5 chiến lược giữ chân nhân viên hiệu quả trước nguy cơ “chảy máu chất xám”

Bất kỳ doanh nghiệp nào cũng có thể gặp nguy cơ bị “chảy máu chất xám”. Một khi nhân tài đã muốn ra đi thì rất khó có thể giữ họ lại. Trong trường hợp này, người tổn thất nhiều nhất lại là doanh nghiệp. Dưới đây là một số lời khuyên từ các chuyên gia nhân sự giúp nhà quản lý xây dựng được chiến lược “cầm máu”, giữ chân nhân viên thích hợp nhất.

Giữ chân nhân viên ưu tú luôn không dễ dàng…

Đúng vậy, bởi bên ngoài có hàng trăm doanh nghiệp đang “khát” nhân sự chất lượng cao, trong đó có đối thủ của bạn. Chỉ cần một bước đi sai lầm trong chiến lược quản trị nhân sự, rất có thể doanh nghiệp sẽ đối mặt với tình trạng “chảy máu chất xám”. Tổn thất lúc đó không chỉ dừng lại ở số lượng nhân sự, mà còn ảnh hưởng đến guồng quay của toàn doanh nghiệp như doanh thu sụt giảm, chi phí tuyển dụng “dội” lên cao và rất nhiều hao tổn liên quan khác khi phải thay người.

Đọc thêm: 5 gạch đầu dòng HR cần nhớ để tránh lãng phí ngân sách tuyển dụng

Một khi nhân viên không xác định gắn bó lâu dài, thì dù họ có giỏi đến cơ nào cũng không bận tâm đến việc phát huy khả năng để đóng góp cho công ty. Họ không rời bỏ công việc ngay lập tức mà dần dần trở nên uể oải, không còn hứng thú với công việc. Michael Kibler, người dành nhiều thời gian nghiên cứu về trạng thái tâm lý này đã gọi nó là “giảm dần nhiệt huyết”. Như một ngôi sao chết, ngọn lửa nhiệt huyết với công việc lụi dần và hoàn toàn bị dập tắt.

Cuộc khảo sát mới đây của CEB chỉ ra rằng có tới 1/3 số nhân viên đang cảm thấy chán nản với công việc hiện tại và sẵn sàng cho một cuộc chia tay trong tương lai không xa. Nếu không muốn doanh nghiệp đối mặt với tình trạng “chảy máu chất xám”, các nhà quản lý cần phải tìm hiểu được nguồn cơn của sự việc và đưa ra chiến lược nhân sự đúng đắn.

Nguyên nhân khiến nhân viên nòng cốt rời bỏ công ty

1. Đặt ra quá nhiều nguyên tắc

Mỗi công ty sẽ có nội quy riêng, tuy nhiên nếu có quá nhiều quy định như cách ăn mặc, giao tiếp, relax…sẽ khiến nhân viên cảm thấy vô cùng bí bách, mệt mỏi. Đôi khi chỉ vài quy tắc không cần thiết cũng có thể khiến nhân viên phát điên. Khi nhân viên giỏi cảm thấy bị cấp trên kiểm soát tầm vi mô, họ sẽ tìm chỗ làm khác.

2. Đối xử với các nhân viên đều như nhau

Hành động “cào bằng tất cả” đáng nhẽ phải ra đi từ thời bao cấp thì nay vẫn còn tồn tại ở chốn công sở. Tại sao nhân viên cố gắng làm việc chăm chỉ lại hưởng chế độ phúc lợi ngang bằng một nhân viên lười biếng, không có hiệu suất làm việc cao? Lý do nào để họ cố gắng trong những tháng tiếp theo?

Đọc thêm: 5 chế độ phúc lợi giúp doanh nghiệp nâng cao thương hiệu tuyển dụng và giữ chân nhân viên

3. Chấp nhận sự kém cỏi dễ dàng

Thành công của một doanh nghiệp không thể xây dựng trên sự kém cỏi của nhân viên. Nếu nhà quản lý dễ dãi đối với nhân sự yếu kém thì sẽ ảnh hưởng đến hiệu suất, tinh thần của những người vượt trội. Những người có năng lực tốt sẽ không muốn làm việc cùng với những người kém cỏi. Đó là lý do để họ ra đi.

Đọc thêm: Tuyển dụng phải chậm, sa thải phải nhanh

4. Không công nhận thành tích

Rất nhiều chủ doanh nghiệp quên mất tầm quan trọng của sự tán thưởng, nhất là đối với những nhân viên vốn vô cùng tận tụy trong công việc. Ai cũng thích được tán dương, nhất là những người làm việc chăm chỉ và cống hiến hết mình. Thế nhưng, dù làm việc cật lực đến đâu, nhân viên cũng không được công nhận, trao thưởng. Vậy lý do gì để họ tiếp tục cống hiến?

5. Chế độ “độc tài”

Những nhân viên giỏi thường muốn đưa ra ý kiến khi không đồng tình và họ muốn ý kiến của mình được lắng nghe. Chẳng may, phần lớn các ông chủ thường không thích điều này. Đây là một trở ngại cho doanh nghiệp nếu họ chỉ thích những nhân viên lúc nào cũng chỉ biết “dạ dạ, vâng vâng”.

