Tối ưu nguồn nhân lực hậu khủng hoảng Covid-19: Doanh nghiệp cần làm gì để tái khởi động thành công?

Thời điểm hiện tại, làn sóng dịch Covid-19 tại Việt Nam đã có những dấu hiệu giảm nhẹ và chuyển biến tích cực. Cùng với chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19 lớn nhất lịch sử, tăng tốc xét nghiệm sàng lọc, nhiều tỉnh/thành phố trên cả nước đã lên phương án từng bước mở cửa nhằm khôi phục lại hoạt động kinh tế. Cộng đồng doanh nghiệp cũng xây dựng các kịch bản, chủ động thích ứng để “sống chung với Covid-19”, đồng thời tái khởi động, đẩy mạnh nhịp sản xuất, kinh doanh cuối năm.

Trong bài viết sau, hãy cùng xem xét các giải pháp mà doanh nghiệp có thể ứng dụng nhằm tối ưu nguồn nhân lực, giúp tái khởi động thành công, từng bước phục hồi kinh doanh và phát triển bứt phá trong thời gian tới.

Covid-19 – Bài kiểm tra năng lực gắt gao với các doanh nghiệp Việt

Năm 2020 và những tháng vừa qua trong năm 2021, cộng đồng doanh nghiệp Việt liên tiếp chịu những tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19. Tổng hợp kết quả khảo sát từ 10.197 doanh nghiệp trên toàn quốc do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB) tiến hành, được công bố vào tháng 3/2021 cho thấy: 87,2% doanh nghiệp tại Việt Nam bị ảnh hưởng tiêu cực bởi Covid-19. Hầu hết các ngành nghề đều bị ảnh hưởng mạnh mẽ. Đặc biệt, 2 ngành được xem là bị tàn phá nặng nề nhất bởi những ảnh hưởng của Covid-19 là du lịch và hàng không.

Đại dịch Covid-19 được xem là sự kiện “thiên nga đen”, nhưng mỗi doanh nghiệp lại có các cách ứng phó khác nhau. Không ít doanh nghiệp đã phải “đóng băng”, “dừng cuộc chơi”, rút lui khỏi thị trường. Tuy nhiên cũng có nhiều doanh nghiệp vẫn duy trì ổn định, thích ứng với bối cảnh toàn cầu, tạo điểm sáng giữa đại dịch. Giới kinh doanh cũng cho rằng, nếu nhìn nhận tích cực thì đại dịch Covid-19 được xem là đợt sàng lọc mạnh mẽ những doanh nghiệp, đơn vị chưa thích ứng được với môi trường và có “sức đề kháng” yếu. 

“Bão Covid-19″ quét qua sẽ quật ngã nhiều doanh nghiệp, nhưng những doanh nghiệp cố trụ lại và tồn tại được qua cơn bão sẽ là những cá thể tinh nhuệ và phát triển cực kỳ mạnh mẽ”. Nhận định trên được các CEO đưa ra tại Open Talks – The paths forward – Những con đường phía trước, do Hội Doanh Nhân Trẻ TP.HCM (YBA) tổ chức tháng 9/2021.

Nhìn chung, trước tình hình dịch bệnh, doanh nghiệp sẽ trải qua 3 giai đoạn chính: ứng phó, phục hồi và phát triển. Trong thời gian vừa qua, các doanh nghiệp đã có những hành động ứng phó với những tác động tiêu cực do đại dịch gây ra. Hành trình tiếp theo đối với doanh nghiệp đó là phục hồi và từng bước phát triển. Việc đưa ra những chiến lược tối ưu nguồn nhân lực bao gồm ổn định đội ngũ nòng cốt cũng như có những kế hoạch tuyển dụng thêm nhân tài mới là điều các doanh nghiệp cần chú trọng trong giai đoạn tái khởi động này.

