Thực trạng về trải nghiệm nhân viên tại Việt Nam năm 2020 và xu hướng trong năm 2021

Trải nghiệm nhân viên là xu hướng quản trị được nhiều công ty lớn trong thế giới quan tâm và ứng dụng nhưng với doanh nghiệp Việt đây là khái niệm còn mới và có nhiều khó khăn khi triển khai. Vậy thực tế về trải nghiệm nhân viên tại Việt Nam năm 2020 như thế nào và xu hướng trong năm 2021 ra sao, hãy cùng TopHR tìm hiểu trong bài viết sau.

Trải nghiệm nhân viên là gì?

Trải nghiệm nhân viên (Employee Experience) có thể hiểu là tất cả những trải nghiệm, tương tác của một cá nhân trong suốt hành trình của mình tại doanh nghiệp, từ khi là ứng viên cho đến khi trở thành cựu nhân viên.

Khái niệm này ra đời từ năm 2015 khi mà Airbnb lần đầu phát triển vị trí “Giám đốc Trải nghiệm nhân viên” trong doanh nghiệp. Hiện nay, trải nghiệm nhân viên đang được ứng dụng trong chiến lược phát triển kinh doanh chủ chốt của nhiều doanh nghiệp lớn trên thế giới như IBM, LinkedIn, General Electrics, Facebook. Employee Experience cũng được các tổ chức tư vấn quản lý hàng đầu thế giới như Deloitte, McKinsey, Gartner, Mercer cho là phát triển nhân sự của tương lai.

Trao đổi tại chương trình “Trải nghiệm nhân viên: Hành trình từ tốt đến tuyệt vời” được ACheckin tổ chức, thuật ngữ Trải nghiệm nhân sự/ Trải nghiệm nhân viên (Employee Experience) được giải thích là các điểm chạm, sự tương tác giữa nhân viên và công ty trong suốt quá trình làm việc của họ, và các điểm chạm đó mang lại ý nghĩa cho họ.

Vì sao doanh nghiệp cần chú trọng đến Employee Experience?

Khác với cách quản trị truyền thống là dựa vào yêu cầu và mong muốn của lãnh đạo, Employee Experience tập trung trả lời và đáp ứng nhu cầu thiết thực của nhân viên, chạm đến cảm xúc của từng cá nhân trong tập thể lớn. Từ đó tạo dựng tinh thần tích cực, gắn kết khăng khít giữa các doanh nghiệp và nhân viên, giúp nhân viên trở thành “phiên bản” tốt nhất trong công việc của họ.

Trải nghiệm nhân viên tốt sẽ tạo ra sức mạnh nội lực, giúp doanh nghiệp vững vàng vượt qua cơn sóng dữ Covid-19 hay những khó khăn khác trong tương lai. Đã có nhiều nghiên cứu, khảo sát trên thế giới thể hiện trải nghiệm nhân viên tốt đem lại lợi ích kinh tế thực sự bền vững cho doanh nghiệp. 

Nghiên cứu của KennedyFitch cho thấy doanh nghiệp có thể đạt được 4 lợi ích sau: tối ưu nguồn lực của doanh nghiệp, có những lợi thế cạnh tranh riêng, trải nghiệm khách hàng tăng cùng trải nghiệm nhân viên, phát triển được chiến lược số.

Trong khảo sát của Kincentric năm 2019, 79% doanh nghiệp cũng đồng ý rằng, trải nghiệm nhân viên có tác động tích cực đến hiệu quả kinh doanh. Họ cho rằng tác động đó phần lớn đến từ việc nhân viên tích cực, gắn bó và tạo được sự kết nối cá nhân với mục tiêu của tổ chức.

→ Tham khảo thêm: Employee Experience: Khi sự thành công của doanh nghiệp xoay quanh sự hài lòng của ứng viên

Nghiên cứu của học viện Công nghệ Massachusetts đối với 281 nhà lãnh đạo và khảo sát toàn cầu của IBM cũng cho thấy các doanh nghiệp có trải nghiệm nhân viên hàng đầu đều đạt được những kết quả rất ấn tượng:

  • Trong 25% các doanh nghiệp có điểm EX cao nhất có được nỗ lực của nhân viên lên tới 95% và hiệu quả làm việc đạt 96%. Trong khi nhóm tổ chức có điểm EX thấp nhất chỉ nhận được 33% nỗ lực của nhân viên và hiệu quả chỉ đạt 73%.
  • Lợi nhuận của các doanh nghiệp có EX ở top trên sẽ cao hơn 25% so với các doanh nghiệp có trải nghiệm nhân viên ở top dưới.
  • Doanh nghiệp có EX ở top trên nhận được gấp đôi sự hài lòng của khách hàng. Cụ thể, điểm hài lòng của khách hàng ở các doanh nghiệp có EX ở top trên là 32 trong khi các doanh nghiệp có EX top dưới chỉ là 14.
  • Doanh nghiệp có EX tích cực sẽ có văn hóa doanh nghiệp tích cực, tăng gấp đôi sự đổi mới. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng doanh nghiệp có EX ở top trong có 51% lợi nhuận từ các sản phẩm và dịch vụ mới trong vòng 2 năm gần đây, trong khi đó con số này là 24% ở các doanh nghiệp có EX ở top dưới.
  • Nhóm đạt điểm EX cao có tỷ lệ muốn rời bỏ doanh nghiệp ở mức 21%, trong khi nhóm có điểm EX thấp có tới 44% nhân viên muốn tìm kiếm công việc khác.

Những con số trên cho thấy, tất cả những điểm chạm trong hành trình trải nghiệm nhân viên đều ảnh hưởng đến cách nhân viên cảm nhận về công ty. Những cảm nhận này sẽ tác động trực tiếp đến khả năng giữ chân nhân tài, gắn kết nội bộ, giúp nhân viên cải thiện hiệu suất, đem lại sự phát triển trong công việc và duy trì sự hài lòng khách hàng của doanh nghiệp. Đây chính là những lý do khiến doanh nghiệp cần chú trọng đến trải nghiệm nhân viên.

Thực tế về trải nghiệm nhân sự tại Việt Nam 2020

Thực tế ở Việt Nam, nhiều doanh nghiệp đã và đang xây dựng trải nghiệm nhân sự nhưng chưa thấy hiệu quả. Điều này được chứng minh trong báo cáo “Trải nghiệm nhân sự Việt Nam 2020 – Hiện tại và những điều có thể làm cho tương lai” thực hiện bởi ACheckin cho thấy, trải nghiệm nhân viên nhìn chung dừng ở mức độ khá, chưa có phần trải nghiệm nào chạm đến mức tốt, trong trải nghiệm về cơ hội phát triển tiệm cận mức tệ (57%).

Chri số trải nghiệm nhân viên Việt Nam 2020. Nguồn: ACheckin
Chri số trải nghiệm nhân viên Việt Nam 2020. Nguồn: ACheckin

Có thể thấy, các doanh nghiệp Việt Nam chưa có sự quan tâm đến trải nghiệm nhân viên. Có tới 40% quản lý nhân sự, quản lý cấp cao và lãnh đạo doanh nghiệp chưa từng đọc, nghiên cứu về trải nghiệm nhân viên. Chỉ có 21% doanh nghiệp có vị trí quản lý chuyên trách về trải nghiệm nhân viên.

Trải nghiệm nhân sự (EX) có sự phân hoá rõ theo quy mô doanh nghiệp. Cụ thể:

  • Các tổ chức lớn trong 450 nhân viên có điểm EX cao nhất, đạt mức tốt ở nhiều yếu tố như an toàn, ổn định và công việc có ý nghĩa.
  • Các doanh nghiệp từ 101 – 250 nhân viên có điểm EX thấp nhất, chỉ ở mức cơ bản (64%), thậm chí bị đánh giá tệ trong nhiều mặt như cơ hội phát triển và lãnh đạo doanh nghiệp.
  • Các doanh nghiệp nhỏ từ 10 – 100 nhân viên có điểm EX ở mức khá, điểm sáng có nhóm này là nhân viên thấy tin tưởng và ngưỡng mộ quản lý trực tiếp.
  • Các doanh nghiệp từ 251 – 450 nhân viên có điểm EX tương đương với nhóm 10 – 100 nhân viên, tốt hơn về an toàn tài chính, lương, nhưng yếu hơn về sự tin tưởng, ngưỡng mộ quản lý trực tiếp.

Tại Việt Nam, trải nghiệm nhân viên vẫn còn mới mẻ và được một số doanh nghiệp thực hiện một cách bản năng.

  • Ứng dụng công nghệ trong quản lý doanh nghiệp còn hạn chế. Chỉ có 54% doanh nghiệp ứng dụng phần mềm HRM (Human Resource Management), ERP (Enterprise Resource Planning) vào quản lý và vận hành.
  • Quản lý nhân sự và lãnh đạo doanh nghiệp hầu như chưa tiếp cận với tư duy thiết kế trong khi đây là một trong những kỹ năng quan trọng trong xây dựng trải nghiệm nhân viên theo kinh nghiệm của các công ty trong thế giới.
  • Đa phần doanh nghiệp vẫn đang làm những nghiệp vụ nhân sự truyền thống, chưa mở rộng và thử những góc nhìn và công cụ mới, đặc biệt là trong việc lắng nghe, theo sát cảm xúc, ý kiến của nhân viên. Hiện mới chỉ có 48% doanh nghiệp thực hiện khảo sát nhân sự, mà trong đó có tới 88% thực hiện một năm một lần hoặc ít hơn.