6. Thiếu cơ hội để giúp nhân viên thể hiện tài năng của họ

Doanh nghiệp Việt thường quá bận rộn với công việc kinh doanh nên sẽ ít có nhà quản lý nào để ý tới cảm nhận của nhân viên về công việc và những dự án hiện tại, hay hỏi xem họ muốn làm gì mới hơn có lợi cho doanh nghiệp không.

Đối với nhân viên giỏi, tiền bạc và quyền lực không phải là những thứ họ quan tâm nhiều mà là được đóng góp gì đó cho công ty. Tuy vậy, các doanh nghiệp hầu như không bao giờ cho nhân tài cơ hội được nêu ra ý kiến của mình và “tỏa sáng”.

7. Không thấy được sự phát triển của doanh nghiệp

Nhân viên sẽ có hứng thú và nhiệt huyết làm việc hơn nếu họ thấy tiềm năng phát triển của doanh nghiệp trong tương lai.

Lãnh đạo luôn muốn tìm nguyên nhân sâu xa cho vấn đề mà không nhận ra một điều chính cách công ty đối xử với nhân viên mới là điểm mấu chốt cần phải giải quyết. Nếu không muốn nhân viên ồ ạt nghỉ việc, cải thiện doanh thu và xây dựng thương hiệu tuyển dụng tốt, thay đổi chiến lược nhân sự là điều cần phải làm ngay từ hôm nay.

5 chiến lược giữ chân nhân viên hiệu quả

1. Áp dụng chế độ đãi ngộ hợp lý và cạnh tranh để giữ chân nhân viên

Lương, thưởng luôn là vấn đề quan trọng đối với người lao động. Bên cạnh lương cao, thu nhập tốt thì doanh nghiệp nên có chính sách đào tạo, phát triển, du lịch và nhiều chế độ đãi ngộ khác bởi rất có thể đối thủ sẽ phá giá để kéo họ về. Đối với những nhân viên nòng cốt, gắn bó lâu năm nên được tưởng thưởng xứng đáng bằng tiền mặt, hiện vật hay cổ phiếu (nếu là công ty cổ phần).

2. Trao quyền mạnh mẽ hơn cho người tài

Nhân sự tài năng là người có khả năng làm việc độc lập tốt, chủ động nên họ rất khó chịu nếu bị ai đó can thiệp hay giám sát chặt chẽ công việc của họ. Do đó, lãnh đạo nên trao quyền mạnh mẽ hơn cho những người có năng lực, tạo điều kiện để họ phát huy khả năng và thực hiện nhiệm vụ được giao.

3. Xây dựng văn hoá lành mạnh – Sợi dây giữ chân nhân viên

Việc khuyến khích nhân viên tham gia các hoạt động đội nhóm như bóng đá, bóng chuyền, khiêu vũ, yoga … hay các cuộc thi như thi hát trong công ty sẽ giúp gắn kết hơn rất nhiều. Chiến lược nhân sự này phát huy hiệu quả trong các doanh nghiệp Startup khi lương thưởng không thể cạnh tranh với doanh nghiệp lớn thì sự gắn kết là sợi dây giữ chân nhân sự ở lại.

4. Đào tạo, nâng cao kỹ năng chuyên môn cho nhân viên

Đào tạo, nâng cao kỹ năng chuyên môn là một trong những yếu tố quan trọng nhất để giữ chân nhân viên giỏi. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp lại e ngại chuyện này vì sợ nhân viên sau khi “đủ lông đủ cánh” sẽ “bay” đi mất. Thật ra, phần lớn người lao động đều biết trân trọng những cơ hội mà công ty đã trao cho họ, từ đó có thêm động lực để cống hiến hết mình vì doanh nghiệp. Đã đến lúc các nhà quản lý tìm hiểu các khóa huấn luyện phù hợp để giới thiệu cho nhân viên.

5. Tuyển và thăng chức đúng người – Giúp giữ chân nhân viên hiệu quả

Ai cũng biết những nhà lãnh đạo tồi sẽ ảnh hưởng đến môi trường làm việc ra sao. Vì vậy, hãy tìm hiểu xem có nhà quản lý nào hay quát nạt nhân viên, không bao giờ biết khen ngợi cấp dưới hay thường đổ lỗi cho người khác về sai lầm mà chính họ gây ra. Một người lãnh đạo như vậy sẽ làm không khí phòng ban hay bộ phận đó rất ngột ngạt và hậu quả là nhân tài sẽ dần bỏ đi hết.

Đọc thêm: 6 bước xây dựng văn hóa doanh nghiệp vững chắc

Sự ra đi của nhân tài chắc chắn gây nhiều tổn thất cho doanh nghiệp (Đọc thêm: Mất một nhân viên, mất một loạt khách hàng). Vì thế, thay vì buồn rầu nhìn nhân tài lần lượt bỏ đi, ngay từ bây giờ, nhà quản lý nên thực hiện ngay những chính sách nhân sự sáng suốt và thiết thực để giữ chân họ.