→ Tham khảo 7 yếu tố trụ cột để doanh nghiệp tăng tốc chuyển đổi, vượt qua khủng hoảng

Vai trò của tối ưu nguồn nhân lực trong việc tái khởi động doanh nghiệp sau khủng hoảng

Đội ngũ nhân sự là cốt lõi trong mỗi doanh nghiệp. Đặc biệt, trong tình hình cần có sự phục hồi nhanh chóng để hướng đến mục tiêu phát triển tiếp theo, nguồn nhân lực thể hiện vai trò quan trọng. Tốc độ phục hồi của doanh nghiệp sau đại dịch Covid-19 không chỉ phụ thuộc vào tầm nhìn và khả năng của các nhà lãnh đạo, mà còn phụ thuộc vào việc phân bổ hợp lý nguồn nhân lực trong tổ chức.

Nguồn nhân lực đóng vai trò cốt lõi trong việc tái khởi động doanh nghiệp sau khủng hoảng
Nguồn nhân lực đóng vai trò cốt lõi trong việc tái khởi động doanh nghiệp sau khủng hoảng
  • Thứ nhất, đội ngũ nhân sự là cầu nối giữa khách hàng và doanh nghiệp

Đại dịch Covid-19 diễn ra đã tạo ra những thay đổi trong hành vi tiêu dùng của khách hàng. Không ai khác, đội ngũ nhân sự chính là người làm việc trực tiếp với khách hàng và theo dõi sát sao những biến động của thị trường. Đội ngũ nhân sự nhanh nhạy có khả năng thích nghi với sự thay đổi của khách hàng đồng thời có những kiến nghị thích hợp cho nhà lãnh đạo, giúp thúc đẩy hoạt động kinh doanh.

  • Thứ hai, đội ngũ nhân sự thực thi đường hướng chiến lược của lãnh đạo

Đội ngũ nhân sự nòng cốt, có chuyên môn sẽ giúp thực thi hiệu quả những đường hướng chiến lược của lãnh đạo trong giai đoạn mới. Quá trình thực thi này bao gồm xử lý tình huống và tìm ra giải pháp trước biến động của thị trường. Bởi khi áp dụng thực tế, việc thực hiện sẽ gặp những khó khăn và cần có sự linh hoạt. Hiệu quả công việc của những nhân sự trực tiếp thực hiện (bao gồm quản lý các cấp và nhân viên) sẽ quyết định tới giai đoạn phục hồi của doanh nghiệp.

  • Thứ ba, đội ngũ nhân sự đóng góp những ý tưởng sáng tạo và đổi mới giúp quá trình phục hồi diễn ra nhanh hơn

Những chiến lược của nhà lãnh đạo đưa ra là đường hướng chung của tổ chức nhưng trong quá trình thực hiện, nhân sự là những người nhận ra vấn đề phát sinh và có những ý đổi mới, giúp việc tái khởi động của doanh nghiệp diễn ra có hiệu quả hơn.

Trước vai trò quan trọng của nhân sự trong việc phục hồi doanh nghiệp, các nhà lãnh đạo cần có những chiến lược tối ưu nguồn nhân lực phù hợp để thu hút cũng như giữ chân nhân tài.

Cơ hội và thách thức trong quản trị nhân sự giai đoạn “bình thường mới”

Sẽ không quá khi nói rằng Covid-19 đã và đang đặt áp lực vô cùng lớn lên vai bộ phận nhân sự. Khi dịch bệnh bùng phát gây nên những thách thức trong duy trì hoạt động của doanh nghiệp, bộ phận nhân sự đã phải đưa ra những kế hoạch nhân sự để ứng phó kịp thời với khó khăn như: làm việc từ xa; phân bổ nhân sự hợp lý theo quy tắc chống dịch… Giờ đây khi tình hình dịch bệnh dần dần được kiểm soát và doanh nghiệp có thể tái khởi động trong trạng thái “bình thường mới”, bộ phận nhân sự tiếp tục nắm vai trò trọng tâm trong quá trình tối ưu nguồn nhân lực, giúp doanh nghiệp quay trở lại quỹ đạo.

Có thể nói, Covid-19 chính là một chất xúc tác mở ra một “kỷ nguyên” mới cho bộ phận nhân sự từng bước khẳng định năng lực và vai trò của mình. Đó là trở thành người đồng hành đáng tin cậy với doanh nghiệp, một nhà tư vấn chiến lược hiệu quả cho ban lãnh đạo.

