Hàng năm, trên thế giới tốn hàng chục tỷ đô la cho Team Building, vậy Team Building là gì? Nó có phải là chiếc đũa thần có thể biến tất cả những “rạn nứt” của Doanh nghiệp trở nên “lành lặn” hơn không? Các trò chơi Team building nào thú vị và giúp nội bộ gắn kết?
Team building (Xây dựng đội ngũ) là gì?
Team building được biết đến như một khóa học được tổ chức ngoài trời hoặc trong nhà dựa trên các trò chơi khác nhau. Mục đích là để cho những người tham gia trải nghiệm các tình huống trước sau dựa trên các trò chơi được lên chọn sẵn để rút ra các bài học thực tiễn trong công việc. Từ đó, có thể điều chỉnh thái độ và hành vi cá nhân trong khi làm việc chung với nhau cùng hướng đến mục tiêu chung của tổ chức.
Những tổ chức nào cần thực hiện Team building?
Team building là hoạt động cần thiết của các tổ chức:
- Cần có sự phối hợp làm việc của các cá nhân và bộ phận khác nhau trong cùng một tổ chức.
- Xuất hiện những mâu thuẫn và thiếu đoàn kết, gắn bó giữa các thành viên và bộ phận.
- Có nhiều văn phòng chi nhánh đặt tại các vùng miền địa lý khác nhau trên cả nước và nước ngoài.
Kết quả của Teambuilding là gì?
Sau khi tham gia Teambuilding, doanh nghiệp và cá nhân sẽ nhận được:
- Sự hiệu quả trong giao tiếp, làm việc, nhất là đối với các nhân viên không cùng chung một bộ phận trong công ty, hoặc những người cùng chung bộ phận nhưng ít có dịp làm việc chung với nhau.
- Rèn luyện kỹ năng leadership thông qua việc xây dựng kế hoạch, tổ chức, phân công công việc, bố trí các thành viên và tài nguyên hợp lý để hướng đội đến việc đạt mục tiêu chung.
- Phát huy khả năng sáng tạo và đưa ra giải pháp giải quyết vấn đề dựa trên sức mạnh tập thể.
- Thấu hiểu tính cách, tư duy của các thành viên khác trong đội, điểm mạnh và điểm yếu của từng người để cùng bổ sung và phối hợp với nhau làm việc tốt hơn.
- Xây dựng được tinh thần đoàn kết, niềm tin lẫn nhau, tính cạnh tranh lành mạnh giửa các đội với nhau.
- Tạo ra bầu không khí thư giãn, thoải mái, vừa vui vừa học để giảm stress trong công việc hàng ngày. Ngoài ra tùy vào tính chất công việc và yêu cầu của ban lãnh đạo công ty, ban tổ chức chương trình Teambuilding có thể sẽ đưa vào các ý nghĩa khác dành riêng cho các bộ phận bán hàng, dự án, sản xuất …
Công tác tổ chức Team building như thế nào?
- Thông thường, các công ty tổ chức kết hợp với chuyến tham quan, nghĩ mát hàng năm của mình để tổ chức Teambuilding. Họ sẽ thuê các đơn vị chuyên nghiệp thực hiện chương trình Teambuilding. Sau khi thực hiện xong Teambuilding, họ sẽ tiếp tục các chương trình riêng của công ty.
- Số luợng học viên tham gia Teambuilding tuỳ theo quy mô công ty để tổ chức. Doanh nhiệp có số lương nhân viên từ 100 trở lên cần công tác tổ chức phải hết sức cẩn thận và chi tiết để không đánh mất ý nghĩa của hoạt động này.
- Dụng cụ là một vấn đề quan trọng không thể thiếu trong các chương trình Teambuilding, số người tham gia càng đông, dụng cụ càng nhiều và cồng kềnh.
- Đơn vị thực hiện Teambuilding có thể sẽ đứng ra tổ chức chương trình hoặc có thể thực hiện nhiệm vụ vận chuyển, khách sạn cho học viên.
Thời lượng chương trình và địa điểm tổ chức Team building như thế nào cho phù hợp?
Tuỳ vào nhu cầu của doanh nghiệp mà thời gian thực hiện Teambuilding có sự khác nhau. Phổ biến, doanh nghiệp Việt sẽ dành từ 1 đến 2 ngày.
Địa điểm tổ chức: phần lớn là tại các khu vực ngoài trời có địa hình đa dạng khác nhau như bãi đất trống, hồ bơi, bãi biển, núi, rừng …
Tại Hà Nội có các địa điểm lý tưởng để tổ chức Teambuiding như: Công viên Yên Sở, Khu sinh thái Vĩnh Hưng, Khu đô thị Ecopark, Núi Hàm Lợn, Sơn Tinh Camp…
Vai trò của những người thực hiện Team building là gì?
