Doanh nghiệp nên thưởng Tết 2022 như thế nào sau một năm biến động vì COVID-19?

Năm 2022, doanh nghiệp nên thưởng Tết cho người lao động như thế nào sau một năm đầy biến động vì những ảnh hưởng của dịch COVID-19?

Chỉ còn gần hơn 1 tháng nữa là đến Tết Nhâm Dần. “Đến hẹn lại lên”, câu chuyện thưởng Tết lại trở thành vấn đề được nhiều người quan tâm. Nhiều chuyên gia dự báo thưởng Tết năm nay sẽ không có sự đột biến, thậm chí nhiều ngành có thể thấp hơn nhiều so với mọi năm.

Vậy doanh nghiệp nên thưởng Tết thế nào cho người lao động trong một năm kinh tế khó khăn? Quy định về thưởng Tết năm nay có gì khác so với mọi năm? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết sau.

Quy định về thưởng Tết doanh nghiệp cần nắm rõ

Theo quy định tại Điều 104 Bộ luật Lao động 2019 ban hành ngày 20/11/2020 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021): 

  1. Thưởng là số tiền hoặc tài sản hoặc bằng các hình thức khác mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động.
  2. Quy chế thưởng do người sử dụng lao động quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.

Tham khảo thêm Chính sách lao động – tiền lương, BHXH, BHYT có hiệu lực từ 2021

Thưởng Tết có phải là khoản bắt buộc mà doanh nghiệp phải trả cho người lao động không?

Như vậy, theo quy định tại Bộ luật Lao động 2019 hiện hành, thưởng Tết không phải là quy định bắt buộc mà các công ty phải tuân thủ. Thay vào đó, tùy vào tình hình kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc… mà doanh nghiệp có xem xét thưởng cuối năm nhiều hay ít, hoặc không thưởng.

Lương tháng 13 có phải là thưởng Tết hay không?

Quy định trên không thể hiện rõ lương tháng 13 có phải là tiền thưởng hay không. Theo Bộ luật Lao động 2019, người sử dụng lao động không bắt buộc phải thưởng cho người lao động nhưng với lương tháng 13, nếu các bên đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động hoặc được ghi nhận trong thỏa ước lao động tập thể thì doanh nghiệp bắt buộc phải trả thêm cho người lao động.

Do đó, không thể coi lương tháng 13 là thưởng Tết như nhiều doanh nghiệp và người lao động hiện nay đang quan niệm. Việc có lương tháng 13 và cách tính khoản tiền này sẽ phụ thuộc vào quy chế riêng của từng doanh nghiệp.

Tham khảo thêm Lương tháng thứ 13 là gì? Cách tính lương tháng 13 như thế nào?

Doanh nghiệp có thể thưởng Tết bằng những hình thức nào?

Bộ luật Lao động mới đã mở rộng khái niệm “Thưởng”. Theo đó, thay vì người lao động chỉ được thưởng bằng hình thức tiền mặt như trước đây, doanh nghiệp có thể thưởng người lao động bằng các hình thức khác như tài sản, hiện vật… Quy định mới này tạo sự linh hoạt cho doanh nghiệp/người sử dụng lao động trong quá trình thực hiện, đặc biệt trong năm 2021 vừa qua, ảnh hưởng của COVID-19 khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn.

Trên thực tế, trong năm 2021, không ít doanh nghiệp thưởng Tết cho người lao động đã sử dụng các hình thức như chuyến du lịch, vé tàu xe về quê, hoặc các hiện vật có giá trị như đồ gia dụng, thiết bị công nghệ, điện tử…

Những điều thường bị hiểu lầm về thưởng Tết

Thưởng Tết 2022: người lao động mong chờ, doanh nghiệp trăn trở

“Đến hẹn lại lên”, thưởng Tết luôn là chủ đề nhận được nhiều sự quan tâm và kỳ vọng mỗi dịp cuối năm đối với cả người lao động và người sử dụng lao động. 

Người lao động thấp thỏm mong chờ

Đối với người lao động, thưởng Tết là một khoản vô cùng quan trọng. Thời điểm cuối năm, người lao động cần tiền để mua sắm quần áo, quà cáp, vé xe, vé tàu… và nhiều khoản quan trọng khác. Trong bối cảnh trong bối cảnh khó khăn do ảnh hưởng nặng nề của đợt dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4, nhiều người lao động đang lo ngại sẽ không có thưởng Tết hoặc thưởng rất thấp. Nếu không có thưởng Tết, thì coi như không có Tết đối với nhiều người, nhất là những người lao động thu nhập thấp.