Có cơ hội để thể hiện tầm quan trọng trong mục tiêu phát triển bền vững của doanh nghiệp, thế nhưng bộ phận nhân sự cũng sẽ phải đối mặt với những vấn đề vô cùng nan giải trong quản trị nguồn nhân lực giai đoạn hậu khủng hoảng:

  • Thứ nhất, phối hợp và vận hành công việc có sự xáo trộn

Nguyên nhân xuất phát từ việc cắt giảm nhân sự trước đó hoặc nhân sự nghỉ việc trong lúc dịch bệnh căng thẳng. Việc thực thi công việc gặp khó khăn khi các “mắt xích” quan trọng được thay thế bởi những nhân sự chưa đủ kinh nghiệm. Hơn nữa, vì quy định giãn cách còn áp dụng tại các vùng dịch bệnh còn diễn biến phức tạp nên một số nhân sự sẽ phải làm việc từ xa, dẫn đến sự phối hợp có thể gặp khó khăn, không đồng nhất.

  • Thứ hai, vấn đề tâm lý của nhân viên

Mặc dù bước vào giai đoạn “bình thường mới” nhưng dịch bệnh vẫn chưa thể chấm dứt hoàn toàn. Bất cứ lúc nào dịch bệnh cũng có thể bùng phát trở lại và mọi chính sách ứng phó lại tiếp diễn. Những điều này như gánh nặng trong lòng nhân viên, bởi họ sẽ phải đối mặt với nguy cơ không có việc làm, ảnh hưởng thu nhập… Hơn nữa, họ còn lo lắng đến sức khỏe của mình và người thân trong gia đình có thể bị ảnh hưởng. Điều này dẫn đến họ thiếu tập trung vào công việc dẫn tới hiệu quả làm việc suy giảm. 

  • Thứ ba, nhân viên ái ngại việc “đi làm lại”, mất động lực khi trở lại làm việc

Sau “kỳ nghỉ dịch” dai dẳng, hẳn là nhân viên dần đã quen với cách làm việc tại nhà, họ đã có những sắp xếp phù hợp và cảm thấy cách làm mang lại hiệu quả tốt. Thế nhưng, hết giãn cách và phải quay trở lại văn phòng, suy nghĩ này ít nhiều sẽ làm ảnh hưởng đến trạng thái của nhân viên khi đi làm lại. Họ sẽ chưa sẵn sàng ngay lập tức để khôi phục năng suất làm việc như ban đầu.

Thêm nữa, trong giai đoạn tái khởi động, hoạt động kinh doanh gặp nhiều khó khăn và mức thu nhập thấp hơn sẽ khiến nhân sự bị mất động lực khi trở lại làm việc. Có thể tình trạng này không kéo dài quá lâu, nhưng người quản lý nhân sự cũng cần lưu ý để đưa ra giải pháp phù hợp, tránh tính trạng kéo dài làm giảm năng suất lao động chung.

Sau "kỳ nghỉ dịch" dai dăng, nhân viên sẽ chưa sẵn sàng ngay lập tức để khôi phục năng suất làm việc như ban đầu
Sau “kỳ nghỉ dịch” dai dăng, nhân viên sẽ chưa sẵn sàng ngay lập tức để khôi phục năng suất làm việc như ban đầu

Để giải quyết những thách thức với bài toán nhân sự, việc xây dựng chiến lược tối ưu nguồn nhân lực là yêu cầu bắt buộc với mỗi doanh nghiệp, nhằm phục hồi hoạt động nhanh nhất sau dịch, ổn định tổ chức và hướng tới mục tiêu lớn hơn.

Chiến lược tối ưu nguồn nhân lực hậu khủng hoảng Covid-19

Bước sang giai đoạn tái khởi động hậu khủng hoảng Covid-19, doanh nghiệp cần đánh giá lại kế hoạch nhân sự và có những điều chỉnh phù hợp vì kế hoạch cũ đã không còn phù hợp.  Tối ưu nguồn nhân lực bao gồm việc giữ chân và tuyển dụng thêm nhân sự phù thuộc vào nhu cầu kinh doanh. Ngoài ra, công ty nên có lộ trình và cam kết phát triển cho nhân sự trong giai đoạn này để họ có sự yên tâm và tập trung vào công việc.

