Không phải lương, đây mới là nguyên nhân chính khiến nhân sự trẻ nghỉ việc

Nhảy việc dường như đã trở thành chuyện thường tình đối với nhân sự trẻ ngày nay. Theo khảo sát mới nhất của TopCV, nhân sự tuổi từ 18-24 chính là những đối tượng có số lần chuyển đổi công việc cao hơn hẳn so với các thế hệ khác. Vì sao lại xảy ra tình trạng này? Doanh nghiệp nên làm gì để giảm tỷ lệ nghỉ việc?

Theo các chuyên gia nhân sự, thời gian nhảy việc trung bình của nhân sự trẻ chỉ rơi vào khoảng 5 năm đổ lại. Điều này khiến nhiều thế hệ cũ có cái nhìn tiêu cực về hiện tượng này. Thế nhưng, trên thực tế, nếu nhìn sâu vào tình hình chung của thị trường, bạn có thể hiểu được tại sao thế hệ trẻ lại ưa thích chuyện nhảy việc.

Liệu có phải người trẻ nhảy việc chỉ vì tiền lương?

Rất nhiều ý kiến cho rằng nhân sự trẻ nhảy việc nguyên nhân chủ yếu là vì mức lương, thưởng ở nơi khác hấp dẫn hơn. Họ không thể kiên nhẫn để chờ đợi được “nếm trái ngọt” như thế hệ tiền bối của mình. Tuy nhiên, điều này có thể không đúng với tất cả đối tượng nhảy việc.

Theo báo cáo thị trường tuyển dụng nhân sự trẻ của TopCV, chỉ 7,6% nhảy việc vì lương. Và có đến 39% bạn trẻ chia sẻ rằng họ sẵn sàng nhảy việc và chấp nhận một công việc với mức lương cắt giảm thấp hơn hẳn so với vị trí cũ để tìm được nơi làm việc phù hợp, đặc biệt là khi họ gặp vấn đề về văn hóa công ty hay cơ hội thăng tiến.

Hay vì sếp không tốt?

Nhiều người quan niệm rằng làm việc dưới trướng của một vị sếp không tốt không những khiến cho chất lượng công việc đi xuống mà kéo thụt lùi những tài năng của công ty, ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ của họ. Và tác động tiêu cực đến từ một vị sếp như thế không thể được định lượng được bằng con số như chỉ số KPI hay có thể được nhìn thấy một cách rõ ràng, nhưng những đè nén mà nhân viên phải chịu tạo nên một chi phí ẩn đáng kể cho công ty. Nghỉ việc lúc này sẽ là cách duy nhất để tự giải thoát.

Trên thực tế, sếp có thể là nguyên nhân kiến cho nhân sự trẻ mất lửa nhưng đó không phải là lý do chính khiến họ rời bỏ công ty. Theo báo cáo, chỉ có 13,1% nhân viên nghỉ việc vì sếp không tốt.

Khoảng cách giữa nơi ở và công ty xa?

Các sinh viên khi mới ra trường thường ưa thích lối sống năng động và sẵn sàng di chuyển nhiều nơi. Nắm bắt được tâm lý đó, các nhà tuyển dụng khi lựa chọn nhân sự tuổi từ 18-24 tuổi thường đưa ra những “offer” khá hấp dẫn về cơ hội di chuyển, thay đổi nơi làm việc đến một thành phố mới hoặc thậm chí là quốc gia khác. Phần lớn nhân sự trẻ luôn háo hức để được khám phá những địa điểm mới nằm trong khả năng của bản thân mình. Đó là lý do chưa đến 6,5% bạn trẻ chuyển việc vì khoảng cách giữa nơi ở và công ty xa.

Môi trường làm việc và cơ hội thăng tiến – Cám dỗ lớn với người trẻ năng động

Theo báo cáo của TopCV, có hơn 50% nhân viên sẵn sàng nghỉ việc nếu doanh nghiệp không có môi trường làm việc tốt và không tạo cơ hội thăng tiến.

Theo các chuyên gia nhân sự, đối với nhân viên giỏi, việc dậm chân tại chỗ là một bước lùi khá lớn trong sự nghiệp của họ, vì vậy họ luôn mong muốn có được một lộ trình thăng tiến cụ thể và cơ hội phát triển năng lực cá nhân mỗi ngày.

Nhân viên sẽ mất đi sự kiên nhẫn với công ty khi năng lực chưa được công nhận nhưng vẫn phải cống hiến hết mình cho công việc. Chính điều này đã gây ra tâm lý hụt hẫng, chán nản và mong muốn nhảy việc cao hơn bao giờ hết. Một số nguyên nhân khác dẫn đến sự chuyển việc của họ có thể kể đến như công việc không phù hợp với năng lực, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống…

Nhân sự trẻ đón nhận cơ hội khi đang ổn định

Nhân sự tuổi từ 18-24 hiện nay đang là lực lượng lao động có chất lượng tốt và chuyên nghiệp nhất. Họ tiếp nhận thông tin tuyển dụng mỗi ngày, dù chủ động hay bị động. Khi một vị trí mới phù hợp với các giá trị người trẻ quan tâm, nhiều khả năng đó sẽ là lựa chọn “dài hơi” dành cho họ thay vì bến đỗ tạm thời này.

Điều này là tin xấu với những nhà tuyển dụng có quy mô nhỏ khi họ phải tìm cách giữ chân những người trẻ tài năng ở lại làm việc cho công ty. Bởi nếu so với những tập đoàn có quy mô lớn, họ sẽ có ít khả năng đưa nhân viên mình thăng tiến nhanh bằng, chế độ lương thưởng cũng sẽ có phần thua thiệt.

Để không vuột mất những nhân sự trẻ ham học hỏi, doanh nghiệp nên tổ chức các khoá đào tạo, nâng cao năng lực chuyên môn và kỹ năng mềm. Bên cạnh đó, nên đánh giá năng lực 6 tháng/lần và thăng chức, khen thưởng xứng đáng cho người tài.

“Báo cáo thường niên về thị trường tuyển dụng nhân sự trẻ” từ TopCV là báo cáo miễn phí dành cho cộng đồng người làm nhân sự tại Việt Nam, dựa trên số liệu phân tích 30.000 doanh nghiệp; 1,6 triệu ứng viên trên TopCV và phỏng vấn trực tiếp 2.000 người.

Báo cáo với nhiều thông tin giá trị được trình làng sau Tết Nguyên đán. Đây cũng là một trong những thời điểm thị trường nhân sự biến động nhiều nhất năm. Để tải bản đầy đủ, mời bạn click vào đây.