- Facilitator: Nhận các yêu cầu từ doanh nghiệp để thiết kế chương trình phù hợp, điều phối những hoạt động trong suốt quá trình thực hiện. Số lượng facilitator tuỳ thuộc vào số lượng học viên. Bình quân 1 facilitator có thể quản lý được 50 học viên chịu trách nhiệm chính về chuyên môn của chương trình.
- Assistant: chịu trách nhiệm chuẩn bị dụng cụ trước khóa học, vận chuyển và bảo quản dụng cụ, hướng dẫn trò chơi và hỗ trợ học viên trong khi thực hiện. Số lượng assistant thông thường gấp đôi số lượng facilitator.
Những hạn chế có thể có trong chương trình Team building?
- Người chơi dễ sa đà vào tính thắng thua mà vô tình quên đi mục đích thực sự mà Team building luôn hướng tới. Đó là sự gắn kết, thấu hiểu giữa các thành viên và những bài học rút ra từ các trò chơi Team building.
- Thay vì xây dựng tinh thần đoàn kết trong một tập thể, một số thành viên lại tạo ra sự chia rẽ do cái tôi quá lớn khiến họ không thể hợp tác cùng những thành viên khác cũng như bất đồng về ý kiến.
- Các đơn vị tổ chức chương trình xây dựng kịch bản chỉ tập trung vào trò chơi mà ít chú trọng đến bài học rút ra từ các trò chơi này. Trường hợp này thường xảy ra ở hầu hết những chương trình Team building tổ chức tự túc hoặc các công ty chưa có nhiều kinh nghiệm tổ chức Team building, không có người hướng dẫn (Facilitator) giỏi.
- Địa điểm tổ chức không phù hợp với các hoạt động được lên kịch bản từ trước. Ví dụ như tổ chức các hoạt động Team building outdoor ở những nơi có diện tích bị hạn chế khiến cho người chơi gặp khó khăn trong việc thực hiện các nhiệm vụ.
Nhận xét từ người chơi từng tham gia Team building
Một Giám đốc Kinh doanh người Malaysia có bằng MBA tại Anh từng phát biểu về lý do đội của ông không dành chiến thắng : ” Năm người trong team chúng tôi xuất thân từ nhiều nơi khác nhau.Một anh là Giám đốc Sản phẩm, một cô là Sales Admin, một anh là Sales Supervisor người miền Bắc. Hôm nay là ngày đầu tiên gia nhập với công ty, một anh là Nhân viên Kỹ thuật, còn tôi từ xa đến.Trong công việc chúng tôi ít có mối quan hệ với nhau nên khi hợp tác lại giao tiếp thật khó khăn, chậm chạp… chúng tôi khó thống nhất ý kiến và quan điểm với nhau trong cách đưa ra giải pháp vì mỗi người còn rất dè dặt, thận trọng…”
10 ý tưởng tổ chức Team building vui nhộn
Những trò chơi Team building trong nhà
Dưới đây là những gợi ý dành cho các doanh nghiêp muốn tổ chức các hoạt động team building trong nhà, không cần dùng hoặc chỉ cần vài dụng cụ đơn giản nhưng vẫn đảm bảo niềm vui và khả năng gắn kết.
1. Trò chơi Team building indoor Keo sơn một nhà
Mục đích: là rèn luyện sức khỏe, sự dẻo dai và khả năng kết nối ăn ý giữa các thành viên.
Dụng cụ hỗ trợ: Đồng hồ bấm giờ.
Cách chơi:
Đầu tiên, bạn chia tất cả các thành viên thành 2 đội A và B
Đội A sẽ bắt đầu chơi trước. Có 2 phút dành cho đội A để liên kết tất cả các thành viên trong đội thành một khối bằng cách đan bàn tay, cánh tay, chân… Sau khi đội A chuẩn bị xong, quản trò bắt đầu bấm giờ. Đội B sẽ có nhiệm vụ cố gắng tách các thành viên trong đội A rời ra khỏi nhau trong thời gian càng nhanh càng tốt. Khi đội B tách rời hết các thành viên của đội A, bạn bấm ngưng đồng hồ và ghi lại kết quả.
Quy tắc: Các thành viên trong đội bị tách ra khỏi đội không được quay lại giúp đỡ đội mình. Lượt chơi tiếp theo diễn ra tương tự với đội B. Sau 2 lượt chơi, đội nào có thời gian duy trì được khối liên kết lâu nhất sẽ là đội chiến thắng.
2. Đuổi hình bắt chữ – Trò chơi Team building indoor vui nhộn
Gameshow “đuổi hình bắt chữ” có lẽ đã không còn xa lạ với tất cả mọi người. Đối với trò chơi team building này, mục tiêu chính là rèn luyện khả năng tưởng tượng và sự nhanh trí của các thành viên.