Dưới đây là những giải pháp tối ưu nguồn nhân lực hậu Covid-19 mà doanh nghiệp có thể ứng dụng, giúp tái khởi động thành công, từng bước phục hồi kinh doanh và phát triển bứt phá trong thời gian tới.

Chế độ làm việc linh hoạt

Phương thức làm việc từ xa đang ngày càng phổ biến, và trong tương lai gần sẽ trở thành xu hướng chung cho hầu hết các doanh nghiệp trên toàn cầu. Ford Motor là cái tên mới nhất trong trong danh sách các công ty cho phép nhân viên làm việc tại nhà nhiều hơn, do tác động từ dịch Covid-19. Tháng 3/2021, tập đoàn này đã cho phép khoảng 30.000 nhân viên trên toàn thế giới có thể tiếp tục làm việc tại nhà vô thời gian, với gian linh hoạt được các cấp quản lý chấp thuận.

Trước đó, nhiều hãng công nghệ trên thế giới đã quyết định thay đổi chính sách, thậm chí cho phép nhân viên làm việc tại nhà suốt đời, ngay cả khi dịch bệnh kết thúc. 50% số nhân viên của Facebook có thể làm việc từ xa tại nhà trong vòng 10 năm tới, không cần phải đến công ty. Ở Twitter, những nhân viên làm công việc không đòi hỏi phải đến văn phòng cũng được phép làm việc tại nhà vĩnh viễn. Xu hướng tương tự cũng đang diễn ra đối với các tập đoàn lớn như Microsoft hay Shopify.

Phương thức làm việc từ xa ngày càng trở nên phổ biến
Phương thức làm việc từ xa ngày càng trở nên phổ biến

Tăng cường đào tạo và phát triển nhân sự

Hậu Covid-19, làn sóng chuyển đổi số cùng với những thay đổi trong cách vận hành công việc đã khiến những cách biệt về năng lực của nhiều doanh nghiệp trở nên rõ nét hơn. Đó đó, việc tăng cường đào tạo và xây dựng các chiến lược phải triển nhân sự trở thành mục tiêu hàng đầu của các doanh nghiệp.

Theo khảo sát toàn cầu của McKinsey, các nhà quản lý cấp cao đang bày tỏ sự quan ngại về tương lai của doanh nghiệp. Mặc dù đa phần các CEO nhận thức được những lỗ hổng kỹ năng trong doanh nghiệp của mình, nhưng chưa đến một nửa trong số họ tìm ra hướng giải quyết vấn đề triệt để.

Chính vì thế, nhà quản lý nhân sự cần xây dựng lộ trình phát triển kỹ năng hậu khủng hoảng hợp lý, cân nhắc kế hoạch đào tạo nhân viên lâu dài với những nội dung thiết thực, phù hợp để có thể tái khởi động thành công. Điều này sẽ giúp mỗi doanh nghiệp cũng như toàn bộ thị trường trở nên linh hoạt hơn và sẵn sàng ứng phó với những khủng hoảng bất ngờ. Nhiều nhà lãnh đạo cũng cho rằng, sự chững lại trong hoạt động kinh doanh như hiện tại sẽ là thời điểm lý tưởng để doanh nghiệp tập trung đào tạo và nâng cao kỹ năng cho đội ngũ nhân viên.