Bà Dương Thúy Quỳnh – Giám đốc truyền thông công ty Navigos Group Việt Nam cho rằng: “Làm trải nghiệm nhân sự ở Việt Nam hiện nay có nhiều khó khăn bởi tư duy của người lãnh đạo còn nghĩ rằng điều đó cần thiết hay không, chưa có nhân sự chuyên biệt phụ trách và thường HR sẽ phải kiêm nhiệm và rào cản về chi phí đầu tư môi trường vật lý của doanh nghiệp”.

Bên cạnh đó, Việt Nam thiếu rất nhiều tài liệu về cách xây dựng trải nghiệm nhân sự bài bản và các chuyên gia trong lĩnh vực này. Vì vậy, nếu doanh nghiệp làm bản năng, xây dựng theo dạng manh mún, nhỏ lẻ mà không có chiến lược, bài bản thì rất lãng phí về chi phí, thời gian, con người.

Xu hướng xây dựng trải nghiệm nhân viên của Việt Nam sẽ ra sao?

Nhìn chung, Employee Experience còn là khái niệm mới, tư duy cũng như cách làm còn chưa được khai phá và thử nghiệm nhiều tại Việt Nam. Tuy vậy, với tinh thần cầu tiến và mong muốn cải thiện môi trường làm việc cho nhân viên, đồng hành cùng mục tiêu kinh doanh, nhà quản lý đã bắt đầu chú trọng hơn đến trải nghiệm nhân viên.

Top 10 điều các doanh nghiệp Việt Nam muốn làm và cải thiện để đem lại trải nghiệm tích cực cho nhân viên
Top 10 điều các doanh nghiệp Việt Nam muốn làm và cải thiện để đem lại trải nghiệm tích cực cho nhân viên. Nguồn: ACheckin

Xây dựng Employee Experience phải bắt đầu từ việc thay đổi tư duy

Trải nghiệm nhân viên luôn tồn tại trong mỗi doanh nghiệp từ lâu, nhưng để thực sự tạo ra trải nghiệm trúng, đúng, có ý nghĩa với nhân viên thì phải bắt đầu từ việc thay đổi tư duy. Thay vì HR nghĩ gì, lãnh đạo doanh nghiệp nghĩ gì, muốn làm gì cho nhân viên, hãy đi từ nhân viên đang trải nghiệm thế nào, theo họ điều gì có thể tốt hơn, tốt hơn ra làm sao.

Bên cạnh đó, thay vì nghĩ xây dựng Employee Experience là công việc riêng của HR, thì lãnh đạo công ty, các phòng ban khác và những quản lý tầm trung đều phải hiểu và tham gia vào quá trình xây dựng trải nghiệm nhân viên tốt hơn.

Để xây dựng trải nghiệm nhân viên tích cực, bản thân HR cần chủ động tìm hiểu, học hỏi và ứng dụng những tư duy, kỹ năng mới như kỹ năng tổ chức sự kiện, tư duy thiết kế, tư duy marketing & sales trong tuyển dụng và quản trị nhân sự. Đặc biệt phải mở rộng, lắng nghe và thấu hiểu hành trình trải nghiệm của nhân viên, tối ưu hóa những điểm chạm, mang lại ý nghĩa thực sự cho người lao động.

→ Tham khảo thêm: Recruitment Marketing – xu hướng tuyển dụng mọi doanh nghiệp cần biết trong kỷ nguyên HR 4.0

Bước đầu tiên được gợi ý cho doanh nghiệp là tổ chức những không gian chia sẻ thông tin, mà ở đó nhân sự có thể góp ý về những điểm cần cải thiện. Tuy nhiên, theo ông Leah Johnson, Phó chủ tịch phụ trách nhân sự của Gartner: “Sẽ khó để đánh giá chất lượng trải nghiệm của nhân viên nếu chỉ có một mẫu bảng hỏi để họ điền vào.”

