Quản lý nên làm gì khi nhân viên rệu rã những ngày cuối năm?

Một mùa giáng sinh nữa lại về, Tết nguyên đán cũng sắp tới, các nhà quản lý nên biết cách để nhân viên không bị tinh thần lễ hội cuốn đi mà quên mất công việc. Đây cũng là một câu chuyện khá đau đầu dành cho các nhà lãnh đạo. Hãy cùng HR Insider 4.0 tìm hiểu ngay trong bài viết dưới đây!

Cuối năm luôn là khoảng thời gian làm việc đầy thử thách đối với bất kỳ những ai đang đi làm. Không khí lễ hội, hay những dự định và các công việc riêng phải lo khiến nhiều nhân viên xao nhãng và “thấp thỏm” không yên tại bàn làm việc. Bạn sẽ bắt gặp không ít những gương mặt trên mây, lơ đãng nhìn ra khoảng không vô định trước mặt, đang thả trôi theo những dòng suy nghĩ bất tận cùng kế hoạch đi chơi hay vui lễ hội của những nhân viên công sở.

Tuy nhiên, khoảng thời gian cuối năm cũng là thời điểm bận rộn tại các công ty khi có quá nhiều việc phải hoàn thành trước khi năm cũ kết thúc. Với vai trò một nhà quản lý, bạn cần làm gì để vực dậy tinh thần làm việc “rệu rã” của nhân viên thời điểm cuối năm?

Tham khảo ngay các cách dưới đây cùng HR Insider 4.0!

Đưa không khí lễ hội vào không gian làm việc

Làm việc quá lâu ở một không gian chẳng có gì mới mẻ khiến mọi người đều cảm thấy nhàm chán. Bạn cũng không phải là ngoại lệ. Những ngày lễ là cơ hội tốt để làm mới không gian công sở mang màu sắc đặc trưng của lễ hội, kích thích sự hứng khởi cho nhân viên. Để công việc trang trí có sự tương tác và gắn kết hơn, bạn có thể:

  • Cho phép nhân viên tự thiết kế, lên kế hoạch và đảm nhận khâu trang trí mỗi phòng ban
  • Có thể tổ chức một cuộc thi nội bộ nhỏ, chấm điểm và bình chọn những mẫu trang trí nổi bật nhất
  • Cả công ty có thể mặc dresscode theo chủ đề ngày lễ

Với cách thức này, không gian làm việc được đổi mới, nhân viên cảm nhận được chính bản thân đang góp phần làm nên không gian lễ hội tại nơi công sở, từ đó có thái độ tích cực hơn trong công việc.

Hỗ trợ, tạo điều kiện để nhân viên về bên gia đình

Trong mùa lễ hội, ai cũng thật bận rộn với công chuyện gia đình và mong muốn có nhu cầu về sớm. Đặc biệt vào dịp Tết nguyên đán, những nhân viên đã lập gia đình có rất nhiều việc phải lo cho gia đình hai bên. Điều này khiến họ thường phải tan làm khá sớm. Đây là câu chuyện khá dễ hiểu

Trong ngày lễ, chắc chắn sẽ có một số người bận rộn chuyện gia đình và có nhu cầu về sớm. Đặc biệt vào ngày Tết, những người đã lập gia đình sẽ phải lo hàng trăm chuyện cho gia đình hai bên và họ thường bắt buộc phải tan làm sớm. Đây cũng là chuyện dễ hiểu trong văn hóa người Việt. Vậy, những phần việc của những nhân viên đó phải xử lý ra sao?

Những nhân viên trẻ chưa lập gia đình hoặc không quá bận rộn có thể đảm nhận phần việc này. Tuy nhiên, người lãnh đạo cần hết sức khéo léo để nhân viên không cảm thấy bất công khi phải làm quá nhiều trong kỳ nghỉ lễ. Trong trường hợp này, người quản lý có thể lấy tinh thần tự nguyện. Sau đó, bạn có thể đưa ra cơ chế thưởng và tiếp nhận mong muốn từ nhân viên.

Tích cực trong mọi hành động

Dù bạn tin hay không nhưng vào cuối năm, đặc biệt là những ngày lễ, một số nhân viên thường rơi vào trạng thái tiêu cực. Nguyên nhân có thể là do tâm lý con người có xu hướng nhìn lại một năm đã qua; nghĩ lại những điều đã làm được hoặc chưa làm được; tiếc nuối khi nhìn năm cũ đang dần kết thúc.

Một lý do khác là nhân viên phải lo rất nhiều vào dịp lễ. Đối với văn hóa Việt Nam, nhất là vào dịp Tết, mọi người phải đau đầu về hàng trăm việc phải làm, hàng ngàn thứ phải chi tiêu và điều đó khiến họ trở nên mệt mỏi và thậm chí còn mong những ngày lễ không tồn tại.