Đào tạo và phát triển nhân sự giúp doanh nghiệp trở nên linh hoạt, sẵn sàng ứng phó với những khủng hoảng bất ngờ
Đào tạo và phát triển nhân sự giúp doanh nghiệp trở nên linh hoạt, sẵn sàng ứng phó với những khủng hoảng bất ngờ

Hoạt động phát triển nhân sự sau khủng hoảng Covid-19 không chỉ dừng lại ở đào tạo kỹ năng chuyên môn mà nên tập trung vào những nội dung sau:

  • Các kỹ năng mới thích ứng và đảm bảo hiệu quả khi làm việc từ xa, bao gồm khả năng sử dụng các công cụ chuyển đổi số hỗ trợ tương tác.
  • Kỹ năng quản lý công việc từ xa: nhằm giải quyết các vấn đề như lãnh đạo hiệu quả từ xa và “giữ lửa” cho nhân viên trong giai đoạn khủng hoảng.
  • Kỹ năng quản trị thay đổi: đây là kỹ năng thiết yếu nhằm đáp ứng với những thay đổi trong công việc. Ví dụ: Một nhân viên bán hàng vốn quen với việc tương tác trực tiếp với khách hàng nay sẽ cần được phát triển kỹ năng bán hàng từ xa.
  • Kỹ năng lãnh đạo: Để đối phó với các khủng hoảng, doanh nghiệp cần xem xét thay đổi bộ máy cồng kềnh bằng một hệ thống mục tiêu rõ ràng và khả năng ra quyết định nhanh chóng. Các chương trình đào tạo, phát triển kỹ năng lãnh đạo có thể giúp doanh nghiệp đạt được mục tiêu này.

Bên cạnh đó, nhà quản trị nhân sự cần mô hình hóa các kỹ năng cần thiết đối với nhân viên và cung cấp các khóa học, đào tạo phù hợp ngay khi điều kiện thay đổi. Đồng thời, tạo cơ hội cho nhân viên tiếp xúc với đa dạng các nhiệm vụ hơn để thúc đẩy kỹ năng cần thiết cho họ.

Quản lý và khen thưởng dựa trên hiệu suất làm việc

Để tạo đòn bẩy giúp nhân sự gắn kết và làm việc hiệu quả hơn, chính sách lương thưởng cần được chú trọng trong thời điểm này. Các nhà lãnh đạo nhân sự nên kịp thời đánh giá lại cách thức và đưa ra chính sách phù hợp hơn, bởi trong giai đoạn này, tài chính của doanh nghiệp chưa thực sự ổn định cùng với những biến động nhân sự. Dưới tác động của địa dịch Covid-19 cùng xu hướng làm việc từ xa, quản lý dựa trên hiệu suất sẽ giúp việc đánh giá được chính xác và khách quan đối với nhân viên, đồng thời là cơ sở để đưa ra các chính sách khen thưởng hợp lý.

Quản lý dựa trên hiệu suất sẽ giúp việc đánh giá, khen thưởng trở nên khách quan, minh bạch
Quản lý dựa trên hiệu suất sẽ giúp việc đánh giá, khen thưởng trở nên khách quan, minh bạch

Để thực hiện giải pháp này hiệu quả, người quản lý nhân sự cần:

  • Liên kết rõ ràng và linh hoạt mục tiêu của nhân viên với ưu tiên của doanh nghiệp

Trong hoàn cảnh biến động hiện nay, doanh nghiệp cần thay đổi và thích ứng với tốc độ nhanh nhất có thể. Do đó, các nhà quản lý nên trò chuyện thường xuyên với nhân viên để cùng nhau xác định những hoạt động cần ưu tiên và linh hoạt tùy chỉnh theo điều kiện thực tế. 

  • Phát triển kỹ năng huấn luyện (coaching) cho cấp quản lý

Huấn luyện (coaching) giữ vị trí trọng tâm của hoạt động quản lý hiệu suất, đặc biệt khi nhân viên của bạn làm việc từ xa. Doanh nghiệp cần chú trọng đào tạo các kỹ năng và tư duy quản lý xung quanh việc huấn luyện và phản hồi liên tục giữa cấp quản lý và nhân viên.

  • Chú trọng vào cống hiến của toàn bộ nhân viên

Thay vì đầu tư quá nhiều thời gian vào việc xếp hạng (và khen thưởng) cho những nhân viên đạt thành tích, doanh nghiệp nên tập trung hơn vào việc tổ chức những buổi đối thoại phát triển kỹ năng và truyền cảm hứng cho toàn bộ nhân viên. Điều quan trọng là có chiến lược hợp lý để giữ chân nhân tài và thúc đẩy hiệu suất làm việc của tất cả nhân viên.