Có việc làm ổn định và một khoản thưởng Tết là mong muốn của đại đa số người lao động sau một năm 2021 với nhiều biến động.
Có việc làm ổn định và một khoản thưởng Tết là mong muốn của đại đa số người lao động sau một năm 2021 với nhiều biến động

Doanh nghiệp trăn trở

Thưởng Tết hay không thưởng Tết, thưởng Tết nhiều hay ít, bằng tiền hay hiện vật… đó vẫn luôn là mối quan tâm của không chỉ người lao động mà ngay cả với chủ các doanh nghiệp. Bởi ai cũng hiểu rằng, có thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội mới giữ chân được người lao động gắn bó lâu dài với doanh nghiệp, với cơ quan, tổ chức. 

Nếu người lao động thấp thỏm chờ thưởng thì với Tết Nhâm Dần 2022, các chủ doanh nghiệp cũng như ngồi trên đống lửa để lo cho nhân viên, giữ ổn định nguồn lao động. Thông thường, vào thời điểm đầu tháng 12, các doanh nghiệp đang tính toán phương án thưởng Tết cho người lao động nhưng năm nay, thưởng Tết đang là bài toán nan giải. Nhiều doanh nghiệp đã rất nỗ lực để giữ được việc làm và trả lương cho người lao động, còn thưởng Tết là điều khiến nhiều doanh nghiệp “đau đầu”.

Dù là năm thứ 2 bùng phát dịch COVID-19 nhưng tính đến thời điểm hiện tại, 2021 là năm Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh. Số ca mắc mới mỗi ngày lên đến 5 con số. Nhiều tỉnh, thành phố lớn phải thực hiện giãn cách xã hội. Nhiều doanh nghiệp phải “đóng cửa”, tạm dừng hoạt động. Các chuyên gia dự báo “bức tranh” thưởng Tết năm 2022 sẽ rất khó khăn, chỉ trừ số doanh nghiệp ít hoặc không bị ảnh hưởng bởi COVID-19 như Công nghệ thông tin, Tài chính – Ngân hàng… có tín hiệu khả quan.

Theo VnEconomy,  nhận định về mức thưởng Tết năm 2022, một số doanh nghiệp cũng tiết lộ nhìn chung sẽ vẫn có thưởng cho người lao động dù chưa đưa ra mức cụ thể, nhưng sẽ thấp hơn năm ngoái. “Trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, mức thưởng sẽ còn tùy theo tình hình thực tế và kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, nhưng chắc chắn sẽ kém hơn”, đại diện một doanh nghiệp nhìn nhận.

Thưởng Tết 2022 cần sự chia sẻ từ cả hai phía

Trong bối cảnh khó khăn và tác động của đại dịch kéo dài, thưởng Tết trở thành sự chia sẻ từ cả hai phía tại nhiều doanh nghiệp…

Về phía doanh nghiệp cần tìm cách tiết kiệm, cân đối nguồn lực làm sao để có thưởng cho người lao động, còn mức thưởng bao nhiêu sẽ do điều kiện, khả năng của từng doanh nghiệp. Thưởng cuối năm dù không phải là khoản doanh nghiệp bắt buộc phải trả cho người lao động, nhưng thống kê qua các năm cho thấy, hầu hết các doanh nghiệp đều có thưởng Tết, chỉ trừ một số trường hợp cực kỳ khó khăn. 

Thực tế, thưởng Tết cũng chính là một trong những biện pháp giúp thu hút nhân sự vào thời điểm cuối năm, nhất là khi thiếu nguồn ứng viên là “nỗi đau” của không ít doanh nghiệp. Ngoài ra, để tránh tình trạng lao động “nhảy việc” sau Tết, gây ảnh hưởng đến bộ máy chung, việc thưởng Tết cho người lao động rất có ý nghĩa trong việc giữ chân người lao động ở lại, gắn bó và cống hiến cho doanh nghiệp.

Doanh nghiệp cần tìm cách tiết kiệm, cân đối nguồn lực để thưởng Tết một cách hợp tình, hợp lý

Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho biết, nền kinh tế của đất nước đang rất khó khăn. Cả doanh nghiệp và người lao động cũng đang rất khó khăn. Nhiều doanh nghiệp hiện trong giai đoạn phục hồi. Theo ông Hiểu, qua thực tế mà tổ chức công đoàn nắm được, rất nhiều doanh nghiệp với trách nhiệm xã hội cao, vẫn đang nỗ lực ở mức cao nhất, chia sẻ lợi nhuận và thậm chí chấp nhận cả việc chưa lãi, hoặc lỗ để có thể giữ chân người lao động và giúp người lao động có một cái Tết cơ bản.

