Dịch viêm phổi cấp COVID-19 đang bùng phát mạnh mẽ, có diễn biến vô cùng phức tạp lan rộng ra ít nhất 131 quốc gia với số lượng người nhiễm bệnh khổng lồ. Nhiều chính phủ các nước đã đóng cửa biên giới và áp đặt kiểm dịch. Các công ty, doanh nghiệp tại Hoa Kỳ đã ra lệnh cấm du lịch đối với nhân viên. Các tác động của dịch bệnh tới con người, kinh tế cụ thể là hoạt động kinh doanh tại các doanh nghiệp ngày càng rõ rệt.
Có thể nói COVID-19 là một hồi chuông cảnh tỉnh dành cho các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp nên tranh thủ thời gian này để xem xét kỹ lưỡng các chiến thuật, chính sách và quy trình làm việc tại chỗ để bảo vệ sức khỏe nhân viên, khách hàng cũng như hoạt động vận hành của doanh nghiệp trong thời điểm dịch và cả trong tương lai. Dưới đây là 7 câu hỏi nhà quản lý các doanh nghiệp nên tự đặt ra để ứng phó với COVID-19 cũng như tìm cách điều hành doanh nghiệp thật hiệu quả dưới sự ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch bệnh.
1. Làm thế nào để bảo vệ nhân viên tại nơi làm việc?
Virus SARS-CoV-2 gây ra đại dịch toàn cầu COVID-19 lây lan phần lớn qua đường giọt bắn do ho hoặc hắt hơi cũng như qua đường tiếp xúc khi chạm vào các bề mặt vật thể bị nhiễm virus sau đó người bệnh chạm vào mũi hoặc miệng. Các Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh tại Mỹ đã đưa ra lời khuyên như sau:
- Yêu cầu nhân viên ở nhà nếu có các triệu chứng về hô hấp (ho, hắt hơi, khó thở) và/hoặc nhiệt độ cơ thể trên 38 độ C
- Cho nhân viên nghỉ nếu phát triển các triệu chứng này tại nơi làm việc.
- Khi ho và hắt hơi yêu cầu nhân viên che miệng bằng khăn giấy, khuỷu tay hoặc vai (không phải tay trần).
- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước trong ít nhất 20 giây hoặc sử dụng nước rửa tay khô chứa cồn.
- Tránh bắt tay để giảm nguy cơ lây nhiễm.
++ Tham khảo Tri thức quản trị nhân sự 2020
Vì rửa tay là một trong những biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất, quản lý các doanh nghiệp cần đảm bảo nơi làm việc đã được trang bị đầy đủ xà phòng và khăn giấy. Sử dụng xà phòng và khăn giấy sẽ lý tưởng hơn việc sử dụng máy sấy tay bởi máy sấy có thể góp phần làm phát tán virus ra diện rộng. Nước rửa tay chứa cồn và khăn lau khử trùng nên được chuẩn bị trong văn phòng; các bề mặt thường xuyên tiếp xúc như mặt bàn hay tay nắm cửa nên được vệ sinh thường xuyên. Tăng cường làm sạch các khu vực chung bằng các chất tẩy rửa cũng làm giảm nguy cơ lây lan bệnh. Các doanh nghiệp nên chuẩn bị khẩu trang cho nhân viên.
Trong một cuộc khảo sát gần đây của Willis Towers Watson với 158 nhà tuyển dụng trên toàn thế giới cho thấy, hơn một nửa trong số họ là các công ty đa quốc gia. Và những doanh nghiệp này đang thực hiện rất nhiều hành động cần thiết để bảo vệ nhân viên của mình. Chẳng hạn như Trung Quốc là quốc gia đi đầu trong vấn đề này. Gần 90% các công ty được khảo sát đã cung cấp đầy đủ nước rửa tay cho nhân viên, hơn 80% đã tuyên truyền các công tin y tế công cộng (áp phích về dịch bệnh và cách ngăn chặn lây lan) và đang định hướng nhân viên làm việc tại nhà nếu có thể.
2. Khi nào nhà quản lý cho phép nhân viên ở nhà?
Như đã nói ở trên, nhân viên phải được ở nhà nếu họ có triệu chứng nhiễm COVID-19. Tại một số công ty, những nhân viên tận tuỵ thường mặc kệ bệnh hay đau ốm để đến nơi làm việc. Tuy nhiên điều này trở thành nguy cơ lây bệnh cho những người xung quanh. Trước đại dịch COVID-19 các nhà quản lý nên yêu cầu những nhân viên có triệu chứng nhiễm bệnh ở nhà. Tương tự như vậy, những nhân viên hoặc các khách hàng có nguy cơ cao mắc COVID-19 nên được cách ly và được giám sát y tế.
Các công ty, doanh nghiệp nên lắp đặt máy kiểm tra thân nhiệt cầm tay và yêu cầu không đi vào văn phòng, doanh nghiệp khi có thân nhiệt cao hơn 38 độ C. Tuy nhiên, nhiệt độ cơ thể không phải là chỉ số duy nhất đánh giá chính xác rủi ro bởi một số người mắc COVID-19 không sốt và một số người bình thường có thân nhiệt cao hơn người xung quanh. Do đó, kiểm tra thân nhiệt kết hợp với các triệu chứng hô hấp là cách tốt nhất để phát hiện.
>> Xem thêm: Ảnh hưởng bởi Covid-19, cho nhân viên nghỉ không lương có đúng luật?
