Càng vào thời điểm nhạy cảm này, lãnh đạo càng phải mạnh mẽ hơn để làm chỗ dựa tinh thần cũng như tạo động lực làm việc cho đội ngũ nhân viên, tránh để bất kỳ ai ra đi vì chán nản. 8 cách ổn định “lòng dân” khi doanh nghiệp gặp khó khăn dưới đây hi vọng giúp bạn khơi dậy lòng nhiệt huyết của họ như lúc ban đầu.
Các công ty thành công trên thế giới như Google, Apple cũng từng phải đối mặt với thời kỳ khó khăn. Dù không muốn nhưng chúng ta nên thành thật với nhau rằng sẽ có lúc công ty của bạn gặp khó khăn, có thể đến từ nội bộ (hàng loạt cấp quản lý từ chức), đến từ thương vụ làm ăn không thuận lợi, đến từ khủng hoảng truyền thông…
Lúc này nhân viên của bạn sẽ rơi vào trạng thái bối rối, nản lòng và dần mất niềm tin vào công ty. Nếu bạn xuất hiện kịp thời, cho họ một lý do để ở lại thì họ sẽ nhanh chóng lấy lại tinh thần và cùng bạn chèo lái con thuyền vượt qua giông bão.
1. Quyết liệt ngăn chặn tin đồn khi doanh nghiệp gặp khó khăn
Trong thời điểm này, nếu một vài tin đồn không tốt xuất hiện trong công ty sẽ gây ra thiệt hại nghiêm trọng, không chỉ đối với tinh thần của nhân viên mà còn đối với danh tiếng của một tổ chức.
Để ngăn chặn sự lan truyền của tin đồn xấu, bạn phải loại bỏ sự mơ hồ. Tìm ra những nhân viên góp mặt nhiều nhất vào sự việc, nghiêm khắc xử lý tuỳ theo tính nghiêm trọng của tin đồn. Đừng quên nhắc nhở lại nhân viên về kỷ luật của công ty – cũng là kỳ vọng của bạn tại nơi làm việc.
2. Trở thành chỗ dựa tinh thần cho nhân viên
Khi doanh nghiệp gặp khó hay đứng trước một thách thức mang tính sống còn thì hơn ai hết người lãnh đạo sẽ phải đối mặt với áp lực, căng thẳng. Tuy nhiên, lúc này bạn cần điềm tĩnh, xử lý mọi chuyện bằng lý trí thay vì cảm tính, tham gia các cuộc đối thoại tích cực và giữ sự mạnh mẽ, quyết liệt của bạn trước toàn thể nhân viên. Không nhân viên nào thoải mái ngồi làm việc khi lãnh đạo suốt ngày cau có, tức giận hay vò đầu bứt tai để tìm cách cứu sống doanh nghiệp cả.
Những phong cách bạn có thể áp dụng tại thời điểm nhạy cảm này là định hướng, huấn luyện, kết nối, dân chủ, chỉ huy. Hãy dành thời gian trấn an bản thân bạn mỗi ngày trước khi trấn an nhân viên của bạn.
3. Thường xuyên giao tiếp với nhân viên, tạo cảm giác an tâm khi ở lại
Càng vào thời điểm then chốt, lãnh đạo cần chia sẻ và lắng nghe nhân viên với sự tôn trọng thường xuyên hơn để mang lại cảm giác an toàn cho họ. Động lực và năng suất làm việc đều nhờ thế mà tăng theo. Nếu trước đây bạn ít giao tiếp thì có thể bắt đầu cuộc trò chuyện bằng các vấn đề cá nhân, xã hội,…, cố gắng tránh việc giao tiếp bị gượng gạo bởi hai chữ công việc.
4. Giữ các kênh liên lạc, để kịp thời phản hồi
Không gì làm xuống tinh thần của nhân viên bằng việc mất liên lạc với cấp trên của mình khi doanh nghiệp đang gặp khó khăn. Lúc này, hãy để nhân viên cảm thấy họ được tôn trọng và có tiếng nói bất cứ lúc nào, đồng thời phải xác định điều gì đang thực sự xảy ra với đội ngũ nhân viên của bạn để xác định phương án giải quyết càng sớm càng tốt.