Dụng cụ hỗ trợ: Các hình ảnh được chuẩn bị sẵn cho việc mô tả
Cách chơi:
Bạn chia các thành viên thành nhiều đội chơi. Mỗi đội chọn ra 2 thành viên, một người có trách nhiệm nhìn hình ảnh để mô tả bằng cử chỉ, không được nói bằng lời, người còn lại sẽ đoán hình. Lần lượt như vậy cho đến khi các thành viên của các đội tham gia hết.
Quy tắc: Các thành viên ở đội chơi khác không được tìm cách đánh lạc hướng. Thành viên trong cùng đội không đứng bên ngoài để nhắc hoặc gợi ý đáp án.Đội chiến thắng là đội đoán đúng nhiều hình nhất.
3. Trò chơi team building indoor Thổi bay cái lạnh
Bạn nghĩ sao nếu mùa đông đến, chúng ta cùng được tham gia một trò chơi team building mang tên “thổi bay cái lạnh”? Một hoạt động rèn luyện sự kiên nhẫn và thử thách khả năng “chịu lạnh” của mỗi người.
Số lượng người chơi: 6 thành viên trở lên
Dụng cụ hỗ trợ: Đá viên
Cách chơi:
Đầu tiên, bạn chia cả nhóm thành nhiều đội, mỗi đội từ 3 – 6 thành viên. Bạn phát cho mỗi đội một viên đá. Các đội có nhiệm vụ làm tan chảy viên đá trong thời gian càng nhanh càng tốt.Đội chiến thắng là đội hoàn thành nhiệm vụ đầu tiên.
4. Trò chơi “Trận chiến âm thanh”
Luật chơi: Những người chơi xếp thành hàng, mỗi người đeo tai nghe có bật nhạc với âm lượng đủ để không nghe được âm thanh bên ngoài. Bạn sẽ nói cho người đầu hàng một câu và người này phải truyền thông điệp đó tới người phía sau, cứ thế cho đến cuối hàng.
Nhiệm vụ của bạn là chuẩn bị những câu nói đánh đố như “Lời nói lưu loát luyện luôn lúc này”, “Giặt khăn xanh, vắt cành chanh” và xem các đồng nghiệp của mình truyền tin như thế nào. Chắc chắn có nhiều câu nói vô cùng hài hước và thông điệp cuối cùng sẽ lệch lạc hoàn toàn so với ban đầu.
Mục đích: Nếu bạn đang tìm kiếm một hoạt động thú vị mà cả nhóm của bạn thực sự muốn tham gia, hãy thử trò chơi này để có một khoảng thời gian thư giãn vui vẻ.
5. Trò chơi “Tháp ai cao nhất?”
Luật chơi: Mỗi đội chơi phải dựng một toà tháp từ 100 chiếc ống hút được phát. Tháp của đội nào cao nhất và trụ được ít nhất 10 giây thì đội đó giành chiến thắng. Để tăng thêm độ khó cho trò chơi, bạn có thể đặt một mốc thời gian cho các đội hoàn thành.
Mục đích: Trò chơi này giúp các thành viên luyện tập năng lực sáng tạo và áp dụng nó để giải quyết vấn đề.
Những trò chơi Team building ngoài trời
“Đặc sản” của team building chính là những trò chơi ngoài trời, nơi các thành viên không chỉ có thể tham gia vào các hoạt động thể chất mà còn cùng nhau giải những đề bài hóc búa. Chắc chắn những trò chơi team building ngoài trời dưới đây sẽ mang lại cho cả công ty những kỷ niệm đáng nhớ!
1. Trò chơi team building outdoor – Tam sao thất bản
Mục đích: cả nhóm phải cùng nhau bàn bạc, và thống nhất đi đến giải quyết nhiệm vụ mà người tổ chức đưa ra.
Số lượng: chia thành 2 đội chơi và vật dụng cần thiết bao gồm: giấy, bút lông, que kem, ô chữ đồ chơi …
Hoạt động: Người quản trò sẽ là người tạo ra những tác phẩm “tuyệt sắc” từ những vật dụng được cung cấp (ví dụ 1 căn nhà từ các que kem…) và giấu tác phẩm này đi. Sau đó, phát cho mỗi đội một vật dụng tương tự. Sau đó, người quản trò phải có nhiệm vụ miêu tả và dùng lời hướng dẫn cách thực hiện tác phẩm của mình. Nhiệm vụ của 2 đội là tái dựng lại nguyên bản tác phẩm đó.