Các tổ chức y tế công cộng khuyến nghị các công ty cấm nhân viên hoặc khách đến nơi làm việc trong khoảng thời gian 14 ngày sau khi tiếp xúc với địa điểm, hoặc người nghi nhiễm, hoặc người đã bị nhiễm bệnh, hoặc đã đi từ một khu vực có nguy cơ cao. 43% người sử dụng lao động ở Bắc Mỹ trong cuộc khảo sát cho biết họ hiện cấm nhân viên hoặc khách đến thăm từ Trung Quốc trong khoảng thời gian 14 ngày sau khi trở về. Đến thăm hoặc trở lại nơi làm việc có thể tiếp tục sau 14 ngày nếu không có triệu chứng nào xuất hiện.
3. Nên sửa đổi chính sách nghỉ phép hay không?
Khả năng số lượng nhân viên không tới nơi làm việc do bị bệnh hay phải chăm sóc người thân tăng lên đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp nên xem xét thời gian nghỉ và chính sách nghỉ phép của nhân viên. Các chính sách giúp nhân viên nghỉ phép có lương là một công cụ quan trọng trong việc khuyến khích họ tự báo cáo cũng như giảm thiểu nguy cơ phơi nhiễm. Khảo sát các nhà quản lý doanh nghiệp tại Hoa Kỳ cho thấy gần 40% trong số họ có kế hoạch làm rõ chính sách lương nếu nhân viên nghỉ do dịch hoặc nghỉ việc hẳn.
Trong khi một số công ty ngoài châu Á đã đóng cửa các công trình vì dịch bệnh, thì khoảng một nửa số công ty Trung Quốc mà chúng tôi khảo sát đã ngừng hoạt động ít nhất là tạm thời. Việc đóng cửa như vậy có thể sẽ trở nên phổ biến hơn bên ngoài châu Á nếu dịch bệnh tiếp tục diễn ra.
>> Xem thêm: 4 cách quản lý nhân viên làm việc từ xa dành cho nhà lãnh đạo 2020
Hầu hết các doanh nghiệp sẽ có chính sách cho mùa COVID-19 giống như những bệnh khác, nghỉ phép ốm hay bảo hiểm khuyết tật ngắn hạn sẽ được áp dụng cho các nhân viên. Khảo sát cho thấy hơn 90% người sử dụng lao động ở Trung Quốc đã trả lương cho công nhân của họ đầy đủ và duy trì lợi ích trong thời gian nghỉ phép. Các công ty nên ban hành các chính sách rõ ràng về vấn đề này ngay bây giờ và trao đổi về những chính sách này với nhân viên.
4. Chúng ta đã tối đa hóa khả năng làm việc từ xa của nhân viên chưa?
Trong khi nhiều công việc (bán lẻ, sản xuất, chăm sóc sức khỏe) yêu cầu mọi người phải có mặt tại nơi làm việc, họp hành hoặc thậm chí đi công tác thì các nhà quản lý có thể thay thế hoàn toàn bằng các hình thức trực tuyến và làm việc từ xa. Hình thức này sẽ giảm bớt rủi ro lây nhiễm bệnh cho mọi người. Gần 60% nhà tuyển dụng đã tham gia khảo sát chỉ ra rằng họ đã tăng nhân viên làm việc từ xa (46%) hoặc đang chuẩn bị kế hoạch (13%).
5. Nhà quản lý doanh nghiệp có nên triển khai kênh giao tiếp trực tuyến chính thức với nhân viên về sức khỏe hay không?
Những tin đồn tiêu cực, fake news hay nỗi hoang mang của nhân viên có thể lan nhanh như virus. Các công ty cần có kênh thông tin chính thức tiếp cận tới toàn bộ nhân viên, kể cả những người làm việc từ xa, với các cập nhật thường xuyên, phối hợp nội bộ, kiểm soát các triệu chứng và chính sách của công ty về làm việc từ xa… Những kênh giao tiếp này phải được phối hợp cẩn thận để tránh các chính sách không nhất quán được truyền đạt bởi các nhà quản lý. Rõ ràng điều này đòi hỏi các tổ chức phải duy trì thông tin liên lạc qua điện thoại/văn bản và email cho tất cả nhân viên cũng như kiểm tra liên lạc trên toàn tổ chức theo định kỳ.
6. Có nên xem xét lại chính sách công tác nước ngoài và trong nước?
65% các công ty được khảo sát tại Hoa Kỳ hiện đang hạn chế đi và đến châu Á. Các doanh nghiệp nên hạn chế việc đi lại cùng các hoạt động kinh doanh của nhân viên từ vùng dịch – vừa để ngăn ngừa bệnh tật vừa ngăn ngừa mất năng suất làm việc do cách ly hoặc nhân viên nghỉ làm. Hiện các doanh nghiệp đang khuyến nghị nhân viên nên tránh tất cả các chuyến công tác, du lịch không cần thiết đến Trung Quốc, Hàn Quốc, Châu Âu và Iran.
Nhân viên nên đặc biệt cẩn thận không đi du lịch hay công tác nếu cảm thấy không khỏe, vì họ có thể phải đối mặt với việc kiểm dịch khi trở về nếu bị sốt ngay cả khi không có nguy cơ nhiễm COVID-19 đáng kể.
7. Nhà quản lý có nên hủy toàn bộ các cuộc họp đã có lịch trình từ trước?
Có. Có rất nhiều bằng chứng cho thấy, việc tổ chức các cuộc họp là môi trường lý tưởng để lây lan dịch bệnh. Một số tiểu ban tại Mỹ đã cấm các cuộc họp với quy mô hơn 250 người. Nếu bạn muốn tổ chức một cuộc họp, hãy giới hạn số lượng người tham dự hoặc đứng cách người khác 6 feet. Không nên bắt tay và đảm bảo môi trường họp phải có các thiết bị rửa tay thích hợp.
Theo Harvard Business Review