Duy trì các lịch họp hàng tuần, tháng tháng để cập nhật tình trạng hiện tại của công ty. Hãy dành thêm thời lượng để giải quyết vấn đề mà các nhân sự đang gặp phải. Bên cạnh Email, Facebook, Zalo,… thì việc được trực tiếp trao đổi với lãnh đạo sẽ giúp thông tin không bị pha loãng.
Đọc thêm: 9 điều bạn nên học hỏi Google để tổ chức các cuộc họp hiệu quả
5. Doanh nghiệp gặp khó khăn, càng cần minh bạch mọi thông tin
37% người lao động có ý định rời bỏ công việc vì sếp của họ thiếu minh bạch. Do đó, ngoài việc tăng cường giao tiếp thì lãnh đạo nên minh bạch hoá mọi thông tin, cụ thể:
- Các thông tin liên quan đến nội bộ, thực trạng doanh nghiệp cần được công khai chia sẻ
- Chủ động minh bạch tài chính, doanh thu
- Rõ ràng trong cơ chế thưởng phạt, chế độ đãi ngộ
- Đánh giá nhân viên theo đúng năng lực, công khai kết quả đánh giá
- Đảm bảo sự bình đẳng đối với mọi nhân viên
- Mọi thông tin cần được thông báo bằng văn bản, email hoặc đăng trên mạng truyền thông nội bộ doanh nghiệp.
6. Trân trọng mọi cống hiến, thành tích
Cảm giác bất lực là kẻ thù số một của tinh thần và năng suất lao động, do đó hãy tạo thêm cơ hội cho nhân viên được hành động điều gì đó vì công ty. Và nếu họ tạo ra được giá trị và tác động tích cực cho công việc hãy chúc mừng họ kịp thời. Không cần quá quan trọng tới giải thưởng vật chất, sự trân trọng và giá trị tinh thần mới là điều quý giá lúc này.
7. Bổ sung các hoạt động vui chơi giải trí xen kẽ giờ làm việc
Tinh thần tốt sẽ giúp thúc đẩy năng suất làm việc của nhân viên. Vì thế, lãnh đạo có thể phê duyệt chính sách vui chơi thư giãn tại nơi làm việc để xua tan không khí căng thẳng và áp lực kinh doanh.
Có thể là 15 phút uống trà chiều, 30 phút giải lao cùng tham gia nói chuyện, cùng tham gia các cuộc thi nội bộ vào cuối tuần…
8. Chọn ra những “tâm phúc” để “chèo lái” cùng mình khi doanh nghiệp gặp khó khăn
Bạn có thể là nhà lãnh đạo tài ba, kiệt xuất nhưng một mình bạn sẽ không thể quản lý, định hướng hàng chục, hàng trăm con người ở công ty. Do đó, tìm một vài cộng sự, tâm phúc để “chèo lái” doanh nghiệp vượt qua giông bão là điều cần thiết lúc này.
Không ở đâu xa, cộng sự của bạn có thể là các nhà quản lý cấp trung, nhân viên gắn bó lâu năm với công ty. Để tìm ra được họ, hãy thực hiện một số thủ pháp như gặp gỡ 1-1, hoặc hỏi trực tiếp xem ai sẵn sàng đồng hành cùng bạn. Thời điểm này, hãy gạt bỏ những thành kiến, cấp bậc, đồng thời loại bỏ những quản lý không còn nhiệt huyết.
Đọc thêm: 6 vấn đề quản lý nhân sự cơ bản doanh nghiệp cần nắm được
Kết luận
Thời điểm khó khăn của doanh nghiệp là thách thức cũng là cơ hội để lãnh đạo có thể chứng minh tài năng của mình. Vậy nên thay vì khuất phục, hãy rèn giũa bản thân, gia tăng sự đoàn kết cũng như bồi dưỡng khả năng lãnh đạo để cùng toàn thể nhân viên vượt qua giai đoạn này. Nếu bạn giữ được tinh thần và năng suất của nhân viên, chắc chắn doanh nghiệp của bạn sẽ tăng trưởng bền vững trong tương lai.