Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp tin rằng tăng trưởng và công nghệ là hai trong những yếu tố quan trọng nhất đối với các tổ chức có khả năng phục hồi cao hậu khủng hoảng Covid-19.
Theo báo cáo “Khủng hoảng là chất xúc tác: Tăng tốc chuyển đổi” được Deloitte Private công bố cuối tháng 8/2021, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn do tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19 nhưng mỗi doanh nghiệp đang tự tìm cho mình những lối đi riêng để có thể ứng phó, từ đó dần dần phục hồi và phát triển. Đồng thời, báo cáo cũng chỉ ra 7 yếu tố quan trọng giúp các doanh nghiệp tăng tốc chuyển đổi và vượt qua khủng hoảng. Hãy cùng TopHR tìm hiểu về 7 yếu tố này cũng như các thông tin hữu ích khác từ báo cáo của Deloitte qua bài viết dưới đây.
Deloitte Private là khối dịch vụ chuyên cung cấp dịch vụ tư vấn, pháp lý, kiểm toán và đảm bảo cho các doanh nghiệp trong khu vực kinh tế tư nhân, được vận hành bởi Deloitte – một trong Big Four (4 công ty kiểm toán lớn nhất thế giới về mặt quy mô và doanh thu cho đến thời điểm hiện tại).
Từ ngày 21/01 đến ngày 09/03/2021, Deloitte thực hiện cuộc khảo sát thông qua OnResearch – một công ty nghiên cứu thị trường, để thăm dò ý kiến của 2.750 Giám đốc điều hành của các doanh nghiệp có quy mô vừa trên khắp thế giới về kỳ vọng, kinh nghiệm và kế hoạch của họ để nâng cao năng lực cạnh tranh đặc biệt trong giai đoạn thị trường nhiều biến động như hiện nay. Đối tượng tham gia khảo sát chỉ giới hạn ở cấp Giám đốc điều hành của các doanh nghiệp tầm trung với doanh thu hàng năm từ 10 triệu đến 1 tỷ đô la Mỹ.
“Khi thế giới hoạt động chậm lại do đại dịch, tốc độ thay đổi đang tăng nhanh lên”
Đại dịch Covid-19 trên toàn cầu đã ảnh hưởng nặng nề đến các doanh nghiệp trong hầu hết các lĩnh vực. Chuỗi cung ứng trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết, với các hành lang thương mại tạm thời bị gián đoạn và năng lực sản xuất giảm đáng kể. Những doanh nghiệp tham gia khảo sát của Deloitte Private cho rằng, các tác động của đại dịch trên diện rộng sẽ không chỉ kéo dài trong 12 tháng tới, mà là trong vài năm tới. Trong đó, khu vực Châu Á – Thái Bình Dương cho thấy sự quan ngại nhất.
Đại dịch không chỉ làm tăng số lượng những rủi ro các doanh nghiệp tư nhân phải đối mặt, mà còn làm thay đổi bản chất của những rủi ro này, khiến việc đo lường và quản trị chúng trở nên khó khăn hơn. Cụ thể, báo cáo cho biết hai rủi ro lớn nhất đối với sự phát triển của doanh nghiệp trong vòng một năm tới là tác động của Covid-19 đến thị trường, đối với nhu cầu về sản phẩm và dịch vụ; và tác động đến vận hành, bao gồm chuỗi cung ứng, nhân sự, công nghệ thông tin (CNTT), phân phối.
Mặc dù vậy, mỗi doanh nghiệp cũng đang tự tìm cho mình những lối đi riêng để có thể ứng phó với ảnh hưởng của đại dịch, từ đó dần dần phục hồi và phát triển. Báo cáo của Deloitte cho thấy, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp ở khắp nơi trên thế giới đã tận dụng khủng hoảng này như một chất xúc tác, thúc đẩy sự thay đổi trên hầu hết mọi khía cạnh của công việc và cuộc sống, từ đó đưa doanh nghiệp đi qua thời kỳ khủng hoảng COVID-19.
Nhiều doanh nghiệp tin rằng họ trở nên kiên cường hơn trong môi trường sau đại dịch, bất chấp những thách thức to lớn thị trường trong năm qua.
Những dữ liệu từ báo cáo cho thấy, tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương:
- 69% các doanh nghiệp được khảo sát cho biết đại dịch đã thúc đẩy đáng kể quá trình chuyển đổi kỹ thuật số trong doanh nghiệp của họ – không chỉ châm ngòi mà còn làm bùng nổ tốc độ áp dụng công nghệ.