Qua theo dõi của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, khu vực TP.HCM và các tỉnh phía Nam bị ảnh hưởng bởi COVID-19 nặng nề. Tuy nhiên, sau khi bắt đầu hồi phục và đi vào sản xuất, hầu hết các doanh nghiệp đều ý thức được trách nhiệm quan tâm người lao động lúc khó khăn nhất. Đó là cách để giảm bớt lo toan và giữ chân người lao động trong bối cảnh khó khăn chung.

Về phía người lao động cần có sự chia sẻ với với những khó khăn của doanh nghiệp, đoàn kết, đồng lòng, nỗ lực vượt khó để góp phần sớm ổn định sản xuất kinh doanh, đảm bảo việc làm và đời sống. Là đơn vị thường xuyên có hoạt động kết nối, tương tác với các doanh nghiệp, ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết: “Nhìn chung mức thưởng Tết năm 2022 sẽ rất khó khăn, theo quan sát của chúng tôi với những lao động hiện đang làm việc tại các doanh nghiệp thì được biết dù có thưởng Tết hay không họ cũng chia sẻ với doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay. Mục tiêu là trước mắt giữ được việc làm, thu nhập để đảm bảo cho cuộc sống và vì sự phát triển chung của doanh nghiệp”.

Gợi ý các hình thức thưởng Tết phù hợp cho doanh nghiệp

Vậy sau một năm lao đao vì COVID-19, trao thưởng cuối năm cho nhân viên nên được thực hiện thế nào cho vừa phù hợp với điều kiện của doanh nghiệp vừa đúng nguyện vọng của nhân viên? Hãy cùng tham khảo những hình thức trao thưởng cuối năm ý nghĩa dưới đây.

Thưởng tiền – hình thức phổ biến và phù hợp với nguyện vọng của đa số nhân viên

Phần lớn người lao động đều có nguyện vọng nhận thưởng bằng tiền để có thể tự do quy đối, chi tiêu theo cách mà họ muốn. Người lao động cho rằng, thưởng Tết bằng tiền sẽ thiết thực hơn, nhất là người lao động đi làm xa quê, những người có thu nhập không quá cao. Với số tiền thưởng có được, người lao động có thể trang trải chi phí tàu xe, quà cáp về thăm quê và sắm sửa thêm trong dịp năm hết Tết đến.

Thưởng Tết bằng tiền là hình thức phổ biến với cả doanh nghiệp và người lao động
Thưởng Tết bằng tiền là hình thức phổ biến với cả doanh nghiệp và người lao động

Từ góc nhìn của doanh nghiệp, hình thức thưởng Tết này cũng có nhiều ưu điểm như: có thể kê khai một cách chính xác, minh bạch; dễ dàng tính toán một cách chính xác phần thưởng dành cho mỗi nhân viên và trao tận tay nhân viên một cách nhanh chóng ngay cả khi họ không có mặt tại nơi làm việc.

Các doanh nghiệp có thể lựa chọn các hình thức như trả tiền mặt, chuyển qua tài khoản hoặc gửi phong bì riêng cho từng cá nhân. Tuy nhiên với hình thức trao thưởng này, doanh nghiệp cần lưu ý thống nhất một chính sách tiền thưởng chi tiết và hợp lý cho toàn bộ nhân viên trong công ty.

Kinh tế khó khăn, thưởng Tết bằng hiện vật chiếm ưu thế

Thưởng các sản phẩm/dịch vụ do công ty cung cấp

Với hình thức trao thưởng bằng hiện vật, chắc hẳn một số người lao động sẽ lo lắng rằng sẽ có nhiều doanh nghiệp lợi dụng quy định mới để lấy những sản phẩm của doanh nghiệp không tiêu thụ được để thưởng cho người lao động. Bình luận về nội dung này, TS Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động và Xã hội (Bộ Lao động – Thương binh và Xã Hội) cho rằng thưởng Tết có nhiều cách chứ không nhất thiết bằng tiền, thưởng hiện vật cũng là cách quảng cáo sản phẩm của công ty.