Giải quyết vấn đề trên, một công ty phần mềm lớn đã tạo một bảng thông báo, tại đó hai năm một lần đăng tải những chỉ số về tương tác, gắn bó cũng như những miêu tả cá nhân về trải nghiệm của người lao động. Cùng thực hiện mục đích trên nhưng một doanh nghiệp khác lại tổ chức các buổi họp ngắn hoặc webinar. Ở đó, nếu nhân sự thấy chưa tự tin về khả năng sử dụng công nghệ của mình, họ có thể đề xuất được đào tạo; trong khi đó có thể một nhân viên khác lại quan tâm đến sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống khi cô ấy phải chăm sóc gia đình.

Nhiều người có tâm lý sợ bị từ chối khi nói ra nhu cầu của họ, vì vậy doanh nghiệp cần tạo ra một môi trường an toàn, thoải mái. Để giúp nhân sự không bị bối rối, công ty có thể lập bảng hỏi cho mỗi cá nhân như vậy những câu hỏi có nhiều lựa chọn liên quan. Bên cạnh đó, quản lý có thể kết nối nhân viên của mình với những khác có nhiều hiểu biết trong tổ chức để cùng chia sẻ.

Tại Microsoft, người ta đã gửi đến những nhân viên chưa có trải nghiệm tốt những thông điệp qua hòm mail cá nhân, ở đó họ cảm ơn và nhấn mạnh tầm quan trọng của những góp ý từ nhân viên. Microsoft cũng gửi thư cảm ơn trong suốt quá trình nghỉ việc của nhân sự ghi nhận sự đóng góp của họ trong suốt quá trình làm việc tại doanh nghiệp.

Nhờ triển khai những ý tưởng nêu trong, những chỉ số về mức độ gắn kết, thời gian gắn bó và sự ủng hộ của nhân viên với tổ chức đều tăng cao.

Những việc cần làm để thiết kế trải nghiệm nhân sự tích cực

Như đã nhắc đến ở trên, trải nghiệm nhân viên là một chuỗi tất cả các điểm chạm giữa người lao động và doanh nghiệp. Những điểm chạm này đều bị chi phối bởi 3 yếu tố: văn hóa doanh nghiệp, môi trường vật lý và công nghệ. Những doanh nghiệp chú trọng và làm tốt 3 yếu tố này chắc chắn sẽ tạo ra nhiều điểm chạm tích cực cho nhân viên của mình.

Văn hóa doanh nghiệp

Bất kể thương hiệu nhà tuyển dụng của bạn lớn mạnh hay vẫn còn đang trong quá trình xây dựng, văn hóa doanh nghiệp của mỗi tổ chức luôn có những nét đặc trưng riêng.

Những khía cạnh của văn hóa doanh nghiệp có thể ảnh hưởng đến trải nghiệm nhân viên:

  • Một công việc có ý nghĩa, bao gồm sự tin tưởng, quyền tự chủ và tưởng thưởng xứng đáng.
  • Sự hỗ trợ từ quản lý với mục tiêu rõ ràng, tầm nhìn chung và nhiều tiềm năng để phát triển cả năng lực cá nhân và sự nghiệp.
  • Môi trường làm việc tích cực, công bằng, toàn diện, đa dạng và linh hoạt.

Công nghệ

Điểm chạm công nghệ ngày nay quyết định rất lớn đến trải nghiệm nhân viên bởi nó song hành cùng nhân viên trong vòng đời từ ngày nộp CV đến khi nghỉ việc. Doanh nghiệp có thể ứng dụng nhiều giải pháp công nghệ để tạo ra nhiều tương tác tích cực với nhân viên trên hành trình này.

Là nền tảng công nghệ tuyển dụng hàng đầu Việt Nam, TopCV luôn nỗ lực không ngừng để đem đến những giải pháp tuyển dụng tiết kiệm, hiệu quả và tối ưu hơn từ nhu cầu thực tế. Với TopCV, việc tìm kiếm, tiếp cận và tương tác với ứng viên trở nên dễ dàng và thuận tiện hơn, đem đến trải nghiệm tích cực cho ứng viên ngay từ thời điểm nộp CV ứng tuyển.

Môi trường vật lý

Các chuyên gia cho rằng nếu có điều kiện, chủ doanh nghiệp nên đầu tư vào môi trường vật lý để nhân viên hào hứng hơn khi đến làm việc mỗi ngày. Tuy nhiên, cần cân đối giữa khả năng tài chính và việc xây dựng trải nghiệm bởi mục tiêu không phải để công ty trở nên quá bắt mắt mà là tạo cảm hứng làm việc cho nhân sự.

Ngoài ra, để trải nghiệm nhân sự phát huy hiệu quả, điều quan trọng nhất là lãnh đạo doanh nghiệp cần phải lắng nghe nhân viên một cách trọn vẹn để thấu hiểu và có quyết định đúng.

Nguồn: TheLeader, Internet