- 61% các doanh nghiệp mong đợi hình thành các quan hệ đối tác và liên minh mới.
- 60% doanh nghiệp được hỏi tin rằng chuỗi cung ứng cần được thiết kế lại do hậu quả trực tiếp của đại dịch.
Nhiều doanh nghiệp đã nắm bắt cơ hội từ những thay đổi mang tính bước ngoặt trong nhiều lĩnh vực. Các doanh nghiệp đã đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số thông qua việc đầu tư và triển khai công nghệ nhiều hơn. Những sáng kiến đang trong quá trình triển khai được tăng tốc để hoàn thành, còn những sáng kiến đã lên bản thảo thì đã được triển khai. Nói cách khác, khi thế giới hoạt động chậm lại do đại dịch, tốc độ thay đổi đang tăng nhanh lên.
7 yếu tố kiến tạo doanh nghiệp kiên cường giữa khủng hoảng
Không chỉ nêu ra cách thức các doanh nghiệp trên thế giới ứng phó với khủng hoảng đại dịch Covid-19, báo cáo của Deloitte còn đưa ra 7 yếu tố nền tảng tạo nên khả năng phục hồi của tổ chức. Những yếu tố này không chỉ giúp tạo nên các tổ chức kiên cường giữa khủng hoảng mà còn giúp các nhà lãnh đạo định vị được tổ chức một cách tốt nhất, từ đó giành được ưu thế cạnh tranh trong môi trường kinh doanh không ngừng biến động và tiềm ẩn nhiều nguy cơ đến từ đại dịch Covid-19 trong hiện tại và tương lai.
Theo báo cáo, 7 yếu tố giúp tạo nên khả năng phục hồi của doanh nghiệp bao gồm:
- Chiến lược: Xác định hành trình chuyển đổi và những tham vọng
- Tăng trưởng: Định hướng việc lấy khách hàng làm trọng tâm, đổi mới sản phẩm và tăng trưởng doanh thu
- Vận hành: Chuyển đổi và hiện đại hóa quy trình vận hành
- Công nghệ: Đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số
- Lực lượng lao động: Chuyển đổi công việc, lực lượng lao động, và nơi làm việc.
- Nguồn vốn: Tối ưu hóa vốn lưu động, cơ cấu vốn và danh mục đầu tư kinh doanh
- Xã hội: Quản trị tài nguyên môi trường và nguồn lực xã hội
Trong việc hướng tới xây dựng các doanh nghiệp kiên cường có khả năng vượt qua cuộc khủng hoảng tiếp theo tốt hơn, khảo sát chỉ ra nhận định chung rằng, tất cả những yếu tố này đều có tính chất nền tảng. Trong đó, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp tin rằng, tăng trưởng và công nghệ là hai trong những yếu tố quan trọng nhất đối với các tổ chức có khả năng phục hồi cao. Tuy nhiên, họ cũng nhận ra sự cần thiết phải có chiến lược phù hợp với tham vọng, đầu tư vào nhân viên, củng cố tình hình vốn, cũng như quản trị tài nguyên môi trường và nguồn lực xã hội.
Theo đó, doanh nghiệp tư nhân Việt Nam có thể tham khảo và áp dụng những bài học thực tiễn của các doanh nghiệp tư nhân trên thế giới, từ đó, giúp hoạch định chiến lược và xây dựng những kế hoạch phù hợp hơn để vững vàng chèo lái doanh nghiệp vượt qua mọi thách thức.
Để làm được điều này, ông Bùi Tuấn Minh cho rằng các doanh nghiệp tư nhân phải tập trung vào 3 hành động cụ thể:
Thứ nhất, rà soát việc thực thi 7 yếu tố tạo nên doanh nghiệp kiên cường, từ đó có thể đánh giá khả năng phục hồi của doanh nghiệp mình trong và sau khủng hoảng.
Thứ hai, cần tổ chức thảo luận trong doanh nghiệp về các câu hỏi phát triển tư duy, như “gián đoạn trên thị trường tác động ra sao đến mô hình kinh doanh của doanh nghiệp”, “cách thức doanh nghiệp đã và sẽ phản ứng với sự thay đổi sở thích của khách hàng”…
Thứ ba, lãnh đạo cần thống nhất ưu tiên yếu tố nào phù hợp với đặc thù doanh nghiệp của mình, và tập trung hành động.
