng tuyển theo cách thủ công để “chắt lọc” ra những ứng viên phù hợp là phần việc nhiều khó khăn và tốn nhiều thời gian trong toàn bộ quy trình tuyển dụng.
Trung bình một nhà tuyển dụng mất 23 giờ sàng lọc hàng trăm hồ sơ chỉ để tuyển dụng được một người vào vị trí công việc đang trống. Hãy hình dung trong 100 CVs ứng tuyển vào cùng một vị trí tuyển dụng, có tới 75% đến 85% số CVs không đạt chất lượng.
Trí tuệ nhân tạo ứng dụng trong hoạt động tuyển dụng được thiết kế để giảm, hoặc thậm chí loại bỏ các hoạt động tốn thời gian như sàng lọc hồ sơ theo cách thủ công. Cụ thể, các nền tảng công nghệ tuyển dụng như hệ thống ATS (Applicant Tracking Systems) có thể sử dụng AI để scan hồ sơ của ứng viên, tìm hiểu kinh nghiệm, kỹ năng và phẩm chất của nhân viên hiện tại/hồ sơ mẫu và áp dụng kiến thức này cho những ứng viên mới để tự động xếp hạng, cho điểm và chọn lọc những ứng viên có độ phù hợp cao nhất.
Tuy nhiên, một số công ty đã mở rộng khả năng hệ thống của họ hơn thế nữa. AI có thể giúp xem xét các ứng viên mà không cần dựa vào từ khóa. Thay vào đó, nó có thể xem xét tổng thể các hồ sơ của ứng viên, đánh giá chuyên môn và kỹ năng của ứng viên đằng sau các từ riêng lẻ đang được sử dụng. Do đó, AI có thể hỗ trợ trong việc đảm bảo rằng không có ứng viên nào vô tình bị bỏ qua.
3.4. Chatbots
Chatbots đang được nhiều nhà tuyển dụng sử dụng để cung cấp các tương tác theo thời gian thực cho ứng viên: đặt câu hỏi dựa trên yêu cầu công việc, đưa ra phản hồi, cập nhật về trạng thái hồ sơ cũng như đề xuất bước tiếp theo.
Xu hướng sử dụng công cụ chatbot sàng lọc tự động đang xuất hiện ở nhiều tập đoàn lớn, bởi nhu cầu tiếp nhận hồ sơ xin việc quá lớn hằng năm. Theo báo JDN, một nghiên cứu của văn phòng tuyển dụng Robert Walters, việc sử dụng robot chatbot giúp tiết kiệm thời gian cho 39% trường hợp ứng viên đi tìm việc và cho 41% các nhà tuyển dụng. Tuy nhiên, mới chỉ có 14% các nhà tuyển dụng được hỏi cho biết có sử dụng công cụ sàng lọc có AI. Các chatbots được hỗ trợ AI có rất nhiều tiềm năng để cải thiện trải nghiệm ứng viên.
Ví dụ: Mya là một chatbot được 40 công ty trong Top 500 công ty hàng đầu thế giới của Fortune sử dụng. Mya sẽ giao tiếp với ứng viên qua website hoặc ứng dụng tin nhắn. Nó sẽ quét trước dữ liệu ứng viên rồi đưa ra các câu hỏi phù hợp để tìm hiểu về họ. Đồng thời khi trả lời câu hỏi của ứng viên, chatbot liên tục cập nhật để tăng tương tác hiệu quả về sau.
Phỏng vấn bằng chatbots cũng là một ứng dụng của AI trong tuyển dụng mang đến nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp. Thông qua đó nhà tuyển dụng có thể đánh giá sơ lược ứng viên của mình, từ đó quyết định có phỏng vấn trực tuyến hay không.
3.5. Phỏng vấn số hóa
Người phỏng vấn có thể là một hệ thống AI
Trí tuệ nhân tạo cho phép nhà tuyển dụng phân tích các video hoặc đoạn ghi âm phỏng vấn, dựa trên nhận diện khuôn mặt và giọng nói, từ đó cho biết ứng viên nào có khả năng phù hợp cao nhất. Yếu tố chủ quan sẽ được hạn chế tối đa, với sự chính xác của dữ liệu. Điều này sẽ giải phóng rất nhiều thời gian cho các nhà tuyển dụng, những người vẫn có thể gặp gỡ các ứng viên hàng đầu nhưng sẽ không cần phải vất vả phỏng vấn từng ứng viên.
HireVue là công ty được thành lập năm 2004, trải qua 6 lần nhận đầu tư, hiện có hơn 700 khách hàng, với những khách hàng lớn phải kể đến như Intel, Unilever, tập đoàn khách sạn Hilton,… HireVue nói rằng họ có thể thông qua 15 ngàn điểm khác nhau, bao gồm ngôn ngữ cơ thể, giọng nói, ánh mắt, thời gian trả lời câu hỏi, âm thanh lớn nhỏ trong câu trả lời,… của ứng viên để chấm điểm được ứng viên. Có thể nói rằng, trong quá trình phỏng vấn, mọi cử chỉ điệu bộ nhất cử nhất động, ánh mắt, giọng nói, nụ cười của ứng viên đều được HireVue phân tích.
3.6. Hệ thống gợi ý (Recommendation Systems)
Một trong những ứng dụng nổi tiếng nhất của AI, khoa học dữ liệu và học máy là hệ thống gợi ý (Recommender Systems hoặc Recommendation Systems) dựa trên Deep Learning. Đó là cách Spotify đề xuất bài hát mà bạn có thể thích, cách Netflix đề xuất loạt phim đáng xem tiếp theo hay cách Shopee, Tiki giới thiệu sản phẩm liên quan nên mua,…
Trong tuyển dụng, hệ thống gợi ý sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) và học máy (Machine Learning) để phân tích tất cả các dữ liệu, từ đó đưa ra đề xuất về những việc mà nhà tuyển dụng có thể làm để gia tăng hiệu quả tuyển dụng.
AI cũng có thể “cảm nhận” được sự thay đổi của thị trường. Ví dụ như các xu hướng mới nhất trên thị trường tuyển dụng, thay đổi của nhóm tài năng hay những biến động mà con người khó có thể lường trước được. Từ đó, AI có thể giúp nhà tuyển dụng dự đoán khoảng cách kỹ năng và tỷ lệ thiếu hụt nhân tài trước đối thủ cạnh tranh.