Chiến lược thu hút nhân tài cho doanh nghiệp hiện nay

Để có thể tuyển dụng được lao động chất lượng cao thời kỳ hậu đại dịch Covid-19 trong bối cảnh nguồn chi hạn hẹp, doanh nghiệp cần có sự chọn lọc từ ứng viên tới quá trình tuyển dụng.

Thời điểm sau giãn cách xã hội được nhận định là thời điểm vàng để các doanh nghiệp săn nhân tài, thay thế cho khoảng thời gian sau Tết khi nguồn cung lao động dồi dào và nhiều ứng viên sẵn sàng giảm lương để có việc làm.

Nhằm tìm hiểu rõ hơn quá trình dịch chuyển nhu cầu tuyển dụng, ứng tuyển cũng như những chiến lược doanh nghiệp có thể áp dụng trong thời kỳ vàng này, TheLEADER đã có cuộc trao đổi với ông Trần Trung Hiếu, nhà sáng lập và CEO của nền tảng kết nối cơ hội việc làm TopCV

Xin ông cho biết sự dịch chuyển tuyển dụng của các doanh nghiệp cũng như tìm kiếm việc làm của các ứng viên thời kỳ sau giãn cách xã hội diễn ra như thế nào?

Ông Trần Trung Hiếu: Thay đổi lớn nhất sau thời kỳ giãn cách xã hội là về cán cân cung cầu của doanh nghiệp và người lao động.

Thời điểm ra Tết hàng năm thường là giai đoạn thị trường tuyển dụng sôi động nhất, tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch, số lượng doanh nghiệp tuyển dụng ở tháng 3 đã giảm 30 – 35% so với cùng kỳ 2019.

Về phía ứng viên, do nhiều lao động mất việc vì doanh nghiệp dừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng dẫn đến số lượng người lao động tìm việc tăng đột biến. Kết quả là sau khi kết thúc giãn cách xã hội, vẫn còn rất nhiều ứng viên gặp khó khăn khi tìm việc.

Theo ghi nhận của TopCV, ngay ngày 4/5 sau khi kết thúc giãn cách xã hội, hệ thống TopCV ghi nhận ứng tuyển tăng gấp đôi so với thời gian trước dịch, bao gồm cả lực lượng lao động giàu chuyên môn mà doanh nghiệp thường nhắm tới. Số lượng công việc cũng tăng mạnh khi 83,42% doanh nghiệp được TopCV phỏng vấn đẩy mạnh tuyển dụng, nhưng vẫn chưa đủ để đáp ứng nhu cầu ứng tuyển.

>> Xem thêm: Xu hướng nào giúp nhà tuyển dụng chiêu mộ được nhân tài sau COVID-19?

Sau dịch cũng có một sự chuyển dịch đáng kể về nhu cầu làm việc trái ngành, trái lĩnh vực.

Theo Báo cáo tuyển dụng hậu Covid-19 mà TopCV thực hiện, 73,33% doanh nghiệp sẵn sàng tuyển dụng người có kinh nghiệm làm việc nhưng chưa có trải nghiệm trong lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp. Về phía ứng viên, có 43,27% nhân sự được phỏng vấn sẵn sàng làm trái ngành hoặc trái lĩnh vực để có thể đi làm ngay.

Chiến lược thu hút nhân tài cho doanh nghiệp hiện nay
Ông Trần Trung Hiếu, nhà sáng lập và CEO TopCV.

Như vậy có vẻ như hiện nay là thời điểm tốt để các doanh nghiệp săn nhân tài?

Ông Trần Trung Hiếu: Đây chính là thời điểm vàng để các doanh nghiệp săn nhân tài, thay thế cho khoảng thời gian sau Tết vì hai lý do.

Thứ nhất, nguồn cung lao động dồi dào do dịch bệnh gây ra làn sóng mất việc đồng loạt dù cho đó là nhân sự giàu kinh nghiệm hay nhân sự cấp quản lý, nên doanh nghiệp có nhiều lựa chọn hơn. Kể cả những lĩnh vực khó tuyển như IT thì số lượng ứng viên chất lượng vẫn có sự tăng trưởng.

Thứ hai, chi phí nhân sự giảm do ứng viên sẵn sàng giảm lương để có việc làm. Tỷ lệ nhân sự đồng ý giảm lương để có việc lên tới 78,48%, mức giảm trung bình là 19,5% tổng thu nhập kỳ vọng để có việc. Doanh nghiệp hoàn toàn có thể tận dụng điều này khi đàm phán lương với ứng viên.

Sau giãn cách xã hội, những vị trí nào được các doanh nghiệp tuyển dụng nhiều và sự khác biệt so với thời gian trước khi Covid-19 bùng phát?

Ông Trần Trung Hiếu: Theo khảo sát của TopCV với 1.200 khách hàng doanh nghiệp, sau thời gian giãn cách xã hội, doanh nghiệp tập trung tuyển dụng nhân sự thúc đẩy doanh số như sales (bán hàng, kinh doanh) và marketing, đặc biệt là nhân sự sales khi hơn 85% doanh nghiệp được phỏng vấn cho biết đang có nhu cầu tuyển dụng gấp cho vị trí này. Đây là điều tất yếu khi các vị trí này bị doanh nghiệp cắt giảm nhiều nhất trong dịch do hoạt động kinh doanh đóng băng.

