Ưu, nhược điểm khi tuyển dụng ứng viên do nhân viên giới thiệu

Để nhanh chóng tìm được ứng viên phù hợp, ngoài việc đăng tin trên các trang tuyển dụng, mạng xã hội… nhiều doanh nghiệp hiện nay còn tuyển dụng ứng viên do nhân viên giới thiệu. Liệu phương thức này có đem lại hiệu quả như mong đợi?

Ưu điểm khi tuyển dụng ứng viên do nhân viên giới thiệu

Tiết kiệm thời gian sàng lọc hồ sơ, tuyển dụng sơ bộ

Thay vì ngồi tìm kiếm, sàng lọc hàng triệu hồ sơ thật/ảo gửi về, nhà tuyển dụng chỉ cần đọc, phân tích và đánh giá kinh nghiệm làm việc của một vài ứng viên được giới thiệu, để đánh giá xem họ có thật sự phù hợp với tiêu chí tuyển dụng hay không. Quy trình tuyển dụng từ đó cũng được rút gọn hơn, bạn và ứng viên sẽ nhanh chóng gặp nhau trong vòng phỏng vấn.

Theo thống kê từ trang Theundercoverrecruiter, thời gian chờ để ứng viên ứng tuyển qua kênh giới thiệu bắt đầu công việc sau khi trúng tuyển được rút ngắn tới 55% so với các ứng viên ứng tuyển qua kênh khác. Nếu một ứng viên bình thường mất trung bình từ 40 đến 45 ngày để nhận việc thì các ứng viên từ Talent Referral chỉ cần trung bình từ 20 đến 29 ngày. Điều này thật sự là một tín hiệu tốt với các vị trí đang cần bổ sung nhân sự gấp.

Đọc thêm: Bí quyết sàng lọc hồ sơ ứng viên nhanh và hiệu quả nhất

Tiết kiệm chi phí

Thay vì phải trích ngân sách hàng tháng cho các chi phí dịch vụ như các hình thức đăng tin tuyển dụng trên các trang tìm việc, bạn có thể dùng để làm phần thưởng cho những nhân viên giới thiệu thành công. Chưa kể, công ty cũng sẽ tiết kiệm chi phí truyền thông cho việc tuyển dụng.

Ví dụ, nếu công ty hiện có 100 nhân viên và mỗi nhân viên của công ty có 150 người bạn thì cơ hội để thông tin tuyển dụng có thể lan rộng đến là 15.000 người. Một con số quá ấn tượng và hẳn là sẽ tiêu tốn không ít thời gian và chi phí để thực hiện một chiến dịch quảng bá tuyển dụng truyền thống.

Dễ dàng tìm được ứng viên phù hợp với các tiêu chí tuyển dụng cơ bản

Với lợi thế có bạn bè là nhân viên nội bộ nên các ứng viên được giới thiệu đều nắm khá rõ các yêu cầu về công việc, môi trường, văn hoá doanh nghiệp. Phần lớn họ đều là những ứng viên phù hợp với tiêu chí tuyển dụng cơ bản cần thiết. Điều này không chỉ đem lại yếu tố cạnh tranh cho ứng viên mà còn góp phần đáng kể giúp bộ phận tuyển dụng tiết kiệm được thời gian trong việc sàng lọc hồ sơ và kiểm tra chéo trước các vòng phỏng vấn.

Đọc thêm: 4 câu hỏi xác định liệu bạn có đang tuyển nhân viên tốt

Nhược điểm khi tuyển ứng viên do nhân viên giới thiệu

Khó tìm được ứng viên ưu tú khi tuyển qua kênh giới thiệu

Bởi thông qua kênh giới thiệu, nguồn ứng viên sẽ bị giới hạn, khó có sự so sánh giữa các ứng viên trong khi đó nếu chọn hình thức đăng tuyển, sàng lọc có trả phí trên trang website tuyển dụng bạn sẽ được tiếp cận với hàng triệu ứng viên (như TopCV), đồng nghĩa sự lựa chọn của bạn sẽ nhiều hơn.

Có thể làm xuất hiện những điều tiếng không hay trong công tác tuyển dụng

Nhà tuyển dụng có thể phải phải đối mặt với những “điều tiếng” không hay như: do thiên vị, do người quen… gây ảnh hưởng đến uy tín nghề nghiệp.

Gây khó khăn cho ứng viên khi nhận việc

Những “điều tiếng” không hay như kể trên cũng có thể gây nhiều khó khăn cho ứng viên trong việc hòa nhập với môi trường công việc mới. Ví dụ: sẽ có nhiều nhân viên không phục, cô lập nhân viên mới. Nếu nhân sự mới đảm nhiệm vị trí quản lý sẽ khiến cấp dưới khó đồng thuận, ảnh hưởng đến hiệu suất công việc.

Lời khuyên

Cũng như các hình thức tuyển dụng khác, tuyển dụng qua kênh giới thiệu từ nhân viên sẽ tồn tại cả ưu điểm và hạn chế, vì thế bạn cần linh hoạt kết hợp, vận dụng như những lời khuyên dưới đây để mang lại hiệu quả tốt nhất.

Thứ nhất, chỉ nên sử dụng kênh này như một hình thức tuyển dụng bổ trợ, kiểu cấp tốc

Để thu hút được đủ ứng viên như mong muốn, cần kết hợp thêm các kênh tuyển dụng khác như: đăng tuyển trên các trang tuyển dụng uy tín, mạng xã hội… cùng với hình thức tuyển dụng ứng viên do nhân viên giới thiệu.

Thứ hai, cần chú ý tuân thủ đúng các quy trình và thủ tục tuyển dụng quan trọng

Ví dụ: Quy định của công ty khi tuyển dụng nhân viên là cần có bài kiểm tra phỏng vấn thì đối với các ứng viên được giới thiệu bạn cũng nên thực hiện đúng quy trình. Điều này sẽ giúp đảm bảo tính khách quan và sự “tâm phục khẩu phục” cho các nhân viên khác.

Thứ ba, xem xét lại văn hoá công ty nếu chương trình giới thiệu ứng viên đã đi vào ổn định mà vẫn ít có được những ứng viên từ nguồn giới thiệu.

Thực chất nhân viên chỉ giới thiệu những người thân của họ khi họ cho rằng doanh nghiệp của bạn là một môi trường tốt để làm việc. Do đó, cần nỗ lực để biến công ty thành một môi trường tốt để làm việc, trước khi quan tâm đến tỷ lệ người giới thiệu.

Mỗi hình thức tuyển dụng đều có những ưu điểm và hạn chế riêng, do đó các bạn cần tìm hiểu kỹ lưỡng, linh hoạt trong việc vận dụng, kết hợp nhằm mang lại hiệu quả cao nhất.

Theo TopHR