*Chú ý rằng các thành viên còn lại của các đội có nhiệm vụ tìm cách che không cho đối phương thấy tác phẩm của đội mình. Sau khi hoàn tất, người quản trò trình nguyên bản gốc ra, và người chấm điểm sẽ là “khán giả”, đội nào có tác phẩm giống nhất sẽ giành chiến thắng.
2. Trò chơi “Bãi mìn”
Mục đích: Một số người gặp khó khăn trong việc tin tưởng người khác. Một số cảm thấy khó khăn khi nhờ giúp đỡ. “Bãi mìn” là trò chơi nhằm thúc đẩy niềm tin đồng đội, giúp các thành viên cởi mở hơn khi làm việc cùng nhau; đồng thời rèn luyện năng lực giải trình.
Luật chơi: Đặt các chướng ngại vật (quả bóng, chai nước, thùng xốp,…) rải rác trên mặt đất và có thể căng thêm dây thành hình ô bàn cờ. Người chơi của mỗi nhóm lần lượt phải bịt mắt để vượt qua “bãi mìn”. Những người còn lại dùng lời nói để hướng dẫn đồng đội của mình đi từ vạch xuất phát đến đích mà không được chạm vào các đồ vật.
Thành viên nào chạm vào chướng ngại vật sẽ phải quay lại vạch xuất phát. Đội đầu tiên có tất cả thành viên vượt qua bãi mìn thành công sẽ giành chiến thắng.
3. Trò chơi “Bóng bay nước”
Mục đích: Bóng bay nước là một trò chơi tuyệt vời để kiểm tra kỹ năng phân tích, xử lý tình huống và ra quyết định cùng nhau trong nhóm của bạn, đặc biệt khi phải đối mặt với nguồn lực hạn chế.
Luật chơi: Mỗi nhóm phải tìm cách dìm một quả bóng bay đã bơm hơi trong một xô nước trong tối thiểu 5 giây. Họ chỉ có thể sử dụng các vật dụng sau đây:
- 1 xô nước
- Bóng bay
- 1 viên gạch
- 5 ống hút
- 5 kẹp giấy
- 1 túi nilon
- 01 sợi dây (20 cm)
- 1 đoạn băng dính (20 cm)
- Kéo
Mỗi nhóm có 1 phút để lên kế hoạch mà không được chạm vào các vật dụng. Sau đó, nhóm có 5 phút để thực hiện kế hoạch của mình.
4. Trò chơi “Ống nước rò rỉ”
Mục đích: Ống nước rò rỉ là một trò chơi tương tác cao, thúc đẩy các nhóm làm việc nhanh và hiệu quả hơn với nhau.
Luật chơi: Bạn sẽ cần nước, xô, vài cái cốc, 2 ống nước có đục lỗ và 2 quả bóng bàn. Để giành chiến thắng, các đội phải lấy quả bóng bàn từ đường ống bằng cách đổ đầy nước và để quả bóng nổi lên trên.
Các đội chơi sử dụng cốc để mang nước từ xô đến đường ống. Điều khiến trò chơi khó khăn là xô nước phải đặt cách đường ống vài mét và do đường ống bị thủng nên các đội cần phân chia công việc hợp lý để có người đi lấy nước, người bịt ống… Nên đặt giới hạn thời gian để các đội phải chạy đua với nhau.
5. Trò chơi team building outdoor – Tìm đồ vật
Mục đích: tăng khả năng giao tiếp và xây dựng tinh thần đồng đội để cùng nhau hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Số lượng: chia thành 2 đội chơi và vật dụng cần thiết: 1 túi đựng x số đội
Hoạt động: người quản trò phải chọn 10 chữ cái bất kì và tiếp đó yêu cầu từng đội phải đi tìm đồ vật xung quanh với tên gọi bắt đầu bằng những chữ cái đó và bỏ vào túi đựng. Sau khoảng thời gian quy định, đội thu thập được số lượng nhiều nhất sẽ là đội chiến thắng.
*Chú ý: Trò chơi Team building ngoài trời này đòi hỏi tính đồng đội cao và khả năng thích nghi với thức thách. Người quản trò sẽ là người quy ước trò chơi, tăng thêm phần thú vị như: những đồ vật trùng nhau mà các đội tìm được sẽ bị loại bỏ, chỉ tính điểm cho những đồ vật khác nhau. Do đó, trong quá trình tìm kiếm các đồ vât, đòi hỏi thành viên của mỗi đội phải cố gắng tìm và giấu những món đồ vào túi thật nhanh nhằm tránh đối phương phát hiện.
Kết luận
Một buổi team building thành công là khi các thành viên không chỉ thấy vui vẻ mà còn có được cho mình những kỷ niệm và bài học quý giá. Những ý tưởng xây dựng trò chơi trên đây hy vọng sẽ góp phần làm nên một buổi team building hiệu quả cho công ty bạn.
TopHR/Tổng hợp