Bất kỳ người làm về nhân sự nào cũng muốn gắn kết nội bộ của mình nhưng rất nhiều Startup hiện nay chưa làm được điều này dù chi ra rất nhiều ngân sách để thực hiện. Vậy vấn đề nằm ở đâu?
3 câu chuyện có thật về gắn kết nội bộ
Chuyện số 1
CEO công ty nọ tổ chức cho nhân viên đi du lịch kết hợp với Team Building với mong muốn đội ngũ gắn kết hơn, hòa đồng hơn và có động lực làm việc mạnh mẽ hơn. Kết quả hoàn toàn thất bại, sau chuyến đi nhân viên vẫn cãi nhau, vẫn mạnh ai nấy làm việc dù mấy ngày đi du lịch được ăn ở, check in sang chảnh trong resort 5 sao. CEO về công ty đăng đàn nói nhân viên vô ơn.
Câu chuyện số 2
CEO chỉ chi ra khoảng 800k/người cho chương trình Team Building đã bao gồm đi lại, huấn luyện và ăn uống. Mục tiêu cũng tương tự như CEO trên và kết quả là thành công vang dội dù chẳng có check in sang chảnh, chẳng ở resort 5 sao, chẳng đi đâu quá xa Sài Gòn. Nhân viên về viết bài review khen nức nở chương trình Team Building và đưa CEO lên tận mây xanh vì cảm kích.
Câu chuyện số 3
CEO đã vắng mặt 3 năm nhưng năm nào nhân viên cũ cũng tề tựu họp mặt với nhau không khác gì một gia đình. Năm nay họ lại tập trung chơi Team Building và họp mặt với nhau. Tất cả đều mong muốn sếp của mình sớm quay trở lại sau nhiều năm vắng mặt dù nhiều người trong số họ đã mở công ty riêng hoặc đang làm sếp lớn ở nhiều công ty khác khắp Việt Nam.
Tại sao công ty số 1 thất bại dù chi ra rất nhiều tiền để gắn kết nội bộ, còn công ty số 2&3 lại đạt được kết quả vang dội?
1. Do sự khác biệt rất lớn trong tư duy lãnh đạo của CEO số 1 và CEO 2,3 về nội bộ gắn kết
Về CEO đầu tiên
Vị CEO này muốn dùng tiền để giải quyết hậu quả thay vì có ý thức xây dựng đội ngũ từ những ngày đầu. Hàng ngày CEO số 1 vẫn mắng nhiếc nhân viên thậm tệ, vẫn cư xử kiểu vắt chanh bỏ vỏ,….cho đến khi thấy đội ngũ bỏ đi nhiều quá, không có ai thực hiện công việc, khách hàng bắt đầu chửi và bỏ đi vì tiến độ công việc bị trì trệ thì mới hoảng hồn tìm cách giải quyết.
Nghe lời những đơn vị cung cấp dịch vụ bên ngoài và nghĩ rằng cứ đổ tiền ra cho nhân viên ăn chơi “tới bến” thì có thể tạo ra sự gắn kết. Sai chồng sai vì vốn dĩ nhân viên bỏ đi vì sếp; cái cần thay đổi là thái độ và tư duy lãnh đạo thì không làm. Tưởng thưởng du lịch chỉ có thể lên dây cót tinh thần nếu cái gốc đã vững. Cái gốc chưa vững thì du lịch, check in vô ích.
CEO thứ 2
CEO số 2 điều hành công ty nhỏ, vốn ít nên không thể có nhiều ngân sách cho những chuyến du lịch đắt đỏ. Tuy nhiên CEO này hành xử với nhân viên đúng nghĩa dám cho đi trước không tính toán, sống có trước có sau, hết lòng đào tạo nhân viên của mình thay vì suy nghĩ kiểu CEO số 1 là “Đào tạo xong nó bỏ đi sao”.