Trong trường hợp này, bạn nên tìm cách làm cho bầu không khí tích cực hơn. Chính bản thân nhà quản lý cũng phải mang năng lượng lạc quan. Bạn hãy cố gắng nói chuyện hào hứng với nhân viên, khuyến khích họ nhìn nhận mọi vấn đề qua lăng kính tích cực. Mọi hành động, câu nói của bạn đều phải đầy sức sống, có như vậy, tinh thần nhân viên mới được nâng cao.

Chú ý đến sức khỏe của nhân viên

Dịp lễ là dịp của liên hoan, tiệc tùng. Nếu không ăn uống và tập luyện đúng cách, rất có thể nhân viên của bạn sẽ có vấn đề về sức khỏe. Sức khỏe không đảm bảo thì chất lượng công việc không thể tốt được.

Bánh kẹo hay đồ ngọt là thực phẩm phổ biến trong các buổi liên hoan. Tuy nhiên, bạn nên cẩn trọng bởi lượng đường cao có thể dẫn đến tình trạng buồn ngủ. Chắc chắn bạn không muốn nhân viên của mình rơi vào tình trạng này. Vậy nên, thay vì liên hoan bằng thực phẩm ngọt, bạn có thể lựa chọn trái cây hoặc các thực phẩm mặn hạn chế dầu mỡ.

Không chỉ quan tâm đến chế độ ăn uống, bạn cũng nên khuyến khích nhân viên rèn luyện thể thao. Điều này không chỉ nâng cao thể chất mà còn giúp tinh thần nhân viên được thoải mái và họ sẽ tập trung hiệu quả cho công việc. Dưới đây là những cách bạn có thể áp dụng để động viên tinh thần vận động của nhân viên:

  • Phát động cuộc thi chạy bộ/ đi bộ với sự theo dõi của thiết bị và trao thưởng cho nhân viên có thành tích cao khi kỳ lễ kết thúc
  • Hỗ trợ chi phí phòng tập cho những nhân viên có nhu cầu
  • Thuê huấn luyện viên hướng dẫn các động tác vận động đơn giản ngay tại nơi làm việc
  • Khuyến khích nhân viên tham gia các hoạt động chạy/đi bộ từ thiện

Nhà lãnh đạo cần chú trọng vào tính minh bạch

Trong dịp lễ hội, nhân viên luôn quan tâm đến những dự định của công ty. Đặc biệt vào cuối năm, mọi thứ trở nên hối hả hơn, tâm lý nhân viên cũng muốn được biết tất cả thông tin để có thể ứng phó và chuẩn bị kịp thời. Những vấn đề có thể bao gồm: tiền lương, chính sách thưởng cuối năm, hỗ trợ tăng ca hay có thể xin về sớm hơn vào ngày lễ?

Nếu không giải đáp những điều nhân viên băn khoăn, không khí nghi ngờ sẽ bao trùm công ty và nhân viên sẽ có những phán đoán chủ quan sai lệch. Đây là lúc bạn đẩy mạnh sự minh bạch hơn bao giờ hết. Hãy đảm bảo toàn bộ nhân viên đều biết những gì đang và sẽ diễn ra và lý do tại sao lại như vậy.

>> Xem thêm: 8 cách ổn định “lòng dân”, vực dậy tinh thần nhân viên khi doanh nghiệp gặp khó khăn

Nếu công ty có chính sách mới, nhà lãnh đạo hãy thông báo ngay cho nhân viên về cách triển khai, thời gian bắt đầu và kết thúc. Nếu bạn tuyển nhân viên thời vụ, hãy giới thiệu nhân viên đó cho những người liên quan và sắp xếp người hướng dẫn công việc. Khi có bất kỳ trường hợp khẩn cấp nào xảy ra, hãy chắc chắn toàn thể nhân viên đều biết và nhận thức được tình quan trọng của sự việc.

Nếu quy mô công ty lớn, bạn không thể cứ mỗi lần thông báo sự việc nào đó lại họp nhân viên. Hãy sử dụng kênh truyền thông nội bộ một cách triệt để nhất trong việc truyền đạt thông tin.

Tặng quà cho nhân viên

Là một nhà lãnh đạo, đừng ngần ngại tặng nhân viên những món quà ý nghĩa. Đó là một cách để động viên và cũng là sự quan tâm của cấp trên dành cho cấp dưới. Với những món quà này, chắc chắn nhân viên sẽ cảm thấy được tôn trọng và tâm trạng trở nên tích cực hơn.

Dưới đây là một số gợi ý một số món quà có thể tặng trong mọi dịp lễ:

  • Khăn quàng/ Khăn choàng
  • Vật trang trí để bàn mang đậm dấu ấn ngày lễ
  • Cốc cà phê
  • Mouse pad
  • Những cuốn sách hay
  • Túi Tote bảo vệ môi trường
  • Chậu cây để bàn
  • Notebook
  • Đồ phụ kiện
  • Nến thơm
  • Sữa tắm, dầu gội

Hãy lựa chọn những món quà ý nghĩa dựa vào sở thích và tính cách của từng nhân viên. Nếu nhân sự quá đông, bạn hãy lựa chọn cho tất cả mọi người cùng một món quà. Những set quà mang đậm dấu ấn ngày lễ bày bán trong các cửa hàng không phải ý tưởng tồi.