→ Tham khảo thêm Hiệu suất làm việc là gì? Làm thế nào để tăng hiệu suất làm việc của nhân viên?

Tối ưu trải nghiệm nhân viên, giữ chân nhân sự để bứt tốc hậu Covid-19

Trải nghiệm và sự gắn kết nhân viên là một yếu tố vô cùng quan trọng trong quản trị nhân sự, đặc biệt trong giai đoạn sau khủng hoảng Covid-19 khi tinh thần nhân viên có thể ảnh hưởng sau một thời gian làm việc từ xa.

Một lời khuyên hữu ích để tăng cường trải nghiệm của nhân viên là điều chỉnh cách tiếp cận theo hướng cá nhân hóa. Xây dựng hệ thống quy tắc làm việc nhằm thúc đẩy sự gắn kết và hòa nhập cho tất cả nhân viên. Bên cạnh đó, thay vì chỉ dựa vào khảo sát hàng năm, nhà quản lý nên xem xét ứng dụng những công cụ phân tích để nghiên cứu và thúc đẩy sự kết nối nhân viên thường xuyên.

→ Tham khảo thêm Employee Experience: Khi sự thành công của doanh nghiệp xoay quanh sự hài lòng của ứng viên

Các nhà lãnh đạo cũng cần tăng sự cam kết của nhân sự với doanh nghiệp. Điều này là quan trọng trong thời điểm hậu khủng hoảng bởi việc tuyển dụng đúng người luôn là một thách thức khó khăn. Mặt khác, chi phí đào tạo nhân viên mới sẽ tốn kém hơn so với những nhân sự đã có thời gian gắn bó với công ty, hiểu văn hóa của tổ chức. Để làm được điều này đòi hỏi nhà lãnh đạo cần cho nhân sự thấy tiềm năng phát triển của họ gắn với sự phát triển chung của tổ chức.

→ Tham khảo thêm 5 chiến lược giữ chân nhân viên hiệu quả trước nguy cơ “chảy máu chất xám”

Linh hoạt tuyển dụng, đối mặt với thách thức

Theo khảo sát Xu hướng tuyển dụng tại Việt Nam nửa cuối năm 2021 do ManpowerGroup Việt Nam phối hợp cùng Trung tâm Quốc gia về Dịch vụ việc làm (Cục Việc làm, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) thực hiện, bức tranh tuyển dụng của các doanh nghiệp trong nước được dự đoán sẽ mang màu sắc tươi sáng hơn trong giai đoạn cuối năm.

Sau khủng hoảng, những nhóm ngành như công nghệ, thương mại điện tử… được dự đoán tăng trưởng mạnh, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Những nhóm ngành chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch cũng kỳ vọng sẽ hồi phục và trở lại đường đua trong thời gian tới. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp cần phải đề ra chiến lược tuyển dụng lao động thay thế và lao động mới kịp thời để tối ưu hóa vận hành và nhanh chóng phục hồi, hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm 2021.

Bộ phận tuyển dụng của doanh nghiệp nên xem xét kỹ nguồn lực hiện tại và kế hoạch kinh doanh của tổ chức để cân nhắc tuyển dụng mới, đảm bảo nguồn nhân lực thức thời cả về trình độ lẫn phong độ để sẵn sàng cho những bất định chưa lường trước được trong năm mới.

Tìm kiếm và tuyển dụng nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ giúp doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi sau khủng hoảng
TTìm kiếm và tuyển dụng nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ giúp doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi sau khủng hoảng
  • Cân nhắc bài toán tuyển dụng nhân sự chất lượng cao cho các vị trí then chốt

Để giúp doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch, nhu cầu tuyển dụng nhân lực chất lượng cao của các doanh nghiệp trong tất cả các ngành nghề sẽ tăng lên nhanh chóng. Đặc biệt, trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang đẩy mạnh tiến trình chuyển đổi số.