Chính vì lý do đó nên khi tổ chức cho nhân viên tham gia huấn luyện Team Building thì nhân viên trở nên gắn kết hơn, máu lửa hơn. Từ một nhóm rời rạc, tự ti (đa số là các bạn khiếm khuyết), khó làm việc nhóm với nhau vì thiếu sự cởi mở họ đã trở thành nột đội ngũ đúng nghĩa gắn kết và truyền cảm hứng cho nhau.
CEO thứ 3
CEO số 3 sở hữu gầy dựng công ty từ lúc còn bé xíu cho đến lúc to đùng và lên sàn chứng khoán. Theo lời kể của một chị bạn là thành viên cũ của công ty trước khi người khác mua lại thì cách CEO này đối xử với nhân viên cực kỳ có tâm, luôn lo lắng cho đội ngũ của mình như huynh đệ một nhà, nói và làm đồng nhất với nhau…
Điều này giải thích tại sao hàng năm cả trăm nhân viên cũ lại tụ tập với nhau để ôn lại chuyện xưa dù có người đã rời khỏi công ty 5 – 7 năm rồi. Mấy công ty làm được như vậy. Đa số nhân viên nghỉ việc là nghỉ về công ty chơi luôn chứ tụ tập gì.
2. Tổ chức Team Building gắn kết nội bộ sai cách
Nếu cái Tâm và tư duy lãnh đạo của CEO đã ổn thì cái sai thứ 2 nằm ở khâu triển khai. Điều này giải thích tại sao nhiều công ty có CEO tốt nhưng đội ngũ vẫn rời rạc và thiếu sức sống sau khi đi Team Building về.
Bị nhiễu bởi truyền thông, nhiều CEO nghĩ Team Building là đi du lịch sang chảnh kết hợp vui chơi. Nghĩ về du lịch nhưng lại muốn đạt kết quả mà chỉ có huấn luyện thực sự mới mang lại được. Điều này chẳng khác nào muốn miếng thịt được nướng chín nhưng lại mở cửa tủ lạnh thả miếng thịt vô đó thay vì đặt lên lò lửa.
Mục tiêu của Team Building vốn dĩ là để Building Team chứ không phải du lịch hay ăn chơi nhảy múa. Du lịch và ăn chơi phải là phần kèm theo sau buổi huấn luyện Team Building như phần tưởng thưởng mới đúng.
Vì nghĩ sai nên khi thấy chương trình huấn luyện nặng đô quá thì bác bỏ ngay chỉ vì sợ nhân viên than mệt rồi không đi. Trong khi nếu nghĩ đúng thì rõ ràng huấn luyện, đào tạo là thứ bắt buộc phải tham gia chứ làm gì có chuyện ai đi thì đi, không đi thì thôi.
Vậy nên hãy thôi nghĩ sai về Team Building và tách riêng khỏi Travel thì mới làm đúng được. Đó là hai phần khác biệt được kết hợp trong cùng một chuyến đi, cái nào quan trọng hơn thì đưa lên trước. Nếu là tưởng thưởng nghĩ dưỡng thì quên Team Building luôn chứ đừng “đốt tiền”, còn là Team Building để Building team thì huấn luyện cho ra huấn luyện nhé.
Tạm kết
Để gắn kết đội ngũ trong công ty còn nhiều thứ phải thực hiện. Trong khuôn khổ bài viết này, HR insider chỉ chia sẻ về cách tổ chức Teambuilding sao cho hợp lý và đạt hiệu quả cao. Nếu doanh nghiệp của bạn vừa đi Teambuilding về, hãy tạo cơ hội cho mọi người thể hiện được suy nghĩ, mong muốn và góp ý về chương trình lần này để cảm nhận sâu sắc hơn cái gì gọi là “Gắn Kết Đội Ngũ” bằng trái tim chứ không phải bằng ngôn từ sáo rỗng.
Đọc thêm: 10 ý tưởng tổ chức Teambuilding giúp gắn kết nội bộ
*Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả, trao đổi thêm với chúng tôi tại ĐÂY.
Theo TopHR