Để tâm tới thái độ làm việc của nhân viên

Thái độ làm việc kém lây lan nhanh như một dịch bệnh. Chỉ cần một người mắc phải, những người còn lại cũng bị ảnh hưởng theo. Trong các ngày lễ, việc nhân viên cảm thấy chán nản cũng là điều dễ hiểu bởi họ thường hướng tâm trí ra khỏi bức tường văn phòng để hòa vào không gian ngày lễ. Tình trạng này sẽ biến nhân viên thành những “zombie công sở”, làm việc một cách vô hồn, không có mục đích và thiếu nhiệt huyết.

Một số dấu hiệu có thể nhận biết nhân viên đang “rệu rã”:

  • Nhân viên tán gẫu quá nhiều trong thời gian làm việc
  • Nhân viên thay đổi thái độ, tỏ ra chán nản và không có sức sống 
  • Những phần thưởng không còn làm nhân viên quan tâm và hứng thú

++ Tham khảo kỹ năng và kiến thức Quản trị doanh nghiệp chuyên sâu

Trong không khí lễ hội nhiều nhân viên phải làm việc vất vả hơn thay vì tận hưởng thời gian với bạn bè và gia đình. Đây có thể là lý do khiến họ mệt mỏi và đến công ty với tâm trạng buộc phải đi làm. Hãy nhớ rằng, kỳ lễ là thời gian mang lại doanh thu cao cho công ty, thì đó cũng là thời gian mang đến niềm vui (hoặc nỗi buồn) cho một số người. Vậy, làm thế nào bạn có thể vực dậy tinh thần làm việc của nhân viên?

  • Tổ chức những bữa tiệc nhỏ và khuyến khích mọi người cùng tham gia
  • Tạo điều kiện để nhân viên nghỉ ngơi và có tiếng nói đề xuất những mong muốn cá nhân trong dịp lễ
  • Tiền thưởng và trợ cấp là điều không thể thiếu
  • Giao tiếp với những nhân viên có biểu hiện khó khăn trong công việc, lắng nghe, khuyến khích và động viên họ

Cho phép nhân viên tan làm sớm

Đối với bất kỳ một nhân viên nào, tan làm sớm sẽ là một điều cực kỳ tuyệt vời. Thời gian cho công việc được giảm bớt sẽ cho phép nhân viên mua sắm và chuẩn bị cho ngày lễ. Họ sẽ có nhiều thời gian hơn dành cho người thân, bạn bè, và hòa mình vào không khí lễ hội.

Theo một khảo sát mới đây, 28.9% nhân viên cho rằng được về sớm là món quà tuyệt vời nhất họ nhận được từ công ty. Tuy nhiên, nhà quản lý không nên để đặc ân này gây ra sự lộn xộn. Để ngăn chặn những rắc rối và để việc về sớm được công bằng, bạn cần:

  • Chắc chắn rằng không có trường hợp một nhân viên luôn về sớm mỗi ngày. 
  • Không cắt trừ lương nhân viên khi họ về sớm
  • Đảm bảo có thể quản lý tất cả đề xuất về sớm của nhân viên

Tổ chức tiệc tùng cho nhân viên

Tiệc tùng là khâu không thể thiếu tại các công ty vào dịp lễ. Việc tổ chức trước hay sau ngày lễ phụ thuộc vào ý nguyện nhân viên và tính chất công việc tại công ty. Tuy nhiên, với những bữa tiệc quan trọng và đặc biệt như Tết, lời khuyên là bạn cần tổ chức cả hai.

Tiệc tùng chào mừng ngày lễ là cơ hội để tăng cường sự gắn kết, cho phép nhân viên và quản lý được gặp gỡ và hiểu nhau hơn. Bên cạnh đó, đây được coi như một hình thức phúc lợi, là sự công nhận gián tiếp của công ty đối với nhân viên. Cùng nhau tham gia bữa tiệc tiễn đưa năm cũ và đón chào năm mới sẽ khiến tinh thần nhân viên cảm thấy phấn khởi, tin tưởng vào một khởi đầu may mắn và thúc đẩy sự nỗ lực cá nhân.

Một điều cần lưu ý là nhu cầu tổ chức tiệc trong dịp lễ rất cao, vậy nên, bạn hãy chủ động đặt bàn thật sớm để tránh tình trạng chật vật tìm địa điểm và phải vào những nơi không ưng ý.

Tạm kết

Một người lãnh đạo tốt nên biết nhân viên cần gì và làm thế nào để thúc đẩy tinh thần nhân viên hiệu quả. Lại một mùa lễ hội nữa đang tới, người quản lý hãy quan sát nhân viên, lắng nghe, tìm hiểu những mong muốn của họ. Bạn cũng có thể áp dụng những phương pháp trên để vực dậy tinh thần làm việc của nhân viên khi Noel và Tết nguyên đán đang đến rất gần.