Các ngành giảm nhu cầu nhân sự hoặc cắt giảm nhân sự nhiều nhất trong giai đoạn dịch (tháng 2 – 4) như bất động sản, giáo dục, tài chính ngân hàng đều là các doanh nghiệp tuyển dụng nhiều nhất sau dịch.

>> Xem thêm: Chân dung ứng viên hậu COVID-19

Trong thời điểm hiện nay, doanh nghiệp có những thuận lợi, khó khăn gì trong việc thu hút thêm nhân sự? Doanh nghiệp phải làm thế nào để thoát ra khỏi vòng luẩn quẩn không có nhiều tiền để tuyển dụng nhưng lại muốn tuyển dụng nhiều hơn để thúc đẩy doanh thu?

Ông Trần Trung Hiếu: Nhìn toàn cảnh, có vẻ như doanh nghiệp sẽ có nhiều thuận lợi trong việc thu hút ứng viên khi nguồn cung nhân lực tăng cả về chất và lượng. Tuy nhiên, điều này cũng mang tới những khó khăn mới mà doanh nghiệp phải đối mặt.

Khó khăn trước hết là sàng lọc ứng viên khó hơn. Tâm lý của người lao động hiện tại là kiếm việc trước để tạm trang trải cuộc sống nên sẽ ứng tuyển nhiều công việc một lúc để tăng khả năng có việc. Doanh nghiệp nhận nhiều CV nhưng lọc ra ứng viên chất lượng rất mất công nếu đăng tuyển trên nền tảng tuyển dụng không phù hợp và mô tả công việc chung chung, không rõ ràng.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần xây dựng quy trình tuyển dụng và đào tạo bài bản. Ứng viên dễ dàng đồng ý để có việc, tuy nhiên vẫn sẽ hướng tới cơ hội tốt hơn sau dịch, nên nếu quy trình tuyển dụng và đào tạo không được doanh nghiệp chú ý sẽ dẫn đến nhân sự tuyển xong lại nghỉ, mất thời gian đào tạo mà không có người.

Để doanh nghiệp thoát ra khỏi vòng luẩn quẩn không có nhiều tiền để tuyển dụng nhưng lại muốn tuyển dụng nhiều hơn để thúc đẩy doanh thu, tôi nghĩ trước tiên doanh nghiệp cần có cái nhìn đúng đắn về tuyển dụng.

Thứ nhất, tuyển dụng chú trọng đến chất lượng hơn số lượng, không nên tuyển dụng “lấp chỗ trống” để phục vụ nhu cầu kinh doanh ngắn hạn mà cần có tiêu chí tuyển dụng và lộ trình phát triển rõ ràng nhằm thu hút ứng viên chất lượng và giữ chân họ.

>> Xem thêm: Sôi động thị trường tuyển dụng sau COVID-19: Sales từng là lực lượng bị cắt giảm mạnh nhất thì bây giờ được “săn” nhiều nhất!

Thứ hai, xây dựng phễu tuyển dụng tương tự phễu marketing. Bản chất tuyển dụng cũng giống như quá trình sales và marketing nên doanh nghiệp sẽ cần hiểu rõ chân dung đối tượng mình cần tuyển và chọn kênh tuyển dụng phù hợp.

Bên cạnh đó, cũng cần những giải pháp mới từ các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nhân sự để mang tới dịch vụ phù hợp hơn. Ví dụ như nền tảng tuyển dụng TopCV hiện tại đang ứng dụng công nghệ trí thông minh nhân tạo (AI) để hiển thị công việc phù hợp dựa trên hành vi của ứng viên và đề xuất ứng viên theo yêu cầu của từng nhà tuyển dụng.

Để tuyển được thêm nhân sự với chất lượng cao hơn và chi phí thấp hơn, doanh nghiệp nên tung ra những chiêu tuyển dụng nào?

Ông Trần Trung Hiếu: Doanh nghiệp nên tối ưu từng khâu trong quá trình tuyển dụng để đạt hiệu quả tối đa.

Cụ thể, chú trọng vào việc xây dựng bản mô tả công việc chính xác, thu hút. Các bộ phận nên tham gia vào quá trình viết mô tả công việc vì họ là người hiểu yêu cầu công việc nhất. Nếu doanh nghiệp không có kinh nghiệm thì nên lựa chọn các nguồn thông tin đáng tin cậy. Hiện tại, TopCV đã xây dựng thư viện hàng trăm JD được điều chỉnh cho từng ngành nghề, lĩnh vực, doanh nghiệp có thể đăng ký tại đây.

Bên cạnh đó, xác định kênh tuyển dụng phù hợp với nhu cầu. Thay vì ném tiền đăng tin tại nhiều kênh tuyển dụng, hãy lựa chọn kênh đăng tuyển phù hợp nhất với nhu cầu. Ví dụ như TopCV là kênh tuyển dụng hàng đầu nhân sự sales, marketing, IT với số lượng nhân sự từ 3 – 5 năm kinh nghiệm chiếm tới hơn 40%.

Doanh nghiệp cũng cần xác định phương thức tuyển dụng phù hợp. Hình thức đăng tin tuyển dụng có thể phù hợp với nhân sự phổ thông, chuyên viên, nếu doanh nghiệp muốn tuyển dụng nhân sự cấp quản lý có thể lựa chọn các công cụ tìm kiếm CV tiềm năng, ứng viên bị động và tiếp cận.

Xin cảm ơn ông!