→ Tham khảo thêm Những bài học khởi động thành công cho doanh nghiệp sau COVID-19
Chiến lược phục hồi sau khủng hoảng: Covid-19 đẩy nhanh chuyển đổi số nhưng nâng cao năng suất lao động mới là ưu tiên số 1 của doanh nghiệp
Theo báo cáo, phần lớn lãnh đạo doanh nghiệp đều tin rằng doanh nghiệp sẽ phục hồi sau đại dịch, với hơn ⅔ trong số đó tự tin rằng doanh nghiệp sẽ thành công trong 12 tháng tới. Kết quả khảo sát của Deloitte cũng cho thấy có khá nhiều điểm tương đồng giữa cách các nhà lãnh đạo trên thế giới cũng như Việt Nam đối diện và xác định ưu tiên hành động để giải quyết khủng hoảng trong giai đoạn này.
Ví dụ, phần lớn các nhà lãnh đạo đều cho rằng mục tiêu hàng đầu trong chiến lược phát triển doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn này là phải nâng cao năng suất lao động và họ tin là việc này có thể thực hiện tốt. Trong khi đó, việc chuyển đổi số chỉ là ưu tiên thứ hai trong giai đoạn. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp cũng xác định đây sẽ là mục tiêu được ưu tiên hàng đầu, bắt buộc của doanh nghiệp nếu muốn tăng trưởng.
Nhóm nghiên cứu của Deloitte cũng đã đưa ra chiến lược phát triển chính của doanh nghiệp trong 12-36 tháng tới gồm:
- Nâng cao năng suất lao động
- Chuyển đổi số
- Phát triển sản phẩm và dịch vụ mới
- Cải thiện cơ cấu chi phí
- Phát triển thị trường sẵn có
- Đổi mới mô hình kinh doanh
- Củng cố đội ngũ quản lý
- Liên minh chiến lược & dự án hợp tác
- Thâm nhập vào thị trường nước ngoài mới
- Tận dụng lực lượng nhân sự đa dạng và toàn diện
Về kế hoạch nhân sự, các doanh nghiệp thể hiện sự thận trọng về hoạt động tuyển dụng của họ trong năm tới, với chỉ 11% dự đoán số lượng nhân sự tăng lên và 8% dự kiến sẽ cắt giảm. 81% còn lại trên thị trường băn khoăn giữa việc giữ số lượng nhân viên hiện tại ổn định, tuyển dụng trên cơ sở hợp đồng, hoặc thuê theo cơ chế hạn chế. Điều thú vị là các doanh nghiệp có khả năng phục hồi cao nói rằng có nhiều khả năng họ sẽ tuyển dụng thêm trong năm tới.
Có thể thấy, một khi trọng tâm chuyển từ phục hồi sang phát triển, việc lấy con người làm trung tâm để ứng phó với những thách thức có thể xảy đến trong tương lai sẽ đem lại lợi ích cho các doanh nghiệp. Đồng thời, khi dịch Covid-19 được kiểm soát, nhu cầu tuyển dụng sẽ bùng nổ vì các doanh nghiệp sẽ cần đến đội ngũ nhân lực để vực dậy hoạt động sản xuất kinh doanh. Vì vậy, thay vì lựa chọn tạm ngưng hay trì hoãn, các doanh nghiệp nên xúc tiến hoạt động tuyển dụng trong thời gian này vì nguồn cung lao động đang dồi dào hơn và ứng viên sau khi nhận việc sẽ có nhiều thời gian để hòa nhập với công ty sau khi dịch bệnh qua đi.
Lời kết
Theo bà Hà Thị Thu Thanh, Chủ tịch HĐTV Deloitte Việt Nam: khi khủng hoảng như thế này, doanh nghiệp có thể thay đổi nhanh hơn, một trong những thay đổi chính là thay đổi nhận thức của lãnh đạo doanh nghiệp, để đi nhanh hơn sau khi phục hồi. Tư duy của nhà lãnh đạo trong giai đoạn này phải là “3 trong 1”. Một là ứng phó, nhưng phải đi cùng với hai là phục hồi, và ba – phát triển. Hy vọng với những thông tin trong bài viết trên, các nhà lãnh đạo sẽ có thêm những góc nhìn để “chèo lái” con tàu doanh nghiệp của mình vượt sóng gió.
Tổng hợp