Nhân viên liên tục nghỉ việc là điều mà không một nhà lãnh đạo nào mong muốn. Dưới góc độ một nhà quản lý, việc xây dựng được đội ngũ nhân viên nồng cốt, gắn bó luôn là ưu tiên hàng đầu, nhằm giúp hoạt động kinh doanh diễn ra suôn sẻ với ít gián đoạn hơn, giảm thiểu được chi phí về nguồn lực mới, đồng thời thiết lập danh tiếng của công ty.
Tuy nhiên, dù đưa ra nhiều chính sách đãi ngộ tốt, xây dựng môi trường làm việc thoải mái nhưng các nhân sự nòng cốt vẫn ra đi khiến các lãnh đạo phải “đau đầu” tìm hiểu: Nguyên nhân thật sự nằm ở đâu?
Các dạng nghỉ việc phổ biến
Một khi các nhà quản lý nắm bắt được xu hướng nghỉ việc của nhân viên sẽ giúp hiểu được lý do thực sự khiến họ ra đi và có các biện pháp phòng ngừa điều tương tự xảy ra trong tương lai.
- Nghỉ việc theo mùa vụ: Có những thời điểm nhất định trong năm, nhân viên sẽ liên tục thôi việc. Điều này thường xảy ra với những nhân viên có lương chủ yếu dựa vào hoa hồng. Đó là vì họ muốn theo đuổi môi trường và thị trường mà họ có thể duy trì cơ hội kiếm tiền.
- Nghỉ việc do thiếu cơ hội thăng tiến: Nguyên nhân này sẽ khiến bạn rơi vào vòng luẩn quẩn của tuyển dụng – đào tạo – duyệt đơn thôi việc – tuyển dụng.
Thiếu cơ hội thăng tiến sẽ khiến nhân viên sớm tìm đường ra khi đã khẳng định được năng lực của mình, họ quyết định ra đi vì không còn thấy triển vọng phát triển xa hơn trong công ty. - Nghỉ việc hàng loạt – “chảy máu” nhân sự: Đây là tình huống xấu nhất của doanh nghiệp. Một số lượng lớn nhân viên quyết định nghỉ việc cùng một lúc vì nhiều lý do như không hòa hợp với cách quản lý của lãnh đạo mới, bất đồng về lương bổng, hoặc nghe thấy tin tức về những khó khăn tài chính tiềm ẩn trong ngành công ty đang kinh doanh.
Giảm tỷ lệ nghỉ việc
Những nguyên nhân kể trên có thể nằm ngoài sự kiểm soát của bạn, tuy nhiên, vẫn có những biện pháp nhất định để giảm bớt lượng nhân viên nghỉ việc.
Xây dựng nguồn ứng viên dự phòng
Sau mỗi đợt tuyển dụng, hãy lưu lại những CV của ứng viên “gần” đạt yêu cầu để chủ động gia tăng hiệu quả cho những đợt tuyển dụng sau. Với công cụ quản lý CV của TopCV thì điều nay hoàn toàn không khó để thực hiện.
Giao tiếp nhiều hơn với nhân viên
Không có gì làm nhân viên khó chịu hơn một bầu không khí khép kín trong doanh nghiệp. Là nhà quản lý, hãy cởi mở
với nhân viên của bạn, chia sẻ tầm nhìn, sứ mệnh vcủa doanh nghiệp và chỉ cho họ thấy họ phù hợp, cần thiết với mục tiêu tổng thể như thế nào.
Lắng nghe nhân viên
Một công đoàn, một hộp thư đóng góp ý kiến hay cơ hội đối thoại với ban quản trị… là những sáng kiến để bạn có thể lắng nghe tâm tư nhân viên của mình. Tất nhiên, bạn sẽ không thể chấp nhận tất cả những đề xuất của họ, nhưng ít nhất cần cho họ thấy bạn đã xem xét chúng một cách nghiêm túc.
Tăng phúc lợi
Ngoài tăng lương, bạn còn có thể làm nhiều điều khác để động viên tinh thần làm việc của nhân viên như tăng số ngày phép cho nhân viên, thăm hỏi tình hình ốm đau, gia đình, tặng những chuyến du lịch….
