Không phải nhân tài nào rời vị trí cũng đều vì lương thấp. Nếu vì tiền đôi khi họ đã không gắn bó với doanh nghiệp lâu như thế.
Gần đây, tình trạng chảy máu nhân sự tiếp tục tái diễn. Việc này đã làm cho không ít chủ doanh nghiệp phải đau đầu “chạy đôn chạy đáo” tìm người thay thế, nhất là khi mùa Tết cận kề. Chuyện gì cũng có lý do của nó, trước khi đi tìm giải pháp, nhân sự hãy ngồi lại với CEO, trưởng bộ phận và thảo luận xem phải chăng công ty mình đã mắc lỗi nào trong 8 lỗi khiến cho nhân tài lần lượt rũ áo ra đi dưới đây.
1. Đề ra những quy trình, tắc không phù hợp
Quy tắc không phù hợp sẽ làm cho nhân viên cảm thấy họ đang bị “theo dõi”, gây ra sự không thỏa mái khi làm việc
Muốn phát triển, mọi thứ vào quy củ, trông chuyên nghiệp hơn thì việc công ty đưa ra các quy chế quy tắc là điều đương nhiên. Nhưng nhưng quy tắc này không nên thiển cận và cứng nhắc. Không ít doanh nghiệp quy mô dưới 20 nhân viên đi “bê nguyên” toàn bộ các quy tắc ở công ty lớn hàng trăm nhân viên, từ quy trình cho đến chế độ làm việc, lương thưởng.
Cho dù đó là một chính sách khuyến khích hay động viên nhân viên làm thêm cho kịp tiến độ thì cũng nên được xem xét và thiết kế phù hợp với tình trạng đặc thù của mỗi doanh nghiệp. Một khi quy tắc không phù hợp sẽ làm cho nhân viên cảm thấy họ đang bị “theo dõi” bởi một thế lực vô hình và gây ra sự không thỏa mái khi làm việc.
Các bộ óc lỗi lạc tại Google phát hiện ra rằng khi những nhà lãnh đạo thường xuyên nhất quán, công bằng cũng như “tạo điều kiện” để cấp dưới “bắt bài” trong lúc ra quyết định thì nhân viên sẽ cảm thấy tự do hơn và có trải nghiệm làm việc tốt hơn.
Đọc thêm: 5 chiến lược quản trị không giống ai của “gã khổng lồ” Google
2. Đối xử bình đẳng với tất cả nhân viên
Nếu chiến thuật này hiệu quả với các em học sinh thì khi đặt sang môi trường doanh nghiệp, nó lại phản tác dụng. Hãy tưởng tượng, có hai nhân viên A, B. Trong khi cậu A làm việc năng suất, liên tục đưa về những hợp đồng lớn cho công ty thì cậu B vẫn lẹt đẹt 1 hợp đồng/tháng. Ấy thế mà chế độ phúc lợi, lương thưởng nhỉnh hơn một tí, thậm chí ngang bằng cậu B.
Nếu là bạn, bạn có chấp nhận cống hiến cho một nơi như vậy không?
Đó là lý do các nhân viên tốt sẽ dần mất động lực làm việc. Do đó, tại doanh nghiệp, đừng cố đối xử bình đẳng với tất cả mọi người, hãy cho nhân viên nhận được thứ họ xứng đáng!
3. “Chịu đựng” nhân viên kém hiệu quả, không phù hợp
Mặc dù trong công ty có nhiều cá nhân nổi trội, làm việc độc lập tốt nhưng khách quan mà nói, chính những nhân viên làm việc kém hiệu quả đó sẽ kéo mọi người xuống, đặc biệt là những nhân viên tài năng của bạn.
Điều này được ví như một ban nhạc, nếu trong nhóm có 1,2 nhân tố chơi tệ thì kết quả chung cuộc ban nhạc đó sẽ không thể trình bày một bản nhạc hoàn hảo, khán giả lắng nghe cũng không thể đứng lên và vỗ tay tán thưởng nhiệt tình.
Đọc thêm: Làm gì khi đặt sai người lên cỗ xe doanh nghiệp?
4. Quản lý không nhận ra các thành tựu cá nhân
Không nhận ra thành tựu cá nhân là nguyên nhân khiến cho nhân sự mất đi động lực phấn đấu
Thường các nhà quản lý sẽ kiểm soát sự thành công của một dự án, theo dõi tiến độ cũng như hiệu quả mà bỏ quên việc đánh giá sự đóng góp của các thành viên. Do đó, cuối tháng, cuối kỳ cuối năm sẽ thiếu đi những phần thưởng nho nhỏ để khích lệ tinh thần những cá nhân hoạt động tích cực.
Để tìm hiểu điều gì khiến họ cảm thấy có động lực và sau đó có những khen thưởng thích hợp, các nhà quản lý cần phải giao tiếp nhiều hơn với mọi người.
5. Không quan tâm đến cảm nhận của mọi người
Phải chăng bạn đã dành quá nhiều thời gian cho công việc mà quên mất dưới mình còn có những cộng sự cần được quan tâm. Bạn có biết hơn một nửa các nhân tài rời bỏ công việc của họ vì mối quan hệ của họ với sếp. Vậy nên, hãy là một vị sếp có thể ăn mừng thành công của nhân viên, đồng cảm với những gì mọi người trải qua những thời điểm khó khăn, và thách thức. Nhân viên của bạn sẽ không toàn lực cống hiến nếu gặp một vị sếp chỉ biết quan tâm đến công việc mà quên mất họ cũng là con người.
6. Không vẽ bức tranh lớn để mọi người cùng hình dung, phấn đấu
Hay nói đúng hơn là để nhân viên đến văn phòng làm việc mà không biết mục đích của việc mình làm. Hãy gắn kết nhân viên của mình vào sứ mệnh, tầm nhìn của doanh nghiệp. Hãy để họ cảm nhận thấy sự quan trọng của mình trong cách mục tiêu cần đạt được.
7. Ép mọi người làm việc theo khuôn khổ, ngăn cản việc theo đuổi niềm đam mê riêng
Chẳng có lý do gì để nhân sự ở lại một nơi kìm hãm đam mê của mình
Ai cũng có đam mê của riêng mình, nhưng nhiều nhà quản lý lại không muốn nhân viên phát triển đam mê trong giờ làm việc. Họ lo ngại rằng năng suất sẽ giảm nếu họ cho phép mọi người mở rộng sự tập trung và theo đuổi niềm đam mê của họ. Nỗi sợ hãi này là vô căn cứ bởi các nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người vẫn có thể theo đuổi niềm đam mê khi đang làm việc, và với một trạng thái tâm trí hưng phấn thậm chí còn nâng cao 5 lần hiệu suất làm việc so với bình thường.
8. Môi trường làm việc thiếu thú vị
Nếu muốn mọi người tận tâm với công việc, hãy giúp họ vui vẻ trong công việc.
Google là một ví dụ điến hình. Họ tạo ra niềm vui khi làm việc bằng các cung cấp những bữa ăn miễn phí, sân chơi bowling, và các lớp thể dục. Ý tưởng này rất đơn giản: nếu công việc thú vị, bạn sẽ không chỉ hoạt động tốt hơn mà sẽ ở lại gắn bó với công việc lâu hơn.
Một khi đơn xin việc được gửi đến bạn, chắc hẳn nhân sự đó đã không còn lưu luyến gì ở công ty cũng như tha thiết chuyện ở lại. Là chủ doanh nghiệp, bạn phải chấp nhận chuyện này, nhanh chóng gạt đi niềm tiếc nuối để tìm ứng viên thay thế.