Thực tế cũng không ít nhân viên chờ đợi đến dịp cuối năm để được thưởng các sản phẩm mà công ty sản xuất phân phối hoặc sử dụng miễn phí các dịch vụ mà công ty đang cung cấp. Một số lĩnh vực hoạt động doanh nghiệp phù hợp để trao thưởng cho nhân viên bằng hàng hóa/dịch vụ có sẵn như: doanh nghiệp sản xuất – phân phối bánh kẹo, đồ uống, quần áo, đồ điện tử – điện lạnh, vàng bạc, trang sức; các doanh nghiệp làm trong lĩnh vực du lịch, nhà hàng…

Kinh tế khó khăn, thưởng Tết bằng hiện vật chiếm ưu thế
Kinh tế khó khăn, thưởng Tết bằng hiện vật chiếm ưu thế

Đứng từ phía doanh nghiệp, hình thức trao thưởng bằng sản phẩm/dịch vụ cho công ty cung cấp sẽ giúp tiết kiệm chi phí khi tận dụng được các nguồn lực có sẵn mà không cần chi ra một khoản tiền lớn. Đặc biệt hình thức này rất tiện lợi khi doanh nghiệp đang còn hàng hóa tồn kho hoặc các dịch vụ mà khách hàng chưa sử dụng hết. Tuy nhiên, hạn chế của hình thức trao thưởng này là có thể không đáp ứng được nhu cầu chi tiêu cấp thiết của nhân viên, cũng như khó hạch toán chi phí một cách rõ ràng.

Thưởng các hiện vật khác không có sẵn trong doanh nghiệp

Trao thưởng cuối năm bằng các hiện vật khác không có sẵn trong doanh nghiệp là hình thức kết hợp giữa tiền thưởng và các sản phẩm/ dịch vụ của doanh nghiệp. Doanh nghiệp vẫn cần chi trả ngân sách để mua về cách hiện vật, tuy nhiên phần thưởng sẽ có yếu tố bất ngờ và thú vị hơn, đồng thời đáp ứng đúng nguyện vọng của nhân viên.

Thưởng cổ phiếu ESOP

Không có phần thưởng nào xứng đáng và ý nghĩa hơn cho nhân sự chủ chốt – những người đã đồng hành cùng doanh nghiệp là cho họ quyền sở hữu cổ phiếu của nhân viên (Employee Stock Ownership Plan – ESOP). Theo đó, cổ phiếu ESOP thường được phát hành với giá ưu đãi và đi kèm một số điều kiện, ví dụ như không được chuyển nhượng trong khoảng thời gian từ 1-3 năm.

Thưởng Tết bằng cổ phiếu ESOP
Cổ phiếu ESOP là một hình thức thưởng Tết ý nghĩa dành cho những nhân sự chủ chốt trong doanh nghiệp

Nếu công ty đã đạt đủ tiêu chuẩn để phát hành cổ phiếu ESOP và tốc độ tăng trưởng của công ty ổn định, thì tương tự như tặng một phần bất động sản, tặng cổ phiếu ESOP cũng có thể được xem là một phần thưởng dài hạn. Hình thức này còn giúp nhân viên lâu năm và nhân viên chủ chốt được tiếp thêm động lực để cống hiến và xây dựng và phát triển công ty hơn nữa. Đây là hình thức thưởng còn khá mới lạ tại Việt Nam mà các doanh nghiệp có thể tham khảo. 

Kết hợp giữa các phần thưởng với nhau

Thông thường, các doanh nghiệp sẽ lựa chọn trao thưởng cuối năm cho nhân viên bằng cách kết hợp linh hoạt giữa các loại hình trên.  Nhưng cũng cần nói thêm, chủ doanh nghiệp vẫn nên trưng cầu ý kiến nhân viên, vì nếu đã là thưởng, thì hãy thưởng theo cách mà người được thưởng vui vẻ nhận, vừa thiết thực, vừa hợp tình, hợp lý.

Có hai cách kết hợp phần thưởng:

  • Mỗi cấp độ thưởng tương ứng với một loại hình phần thưởng
  • Mỗi nhân viên được trao nhiều loại hình phần thưởng khác nhau, trong đó có một loại hình là cốt lõi

→ Tham khảo thêm Trao thưởng cuối năm cho nhân viên: Hình thức nào ý nghĩa và được mong chờ nhất?

Xác định giá trị trao thưởng cuối năm dựa trên công thức nào?