Khen thưởng
Khen thưởng là cách công nhận những đóng góp của nhân viên vào sự phát triển chung của công ty. Hãy cho họ thấy rằng, công ty trân trọng những cống hiến đó. Tổ chức cuộc thi “Nhân viên xuất sắc nhất tháng/quý/năm” hoặc tăng mức thưởng khi đạt mục tiêu là những cách phổ biến mà các doanh nghiệp lớn đang áp dụng. Lưu ý là bạn phải công bằng trong việc khen thưởng để nhân viên không cảm thấy bất mãn.
Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực
Những chính sách đào tạo và phát triển nguồn nhân lực thường xuyên sẽ chứng tỏ cho nhân viên thấy bạn quan tâm đến tương lai của họ. Hãy yêu cầu nhân viên quản lý gặp trực tiếp từng người trong nhóm để tìm hiểu tâm tư của nhân viên về công việc, tương lai và môi trường làm việc.
Tổ chức các sự kiện xã hội
Trong những doanh nghiệp thành công nhất luôn tồn tại tình đồng nghiệp gắn bó giữa các nhân viên. Tuy nhiên, việc cung cấp cơ hội để nhân viên của bạn tiếp xúc với nhau bên ngoài công ty hoàn toàn khác với việc tạo ra những niềm vui mang tính cưỡng ép. Nếu bạn tạo điều kiện để nhân viên tham gia vào quy trình hoạch định tổ chức các sự kiện, bạn sẽ tạo ra được những sự kiện mà họ thật sự muốn tham gia.
Làm gì khi nhân tài muốn ra đi?
Trong khi tình trạng nghỉ việc thường xuyên là điều có thể phòng ngừa và ngăn chặn ở một mức độ nào đó, thỉnh thoảng bạn sẽ phải đối mặt với những trường hợp nghỉ việc ngoài mong đợi, có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến công ty. Đây là lúc bạn cần vận dụng kỹ năng thương lượng của mình. Nếu một nhân viên quyết định xin nghỉ việc, tốt nhất là bạn để họ đi. Tuy nhiên, nếu cảm thấy công ty không thể thiếu họ được, bạn hãy cố gắng hết sức để giữ họ lại.
Đầu tiên, hãy tìm hiểu tại sao họ lại muốn ra đi
Có phải họ muốn nắm bắt một cơ hội mới quá hấp dẫn? Hay họ nghỉ việc chỉ vì tiền? Có phải họ nghỉ việc để đi làm từ thiện ở vùng sâu vùng xa? Bạn cần phân tích lý do và tìm cách thay đổi ý muốn ra đi của họ.
Phỏng vấn thôi việc
Nếu không thuyết phục được họ ở lại, bạn cần tổ chức một cuộc phỏng vấn thôi việc (exit interview) với nhân viên sắp ra đi. Như vậy, bạn sẽ có thể thu nhận được một số ý kiến chân thật và thẳng thắn về hoạt động của công ty bạn. Qua đó, bạn sẽ biết mình có thể thay đổi điều gì để ngăn ngừa tình trạng này trong thời gian sắp tới.
Cũng có những trường hợp bạn lại muốn khuyến khích nhân viên nghỉ việc. Nếu nhân viên đã làm việc ở một phòng ban trong nhiều năm và hiện đã cạn kiệt ý tưởng sáng tạo, có lẽ đã đến lúc bạn cân nhắc việc tìm kiếm những “dòng máu” mới. Tuy nhiên, nếu bạn không có ngân sách để tuyển dụng nhân sự mới thì sao?
Đương nhiên, bạn không muốn vướng vào rắc rối với pháp luật khi sa thải nhân viên, nhưng vẫn có những việc bạn có thể làm để khiến nhân viên cảm thấy đã đến lúc họ nên ra đi. Chẳng hạn, thay vì giảm bớt công việc hiện tại của họ, hãy giao những việc có tính chất mới mẻ cho người khác. Người ta sẽ nhanh chóng chán nản khi không tìm thấy điều gì thú vị trong công việc cũ rích của mình.
Theo hiring.monster.co.uk