OKRs là gì? Cách xây dựng các chỉ số OKR

Không chỉ đưa Google trở thành “gã khổng lồ”, OKRs còn được ứng dụng trong nhiều Startup “kỳ lân” khác như LinkedIn, Twitte và Uber… Vậy OKR là gì? Cách xây dựng các chỉ số OKRs ra sao? Ứng dụng như thế nào trong các doanh nghiệp Việt? Cùng TopHR tìm hiểu qua bài viết này nhé!

1. OKRs là gì?

Nói một cách đơn giản, OKRs (Objectives and Key results) là một phương pháp quản trị doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp định lượng và tạo ra những Kết quả then chốt (key results) cụ thể nhằm hiện thực hóa Mục tiêu (Objectives) trong một thời hạn nhất định, thường là theo quý. Tất cả những Mục tiêu và Kết quả then chốt đều được công khai minh bạch trong toàn thể công ty.

OKRs dành cho những ai?

Về mặt lý thuyết, tất cả các doanh nghiệp đều có thể ứng dụng OKRs. Tại các startups non trẻ, OKRs giúp họ thoát khỏi màn sương mờ mịt của những công việc “tủn mủn” hằng ngày, tập trung vào những mục tiêu quan trọng nhất. Trong khi tại các doanh nghiệp lớn, OKRs phá tan sự “mờ đục” của dòng chảy thông tin và loại bỏ hiện tượng “chia bè kết phái” thường thấy khi doanh nghiệp phát triển đến quy mô nhất định.

2. Cấu trúc của một OKR

OKR được xây dựng xoay quanh hai câu hỏi khác nhau.

  • Mục tiêu (Objective): Tôi muốn đi đâu?
  • Kết quả then chốt (Key Result): Tôi đến đó bằng cách nào?

Mục tiêu là mô tả rõ nhất những gì bạn muốn đạt được, ngắn gọn, đầy cảm hứng và hấp dẫn. Mục tiêu nên thúc đẩy và thách thức cho doanh nghiệp, nhóm (team) và cá nhân.

Kết quả then chốt là tập hợp các thước đo đo lường sự tiến bộ của bạn với Mục tiêu. Đối với mỗi Mục tiêu, bạn nên có một bộ từ 2 đến 5 Kết quả then chốt. Tất cả các Kết quả then chốt phải định lượng được và đo được.

3. Lợi ích của OKR

OKR sẽ hỗ trợ cho hoạt động quản trị doanh nghiệp thông qua 6 lợi ích chính.
Với các mẫu OKRs dưới đây bạn có thể áp dụng cho các nhóm và phòng ban khác nhau trong công ty.

  • Giúp doanh nghiệp liên kết nội bộ chặt chẽ

OKR kết nối hiệu suất làm việc của cá nhân và phòng ban với mục tiêu chung của công ty. Từ đó đội ngũ quản trị có thể đảm bảo mọi người đang có chung một định hướng.

  • Tập trung vào những vấn đề thiết yếu

Mô hình OKR sẽ đưa ra 3-5 mục tiêu cho mỗi cấp độ trong tổ chức, giúp công ty và nhân viên ưu tiên vào những mục tiêu hệ trọng của công ty.

  • Tăng tính minh bạch

OKR sẽ xây dựng văn hoá minh bạch cho công ty, nên các nhân viên đều có thể nắm được công việc và kế hoạch của mỗi cá nhân và phòng ban.

  • Trao quyền tới nhân viên

Khi đã nắm rõ hoạt động trong công ty, ban lãnh đạo có thể đưa ra những quyết định chuẩn xác, đồng thời tạo cơ hội cho nhân viên theo dõi kết quả công việc.

  • Đo lường được tiến độ hoàn thiện mục tiêu

Qua các chỉ số, OKR sẽ phản ánh được các cá nhân, phòng ban và toàn thể công ty đang hoàn thiện được bao nhiêu % mục tiêu.

  • Đạt kết quả vượt bậc

OKR cho phép người quản lý lãnh đạo phát huy tối đa khả năng trong công việc, giúp công ty có thể đạt những kết quả ấn tượng.

4. Cách xây dựng OKR

Trong quá trình xây dựng Objective và Key result, bạn nên để ý một số điều sau:

Đối với Objective:

  • Mỗi cấp độ trong tổ chức (công ty, phòng ban và cá nhân) nên có 3 – 5 mục tiêu.
  • Objective cần có đích đến rõ ràng (Ví dụ: mở rộng kinh doanh ra thị trường Trung Quốc) thay vì để mập mờ (Ví dụ: hướng tới mở rộng kinh doanh ra thị trường quốc tế).
  • Objective thường được thiết lập vượt quá khả năng đạt được, và phải tạo cảm giác thách thức, khó khăn. Ví dụ, Google cho rằng đạt được 70% mục tiêu đã có thể coi là thành công; còn hoàn thành 100% mục tiêu thì coi là hoàn thành xuất sắc công việc.

