5 chế độ phúc lợi giúp doanh nghiệp nâng cao thương hiệu tuyển dụng & giữ chân nhân viên

Bên cạnh lương thưởng, cơ hội thăng tiến thì 5 chế độ phúc lợi sau sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao thương hiệu tuyển dụng & tăng trưởng không ngừng. Theo một nghiên cứu của SHRM – Hiệp hội Quản lý nguồn Nhân lực, các doanh nghiệp có chính sách phúc lợi hấp dẫn luôn vượt mặt những đối thủ còn lại ba trên phương diện: năng suất làm việc, hiệu quả tuyển dụng và khả năng giữ chân nhân viên.

Không những thế, yếu tố phúc lợi cũng sẽ tác động lên tình hình kinh doanh của doanh nghiệp. Trong số những công ty sở hữu chế độ phúc lợi nổi bật được khảo sát, 34% tuyên bố lợi nhuận của họ luôn tăng trưởng trong 12 tháng vừa qua.

5 chế độ phúc lợi nổi bật mà nhiều doanh nghiệp thành công đang áp dụng:

  1. Cung cấp thức ăn và đồ uống miễn phí tại văn phòng
  2. Nới lỏng hoặc xóa bỏ các quy định về trang phục
  3. Tạo cơ hội cho nhân viên làm việc từ xa
  4. Triển khai các chương trình chăm sóc sức khỏe, tinh thần cho nhân viên
  5. Khuyến khích nhân viên tham gia các hoạt động tình nguyện

Cùng HRinsider đi tìm hiểu chi tiết từng phúc lợi.

#1. Cung cấp thức ăn và đồ uống miễn phí tại văn phòng

Tủ lạnh hay gian bếp của công ty nếu được chất đầy các loại đồ ăn vặt, hoa quả, cà phê, bia thủ công, ngủ cốc thì đây thực sự là một phúc lợi hấp dẫn đối với nhiều ứng viên khi lựa chọn doanh nghiệp. Tờ Money cho biết, những nhân viên làm việc toàn thời gian cũng tỏ ra yêu thích công việc của mình hơn 10% khi được phục vụ đồ ăn và thức uống miễn phí tại văn phòng.

Những cái tên “chơi lớn” với phúc lợi này chính là Google, Facebook và LinkedIn. Tại Google, nhân viên sẽ được phục vụ 3 bữa ăn mỗi ngày. Tại các cơ sở của Facebook, LinkedIn, nhân viên có quyền vào các nhà hàng cao cấp có đầy đủ lò nướng pizza, quầy sushi, bánh ngọt mới nướng và kem.

Theo báo cáo về phúc lợi nhân viên năm 2018 của SHRM, những bữa ăn miễn phí đang dần trở thành phúc lợi được ưa chuộng. Số phần trăm nhân viên đặt thức ăn vặt và đồ uống gia tăng đáng kể lên 32% trong năm 2018, tăng 20% so với năm 2014.

Vậy nên, hãy trích một phần nhỏ ngân sách để cung cấp đồ ăn, uống miễn phí cho nhân viên. Tuy đây chỉ là một yếu tố phúc lợi nhỉ nhưng đủ để nhân viên có cơ hội gặp gỡ, nói chuyện và kết nối với nhau, qua đó dần dần xây dựng được văn hóa cộng tác trong doanh nghiệp.

Đọc thêm: 6 bước xây dựng văn hóa doanh nghiệp vững chắc

#2. Nới lỏng hoặc xóa bỏ các quy định về trang phục – Chế độ phúc lợi được áp dụng phổ biến

Rất nhiều doanh nghiệp hiện nay cho phép nhân viên ăn mặc thoải mái khi đi làm, trừ những công ty thuộc ngành dịch vụ để gián tiếp gửi đến nhân viên thông điệp rằng công ty rất tôn trọng cá tính và sở thích của họ.

Điều này giúp cho nhân viên cảm thấy thoải mái, sáng tạo hơn. Nhiều người cũng tỏ ra hài lòng hơn khi bản thân tiết kiệm được một khoản tiền kha khá khi không phải mua sắm quần áo công sở, thứ quần áo rõ ràng có mức giá đắt đỏ hơn nhiều so với thông thường.

#3. Tạo cơ hội cho nhân viên làm việc từ xa – Chế độ phúc lợi đã và đang là xu hướng

Khi công nghệ đang xóa nhòa khoảng cách làm việc và giao tiếp giữa cá nhân và doanh nghiệp thì phúc lợi này đã và đang trở nên phổ biến hơn.

Một khảo sát gần đây cho biết, nhu cầu làm việc từ xa đã gia tăng theo thời gian. 2 trong 3 người được khảo sát trả lời rằng họ làm việc từ xa hiệu quả hơn so với làm việc tại công ty. Cứ 4 người được khảo sát thì gần 3 người nói rằng làm việc từ xa ở bất cứ nơi đâu giúp họ cân bằng được cuộc sống và công việc hơn, từ đó tối ưu được năng suất làm việc.

Nghiên cứu của Gallup còn chỉ ra rằng, những nhân viên làm việc tại nhà trong 3 đến 4 ngày một tuần có sự gắn kết với công việc và doanh nghiệp hơn những người phải đến văn phòng cả tuần.

Trường hợp của công ty dịch vụ tài chính American Express là minh chứng rõ ràng. Thay vì phải xuất hiện tại văn phòng đúng giờ như thường lệ, ban lãnh đạo cho phép đội ngũ nhân viên trực tổng đài có thể ở nhà và làm việc. Và kết quả sau 9 tháng thử nghiệm: những nhân viên làm việc tại nhà hoàn thành nhiều hơn những người đến văn phòng 13,5% số lượng cuộc gọi đã khiến cho ban giám đốc không khỏi ngạc nhiên.