Đối với những vị trí nhân sự cấp cao, liên quan đến mục tiêu phục hồi và ổn định kinh doanh trước mắt, doanh nghiệp cần đầu tư một đội ngũ nhân sự tinh nhuệ tài năng. Họ chỉ chiếm khoảng 10% số lượng lao động trong công ty nhưng lại thể hiện rõ sức ảnh hưởng của mình khi đem lại 90% lợi nhuận cho doanh nghiệp. 

Trong bối cảnh tái hoạt động và phục hồi sau khủng hoảng, những “key person” này sẽ là kim chỉ nam hướng doanh nghiệp đi trên con đường ngắn nhất và vạch ra tầm nhìn chiến lược để chèo lái con tàu doanh nghiệp vượt qua sóng gió thương trường.

Tham khảo Đi tìm lời giải cho bài toán tuyển dụng nhân sự cấp cao 

  • Xác định chân dung ứng viên lý tưởng mới

Trong bối cảnh mới còn nhiều bất định mà mỗi nhân viên cần phải linh hoạt thích ứng, doanh nghiệp cần ưu tiên những ứng viên vừa đáp ứng được các yêu cầu cơ bản của công việc, vừa có thể linh hoạt làm việc đa phòng ban và nhanh chóng thích nghi với môi trường làm việc. Một nhân sự đa năng không chỉ giải quyết bài toán nhân sự cho giai đoạn “chiến đấu” sắp tới mà còn mang lại động lực lớn cho doanh nghiệp linh hoạt vượt qua giai đoạn khó khăn.

Tham khảo thêm 8 đề xuất giúp doanh nghiệp duy trì & nâng cao hiệu quả tuyển dụng trong mùa dịch Covid-19

Sau hơn 5 năm thành lập với mức tăng trưởng 300% mỗi năm, có trong tay 100.000 khách hàng doanh nghiệp cùng hơn 4,5 triệu dữ liệu hồ sơ ứng viên, TopCV trở thành “hiện tượng” trong lĩnh vực HR Tech (công nghệ nhân sự). Tại thời điểm tháng 9/2021, TopCV đứng thứ #1 Việt Nam về số lượt truy cập của nền tảng tuyển dụng online theo thống kê của Alexa và #2 Việt Nam về Top Websites lĩnh vực Việc làm và tuyển dụng theo xếp hạng của SimilarWeb.

100.000 doanh nghiệp đã tuyển dụng hiệu quả cùng TopCV

Đi cùng tính năng khởi tạo và thiết kế CV trực tuyến ngay trên website tuyển dụng, TopCV nhanh chóng trở thành điểm đến phổ biến trong cộng đồng người tìm việc, phù hợp với việc tuyển dụng đa đối tượng, đa ngành nghề, từ sinh viên mới ra trường đến nhân sự có từ 3 đến 5 năm kinh nghiệm. 

Đặc biệt, với mong muốn hỗ trợ doanh nghiệp duy trì và nâng cao hiệu quả tuyển dụng trong thời điểm dịch bệnh, TopCV đã triển khai nhiều gói ưu đãi hấp dẫn, tiếp sức doanh nghiệp “vượt bão” Covid-19.

Lời kết

Đại dịch Covid-19 mặc dù đã đặt ra không ít thách thức và buộc doanh nghiệp phải nhanh chóng đưa ra những chiến lược phù hợp để tồn tại,phục hồi và phát triển. Hậu đại dịch chính là thời điểm để bộ phận nhân sự phát huy vai trò của mình trong việc xây dựng chiến lược quản trị nhân sự phù hợp và hiệu quả nhất. 

Cách hành động trong ngắn hạn, kết hợp với tầm nhìn dài hạn giúp các doanh nghiệp tối ưu nguồn nhân lực, giúp tổ chức vực dậy sau khủng hoảng và tái khởi động thành công. Hy vọng với những gợi ý trên đây, doanh nghiệp có thể nắm bắt được cơ hội và tăng trưởng bứt phá trong thời gian tới.

Tổng hợp

(*) Bài viết có tham khảo từ Link Power và ITD Vietnam