Đối với Key Result:

Có 3 kết quả then chốt cho mỗi mục tiêu. Key Result cần:

  • Phải đo đếm được (Ví dụ như: “Liên hệ với 10 nhà báo” thay vì “Phát triển quan hệ truyền thông với các nhà báo”).
  • Tổng hợp các bước nhỏ để thực hiện mục tiêu, vậy nên đạt được kết quả then chốt có giá trị hơn là đạt được mục tiêu.
  • Miêu tả cụ thể sản phẩm đầu ra thay vì hành động đơn thuần (Ví dụ như: “Nộp báo cáo phễu chuyển đổi” thay vì “Phân tích hiệu suất của phễu chuyển đổi”.

Ví dụ về các chỉ số OKR

Ở cấp độ Doanh nghiệp:

Mục tiêu (Objective): Tăng trưởng Doanh nghiệp

Kết quả then chốt:

  1. Đạt đến doanh số bán hàng 1 triệu USD Mỹ
  2. Tăng trưởng doanh số gấp đôi qua từng năm tại thị trường Tp.HCM
  3. Tăng trưởng mức độ thỏa thuận về giá lên 25%
  4. Giảm tiền hoa hồng ít hơn 4%

Ở cấp độ phòng ban – Marketing:

Mục tiêu: Tăng trưởng khách hàng tiềm năng

Kết quả then chốt:

  1. Đạt 150 khách hàng tiềm năng từ Email Marketing
  2. Có được 100 khách hàng tiềm năng từ Blog
  3. Thu được 50 khách hàng tiềm năng từ tìm kiếm (Search)
  4. Chốt được 10 khách hàng tiềm năng qua kênh đối tác

Ở cấp độ phòng ban – Kinh Doanh:

Mục tiêu: Đạt được mức lợi nhuận cao nhất

Kết quả then chốt:

  1. Đạt được lợi nhuận 50.000 USD mỗi quý.
  2. Bắt đầu mua bán trên 2 thị trường mới và đạt được doanh thu trên 50.000 USD trong quý đầu tiên.
  3. Phát triển lợi nhuận ròng từ 50% lên 60%.

Ở cấp độ phòng ban – Product:

Mục tiêu: Ra mắt thành công App mới

Kết quả then chốt:

  1. Hoàn thành thiết kế lại app trước tháng 3
  2. 100 lượt thử nghiệm sản phẩm
  3. Đạt mức rating 4.5+ tại app store.

5. Các lỗi thông thường khi áp dụng OKR

1. Áp dụng OKR như một danh sách công việc

Sử dụng OKR để đo lường nếu bạn gia tăng giá trị, không phải để phân phối nhiệm vụ. Do đó, bạn cần phải hiểu sự khác biệt giữa Kết quả then chốt dựa trên Giá trị và Hoạt động.

2. Thiết lập quá nhiều OKR

Sai lầm này là hậu quả chung của lần đầu tiên áp dụng. Thay vì liệt kê danh sách OKR, hãy liệt kê những OKR ưu tiên hàng đầu. OKR là định nghĩa của bạn về những gì quan trọng nhất trong quý đó.

3. Không liên kết các OKR của bạn

OKR là một công cụ liên kết, nên không bao giờ bạn thiết lập OKR của mình trong sự cô lập. Bạn cần phải nói chuyện với các team khác.

4. “Đặt ra nó và Quên nó.”

OKRs không phải là nghị quyết năm mới. Nếu không theo dõi thường xuyên, bạn sẽ không bao giờ đạt được chúng.

“Phương pháp quản trị OKRs đã giúp chúng tôi đạt đến những cuộc tăng trưởng “gấp 10 lần”, nhiều lần như vậy trong suốt 19 năm qua. OKRs đã giúp Google thực hiện sứ mệnh vô cùng táo bạo, điên rồ – “sắp xếp lại thông tin cho cả thế giới”. OKRs đã giữ cho tôi và Google đúng hẹn và đúng hướng khi chúng tôi chọn ra được “Cái gì là quan trọng nhất”. Tôi muốn tất cả mọi người cùng hiểu OKRs như chúng tôi đã hiểu” – Larry Page đồng sáng lập Google chia sẻ.

Vậy làm thế nào để doanh nghiệp bắt đầu với OKR? Đo lường các chỉ số OKR như thế nào?… Tất cả sẽ được gửi đến trong các bài viết tiếp theo. Mời bạn đón đọc.

Tổng hợp