Do pháp luật không quy định cụ thể về việc trao thưởng cuối năm nên doanh nghiệp (thường là Ban Giám đốc và Bộ phận Nhân sự) có thể bàn bạc và lựa chọn ra công thức phù hợp. Một số công thức xác định phổ biến nhất:

  • Tất cả nhân sự được trao một mức thưởng cố định bằng nhau
  • Mức thưởng là “tháng lương thứ 13” của mỗi nhân viên. 
  • Phân cấp theo level năng lực nhân sự

Lưu ý rằng đi kèm công thức xác định mức thưởng thường là công thức tính toán hệ số thưởng – nhằm dùng thêm một yếu tố đánh giá khác để tăng/giảm giá trị phần thưởng của nhân viên:

  • Hệ số theo thâm niên làm việc tại doanh nghiệp: đang thử việc, dưới 3 tháng, 3-6 tháng, 6-12 tháng, một năm trở lên,…
  • Hệ số theo kết quả đánh giá nhân viên cuối năm (year-end performance review): điểm A+ là 120% mức thưởng, A là 100%, giảm dần xuống B, C, D,..

Nếu bạn vẫn chưa biết cách đánh giá nhân viên để trao thưởng cuối năm chính xác và công bằng, hãy tham khảo các biểu mẫu đánh giá có sẵn và áp dụng cho doanh nghiệp mình.

Đối với hầu hết các doanh nghiệp, tháng 12 hàng năm luôn là khoảng thời gian bận rộn với hai nhiệm vụ quan trọng: đánh giá kết quả hoạt động cuối năm và lập kế hoạch cho năm mới. Với một năm 2021 nhiều biến động, nhiệm vụ này càng trở nên quan trọng hơn khi tối ưu chi phí nhân sự để tái khởi động và phục hồi tăng trưởng trở thành ưu tiên hàng đầu của hầu hết doanh nghiệp. Đánh giá nhân viên cuối năm (year-end performance review) vì thế cũng trở thành chủ đề “nóng” hơn bao giờ hết, khiến cả các nhà quản lý, chuyên gia nhân sự và nhân viên đều lo ngại.

Tuy nhiên, đánh giá nhân viên chưa bao giờ là một nhiệm vụ đơn giản. Nếu đánh giá nhân viên không chính xác sẽ gây ra sự bất công và bất mãn trong nội bộ doanh nghiệp, nhà quản lý cũng không thể có phương án tối ưu hiệu suất cho nhân viên hợp lý. Theo khảo sát của Fast Company, 74% nhân viên trẻ rời khỏi công ty sau kỳ đánh giá cuối năm vì họ cho rằng những đánh giá từ nhà quản lý là không chính xác. Và 79% nhân viên trong công ty không nghĩ rằng performance review của công ty đạt được kết quả tốt như kỳ vọng.

Về phía doanh nghiệp, theo khảo sát, có tới 90% các nhà quản lý cho rằng, quy trình đánh giá hiện tại không thể phản ánh được chính xác hiệu suất làm việc của người lao động. Mặc dù vậy, phần lớn những nhà quản lý được khảo sát vẫn không hề có bước đi nào để cải thiện tình trạng này. Lý do thì nhiều, nhưng tựu chung lại vẫn ở chữ khó: Việc xây dựng quy trình đánh giá nhân viên là vô cùng phức tạp.

Tưởng chừng như chỉ là buổi đánh giá có sự góp mặt của nhà quản lý và nhân viên nhưng đằng sau mỗi kỳ đánh giá cuối năm lại là một khoản chi phí “khổng lồ” mà doanh nghiệp cần phải gánh vác, bao gồm cả các chi phí vô hình khó kiểm soát, đơn cử như chi phí thời gian chuẩn bị, giấy tờ tài liệu cho buổi đánh giá, nhân lực… Nắm bắt được sự khó khăn đó, các nền tảng công nghệ đã ra đời với mục đích giúp tối ưu và tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp trong đánh giá nhân sự mà vẫn đạt được hiệu quả như mong đợi.

TestCenter.vn - Nền tảng đánh giá nhân sự hàng đầu Việt Nam

Lời kết

Năm 2021 là một năm khó khăn với cả doanh nghiệp và người lao động. Việc thưởng Tết bao nhiêu, thưởng Tết như thế nào là một bài toán nan giải mà mỗi doanh nghiệp cần cân nhắc nhưng khó có thể bỏ qua. Như ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chia sẻ “Chăm lo Tết cũng là một cách giữ chân người lao động trong bối cảnh thiếu lao động như hiện nay”. Hy vọng những gợi ý trong bài viết trên sẽ giúp doanh nghiệp nắm bắt, thấu hiểu được nguyện vọng của nhân viên và trao cho họ những phần thưởng xứng đáng, đúng với mong đợi.

Tổng hợp