Vậy nên nếu có thể, hãy tạo điều kiện cho nhân viên được làm việc từ xa khi họ có nhu cầu. Đừng quá khắt khe, máy móc việc phải đến công ty lúc 8h sáng và rời khỏi văn phòng lúc 5h30 chiều vì điều này sẽ gây ảnh hưởng đến tâm lý và sự gắn bó của nhân viên trong lâu dài.

#4. Triển khai các chương trình chăm sóc sức khỏe, tinh thần cho nhân viên

Một nhân viên dành gần như một nửa quỹ thời gian trong tuần của mình tại công ty để làm việc. Được bảo hộ về sức khỏe sẽ khiến họ cảm thấy “an toàn” hơn và sẵn sàng cho nhiều năm gắn bó lâu dài.

Về phía doanh nghiệp, những chương trình chăm sóc sức khoẻ toàn diện đang thể hiện rất tốt trong việc cải thiện tình trạng vắng mặt và tăng năng suất làm việc cho nhân viên. Trong một bài báo cho Tạp chí Mỹ về sức khỏe của Larry Chapman chỉ ra rằng người, một nhân viên khỏe mạnh giảm tới 28% khả năng xin nghỉ làm vì bị ốm.

Ngoài ra, chúng cũng giúp doanh nghiệp giảm chi phí bảo hiểm y tế. Theo thống kê, mỗi năm các doanh nghiệp đang lãng phí tới 300 tỷ Đô la vì lý do nhân viên gặp vấn đề về sức khỏe!

Một số ý tưởng tuyệt vời mà lãnh đạo công ty có thể triển khai để thúc đẩy sức khoẻ cho nhân viên:

  • Lắp đặt các máy bán hàng, quầy “tạp hoá” bán các loại trái cây, sữa chua, nước trái cây, các loại hạt… thay vì soda, sô cô la và khoai tây chiên.chứa các đồ ăn nhẹ lành mạnh như
  • Thiết lập những chương trình tập thể dục hoặc giảm cân ngay tại văn phòng (Yoga, bóng bàn…). Có huấn luyện viên đến văn phòng và làm việc với nhân viên vào đầu các buổi sáng hoặc vào buổi trưa.
  • Khuyến khích nhân viên đi bộ hoặc đi làm bằng xe đạp mỗi ngày, tặng giải thưởng cho nhân viên đi theo tuyến đường dài nhất trong ngày, tuần hoặc tháng đó.
  • Thanh lọc không gian làm việc bằng cách đưa thiên nhiên vào trong văn phòng: cây xanh, động vật, sử dụng nến thơm…
  • Khuyến khích các hoạt động nhóm, cần tổ chức các sự kiện để tạo ra một đội ngũ nhân viên hạnh phúc.

Tập đoàn công nghệ máy tính IBM và Google là 2 minh chứng rõ ràng nhất về việc cung cấp phúc lợi này cho nhân viên. Nếu như ở IBM, người lao động được tham gia vào các khoá Yoga hay thiền định thì ở Google, mỗi cá nhân có thể sử dụng hồ bơi, spa mỗi khi họ stress với công việc.

Nhân viên khoẻ mạnh sẽ giúp doanh nghiệp khoẻ mạnh. Đây là điều mà bất kỳ người làm nhân sự nào cũng biết. Do đó, việc cung cấp các chương trình chăm sóc sức khoẻ, tinh thần cho nhân viên là điều cần thiết nếu doanh nghiệp muốn thắng thế trên thị trường tuyển dụng và giữ chân nhân tài.

#5. Khuyến khích nhân viên tham gia các hoạt động tình nguyện

Việc tham gia các hoạt động tình nguyện không chỉ giúp nhân viên có cơ hội trải nghiệm những hoạt động cộng đồng ý nghĩa, đồng thời đóng góp nhiều hơn cho xã hội mà còn giúp mọi người gắn kết lại với nhau.

Theo một khảo sát của Deloitte, việc tham gia các hoạt động cơ tình nguyện còn thúc đẩy tinh thần làm việc của nhân viên. Đáng chú ý, 77% số người được hỏi còn khẳng định tham gia làm tình nguyện giúp họ cải thiện sức khỏe của bản thân, trên cả phương diện thể chất và tinh thần.

Tại Samsung, ý tưởng về phúc lợi này đã được khởi xướng từ năm 1995, khi họ ban hành quyết định về tháng tình nguyện trong toàn bộ tập đoàn.

Chị Giang – một nhân viên lâu năm của Samsung Việt Nam bộc bạch: “Được tham gia các hoạt động vì cộng đồng khiến bản thân mình cảm thấy rất vui, điều mà bản thân mình ngỡ đã quên mất bởi những bận rộn của cuộc sống thường nhật. Thế nên cho dù có đang căng thẳng vì công việc chỉ cần nghĩ đến những nụ cười đầy bỡ ngỡ của người dân nơi vùng sâu vùng xa khi được tiếp xúc với những thiết bị công nghệ hiện đại mọi mệt mỏi đã tan biến”.

Kết

Nếu như trước đây, các yếu tố phúc lợi chỉ để thu hút và giữ chân nhân viên thì trong xã hội làm việc hiện đại ngày nay, phúc lợi còn đóng vai trò giúp công ty cải thiện hiệu quả làm việc và gia tăng doanh thu. Vì thế, để kịp thời tăng cường sức mạnh cạnh tranh cho doanh nghiệp trên thị trường lao động, kinh doanh, ban lãnh đạo nên chú tâm hơn đến các chế độ phúc lợi dành cho nhân viên.